Wednesday 2 March 2016

KHUYNH HƯỚNG CỘNG HÒA CỰC HỮU TOÀN THẮNG (Việt Nguyên)





Việt Nguyên
Monday, February 29, 2016 1:32:38 PM 

Cuộc tranh cử tổng thống sơ bộ trong đảng Cộng Hòa sắp đến hồi kết thúc với ba gương mặt nổi bật: Donald Trump, Ted Cruz và Marco Rubio trong một “rừng” người.  

Ba gương mặt đang dẫn đầu của đảng Cộng Hòa tượng trưng cho hai thế hệ. Tỷ phú Donald Trump cũng giống như bà Hillary Clinton thuộc thế hệ sau chiến tranh, “Baby Boomer,” bùng phát trong thời phát triển, tiếp đến là thế hệ tan vỡ “baby bust” sau được đặt lại tên, thế hệ X (generation X), một thế hệ với nhiều tỷ lệ gia đình tan vỡ vì ly dị, thế hệ phải nhức đầu với thế hệ thầy “Hippies” của họ trong trường học.

Ba ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa. Từ trái: Rubio, Trump và Cruz. (Hình: Getty Images)

Thế hệ X sinh từ 1965 đến 1985 trưởng thành qua giáo dục trên đài truyền hình với những chương trình giáo dục Sesame Street và chương trình giải trí “Cosby Show,” thế hệ X với Michael Jackson trên sân khấu, nắm tay hát bài “We are the world, we are the people,” thế hệ của giới trẻ Mỹ thập niên 1980 trong thời chiến tranh lạnh tự hào: “ Người Mỹ chúng tôi nắm trong tay thế giới, đại diện cho thế giới.”

Khác với nhà tỷ phú Donald Trump giàu sẵn từ đời cha, các thượng nghị sĩ Ted Cruz và Marco Rubio thuộc thế hệ X tự lập khác hẳn các ứng cử viên Cộng Hòa các năm trước con dòng cháu giống như George W. Bush là con của tổng thống, Thống Ðốc Mitt Romney là con của thống đốc và Thượng Nghị Sĩ John Mc Cain cựu sĩ quan Hải Quân là con của một đề đốc Hải Quân. 

Ðại diện hai thế hệ nhưng ba ứng cử viên dẫn đầu đảng Cộng Hòa Trump, Cruz, Rubio, có cùng một khuynh hướng cực hữu cực đoan của đảng Cộng Hòa, cùng một khuynh hướng chính trị 3 ứng cử viên ca bài hát khác với bài “We are the world,” bài “anh em” của Howard Dietz”: “Chúng tôi giống nhau mọi thứ, dáng nhìn giống nhau, ăn mặc giống nhau, đi giống nhau, nói giống nhau và chúng tôi ghét nhau lắm!” Cả ba đều có chương trình loại bỏ Obama Care, chương trình y tế của đảng Dân Chủ. Donald Trump quá khích đòi xây bức tường ở biên giới Mễ, ngăn làn sóng di dân, kỳ thị người đạo Hồi. Ted Cruz với bài diễn văn dài nổi tiếng ở Thượng Viện đóng cửa hoạt động chính quyền, tự hào là thành phần bảo thủ chính hiệu. Marco Rubio thượng nghị sĩ tiểu bang Florida đánh bại người đỡ đầu chính trị của ông là Jeb Bush, tự hào là hậu duệ của Tổng Thống Ronald Reagan. 

Trong cuộc tranh cử sơ bộ, các ứng cử viên Cộng Hòa thiếu nhân dáng tổng thống từ giọng nói đến điệu bộ, điển hình là Donald Trump từ bài diễn văn chống Hồi Giáo, gây hận thù tôn giáo, kỳ thị nữ giới với giọng điệu chế nhạo nữ ký giả Megyn Kelly của đài truyền hình Fox một đài thiên về Cộng Hòa, đuổi ký giả đài truyền hình Univision, Jorge Ramos, ra khỏi buổi họp báo, gần đây ở Las Vegas Donald Trump đòi “đấm vào mặt” người phản đối trong buổi họp báo, cho thấy một tinh thần phản dân chủ của một ứng cử viên tổng thống ở quốc gia dân chủ. Hy vọng “Donald Trump sẽ nói hết những điều người dân ấm ức muốn nói rồi sẽ có ứng cử viên xứng đáng là tổng thống xuất hiện” có vẻ đã tắt.

Khẩu hiệu “sẽ làm nước Mỹ hùng mạnh lại” của Donald Trump làm dân thiểu số nghi ngại. Khẩu hiệu này trong thời kỳ sau Thế Chiến Thứ Hai đã ưu đãi người Mỹ trắng, chương trình xã hội không áp dụng đồng đều cho công nhân và nông dân gây ra sự sai biệt về lợi tức giữa những người Mỹ da trắng và dân Mỹ thiểu số. Donald Trump muốn làm Hoa Kỳ hùng mạnh lại đã được đa số công nhân da trắng ủng hộ. Càng ngày Donald Trump càng tự do phát biểu bừa bãi, khôi hài hay có ác ý với các đối thủ từ mùa Hè năm ngoái đến mùa Xuân năm nay, thì nhà tỷ phú Donald Trump càng được thêm phiếu. Thiếu bộ mặt của một ứng cử viên ôn hòa đã làm chủ tịch đảng Cộng Hòa Reince Priebus lo ngại. Chương trình “phát triển và cơ hội” của đảng nhắm phiếu của phụ nữ và giới trẻ, (những người từ năm 2012 đã không ủng hộ đảng Cộng Hòa) thất bại, thái độ đối xử với phụ nữ và những người di dân của Donald Trump đã làm họ thất vọng.

Khuynh hướng cực hữu năm nay của các ứng cử viên đảng Cộng Hòa thắng thế một phần vì ảnh hưởng của bà Sarah Palin, thái độ của bà Palin cũng thay đổi như kịch sĩ khi đứng đọc diễn văn ủng hộ Donald Trump.

Khuynh hướng quá độ này của đảng Cộng Hòa đến từ William Buckley năm 1955 với chủ trương “lương tâm của những người bảo thủ” dồn phiếu cho ứng cử viên Barry Goldwater. Năm 1964, ông Goldwater thất cử nhưng phát động được phong trào bảo thủ cực đoan chống lại chương trình New Deal của Tổng Thống Dân Chủ F.D. Roosevelt. Ông Barry Goldwater là ứng cử viên gốc Do Thái đầu tiên, ông Bernie Sanders năm nay là người thứ nhì. Chương trình của ông Goldwater có tất cả những yếu tố của phong trào đảng Trà (theo tác giả E. J. Dionne).

Năm mươi năm trước khi anh em Koch (ở Nữu Ước) tài trợ cho đảng Trà, tổ chức “người Mỹ cho thịnh vượng và tự do” của ông Goldwater chủ trương bãi bỏ chương trình an sinh xã hội, trợ cấp liên bang cho trường học và chương trình nông nghiệp. Tiếng nói của Donald Trump năm 2015, giống như quan điểm của ông Goldwater 60 năm trước, ông Goldwater chủ trương Hoa Kỳ không tham gia Liên Hiệp Quốc, không đóng góp ngân khoản vào LHQ và Hoa Kỳ phải sử dụng vũ khí nguyên tử bất cứ lúc nào, bom nguyên tử phải được dùng thường xuyên giết tất cả địch thủ của Hoa Kỳ (Donald Trump chủ trương bỏ bom nguyên tử giết tất cả gia đình thân nhân ISIS dù họ không phải là khủng bố). Cả nước ồn ào, phản đối không ai nghĩ ứng cử viên tổng thống như vậy có tư cách lãnh đạo Hoa Kỳ và thế giới.

Năm 1964, ông Goldwater ra tranh cử trong đảng Cộng Hòa, dựa vào số phiếu cử tri miền Nam có óc kỳ thị chủng tộc vì vậy ứng cử viên Nixon đã thắng với quan điểm chính trị ôn hòa hơn. Cuộc bầu cử năm 1968 là cuộc chọn lựa giữa các ứng cử viên đầy lòng thù ghét với những giọng điệu khiêu khích như Donald Trump. 

Tổng Thống Eisenhower là tổng thống Cộng Hòa đầu tiên sau thời kỳ chính sách kinh tế xã hội mới (New Deal) của thời Roosevelt và Truman. Khi ra tranh cử tổng thống, Eisenhower chủ trương loại bỏ chương trình của đảng Dân Chủ giống như các ứng cử viên đảng Cộng Hòa năm nay hứa sẽ bỏ chương trình y tế Obama Care, chương trình đánh dấu thời kỳ Obama. Nhưng sau khi đắc cử tổng thống, Eisenhower đi theo đường lối của các đảng viên Cộng Hòa ôn hòa, chấp nhận chính sách kinh tế xã hội mới của Tổng Thống Roosevelt là căn bản của chương trình xã hội cho người Mỹ, giữ an sinh xã hội và bảo hiểm thất nghiệp chỉ bỏ chương trình nông nghiệp. Ông chống chủ trương quá khích của Buckley (sáng lập tờ báo National Review năm 1955) chính sách của TT Eisenhower là chính sách trung dung. Ðược khen là thông minh, khôn ngoan, chính trị khôn khéo, TT Eisenhower lại bị mang tiếng nhu nhược. Khi Hung Gia Lợi nổi dậy chống Xô Viết, Hoa Kỳ đã đứng nhìn không can thiệp quân sự như TT Eisenhower, một đại tướng chỉ huy giải phóng Normandy, đã hứa.  

Giới Cộng Hòa cầm đầu bởi Buckley kêu gọi dân Mỹ ký bản ủng hộ Hung Gia Lợi, không buôn bán trao đổi hàng hóa với các nước bên kia bức màn sắt. Vợ ông Buckley làm gương không ăn trứng cá Nga trong bữa ăn chiều. Robert Welch sáng lập viên Hội Birch, một hội chống Cộng, gọi Tổng Thống Eisenhower là một tên cộng sản bí mật giống như Obama bị xem là người Hồi Giáo giả dạng Thiên Chúa Giáo bởi các thành phần Cộng Hòa cực đoan. 

Sau TT Eisenhower đến TT Richard Nixon. Các đảng viên Cộng Hòa chống Cộng đã xem TT Nixon là kẻ phản bội, phản đảng và phản quốc. TT Nixon với chính sách hòa hoãn đã dùng Henry Kissinger thương lượng với Xô Viết và tái lập bang giao với Trung Cộng, một người nổi tiếng chống Cộng nay bán đứng đồng minh Việt Nam Cộng Hòa và các nước dân chủ để đi hàng hai với cộng sản. Chính sách đối nội của Nixon cũng thay đổi sau khi ông lên làm tổng thống. Chính quyền Nixon kiểm soát lương và giá hàng đồng thời theo chính sách an sinh xã hội của Patrick Moynihan. 

Lên làm tổng thống, Gerald Ford cũng bị giới Cộng Hòa bảo thủ chống đối không chỉ vì TT Ford đã ân xá cho TT Nixon về tội Watergate mà còn tiếp tục con đường hòa hoãn với Xô Viết và Trung Cộng của Henry Kissinger. 

Ðến thời TT Ronald Regan, một tổng thống được xem là đập đổ chế độ Cộng Sản Xô Viết với lời thách thức Tổng Bí Thư Gorbachev “hãy đập đổ bức tường này” khi đứng ở bức tường ô nhục Bá Linh. Ðảng viên Cộng Hòa cực đoan đã chống TT Ronald Reagan về chính sách bãi bỏ vũ khí nguyên tử, tăng thuế sau khi giảm thuế lúc ban đầu, không giảm sự kiểm soát và can thiệp của chính quyền vào đời sống dân như lời hứa trong thời kỳ tranh cử và nhất là chính sách buôn bán vũ khí bí mật cho Iran. 

Qua đến đời TT George W. Bush ông cũng bị đảng viên Cộng Hòa chỉ trích vì tăng thuế, gia tăng chương trình y tế thuốc Medicare phần D cho người già trên 65 tuổi, gia tăng chương trình giáo dục công thay vì giáo dục tư như chủ trương của đảng Cộng Hòa. TT Bush trong những năm chót đã có chính sách đối nội giống đảng Dân Chủ và chính quyền can thiệp nhiều trong các chương trình y tế giáo dục. 

Qua cuộc tranh luận gần như là cãi nhau giữa các ông Donald Trump, Ted Cruz và Marco Rubio ngày 25 tháng 2, 2016, hai bộ mặt của đảng Cộng Hòa hiện rõ che giấu bộ mặt thật chính trị từ bao nhiêu năm qua. Như nhận định của Joe Sarborough nhà phân tích thời sự theo sát đảng Cộng Hòa các nhà lãnh đạo đảng đu đưa giữa ôn hòa và cực đoan theo thời cuộc. Trong vòng nửa thế kỷ qua chỉ có hai tổng thống xuất sắc có lập trường ôn hòa là Ronald Reagan và Eisenhower.

Ý tưởng Hoa Kỳ bình đẳng không còn kỳ thị chủng tộc vẫn chỉ là giấc mơ, ứng cử viên Donald Trump đã đưa người Mỹ trở về với thực tế từ cách nói đến chương trình tống cổ 11 triệu người Mễ di dân bất hợp pháp về nước, xây bức tường ở biên giới Hoa Kỳ và Mễ, chương trình như chương trình của TT Eisenhower 60 năm về trước không thực tiễn ở thế kỷ thứ 21. Bầu tổng thống da đen 8 năm trước trên thức tế không chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc, nó chỉ che đậy làn sóng kỳ thị âm ỉ của những người Mỹ da trắng bộc lộ qua ứng cử viên da trắng.

Năm 2016, Donald Trump tố cáo Ted Cruz không phải là công dân Mỹ, cùng một ông Trump đã tố cáo TT Obama không phải là người Mỹ 8 năm về trước. Những ý tưởng của ông Trump đã gieo vào đầu dân Mỹ theo Cộng Hòa, tháng 9 năm 2015, cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ có 29% dân Mỹ đảng Cộng Hòa cho là TT. Obama sinh ở Mỹ (trong những người ủng hộ ông Trump con số này ít hơn chỉ 21%) 54% nghĩ TT Obama là người Hồi (66% giữa những người ủng hộ ông Trump). Ông Trump bước vào chính trị bằng chiến thuật lật đổ nền tảng chính trị đã được thiết lập, chiến thuật đầu tiên giúp ông Trump nổi tiếng là loan tin TT Obama không có giấy khai sinh thật. Dư luận báo chí đã cười, nhưng giờ đây đa số dân Cộng Hòa vẫn cho tin vịt ấy có thật giống như những tin trên mạng không được kiểm chứng. 

Con đường ôn hòa của những người theo đảng Cộng Hòa là con đường khó khăn. Ông Buckley gọi những người Cộng Hòa ôn hòa là thành phần vô đạo đức. Những giá trị khoa học nhân bản đã được chứng minh là nền tản văn minh Âu Mỹ đã bị Buckley và đảng viên quá khích từ bỏ như: hiện tượng nóng toàn cầu, bình đẳng sắc tộc, phái tính, tôn giáo, thuyết tiến hóa. Những tư tưởng quá khích đôi khi giống Hồi Giáo quá khích đã ảnh hưởng lên giới trẻ. E. J. Dionne Jr trong sách “Tại sao phe hữu đi con đường sai” đã hy vọng thành phần ôn hòa sẽ cứu đảng với những người cải tổ “Reformicons” sẽ ngược với “Neocon.” Ông có giấc mơ của Russell Kirk là người Mỹ đảng Cộng Hòa sẽ như Henry David Thoreau ôn hòa, tâm bình an như Phật “Yankees Buddhists”! 

Những người ôn hòa trong đảng Cộng Hòa khó đi con đường này trong mùa tranh cử khi họ nhớ thành phần cực hữu đã ghét TT Bush bố (ngồi trong hội trường Ðại Học Houston ngày 25 tháng 2, 2016) kêu gọi “tử tế và nhẹ nhàng hơn” để đốt lên “ngàn ngọn đèn cháy sáng” hay khi TT Bush con kêu gọi “bảo thủ với từ tâm” hứa hẹn “không bỏ trẻ em nào” trong nền giáo dục. 

Qua các cuộc bầu cử sơ bộ, các ứng cử viên quá khích của đảng Cộng Hòa không được giới trẻ có trình độ văn hóa giáo dục cao đẳng và đại học ủng hộ, họ được giới công nhân ủng hộ (42%) và ít được sự ủng hộ của phái nữ (29%). 53% cử tri đảng Cộng Hòa đã cảm thấy bị phản bội. Tôn giáo đóng vai trò lớn trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Hoa Kỳ là quốc gia Thiên Chúa Giáo, đa số là Tin Lành phái Phúc Âm (Evangelical, Born again Christian). Khối cử tri này đã ủng hộ tỷ phú Donald Trump dù Giáo Hoàng Francis Ngày đi thăm Mexico đã chỉ trích: “Ông Trump không phải là người Thiên Chúa Giáo,” người quá khích như ông Trump không xây cầu chỉ xây bức tường chia rẽ. Trong mùa tranh cử giới Cộng Hòa quá khích đã bỏ quên tinh thần đạo đức chỉ chú trọng vào chính trị.

Nhà văn Elizabeth Samet đã nhận định: “Từ đầu thế kỷ 21, cả thế giới và Hoa Kỳ đang ở trong cơn khủng hoảng lãnh đạo” lợi dụng cơn khủng hoảng này, khuynh hướng quá khích trong đảng Cộng Hòa với Donald Trump đang thắng khi dân Mỹ đang muốn thay đổi 8 năm lãnh đạo của TT Obama.



No comments:

Post a Comment

View My Stats