Monday 7 March 2016

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA NẾU TRUNG QUỐC RÚT KHỎI CÔNG ƯỚC LUẬT BIỂN NĂM 1982 (Mặc Lâm - RFA)





Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-03-07
.
Bản đồ đường đứt khúc 9 đọan do TQ áp đặt trên biển Đông.  AFP

Trong khi tòa quốc tế La Haye chưa đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc tự tiện đưa ra đường chín đoạn xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế của Manila, thì câu hỏi là liệu Trung Quốc có thể rút tên ra khỏi Công ước luật biển năm 1982 vì bị phán quyết bất lợi hay không, Mặc Lâm phỏng vấn PGS-TS Hoàng Ngọc Giao, nguyên vụ trưởng Ban Biên giới chính phủ.

Mặc Lâm: Thưa ông, Giáo sư Stefan Talmon, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công pháp quốc tế thuộc đại học Bonn của Đức đã có bài viết được tờ Thời báo Hoàn cầu đăng lại có nội dung rằng có thể Trung Quốc sẽ rút tên ra khỏi Công ước luật biển năm 1982 nếu đường 9 đoạn của họ bị phán quyết là vô giá trị. Ông nghĩ thế nào về việc này?
PGS-TS Hoàng Ngọc Giao: Tờ Thời báo Hoàn cầu đăng ý kiến một học giả của viện nghiên cứu Công pháp quốc tế nói rằng nếu như phán quyết của trọng tài quốc tế La Haye lại có lợi cho yêu cầu của Philippines có nghĩa rằng việc Trung Quốc đưa ra yêu sách Biển Đông, gồm vùng chín đoạn, là vi phạm Công ước quốc tế về luật biển thì họ có thể rút ra khỏi Công ước quốc tế luật biển năm 82. Theo tôi hiểu tuy chưa phải là phát biểu chính thức của chính phủ Trung Quốc nhưng nó được phát ngôn từ học giả của một học viện nghiên cứu và lại được đăng trên tờ báo Hoàn Cầu ở Hong Kong, nó là tờ báo có thể nói là phát ngôn của chính phủ Trung Quốc thì ta có thể hiểu rằng đây là cái thông điệp từ phía chính phủ Trung Quốc dọa, hay có tính chất thăm dò công luận quốc tế nếu phán quyết này bất lợi với Trung Quốc thì họ sẽ rút khỏi Công ước quốc tế về luật biển năm 1982.

Mặc Lâm: Việc rút tên ra như vậy nếu xảy ra thì trách nhiệm của Trung Quốc tới đâu và liệu họ có bị ràng buộc gì không?
PGS-TS Hoàng Ngọc Giao: Trong quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế thì việc tham gia ký kết các công ước quốc tế là tự nguyện và chấm dứt hay rút khỏi Công ước về luật biển năm 1982 nó cũng thuộc về quyền của Trung Quốc. Về mặt pháp luật mà nói thì không ai có thể ràng buộc, áp đặt không cho Trung Quốc rút khỏi Công ước luật biển năm 1982.
Tuy nhiên trong quan hệ quốc tế thì hiệu lực của luật pháp quốc tế nó thể hiện sự lợi ích của các quốc gia đan xen và phụ thuộc lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực. Thế thì cái ý chí của Trung Quốc về mặt dưới góc độ chính trị pháp lý quốc tế là anh đã tham gia Công ước năm 82 nhưng bây giờ do phán quyết bất lợi mà anh rút ra thí chính cái uy tín chính trị và pháp lý của anh nó càng làm rõ hơn rằng Trung Quốc đang là một chủ thể vô trách nhiệm trong hợp tác quốc tế, trong những cam kết quốc tế và chính vì thế cho nên cái mất của Trung Quốc rất lớn.
Trung Quốc mất uy tín về chính trị là một đối tác đáng tin cậy. Bởi vì anh tham gia cam kết luật chơi nhưng bây giờ có chuyện bất lợi không đáp ứng lợi ích của anh, không phù hợp với quy chuẩn của quốc tế thì anh từ bỏ nó. Anh rút khỏi cái cam kết quốc tế này thì hành vi đó sẽ bất lợi rất nhiều về mặt ngoại giao cũng như về mặt quan hệ uy tín và độ tin cậy của các quốc gia trên thế giới đối với Trung Quốc.
Ta có thể đặt ra câu hỏi đối với Công ước luật biển 82, anh hành xử một cách tùy tiện, anh tham gia đến khi có chuyện bất lợi thì anh không chấp nhận giải quyết thông qua con đường tài phán quốc tế và anh rút khỏi công ước thì các quốc gia khác sẽ đặt vấn đề là gì?
Trong các lĩnh vực cam kết về quốc tế, lĩnh vực thương mại, lĩnh vực môi trường liệu có độ tin cậy với Trung Quốc hay không? Có nên chơi với Trung Quốc hay không khi mà anh chơi rồi tự tiện chơi rồi rút ra khỏi cuộc chơi thế thì cái mất của Trung Quốc sẽ là uy tín và sự tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc. Không những Việt Nam mà kể cả những nước Châu Âu, Hoa Kỳ và các nước trong tổ chức ASEAN, đấy là cái mất rất lớn của Trung Quốc.

Mặc Lâm: Khi rút tên ra khỏi Công ước luật biển năm 82 thì Trung Quốc có còn bị ràng buộc pháp lý một cách gián tiếp nào đó những gì họ đã đồng ý ký tên vào năm 1982 hay không?
PGS-TS Hoàng Ngọc Giao: Dù Trung Quốc có rút khỏi Công ước luật biển năm 1982 thì những giá trị pháp lý của những quy tắc quốc tế đối với việc phân định các vùng biển, quyền của các quốc gia đối với các vùng biển đã được thực hiện từ năm 1982 tới nay. Nó đã được tòa án công lý quốc tế áp dụng. Nó cũng đang được tòa án luật biển vận dụng thì những quy tắc đó không chỉ là những quy tắc công ước, mà nó còn là tập quán khác. Nó đã trở thành tập quán thông qua quan hệ quốc tế cho nên anh có rút khỏi đó thì luật chơi quốc tế nó vẫn là những quy tắc mang tính tập quán và các nước phải tuân thủ.

Mặc Lâm: Theo ông khi Trung Quốc đăng lại bài viết này thì ý của họ là gì? Mượn lời người khác nói lên ý định của mình hay chỉ là phép thử các nước trong khu vực?
PGS-TS Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi đối với Trung Quốc đây là phép thử. Trung Quốc luôn luôn “tung cầu đo gió”, kể cả ở Biển Đông cũng vậy. Họ dấn lên một tí xong rồi để xem phản ứng dư luận thế nào. Việc họ đưa ra thông điệp này cũng là cái trò “tung cầu đo gió”, chứ không phải nói như vậy thì họ sẽ làm như vậy đâu. Bời vì bây giờ chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố đâu? Họ cho một viện nghiên cứu và một ông giáo sư nào đó nói và đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu tung vào dư luận như vậy để xem phản ứng của quốc tế như thế nào, nhận định của các học giả quốc tế ra sao.
Chứ còn để đi đến quyết định thì họ đủ thông minh để hiểu rằng họ sẽ mất rất nhiều. Họ sẽ không còn là thành viên thẩm phán của luật biển quốc tế, không còn là thành viên của Ủy ban thềm lục địa quốc tế….nhưng mà đây chỉ là sân chơi về luật biển thôi còn các sân chơi khác, những đối tác của Trung Quốc, các quốc gia khác người ta phải xem lại có nên hợp tác với Trung Quốc không bởi vì anh hành xử tùy tiện, luật rừng thích thì anh chơi, không lợi thì anh rút. Đó là cái mất lớn.

Mặc Lâm: Xin được một câu hỏi cuối. Liệu Trung Quốc có cho rằng họ không tham gia vào Công ước luật biển năm 1982 thì họ không còn trách nhiệm nào nữa và muốn làm gì thì làm hay không? Lúc ấy vai trò của tòa án quốc tế là gì?
PGS-TS Hoàng Ngọc Giao: Tòa án quốc tế vẫn có thể xem xét dựa trên nguyên tắc tập quán quốc tế. Những quy tắc trên biển mà luật biển quy định không những chỉ là quy tắc thành văn ở trong công ước mà nó đã và đang trở thành các quy phạm, tập quán quốc tế. Không nhất thiết là anh phải ký kết mà cả thế giới theo cách hành xử như vậy thì anh cũng phải theo cách hành xử như vậy.

Mặc Lâm: Xin cám ơn Phó giáo sư Hoàng Ngọc Giao.








No comments:

Post a Comment

View My Stats