Friday 4 March 2016

KHẢ NĂNG ĐIỀU HÀNH của BỘ TỨ MỚI (Nguyễn Ngọc Bảo)





Nguyễn Ngọc Bảo
Cập nhật: 2/03/2016

Đại Hội Đảng lần thứ 12 (20-28/1/2016) của đảng CSVN đã tuyển chọn xong các thành phần lãnh đạo cốt lõi để điều hành Việt Nam trong năm năm tới (2016-2021).

Từ trái sang phải: Ông Nguyễn Phú Trọng, ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân

Bộ tứ mới gồm Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng CSVN và từ tháng 6/2016 trở đi ông Trần Đại Quang sẽ là Chủ tịch Nước (hiện là bộ trưởng bộ Công An), Nguyễn Xuân Phúc sẽ là Thủ Tướng (hiện là Phó Thủ Tướng) và Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ là Chủ Tịch Quốc Hội (hiện là Phó Chủ Tịch Quốc Hội). Đây là một hình thức nhân nhượng của phe Trọng sau khi đã loại được đối thủ hàng đầu Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi bộ tứ và ra khỏi Bộ Chính Trị. Vì Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc được xem là thuộc vây cánh Nguyễn Tấn Dũng.

Bộ tứ này kém bộ tứ nhiệm kỳ vừa qua về chiều dài kinh nghiệm đối với quốc tế, cũng như trong nội bộ đảng CSVN.

Từ Đại Hội 8 (1996-2000) về trước, nội tình Đảng CSVN chưa lệ thuộc nhiều vào thế giới bên ngoài về mặt phát triển kinh tế, giao thương dù Hoa Kỳ đã bãi bỏ cấm vận và tái lập bang giao từ 1995, nên bề dầy trong đảng là yếu tố then chốt để leo lên tột đỉnh của quyền lực và giàu sang.

Nhưng từ Đại Hội 9 (2001-2005) đến nay, sự lệ thuộc vào thế giới bên ngoài ngày gia tăng (Tổng số xuất nhập cảng gấp 2 lần / GDP 190 tỷ MK năm 2014, một tỷ lệ gấp đôi Trung Quốc), khi CSVN đi theo hướng cởi mở kinh tế, giao thương thế giới tây phương để sống còn.

Do đó, bề dầy trong nội bộ đảng ngày càng bớt quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay so với khả năng điều hành quốc gia mang nặng tính kỹ trị (nắm vững các nguyên tắc vận hành trong tương quan quốc tế, quản trị điều hành kinh tế hữu hiệu, bảo vệ quyền lợi và chủ quyền của dân tộc. …).

Nhìn vào Nghị Quyết của Đại Hội 12 với 6 nhiệm vụ lớn được đề ra, trong đó 2 nhiệm vụ liên quan đến vấn đề chỉnh đốn đảng, đẩy lùi suy thoái tư tưởng và chống tham nhũng được đưa lên đầu tiên và cho đó là nhiệm vụ quan trọng. Trong lúc vấn đề phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền, 2 nhu cầu sinh tử của dân tộc chỉ ở mức độ thấp hơn. Điều này nói lên, lãnh đạo CSVN coi sự tồn vong của đảng cao hơn quyền lợi sinh tử của dân tộc.

Bộ tứ mới sẽ phải giải quyết 3 vấn đề để đảng CSVN tiếp tục cầm quyền: 1) Vấn đề phát triển kinh tế, trong bối cảnh gia nhập TPP, 2) Vấn đề chủ quyền trên Biển Đông trước các hành động xâm lược tằm ăn dâu của Trung Quốc, 3) Vấn đề ảnh hưởng nặng nề Trung Quốc trên guồng máy điều hành quốc gia ở mọi tầng.

Phát triển kinh tế để ổn định chính trị

Hiện nay tình hình phát triển kinh tế Việt Nam đang từ từ khựng lại ở mức 5-6% (sau khi tăng trưởng ở mức trung bình 10% trong thập niên 2003-2013) cũng như nền kinh tế Trung Quốc (từ 10% xuống dưới 7%, trên thực tế khoảng 3-4% theo những nguồn thống kê hợp lý ngoài nhà nước Trung Quốc).

Vì dựa chính yếu về xuất khẩu, dưới sự chủ đạo của các Tổng Công Ty nhà nước (lâm nghiệp, dầu khí, xây tầu, xi măng, địa ốc...) và đầu tư ngoại quốc (FDI 95 tỷ MK 1996-2014), nên kinh tế Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào sự thay đổi về cạnh tranh, giá cả trên thương trường và tình hình chính trị của thế giới (nông nghiệp chiếm 18%, kỹ nghệ 38%, dịch vụ 44%). Trong lúc đó, Hà Nội không quan tâm đến thị trường nội địa qua việc nâng cao mức sống của người dân.

Cả Bắc Kinh và Hà Nội chủ trương kiểm soát khả năng vươn lên của kinh tế tư nhân, với các giới hạn về thông tin (kiểm duyệt), ngăn cấm các hình thức công đoàn độc lập, các hình thức sinh hoạt kinh tế ngoài khu vực quốc doanh, có thể đe dọa độc quyền lãnh đạo của đảng CS.

Vì thế, mặc dù lãnh đạo CSVN biết là muốn phát triển kinh tế cần phải dựa vào kỹ thuật, đầu tư, thị trường bên ngoài như trường hợp Hà Nội đang mở rộng giao thương với khối ASEAN, Liên Âu; nhưng vì sợ quyền lực kinh tế vuột khỏi tầm kiểm soát của đảng nên tiếp tục duy trì quyền lực của các Tập đoàn kinh tế.

Vấn đề hiện nay của lãnh đạo CSVN là làm sao duy trì các tập đoàn kinh tế, tổng công ty thua lỗ hàng trăm triệu MK hầu nuôi dưỡng guồng máy bảo vệ chế độ. Mặt khác tạo ra không gian kinh tế vừa đủ cho người dân kiếm sống, hầu làm giảm các áp lực chống đối, vừa trung hòa các áp lực đòi mở rộng thêm về mặt chính trị và các quyền tự do căn bản của con người.

Hiện nay, áp xuất tự do thông tin rất mạnh qua sự phát triển vượt bực của mạng Internet (50,1% dân Việt Nam có khả năng truy cập vào mạng, 35 triệu trương mục Facebook) và các áp lực cạnh tranh đến từ giao thương với các thị trường bên ngoài. Đây là những yếu tố khác biệt so với bối cảnh thế giới lúc xảy ra biến cố Đông Âu vào năm 1989 (lúc đó mạng Internet chưa bùng nổ và áp lực giao thương từ các thị trường bên ngoài không mạnh như vào thời điểm 2016).

Nhìn vào thành phần tứ trụ, người ta không thấy ai có tầm vóc, kinh nghiệm để vạch ra hướng phát triển cho Việt Nam, vừa tăng trưởng về mặt kinh tế với mức sống khá hơn cho quảng đại quần chúng, vừa thanh lọc bộ máy nhà nước và bảo vệ chủ quyền.

Nền kinh tế Việt Nam hiện bước vào giai đoạn xã hội, kinh tế tương đương với các chế độ CS Đông Âu trước khi sụp đổ (1990 TSL Đầu Người Ba Lan 1700 MK, Tiệp Khắc 3900 MK, Hung Gia Lợi 3300 MK, vào năm 2014 Việt Nam 2050 MK, 5200 MK nếu tính theo PPP Purchasing Power Parity). Trong lúc xã hội, kinh tế Trung Quốc đã kinh qua được giai đoạn bản lề đầu tiên này nhờ chính sách Hiện đại hóa thời Đặng Tiểu Bình, nhưng hiện đang tồn đọng nhiều khó khăn chưa giải quyết và có nguy cơ bùng vỡ trong tương lai.

Khác với Nguyễn Tấn Dũng có 20 năm kinh qua hai trách vụ Phó Thủ Tướng và Thủ Tướng, trong khi Nguyễn Xuân Phúc chỉ có 5 năm thực tập vai trò Phó Thủ Tướng nên người ta không thấy một khả năng nổi trội nào về vấn đề phát triển kinh tế (ngoài trách nhiệm Uỷ Viên Uỷ Ban Kinh Tế – Ngân Sách Quốc Hội Khóa XI (2004-2006). Kinh nghiệm của Nguyễn Xuân Phúc đa phần là chuyên về nội bộ đảng như Phó Bí Thư Đảng Ủy Đà Nẵng, Phó Bí Thư Ban Cán Sự Đảng.

Ngoài ra, ông Phúc cũng từng được giao các trách nhiệm như Chủ Tịch Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia, Phòng Chống bệnh HIV/AIDS, có nghĩa là những trách nhiệm hoàn toàn phụ thuộc trong một guồng máy cầm quyền và cũng thất bại trong trách vụ (tham nhũng trong giao thông, số người chết, bị thương về tai nạn gia tăng vượt bực, AIDS vẫn gia tăng vì tệ nạn xã hội mãi dâm, băng đảng).

Trong khi đó, Nguyễn Tấn Dũng, tuy đã bị đối thủ loại ra khỏi thượng tầng đảng qua Đại Hội 12, nhưng gia đình và phe cánh đã có hơn 20 năm để bám rễ tại tỉnh Kiên Giang, chia nhau các trách nhiệm trong các tổng công ty, dầu khí, điện lực, khoáng sản, hàng không, ngân hàng cũng như đặt vây cánh trong thượng tầng đảng để lo cho việc hạ cánh an toàn, bảo vệ các quyền lợi thâu tóm được một cách phi pháp.

Trong vòng đai thân cận Nguyễn Tấn Dũng, các ngân hàng, công ty được thành lập và hoạt động theo kiểu mafia, hỗ trợ, bao che lẫn nhau dưới ô dù cùa Thủ Tướng. Con gái Nguyễn Thanh Phượng thành lập Quỹ đầu tư Viet Capital, Nguyễn Thanh Nghị con trai của Nguyễn Tấn Dũng (Bí Thư Tỉnh Kiên Giang) nhận thiết kế các công trình xây dựng lớn.

Theo đơn tố cáo của một đảng viên đảng CSVN mới đây, phe Nguyễn Tấn Dũng điều hành Bitexco Group (Vũ Quang Hội), Ngân hàng Phương Nam (Trầm Bê), Ngân hàng An Bình (Vũ Văn Tiền), Ngân hàng Đầu Tư BIDV (Trần Bắc Hà), Ngân hàng Á Châu (Nguyễn Đức Kiên), Ngân hàng Sài gòn (Lê Quang Nhường Mười Rua), Lilama (Phạm Hùng), Tổng công ty Hàng Không VN (Phạm Ngọc Minh), Vinacapital (Don Lam), Savico (Lê Hùng), FPT (Trương Gia Bình), công ty Bình An Cần Thơ (Nguyễn Thị Diệu Hiền). Tổng số Tài Sản Phi Pháp của gia đình Nguyễn Tấn Dũng lên đến hàng chục tỷ MK, đầu tư trong nhiều lãnh vực chuyên chở, địa ốc, nhà thương,.. trong nước, cũng hàng tỷ MK đầu tư tại các chợ tại Bá Linh, Nam California Hoa Kỳ.

Phe Nguyễn tấn Dũng dù ở bên ngoài thượng tầng đảng nhưng nắm nguồn tài chánh, đầu tư, vẫn nhúng tay can thiệp vào các lựa chọn, chuẩn bị vây cánh cho sự thay đổi lãnh đạo sắp tới.

Phe Nguyễn Phú Trọng sẽ tìm mọi cách để loại vây cánh Nguyễn Tấn Dũng trong guồng máy công an, kinh tế qua việc lợi dụng các điều khoản trong Hiệp Ước TPP. Tung ra nhiều chi tiết về thâm cung bí sử, tài sản phi pháp các thành phần lãnh đạo đối thủ nhằm triệt hạ uy tín và thế lực đối thủ. Cuộc đấu đá trên mặt trận kinh tế sẽ tiếp tục.

Nói tóm lại, lãnh đạo CSVN không có tầm nhìn xa và không linh động về kinh tế như Trung Quốc, nên kinh tế Việt Nam sẽ khựng lại, nhất là với một bộ tứ quá giáo điều như hiện nay.
Sự đòi hỏi được hưởng phúc lợi của người dân sẽ ngày càng gia tăng, cùng với tình trạng tha hóa, tham nhũng, bòn rút của công của hệ thống đảng bất tài. Tình hình phát triển bất quân bằng trước áp lực của thông tin và thị trường bên ngoài sẽ làm gia tăng sự bất ổn định về xã hội và chính trị.

Vấn đề chủ quyền trên Biển Đông

Hiện nay chủ quyền của Việt Nam đã bị vi phạm trầm trọng từ hàng chục năm nay, từ vùng biên giới phía Bắc, Ải Nam Quan, trên Cao Nguyên Trung Phần cho đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Lãnh đạo CSVN từ thời Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng không hề dám lấy một biện pháp cụ thể nào để bảo vệ ngư dân, chủ quyền trên biển đảo, đều bị Trung Quốc khống chế, mua chuộc. Trong lúc Trung Quốc luôn xem việc xâm chiếm hoàn toàn hay ở mức thấp hơn khống chế được Việt Nam, là một ưu tiên hàng đầu nhằm làm bàn đạp xâm chiếm Biển Đông và vùng lãnh thổ giáp ranh phía Nam Trung Quốc.

Ngay sau khi cất cánh về mặt kinh tế, Trung Quốc đã tối tân hóa hải quân nhằm mở đường ra đại dương mà giai đoạn đầu là Biển Đông qua chính sách tằm ăn dâu. Qua những diễn biến mới nhất, Trung Quốc đã đặt hỏa tiễn phòng không trên đảo Phú Lâm tại Hoàng Sa, sau khi đã xây dựng các phi trường quân sự nhân tạo dài hơn 3 cây số tại Đảo Chữ Thập, Vành Khăn tại Trường Sa.

Trung Quốc quyết tâm tiến hành kế hoạch xâm chiếm Biển Đông, trước khi các lực lượng đối kháng trở thành quá lớn, đặc biệt là nhằm vào hai quốc gia tuyến đầu Biển Đông là Phi Luật Tân và Việt Nam.

Biết khả năng quân sự, chính trị không có khả năng đối đầu với Trung Quốc, Phi Luật Tân đã đưa vấn đề đường Lưỡi Bò 9 Điểm ra trước Tòa Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration PCA tại The Hague, Hòa Lan) từ tháng 19/2/2013, trong lúc CSVN không dám kiện Trung Quốc trước Tòa PCA và cũng không dám công khai hỗ trợ cho đơn kiện của Phi Luật Tân.

Sau khi Tập Cận Bình lên cầm quyền (11/2012), các hành động xâm chiếm Biển Đông ngày càng gia tăng với sự đụng độ, hầu như hàng tuần giữa tầu chiến Phi và tầu đánh cá Trung Quốc tại vùng biển Tây Phi, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, các hành động thăm dò dầu hỏa, khí đốt khiêu khích ngay trên thềm lục địa Việt Nam, rượt đuổi, đâm vào tầu đánh cá Việt Nam, cùng việc xây dựng các công trình quân sự, phi trường, trạm kiểm báo, cảng tiếp liệu cho hạm đội Nam Hải của Trung Quốc tại Hoàng Sa.

Trung Quốc đã thành lập Thành phố Tam Sa vào tháng 7/2012 (bao gồm quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa), quần đảo Trường Sa (Nam Sa), bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough (Trung Sa) cùng vùng biển chung quanh), tăng số lượng lực lượng tuần duyên và các tổ hợp đánh cá và cung cấp nhà ở cho khoảng hơn 1.000 dân đến ở trên các đảo Trung Quốc chiếm được.

Mới đây nhất, Trung Quốc đã đưa hỏa tiễn phòng không HQ-9, có tầm hoạt động 200 cây số, bố trí tại đảo Phú Lâm, ngay trung tâm Biển Đông, nhằm đe dọa các phi cơ chiến đấu Hoa Kỳ không cho bay đến gần (deny access, tháng 11/2015, Hoa Kỳ đã cho oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay ngang qua không phận Hoàng Sa, cũng như khu trục hạm đi vào vùng lãnh hải 20 hải lý chung quanh đảo tại Trường Sa mà Trung Quốc xâm chiếm). Đưa công binh đến xây dựng phi trường dài 3000 mét, đủ cho các vận tải cơ hạng nặng đáp xuống đảo Chữ Thập (Trường Sa).

Việc quân sư hóa sự hiện diện tại Hoàng Sa và Trường Sa sẽ cho Trung Quốc khả năng áp đặt một Vùng Nhận Diện Phòng Không (ADIZ) ở Biển Đông như nước này đã từng làm trên không phận đảo Điếu Ngư và lãnh hải thuộc chủ quyền Nhật và Đại Hàn theo Công Ước về Luật Biển (UNCLOS 1982) vào cuối năm 2013. Các giới chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ, Úc, Nhật đều phản đối các hành động quân sự hóa và cố tình chính thức hóa chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Các cuộc tuần hành (FON Freedom Of Navigation) do Hoa Kỳ chủ trương đã diễn ra và sẽ diễn ra theo các tuyên bố của Đô Đốc Harris, Chỉ Huy Trưởng Thái Bình Dương Hoa Kỳ. Nhật, Úc, Ấn Độ cho biết cũng sẽ tổ chức các cuộc tuần thám hỗn hợp bằng chiến hạm và chiến đấu cơ với Hoa Kỳ, ngay trong hải phận và không phận mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền.

Việc Hoa Kỳ họp cùng với khối ASEAN tại Sunnylands trong đó vấn đề Biển Đông là chủ đề nóng, cũng như sự hình thành của Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Trung Quốc bị loại ra ngoài, càng làm cho tình hình tranh chấp tại Biển Đông trầm trọng thêm và có thể dẫn đến các đụng độ bằng quân sự và một sự đông lạnh lâu dài về mặt giao thương trên vùng Đông Nam Á, chừng nào mà thái độ xâm lược của Trung Quốc vẫn tiếp diễn và nhà cầm quyền tay sai CSVN tồn tại.

Trong lúc cần phải lấy các biện pháp mạnh trong tầm tay nhằm đối đầu với Trung Quốc, các cấp lãnh đạo CSVN đều chỉ tuyên bố miệng và không dám chỉ thị đưa ra một biện pháp cụ thể cho hải quân CSVN, từ việc bảo vệ các tầu đánh cá Việt Nam đang bị săn đuổi, tầu bị húc chìm, ngư dân bị tuần duyên Trung Quốc đánh chết.

Những hành động cụ thể bảo vệ chủ quyền (lên tiếng trên trường quốc tế, biểu tình phản đối Trung Quốc, kêu gọi tẫy chay hàng hóa Trung Quốc,...) đều do các cá nhân yêu nước, thành phần dân tộc dân chủ, các tổ chức xã hội dân sự, các đảng phái đấu tranh cho tự do dân chủ tiến hành, trong lúc truyền thông trong luồng, các tổ chức ngoại vi Đảng CSVN đều bị cấm đoán không được lên tiếng chỉ trích, lên án Trung Quốc, từ chỉ thị của Ban Tuyên Giáo Trung Ương mà Nguyễn Phú Trọng từng trách nhiệm.

Hiện nay, thái độ đối kháng âm trầm trong hàng ngũ đảng viên và trong quân đội nhân dân về bảo vệ chủ quyền, vẫn là một ẩn số lớn cho lãnh đạo, họ không lượng định được mức độ trung thành của các đơn vị quân đội CSVN khi có đụng độ quân sự xảy ra, có binh sĩ VN thiệt mạng hay tầu chiến bị bắn chìm.

Trong thời gian qua một số nỗ lực hợp tác với nước ngoài và tân trang quan đội đã được tiến hành, đối chiếu với sự yếu hèn của lãnh đạo CSVN. Hải quân CSVN đặt mua 6 tầu ngầm Kilo của Nga loại mới (Dự Án 636, đã nhận 5 chiếc, 2300 tấn, tầm hoạt động hơn 400 hải lý khi lặn sâu dưới nước), có khả năng tuần thám sâu dưới đáy biển, rất yên lặng, và khó bị khám phá, là một mối đe dọa tiềm tàng cho chiến hạm Trung Quốc.

CSVN nhận từ Nhật 6 tầu tuần duyên về ngư nghiệp (qua viện trợ ODA 14 triệu MK), đồng ý tập trận chung và cho phép chiến hạm thuộc Hải Quân Tự Vệ Nhật ghé cảng Cam Ranh. Ấn Độ sẽ xây trạm kiểm báo hải dương bằng vệ tinh tại trung tâm Việt Nam nhằm giúp Việt Nam có được hình ảnh với cự ly 1 thước trên toàn Biển Đông, từ các vệ tinh Ấn Độ, cũng như giúp tín dụng cho CSVN mua tầu tuần duyên, huấn luyện các thủy thủ đoàn CSVN về tầu ngầm.

Chiến lược tằm ăn dâu của Trung Quốc đã thất bại vì vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hóa với sự hợp tác của một liên minh gồm Hoa Kỳ, Ân Độ, Nhật, Úc nhằm ngăn cản âm mưu chiếm trọn Biển Đông, đe dọa hải lưu quan trọng bậc nhất trên thế giới về mặt vận tải hàng hóa, dầu hỏa cho cả vùng Đông Nam Á, cho Khối ASEAN, Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan.

Hiện nay về mặt hải lực, dù có dồn hết các chiến hạm vào hạm đội Nam Hải, hải quân Trung Quốc chưa phải là đối thủ của hải quân Hoa Kỳ, đó là chưa kể tới hải quân Nhật và Đại Hàn, với các khu trục hạm loại Arleigh Burke, có khả năng phòng chống hỏa tiễn liên lục địa, chống hỏa tiễn thiềm du (cruise missile).

Các giới chức chính trị và quân sự cao cấp nhất của Hoa Kỳ, Úc, Nhật đều nhìn thấy rõ âm mưu của Trung Quốc và thái độ yếu hèn, bán nước của lãnh đạo CSVN. Trong vòng 10 năm nữa, cán cân lực lượng có thể sẽ thay đổi có lợi cho Trung Quốc, nếu không có quyết tâm từ các quốc gia Việt Nam, Phi Luật Tân ở tuyến đầu và các cường quốc có quyền lợi chiến lược trên Biển Đông để ngăn chăn âm mưu này.

Chính thái độ yếu hèn chỉ vì quyền lợi của gia đình, bè đảng của lãnh đạo CSVN sẽ làm cho dân tộc Việt Nam suy vong, trước âm mưu bá quyền trên Biển Đông và khống chế hoàn toàn Việt Nam của Trung Quốc, nếu chế độ bán nước này không bị chấm dứt kịp thời.

Sự lệ thuộc vào Trung Quốc

Trung Quốc đã cho nhân sự thân tín xâm nhập vào trong nội đảng CSVN từ hàng chục năm nay.

Hầu hết các thành phần trong các Bộ Chính Trị các khóa đều bị mua chuộc, gài bẫy, áp lực để đi theo khuynh hướng thân Trung Quốc. Nhu cầu khống chế Việt Nam luôn là một ám ảnh của lãnh đạo CS Trung Quốc từ cả ngàn năm nay.

Từ sau 1975, với sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa, Trung Quốc có điều kiện để mở rộng tầm kiểm soát trên toàn Việt Nam, nhất là trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền VNCH đến 30/4/1975. Nhiều người lầm tưởng là phe Nguyễn tấn Dũng chủ trương đi với Hoa Kỳ, trong lúc vào tháng 4 năm 2009, chính Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là Thủ Tướng, đã ra lệnh các bộ ban ngành phối hợp triển khai dự án bauxite tại Tây Nguyên, từ đó Trung Quốc có điều kiện xây dựng căn cứ quân sự ngay trên một vùng đất chiến lược, có khả năng cắt đứt Việt Nam ra làm hai.

Nhìn qua tiểu sử của Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư trong nhiệm kỳ 2016-2021, ngoài các trách vụ trong Trung Ương, Bộ Chính Trị, Tổng Bí Thư (8/1996 - 02/1998): Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, kiêm Trưởng Ban cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội; 02/1998 - 01/2000: Phụ trách công tác tư tưởng - văn hoá và khoa giáo của Đảng; 3/1998 - 8/2006: Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (3/1998 - 11/2001); Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng (11/2001 – 8/2006), người ta không thấy một sự cởi mở, tinh thần dân tộc nơi một người chuyên về giáo điều, khô cứng về tư tưởng.

Với bộ tứ này, sự lệ thuộc vào Trung Quốc sẽ gia tăng, trong lúc chủ quyền quốc gia đang bị đe dọa ngay trong nội địa Việt Nam, với sự hiện diện của hàng trăm ngàn công nhân Trung Quốc trá hình có khả năng biến thành nhanh chóng các đơn vị bán quân sự, hỗ trợ cho sự xâm nhập các đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt Trung Quốc để khống chế các vị trí chiến lược của Viêt Nam, vô hiệu hóa khả năng chống cự của quân đội CSVN.

Từ nhiều thập niên, tỷ lệ Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc về giao thương (28% tổng số nhập cảng), tài chánh, về hàng tiêu dùng thường nhật nhập nội, về mặt ý thức hệ rất cao, trong lúc sự lệ thuộc về mặt văn hóa, quốc phòng, xã hội thấp hơn.

Đảng CSVN ngày càng lệ thuộc, chịu các áp lực ai khiến của Trung Quốc, nhất là từ thượng tầng lãnh đạo, trong lúc phần lớn sự đối kháng ngày càng hiện rõ ở các tầng bên dưới của đảng CSVN và nhất là âm thầm trong quân đội CSVN.

Có 3 hiện tượng cho thấy Trung Quốc chưa khống chế được quân đội nhân dân, dù đa số các thành phần lãnh đạo Bộ Chính Trị, Quân Uỷ Trung Ương, Bộ Trưởng Quốc Phòng, Tổng Tham Mưu Trưởng đều đã bị Trung Quốc mua chuộc, khống chế. Hiện tượng thứ nhất là quân đội CSVN và quân đội Trung Quốc không tập trận chung.

Hiện tượng thứ hai là rất ít khi nào chiến hạm Trung Quốc ghé vào các hải cảng tại Việt Nam. Hiện tượng thứ ba là quân đội CSVN chấp thuận thiết kế các hệ thống kiểm báo, mua võ khí của Nga, Ấn Độ và không mua chiến hạm, phi cơ chiến đấu của Trung Quốc, cũng như sẵn sàng nhận các viện trợ võ khí từ các đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản.

Sự kình chống giữa khuynh hướng tiến gần với Hoa Kỳ và khuynh hướng theo Trung Quốc sẽ nổi cộm hơn với tầng thượng tầng lãnh đạo, tầng cán bộ, đảng viên trung tầng và hạ tầng, quân đội CSVN; trong lúc quảng đại quần chúng xem Trung Quốc như là mối đe dọa chính yếu cho Việt Nam về mọi mặt (kinh tế [hàng lậu]), an toàn thực phẩm (thực phẩm tẩm chất độc), công trình xây cất (dưới mức an toàn tối thiểu), chính trị (khuynh loát mọi guồng máy điều hành), văn hóa (bóp méo lịch sử, bôi nhọ truyền thống đặc thù Việt Nam).
Qua diễn biến vụ di dân (immigrant crisis) tại Liên Âu, qua làn sóng tỵ nạn đến từ các vùng có tranh chấp Syria, Á Phú Hãn, Irak, Mali,..) với sự đóng cửa các biên giới tại Liên Âu (Serbia, Croatia, Hungary,...) và ngưng áp dụng không gian Schengen tại 8/28 quốc gia, tuyệt đại đa số cán bộ đảng viên CSVN biết là họ sẽ phải ở lại khi tình hình Việt Nam xoay chuyển dù có phương tiện tài chánh.

Vì hiện nay không còn có quốc gia nào có khả năng nhận người tỵ nạn nữa, khi tình hình kinh tế vẫn gặp biến đổi không ngừng, đang chuyển đổi từ tự do giao thương thành những biện pháp bảo vệ hàng hóa quốc gia, chuyển dời các hãng xưởng với các kỹ thuật tiền tiến về lại trong nước nhằm giữ các bí mật kỹ nghệ. Do đó, họ cần lấy một thái độ chừng mực hơn trong guồng máy của chế độ, để chuẩn bị mai hậu khi đất nước xoay chuyển.

Từ lòng tự ái dân tộc và nhu cầu bảo vệ chủ quyền sinh tồn của dân tộc, chắc chắn một số đông đảng viên, cán bộ đảng CSVN trong guồng máy hành chánh, kinh tế, quân đội Nhân Dân sẽ phải suy nghĩ lại sự lệ thuộc vào ý thức hệ lỗi thời của một đảng đã biến thành một đảng mafia, bán nước.

Kết luận

Bộ tứ mới sẽ làm cho Việt Nam lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Giúp cho Trung Quốc có nhiều khả năng để chi phối, ảnh hưởng lên tình hình Việt Nam, nhờ vào có nội gián, tay sai ngay trong Bộ Chính Trị, Quân Uỷ Trung Ương. Nhưng hiện nay, thái độ chống đối các hành vi xâm lược của Trung Quốc ngày càng biểu lộ rõ ngay trong hàng ngũ đảng viên, quân đội nhân dân CSVN, ngày càng phổ quát trong quảng đại quần chúng.

Sự phản ứng đột phá của công nhân đối với các công ty vốn Trung Quốc trong vụ dàn khoan Hải Dương 981 trong vùng Bình Dương cho thấy phần nào phản ứng quyết liệt bảo vệ chủ quyền của người dân Việt Nam.

Phản ứng sẽ biểu lộ hơn trong những giờ phút chủ quyền đất nước thật sự bị xâm chiếm bằng một cuộc xâm lăng võ trang của Trung Quốc.

Người dân Việt Nam cần khai dụng các phương tiện thông tin hiện đại để thông tin, nối kết rộng rãi, giúp nhận thức thật rõ về thảm họa mất chủ quyền, chuyển đến nhau những hành động khả thi nằm trong tầm tay mọi người để gia tăng sức mạnh của quần chúng.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, người dân cần dành lại sự chủ động về kinh tế qua số đông (tẩy chay đồng loạt, bất tín nhiệm hành chánh, thay đổi cách tiêu thụ,...), gia tăng sức liên kết xã hội, để ảnh hưởng lên chính trị, lãnh đạo Đảng CSVN vốn cần phát triển kinh tế để có được sự ổn định về chính trị.

Muốn bảo vệ chủ quyền để tồn tại như một dân tộc có độc lập, tự chủ, nhân dân Việt Nam cần chấm dứt chế độ tay sai hiện nay, về mặt đối ngoại cần chọn lựa đối tác chiến lược về kinh tế, chính trị, quân sự (Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ) để cân bằng áp lực và sức mạnh của Trung Quốc.

Về đối nội, cần nhanh chóng phát triển nước, phát huy những giá trị tinh thần, văn hóa đặc thù của dân tộc Việt Nam, nhằm thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc. Gia tăng tân trang quân đội, nhất là về hải quân nhằm đối đầu với hải quân Trung Quốc, bảo vệ ngư dân, vùng lãnh hải thuộc chủ quyền hơn 1.500.000 cây số vuông trên Biển Đông, cũng như các tài nguyên dầu hỏa, khí đốt, đất hiếm (rare earth).

Mất chủ quyền trên Biển Đông, dân tộc Việt Nam sẽ mất ưu thế chiến lược để phát triển đất nước nhanh chóng thành một cường quốc trong tương lai hậu cộng sản.

Nguyễn Ngọc Bảo





No comments:

Post a Comment

View My Stats