Monday, 21 March 2016

KHÔNG ĐƯỢC LOẠI ỨNG CỬ VIÊN BẰNG CẢM TÍNH (Nguyễn Tường Thụy)





Mon, 03/21/2016 - 02:40 — nguyentuongthuy

Quan chức nào phát ngôn "tổ chức phản động đứng sau một số người tự ứng cử?"

Với 96 người tự ứng cử ở Hà Nội và Sài Gòn vừa được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc địa phương thông qua toàn bộ, cộng với danh sách ở các tỉnh khác thì số tự ứng cử năm nay không phải là nhiều. Điều đáng nói trong mùa bầu cử lần này là sự xuất hiện phong trào tự ứng cử của những người hoạt động trong các tổ chức xã hội dân sự, tạm gọi là những ứng cử viên độc lập. Nếu những ứng cử viên độc lập trước đây lẻ loi, đơn độc  như Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Đài, Đỗ Việt Khoa… thì riêng ở Hà Nội lần này con số đó là 9 người: Nguyễn Quang A, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Tường Thụy, Phan Văn Phong, Nguyễn Đình Hà, Đỗ Việt Khoa, Phạm Chí Thành.

Việc có vẻ “dĩ hòa vi quý”, dễ dàng thông qua 100% ứng cử viên ở Hiệp thương vòng 2 chưa thể gọi là thắng lợi của những người tự ứng cử. Tất cả mọi cam go, thậm chí khốc liệt nhất vẫn còn nằm ở phía trước: tổ chức lấy ý kiến của cử tri ở nơi ứng cử viên cư trú và hiệp thương vòng 3.

*
Hình được cho là văn bản "quán triệt trúng cử" ở kỳ bầu cử khóa 13. Ảnh: facebooker Đinh Văn Hải.

Nếu bầu cử ở Việt Nam tiến hành theo đúng tinh thần dân chủ, chỉ căn cứ vào pháp luật và không có sự can thiệp của các thế lực thì chẳng có gì đáng nói. Những thủ đoạn loại ứng cử viên độc lập ở các khóa trước khiến họ ám ảnh đến tận bây giờ. Công dân Việt Nam có quyền tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Thế nhưng khi họ tự ứng cử thì lại tạo nên một làn sóng đối phó với họ bằng đủ mọi thủ đoạn từ tinh vi đến hèn hạ. Những thủ đoạn ấy đã thể hiện ngay từ khi ứng cử viên mới tuyên bố, chưa kịp làm hồ sơ cho đến lúc này như bôi nhọ ứng cử viên trên mạng, nhận xét tùy tiện, trái luật vào lý lịch, câu giờ cho đến hết hạn nộp hồ sơ…

Luật sinh ra để điều chỉnh mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, điều chỉnh hành vi của con người. Vì vậy, việc tổ chức bầu cử, từ việc xác nhận lý lịch, nhận hồ sơ, hiệp thương, lấy ý kiến cử tri, tổ chức bầu rồi kiểm phiếu phải căn cứ vào pháp luật, chứ không phải theo cảm tính.

Luật Tổ chức Quốc hội qui định tiêu chuẩn của đại biểu quốc hội như sau:
1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Vì vậy, bất cứ một sự đánh giá nào, từ đâu đối với ứng cử viên đều phải lấy tiêu chuẩn đại biểu quốc hội ra để so sánh. Đưa ra một nhận xét nào cũng cần phải tính đến trước hết là điều đó có trái với tiêu chuẩn đại biểu quốc hội hay không. Sau đó là nhận xét ấy có cơ sở hay không.

Ví dụ, UB xã Vĩnh Quỳnh nhận xét về tôi “có lời nói và việc làm không ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Chưa nói đến việc ghi thêm phần nhận xét là trái luật nhưng rõ ràng tiêu chuẩn đại biểu quốc hội không có chuyện phải “ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Ngược lại, đại biểu quốc hội cần phải biết và dám phản biện chính sách của Đảng và nhà nước nếu chính sách, chủ trương ấy là sai lầm. Nếu không, quốc hội chỉ bầu ra được những nghị gật.

Trên thực tế, các bộ luật, kể cả Hiến pháp luôn bị thay đổi vì nó không phù hợp. Pháp luật, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đâu khải khuôn vàng thước ngọc mà cứ phải ủng hộ, không dám phản biện nó. Nếu đó là khuôn vàng, thước ngọc thì đất nước ta đâu đến mức be bét ra như thế này.

Ví dụ khác: nhận xét của phường Lý Thái Tổ vào lý lịch ứng cử viên Nguyễn Đình Hà rằng anh đã “12 lần tụ tập đông người” (đi biểu tình chống Trung Cộng). Trước hết cần phải xem việc biểu tình có trái luật không, nghị định 38/2005/CP có vi hiến không hoặc có thể dùng nó để điều chỉnh quyền công dân được ghi trong Hiến pháp không. Kể cả khi ứng cử viên vi phạm thật đi chăng nữa cũng phải xem, qui định bị xử lý từ mức nào trở lên thì được coi là không đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu quốc hội. Ví dụ không thể căn cứ vào một lần anh ta vượt đèn đỏ rồi kết luận không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội được.

Sau đó lại phải cần đến các biên bản hay hình ảnh, xem 12 lần ấy anh ta tụ tập như thế nào vào thời gian nào chứ không thể nhận xét khơi khơi như thế được. Trên thực tế, có rất nhiều người bị công an Hoàn Kiếm bắt khi đang đi cùng 2,3 người, đang ngồi ghế đá, thậm chí công an còn sục cả vào quán cà phê để bắt. Có lần hai cháu học sinh phổ thông ở Hà Đông bị công an bắt trên đường về chỉ vì trước đó các cháu đứng nói chuyện với tôi tại Bờ Hồ. Việc nhận xét ứng cử viên bị công an cảnh cáo cũng cần phải xem xét tính pháp lý của quyết định ấy. Công dân phạm luật hay công an phạm luật mà không dám đưa quyết định cho người bị cảnh cáo?

Mọi việc liên quan đến tổ chức bầu cử  đều phải minh bạch, rõ ràng, có căn cứ, chứ không thể ai thích nhận xét công dân thì nhận xét. Cha mẹ có thể nhận xét con cái ngoan hay hư, chứ mấy vị chủ tịch, phó chủ tịch phường xã đâu phải cha mẹ dân. Đối với nhân dân mà làm như thế vừa trái luật lại vừa hỗn hào. Tai hại hơn nữa khi những vị đó không vì lợi ích của đất nước, của nhân dân mà chỉ lấy lợi ích của đảng hay phe nhóm nào đó làm tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất đạo đức của mỗi người.

Những việc làm tùy tiện như trên vừa nói lên trình độ hiểu biết pháp luật quá non kém vừa nói lên sự lạm, lộng quyền và tâm địa đen tối của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong bộ máy nhà nước. Ông Đào Văn Bình, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam còn “dọa“Khi thực hiện đưa về tổ dân cư nhận xét, để xem những ứng viên đó có chấp hành pháp luật hay không”. Cần phải hiểu rằng, đưa ứng cử viên về tổ dân phố là để lấy tín nhiệm của cử tri, có thể biết thêm thêm về lối sống, đạo đức của ứng cử viên đó. Còn việc chấp hành pháp luật như thế nào thì đã có trong hồ sơ của công an. Không nghe lời hay phản đối một ông chủ tịch, một bà bí thư đâu có phải nói lên việc có chấp hành pháp luật hay không.

*
Gần đây có một số phát ngôn mà dư luận, kể cả báo chí nhà nước và những người có trọng trách phản đối hay không đồng tình như "một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động". Thông tin này được một thành viên trong đoàn giám sát công tác bầu cử do ông Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, nêu nhận định của Tiểu ban an ninh Hội đồng bầu cử quốc gia. Không đồng tình với nhận định này, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng: “Không nên nói một cách chung chung như vậy. Nếu chỉ ra được thì nói, còn không thì không nên nói vì sẽ ảnh hưởng đến người tự ứng cử”. 

Còn ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hoá xã hội của UB TƯ MTTQ Việt Nam nói ông hơi sửng sốt khi mà đang vận động người dân tự ứng cử, thì lại nói có tổ chức phản động đứng sau. Ông cho rằng kiểu đưa thông tin chung chung, không chỉ rõ cụ thể ai khiến những người tự ứng cử chung bị ảnh hưởng: "Cách làm này dường như muốn hạn chế quyền làm chủ của nhân dân, xúc phạm đến những trường hợp tự ứng cử chân chính, đặc biệt là giới nhân sĩ, trí thức họ là người có tự trọng cao rất bất bình với kiểu thông tin này" 

Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Ts Nguyễn Xuân Diện lập tức gửi thư đến Hội đồng bầu cử quốc gia yêu cầu làm rõ việc này.

Rõ ràng, đây là một nhận xét hồ đồ, không có căn cứ. Để chứng minh vấn đề này, Tiểu ban an ninh Hội đồng Bầu cử quốc gia cần phải làm rõ những nội dung sau:
- Thế nào là phản động? Những tổ chức phản động là tổ chức nào?
- Các tổ chức này cung cấp tài chính cho ứng cử viên nào với số tiền là bao nhiêu?
- Bằng chứng để khẳng định hai điều trên.
- Việc các ứng cử viên nhận tiền của các tổ chức này vi phạm điều nào của luật pháp hay tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.

Nói thế để biết, khi phát ngôn, đánh giá vấn đề gì cần hết sức thận trọng, chứ không phải thích nói xấu ai thì cứ việc tưởng tượng ra. Tôi dám chắc tiểu ban này không thể trả lời được.

Bà Đào Thanh Hương - Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Hà Nội thì cho rằng một số người tự ứng cử không nghiêm túc, ứng cử đại biểu quốc hội kiểu chơi chơi. Vậy xin bà chỉ ra đó là ai, chứ bà không thể nói khơi khơi được.

Bà Hương còn nói: “Việc ai bước được vào vòng 3 (hiệp thương) thì khi đó TRÍ TUỆ của chúng ta” (tôi nhấn mạnh chữ TRÍ TUỆ).

Đúng là những người tham gia hiệp thương rất cần phải có trí tuệ, hơn nữa cần có phẩm chất. Tôi thì lo ngại rằng, những người có kém trí tuệ, kém phẩm chất lại ngồi với nhau để quyết định sinh mạng chính trị của người có trí tuệ, có phẩm chất. 

*
Công việc bầu cử mới đi được 1/3 chặng đường. Phải có sự công khai, minh bạch trong các bước tiếp theo. Đặc biệt, việc loại ai ở vòng 3 cần phải có mặt ứng cử viên để đối chất, chứ không thể để một số người ngồi quyết định loại họ ra trong khi họ không hiểu lý do gì. Tôi nghe nói luật sư Võ An Đôn năm 2011 bị loại ra ở vòng 3 mà không hiểu tại sao, chỉ biết rằng  “nghe những người tham dự kể lại là họ đấu tố và nói xấu tôi dữ lắm”.

Điều đáng khích lệ là mùa kỳ bầu cử lần này là những ứng cử viên độc lập không còn lẻ loi. Họ được sự động viên, cổ cũ rất nhiều từ khối xã hội dân sự, truyền thông ngoài nước. Nhiều cán bộ có trọng trách cũng đã mạnh dạn phản đối những phát ngôn đi ngược lại tinh thần dân chủ như đã kể trên. Đặc biệt, báo chí khi đưa tin, mặc dù không bình luận nhưng nhiều trang báo cũng ngầm ủng hộ những người tự ứng cử khi họ bị cư xử bất bình đẳng. Qua cách giật tít, ta có thể thấy rõ điều này. Chỉ tiếc rằng, những cơn gió mát mẻ ấy vẫn còn hiếm hoi chưa đủ làm dịu đi không khí ngột ngạt trong mùa bầu cử năm nay.

19/3/2016
NTT





No comments:

Post a Comment

View My Stats