Friday 11 March 2016

HÌNH ẢNH TANG LỄ GS NGUYỄN NGỌC BÍCH (Tuyết Mai - Việt Báo)






Đây là những hình ảnh trong ngày 11/3. Lúc 10am ngày 12/3 sẽ có nghi lễ phủ cờ trên linh cữu của GS Nguyễn Ngọc Bích.

VIDEO :
HÌNH ẢNH TANG LỄ GS NGUYỄN NGỌC BÍCH
Mai Nguyen   Published on Mar 11, 2016

---------------------

11/03/201615:23:00

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích vừa qua đời hôm 3/3/2016, hưởng thọ 79 tuổi. Ông mất khi đang trên đường bay từ Washington D.C. đến thủ đô Manila của Philippines để tham dự một hội thảo về tranh chấp Biển Đông.

Từ năm 1956, khi ông rời Việt Nam sang Mỹ du học tại Đại học Princeton, đến những năm làm việc tại Hoa Kỳ, từ dạy học, làm công chức chính phủ tại Bộ Giáo dục trong vai trò phó tổng giám đốc Nha Song ngữ; rồi qua Đài Á châu Tự do làm giám đốc Chương trình Việt ngữ, cho đến lúc lìa trần, cuộc đời ông là một hành trình của học hỏi, nghiên cứu, hoạt động văn hoá và sinh hoạt chính trị với lý tưởng vì một nước Việt Nam tự do dân chủ và nhân bản.

Trở về quê nhà trong đầu thập niên 1970, thế hệ của những sinh viên bước vào ngưỡng cửa đại học thời đó nhiều bạn biết giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, vì ông làm Cục trưởng Cục Thông tin Quốc ngoại là cơ quan góp phần vào việc phối hợp các sinh hoạt hè, tổ chức những chương trình gặp gỡ giữa sinh viên du học và sinh viên quốc nội.

Mùa hè của những năm sau Hiệp định Ba Lê 1973, sinh hoạt trong giới thanh niên sinh viên quốc gia là không khí đón mừng hòa bình, là tinh thần xây dựng đất nước sau chiến tranh. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã mời gọi sinh viên du học từ các nước, đặc biệt từ Mỹ, từ Pháp về thăm nhà để được tận mắt nhìn thấy những nỗ lực bảo vệ và tái thiết quê hương của dân quân miền Nam. Những trại hè Nối Vòng Tay Lớn 1973 và Đường Việt Nam 1974 đã tạo cơ hội cho sinh viên trong và ngoài nước cùng nhau họp mặt, ca hát, thảo luận và đi thăm nhiều miền đất nước, từ địa đầu Quảng Trị, Huế đến Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ.

https://vietbao.com/images/file/FChwugRK0wgBAIF5/w404/buivanphu-h01a.jpg
H01: Tác phẩm “Nghìn năm thi ca Việt” (ảnh Bùi Văn Phú)

Nhưng rồi biến cố 30/4/1975 xảy đến. Việt Nam Cộng hòa bị xóa tên trên bản đồ. Hơn một trăm nghìn người Việt được di tản và được Hoa Kỳ nhận cho tị nạn.

Đến Mỹ, sau những khóa học ESL, năm 1977 tôi ghi danh lớp English 1A rồi 1B là hai lớp căn bản về viết và bình luận văn chương của học trình cử nhân tại các đại học Hoa Kỳ. Sinh viên lớp 1A phải viết khoảng chục bài luận văn thuộc các thể loại khác nhau, từ so sánh, đối chiếu đến phân tích, thuyết phục.

Lên lớp 1B học bình luận văn, thơ. Tôi nhớ đã phải đọc vở kịch “A Streetcar Named Desire” của Tennessee Williams, đọc truyện “To Kill a Mockingbird” của Harper Lee, đọc thơ của Allen Ginsberg, Langston Hughes cùng nhiều thi sĩ khác nữa. Kịch và tiểu thuyết tôi cố ráng đọc và bình phẩm. Còn thơ Mỹ thì chịu, khó hiểu quá mà cũng chẳng biết vần điệu ra sao.

Một hôm vào tiệm sách, tôi ngạc nhiên và vui mừng khi thấy có quyển thơ Việt bằng tiếng Anh của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích – soạn dịch chung với Burton Raffel và W.S. Merwin – có tựa “A Thousand Years of Vietnamese Poetry” [Nxb. Knopf 1975] và quyển “The Tale of Kiều” [Nxb. Vintage Books 1973] của giáo sư Huỳnh Sanh Thông mới được xuất bản vài năm trước.

Đó đã là những chiếc phao cứu tôi khỏi chìm trong lớp khi phải viết những bài bình phẩm về thơ. Vào lớp, tôi nói với thày là mới qua hai năm, chưa hiểu được thơ Mỹ nên xin thày cho tôi bình phẩm thơ Việt và thày đồng ý.

Bài luận văn về thơ đầu tiên của tôi là về luật bằng trắc và cách gieo vần trong các thể thơ Việt.

Thơ lục bát, tôi chọn chừng chục câu đầu tiên của Truyện Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta / Chữ tài chữ mệnh kẻo là ghét nhau / Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng...”

Song thất lục bát là “Chinh phụ ngâm khúc” với những câu: “Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt / Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây / Chín lần gươm báo trao tay / Nửa đêm truyền hịch chờ ngày xuất chinh...”

Còn thơ thất ngôn bát cú có bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan: “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà / Cỏ cây chen lá lá chen hoa / Lom khom dưới núi tiều vài chú / Lác đác bên sông rợ mấy nhà...”

Đó là những vần thơ quen thuộc tôi đã học từ những năm cấp hai, cấp ba ở quê nhà mà còn thuộc lòng, có thể sai chữ nọ chữ kia nhưng ý thơ thì hiểu rõ ràng vì đã từng bình thơ thời trung học. Sau đó tôi còn phải viết một bài bình thơ hiện đại của Trụ Vũ, Nguyên Sa và đặc biệt là thơ Mường Mán mà tôi đã đọc được trên báo Tuổi Ngọc ngày còn ở quê nhà.

Với bản dịch có trong các tác phẩm của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và giáo sư Huỳnh Sanh Thông nên tôi đã hoàn thành những bài luận văn về thi ca Việt khá tốt cho lớp English 1B. Không có hai tác phẩm về thi ca Việt chắc tôi đã gặp nhiều khó khăn hơn khi phải viết luận bình thơ.

Trong “A Thousand Years of Vietnamese Poetry” của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, như tên gọi của sách là “Nghìn năm thi ca Việt”, có nhiều áng thơ cổ của Khổng Lộ, Đạo Hạnh, của Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương; thơ tiền chiến của Huy Cận, Thế Lữ và thơ hiện đại của Nguyên Sa, Du Tử Lê, Nhã Ca, Trụ Vũ. Ngay cả thơ của Trần Dần, Tố Hữu, Chế Lan Viên cũng có. Tác phẩm này đã là nguồn tài liệu căn bản cho những ai muốn tìm hiểu về thi ca Việt Nam.

Mùa hè năm 1979, một thi sĩ miền Bắc chạy vào Đại sứ quán Anh ở Hà Nội để trao tập thơ của ông và mong được chuyển ra cho thế giới bên ngoài, mà người Việt hải ngoại lúc bấy giờ chỉ biết đến với tên “Ngục Sĩ”.

https://vietbao.com/images/file/8gGyuwRK0wgBAFgQ/w506/buivanphu-h02-ngucca.jpg
H02: Những bài “Ngục Ca” (ảnh Bùi Văn Phú)

Từ đầu thập niên 1980, khi danh tính của “Ngục sĩ” còn chưa được xác minh, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đã dịch thơ của ông ra tiếng Anh, in trong tập “Ngục Ca – Prison Songs” [Hội Văn hóa Việt Nam tại Bắc Mỹ 1982] gồm những bài hát do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của “Ngục Sĩ”.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích còn viết bài về thi ca của “Ngục sĩ” trên tuần báo Anh ngữ Asiaweek xuất bản ở Hồng Kông vào tháng 7/1982. Sau đó người Việt hải ngoại biết đó là tập thơ “Hoa Địa Ngục” của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện mà giáo sư Bích đã dịch sang Anh ngữ.

Ngoài thơ Nguyễn Chí Thiện, ông cũng dịch “Cung oán Ngâm khúc” của Ôn Như Hầu, “Trường Ca Lời Mẹ Ru” của Trương Anh Thụy cũng như hồi ký của Bùi Tín, tác phẩm văn chương của Dương Thu Hương.

Hoạt động của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích còn mở rộng trong lãnh vực giáo dục qua hội NAVAE (National Association of Vietnamese American Education) mà có thời ông là chủ tịch, về truyền thông qua sự cộng tác với tổ chức Accuracy in Media, Inc. để đưa ra phim tài liệu “Vietnam: the Real Story” với cái nhìn trung thực hơn về Việt Nam Cộng hòa, sau khi bộ phim “Việt Nam: a Television History” đầy thiên lệch được chiếu trên đài PBS.

Ông cũng đứng ra chủ trương Tổ hợp Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ và trong hơn ba mươi năm qua đã phát hành được khoảng 60 tác phẩm cùng tài liệu phim ảnh, đĩa nhạc.

https://vietbao.com/images/file/JAncvARK0wgBABwg/buivanphu-h03a.jpg
H03: Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích (Screenshot từ YouTube của Văn hoá Nhân bản Lạc Việt)


Trong sinh hoạt cộng đồng, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích là một trong những người sáng lập, cùng với cựu Đại sứ Bùi Diễm, tổ chức vận động hành lang là Nghị hội Toàn quốc Người Việt tại Hoa Kỳ để đưa tiếng nói của người Mỹ gốc Việt đến với giới làm chính sách Mỹ.

Giáo sư Bích là tác giả của nhiều bài viết về văn hoá Việt, đặc biệt là những bài nhận định và tổng kết cuối năm về sinh hoạt văn học, nghệ thuật được đăng trên bán nguyệt san Ngày Nay ở Texas và nguyệt san Độc Lập ở Đức đã đem đến cho những ai quan tâm một cái nhìn tổng quan về văn học của người Việt hải ngoại.

Nhìn lại những đóng góp của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, nổi bật nhất là ông đã đem thơ Việt từ cổ đại đến đương đại để giới thiệu trên văn đàn thế giới.






No comments:

Post a Comment

View My Stats