Tuesday, 22 March 2016

HẠN & NHIỄM MẶN : SỰ BẤT TÀI CỦA HỆ THỐNG CHÍNH PHỦ & CẤU TRÚC RỆU RÃ XÃ HỘI VIỆT NAM (TS Nguyễn Thị Hải Yến, CHLB Đức)





TS. Nguyễn Thị Hải Yến, CHLB Đức

(VNTB) - Người dân và xã hội cần một chính phủ mà chức năng của chính phủ là đưa ra những chính sách phát triển kinh tế bền vững và lâu dài, chứ người dân không cần một chính phủ độc tài trong quyết sách. Người dân cũng không cần một chính phủ mà chính sách đối ngoại với chủ trương “ăn mày thiên hạ”.

Cả tuần nay ở Việt Nam, từ khi hình ảnh những người nông dân ngồi khóc trước những cánh đồng hạn hán nứt nở, nhiễm mặn đỏ au, cả xã hội đang “hăng hái một cách bấn loạn” đồng loạt nhảy vào cuộc “nhằm thẳng quân thù hạn hán nhiễm mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) mà bắn”.

Từ ông thủ tướng, người đã ngay lập tức ra quyết định gửi thư “đề nghị Trung Quốc xả nước”,  nhiều  nhà khoa học cũng thi nhau đăng đàn và ngược xuôi tin tức tố cáo các đập thủy điện của Trung Quốc gây nên hạn hán và nhiễm mặn. Các tòa soạn thì rải quân săn lùng tin tức, theo sát và ghi chép mọi cử chỉ, hành động  và lời nói của ông thủ tướng và của các nhà khoa học, tin tức TQ có xả nước hay không, khi nào xả, xả bao nhiêu... được  cập nhật liên tục. Thấy một Việt Nam “náo động”. 

Nhưng bình tâm nhìn lại sẽ thấy Việt Nam có một xã hội hoàn toàn tê liệt,  bởi tất cả các thành phần trong cấu trúc xã hội đều không thực hiện và đảm nhiệm đúng chức năng của mình, ngoại trừ người nông dân ở ĐBSCL. Tại sao vậy? Chúng ta sẽ đi vào từng thành phần trong xã hội liên quan đến vấn đề này.

Người nông dân ở ĐBSCL: những người nông dân này, đã biết sử dụng những chỉ số về hạn hán và nhiễm mặn ở cấp độ của họ, đó là những chỉ số nhìn thấy, sờ thấy được bằng sự nứt nẻ ruộng đồng do hạn hán, và vạch ra những thớ đất đỏ au do nhiễm mặn, và hậu quả của nó là những ruộng lúa chết khô. Để từ đó chuyển thông điệp đến những trang báo về thực trạng hạn và nhiễm mặn tại ĐBSCL.

Các chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan như các Sở và các Phòng Nông nghiệp,  và các Trung tâm Khuyến Nông/Ngư: Cho đến giờ cũng không hề thấy một Sở ngành nào có những hoạt động nào ăn năn hối lỗi cũng như nhận lỗi. Họ nhận lương bằng tiền thuế tính trên từng hạt thóc của người nông dân, nhưng họ bỏ mặc người nông dân cứ gieo xạ bất chấp hạn hạn, để rồi ngồi nhìn lúa chết. Họ đang ở đâu vậy?

Đội ngũ trí thức/các nhà khoa học: số liệu về quan trắc khí tượng thủy văn cũng như các mô hình dự báo thời tiết toàn cầu, vùng và cho riêng Vn cũng như ĐBSCL đều có.  Mùa mưa của lưu vực Mekong đã kết thúc từ tháng 10-11 năm trước, lượng mưa đã đo đạc và có trong tay. Chả cần đến số liệu chính thức, người có am hiểu một chút về thời tiết cũng sẽ càm nhận được mức độ hạn hán của lưu vực. Tuy nhiên, trước hạn hán, đội ngũ trí thức biến đâu hết, cho đến khi người nông dân khóc ròng trên những cánh đồng khô hạn, các nhà báo đưa tin, thì mới thấy các nhà khoa học đăng đàn. Vai trò và nhiệm vụ của các nhà khoa học, không phải là chờ đến lúc người nông dân dúi vào tay mình mấy cái chỉ số ở cấp độ của họ như nêu ở trên, rồi cũng mới bắt đầu đăng đàn “tạo lửa”. Thay vì, nhà khoa học phải có những phân tích dự báo bằng những chỉ số/chỉ dẫn có hàm lượng khoa học cao để khuyến cáo, cảnh báo và triệt để hơn là phải biết dùng những dẫn cứ khoa học kia để áp lực lên khối chính phủ trước khi mọi việc đổ nát ra thế này. Điều ngạc nhiên là lại có những nhà khoa học đánh đồng thủy lợi và thủy văn lẫn lộn trong trả lời báo chí.

Các bộ ngành liên quan: Các Bộ Tài nguyên và Môi trường , Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ: không đủ năng lực hay đã không làm tròn chức năng của mình ở cấp độ vĩ mô, để thảm kịch xảy ra như thế này đối với người dân. Biến đổi khí hậu đã được cảnh báo từ lâu, thế giới đã làm và cũng đã giúp VN rất nhiều trong việc mô hình hóa các kịch bản ảnh hưởng của mực nước biển dâng, sự nhiễm mặn ở ĐBSCL, Hiệp định Mekong và Ủy hội Mekong mà VN là một thành viên trong đó đã được ký kết từ năm 1995. Việc quan trắc khí tượng thủy văn ít nhất cũng đã được tiến hành từ những năm thập niên 1970s cho lưu vực hạ Mekong. Ảnh hưởng của các con đập thủy điện trên thượng nguồn cũng đã được một số kết quả phân tích định lượng và báo cáo cụ thể. Thế nhưng, các Bộ ngành đã làm gì để đến giờ phút này người dân vẫn cứ quanh quẩn xạ lúa rồi lại ngồi nhìn lúa chết?

Chính phủ: người dân và xã hội cần một chính phủ mà chức năng của chính phủ là đưa ra những chính sách phát triển kinh tế bề vững và lâu dài, chứ người dân không cần một chính phủ độc tài trong quyết sách. Người dân không cần cái chính sách “trọc phú” là “nhà xuất khẩu thủy sản lớn”, “nhà xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới”, để rồi những vùng đệm của đới bờ cứ bị lấn chiếm và xẻ thịt cho những đìa tôm công nghiệp, cho những cánh đồng lúa 3 vụ kia. Người dân cần một chính sách dân sinh bền vững, chứ không cần mấy cái danh “trọc phú” kia. Người dân cũng không cần một chính phủ mà chính sách đối ngoại với chủ trương “ăn mày thiên hạ”.

Nguồn nước Mekong là tài nguyên chung cho 60 triệu người dân ở 6 quốc gia trong lưu vực. Chính phủ khôn ngoan là chính phủ biết dùng những khía cạnh pháp lý để đấu tranh đòi hỏi quyền hợp pháp về nguồn nước chứ người dân không thể ngồi chờ lời xin xỏ của chính phủ và sự nhỏ giọt ban phát của một chính quyền phương Bắc nham hiểm kia.

Sau một tuần, ông thủ tướng đăng đàn thông báo sẽ đề nghị TQ xả nước, kết quả thế nào đã rõ chưa ông?

Các cơ quan truyền thông và bản thân các nhà báo: phải công nhận, để đưa cả nước từ thủ tướng đến mấy ông bà nông dân ống thấp ống cao kia nhảy vào cuộc, đó là đóng góp của các trang báo và bản thân cả nhà báo. Tuy nhiên, cục diện phản ánh, các Tòa soạn và các nhà báo mới chỉ giỏi trong lĩnh vực săn tin và phổ biến thông tin, tạo hiệu ứng đám đông. Nhưng chính các giới truyền thông chưa thực hiện được cái “quyền lực thứ 4” của mình mà một xã hội giao trách. Người dân không chỉ muốn biết hiện tượng nó là thế, mà người ta còn muốn các nhà báo, giới truyền thông dùng quyền lực của mình để ép chính quyền các cấp phải trả lời chất vấn của người dân “tại sao điều này xảy ra?” “đâu là nguyên nhân cội nguồn?” “ai là người chịu trách nhiệm?”, và hãy khoan lên đồng đổ tội tất cả là vì thiên tai và khách quan đi, mà lấp liếm những yếu kém của các tổ chức trong cấu trúc xã hội.  

Sự rệu rã, bất tài và vô trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính phủ ở VN chính là hậu quả của hình thái xã hội theo cơ chế “dân chủ tập trung”. Ở đó, quyền lực tập trung về Bộ chính trị, và mọi vấn đề của xã hội đều được điều khiển và quyết định bởi cấp trung ương. Từ đó, dẫn đến tình trạng các tổ chức bên dưới được hình thành nhưng chỉ là những cái máy làm theo quyết định của cấp trung ương. Họ không cần động não, và cũng không phải chịu trách nhiệm. Chính vì thế, họ cũng không cần phải làm việc.

Nhìn động thái của các chính quyền địa phương và các Viện – Trường nghiên cứu là các tổ chức bên dưới chính phủ qua thảm họa hạn hán và nhiễm mặn này là thấy rõ. Còn ở cấp trung ương, chính vì tự cho mình quyền quyết định mọi cái, và với năng lực kém cỏi, nhưng tham vọng quyền lực, nên cũng không thể phê phán các tổ chức cấp dưới khi một sự cố nào đó xảy ra ở ngay tại chính địa phương của họ.


Một xã hội như thế này, thảm cảnh này không xảy ra mới là chuyện lạ. Và không chỉ dừng lại thảm họa này, xã hội Việt Nam sẽ càng ngày càng bị vỡ vụn và bất khả kháng với bất cứ mọi vấn đề, dù lớn hay nhỏ, khách quan hay chủ quan, nội tại hay ngoại bang.   





No comments:

Post a Comment

View My Stats