Người Việt
Thursday, March 17, 2016 8:11:33 PM
Bài
liên quan
- Quốc Hội Việt Nam vẫn áp chế quyền ứng cử của công dân
- 'Tự ứng cử' vào Quốc Hội CSVN chỉ thắng chứ không thua
- Gây phong trào tự ứng cử Quốc Hội
- Phong trào tự ứng cử vào Quốc Hội tại Việt Nam
*
HÀ NỘI
(NV) - Nhiều người trong số 48 người tự ứng cử đại biểu
Quốc Hội từng tham gia các sinh hoạt “ngoài luồng” đã qua được 2 vòng kiểm soát
đầu để sau đó “lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.”
Theo báo điện tử VNExpress đăng tải danh sách 87 ứng
cử viên đơn vị thành phố Hà Nội đã vượt qua hai vòng “hiệp thương” để được cho
đi tiếp vào vòng “hiệp thương” thứ ba là nằm trong danh sách sơ bộ người ứng cử
đại biểu Quốc Hội và gửi “lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.”
Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, ứng cử viên độc lập để vào
Quốc Hội CSVN. (Hình: FB Nguyễn Quang A
Có 39 “ứng cử viên” là người được đảng CSVN “giới
thiệu” gồm cả những đảng viên cộm cán như Hoàng Trung Hải, hiện là bí thư Thành
Ủy Hà Nội và cũng đương là phó thủ tướng; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, chủ tịch
HÐND thành phố Hà Nội; Nguyễn Doãn Anh, thiếu tướng, tư lệnh Bộ Tư Lệnh thủ đô.
Trong số những người được “giới thiệu,” không thấy liệt kê ra cho biết có ai là
người “ngoài đảng.”
Ngay trong giai đoạn thu nhận hồ sơ ứng cử, nhiều ứng
cử viên độc lập đã bị cơ quan hành chánh cấp xã, phường làm khó dễ rất nhiều. Họ
đã phổ biến trên các trang facebook cá nhân các đòi hỏi phi lý bên cạnh những
phê phán không thuộc thẩm quyền của cơ quan có nhiệm vụ xác nhận cư trú.
Tuy nhiên, chỉ 9 người trong số các người tự ứng cử
là bị gạt ra ngoài chứ không bị gạt hết khiến nhiều người ngạc nhiêm không ít.
Trong số những người chưa bị đẩy ra, có những người thường xuyên tham dự các
sinh hoạt xã hội dân sự không do nhà cầm quyền tổ chức. Nhiều lần những hoạt động
này còn bị nhà cầm quyền phá đám, đánh đập, bắt giữ.
Những người ứng cử độc lập ở Hà Nội thấy nêu tên
trong danh sách qua vòng hai gồm Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, chuyên viên hán nôm
Nguyễn Xuân Diện, giáo viên Ðỗ Việt Khoa, nhà báo nghỉ hưu Phạm Chí Thành
(blogger Bà Ðầm Xòe), nhà báo tự do Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Công Vượng (kịch
sĩ hài Vượng Râu), Facebooker Nguyễn Ðình Hà, Facebooker Nguyễn Thúy Hạnh.
v.v...
Ở vòng “hiệp thương” thứ ba sắp diễn ra, có qua khỏi
cuộc đấu tố của “cử tri” do nhà cầm quyền chọn lọc ở địa phương hay không, để
không bị đẩy ra, vẫn còn là dấu hỏi rất lớn. Trong số 87 ứng cử viên vừa là “đảng
cử” vừa là các ứng viên độc lập, con số đại biểu của thành phố Hà Nội chỉ có 30
người, như vậy sẽ có 57 người bị loại.
Ngay những người được đảng CSVN “giới thiệu” ra làm ứng
cử viên, cũng sẽ có những người trong đó được đưa ra làm “quân xanh, quân đỏ”
cho có màu mè dân chủ vì họ biết không phải thành phần được đảng CSVN “cơ cấu”
làm đại biểu Quốc Hội.
Ứng cử viên Nguyễn Thúy Hạnh (ngồi hàng đầu, thứ 2 từ
phải) tham dự buổi tưởng niệm các người lính chết trận khi xảy ra cuộc chiến
tranh biên giới với Trung Quốc hồi tháng 2, 1979. (Hình: FB Nguyễn Thúy Hạnh)
Ở những kỳ bầu cử Quốc Hội trước trong chế độ độc
tài đảng trị CSVN, không hề có cá nhân nào được cho phép tự ứng cử ngoài những
người được đảng sắp đặt “giới thiệu” ra ứng cử làm “quân xanh, quân đỏ.” Kỳ bầu
cử Quốc Hội lần này sẽ diễn ra cuối tháng 5 tới đây, bây giờ đang có một số người
không thuộc thành phần “quân xanh, quân đỏ,” là điều chưa có tiền lệ.
Không thấy có danh sách các ứng cử viên ở Sài Gòn,
thành phố lớn nhất nước, ngoài tin tức cho biết có tất cả 90 ứng cử viên. Trong
đó, 42 người được “các cơ quan, tổ chức giới thiệu” và 48 người tự ứng cử.
Hôm Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016, báo điện tử VNExpress
và VietNamNet được bật đèn xanh để thuật lời một ông trong “Tiểu ban an ninh” của
Ủy Ban Bầu Cử cáo buộc rằng, “Một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động
trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính
để vận động.”
Ông đó được VNExpress dẫn lời và không thấy ông ta
nêu ra cho biết “Tổ chức phản động” tên là gì, ở đâu, có gì chứng minh. Cư dân
mạng đả kích kịch liệt trò ném bùn hồ đồ của “ủy ban bầu cử.” Có ứng viên độc lập
như ông Nguyễn Quang A gửi văn thư tới “Hội Ðồng Bầu Cử Quốc Gia” đòi phải công
bố bằng chứng, nếu không sẽ là vi phạm Hiến Pháp và luật bầu cử.
Ngày 8 tháng 3, 2016, ông Nguyễn Phú Trọng khi tiếp
xúc với “cử tri” chọn lọc ở Hà Nội đã nói rằng “Không để lọt vào cơ quan cao nhất
của đảng, nhà nước những phần tử thế này thế khác.” Ý ông ám chỉ đến những người
vận động dân chủ hóa đất nước vốn bị chế độ quy cho là “phản động.”
Không mấy ai tin có một cuộc bầu cử công bằng khi
nhà cầm quyền CSVN đạo diễn cuộc bầu cử theo kiểu “đảng cử, dân bầu.” Ở những kỳ
bầu cử Quốc Hội trước, không thiếu những người cầm thẻ cử tri của cả nhà hoặc của
nhiều nhà rồi bỏ phiếu cho tất cả.
Ứng cử viên Võ An Ðôn viết trên trang facebook: “Con
lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người tự ứng cử trúng cử đại biểu Quốc Hội. Dẫu
biết sự thật là như thế nhưng tôi vẫn cứ tự tin, biết đâu mình trở thành Nghị Gật
thật sự thì sao phải không mọi người?”
Linh Mục Ðinh Hữu Thoại viết: “Không có cơ quan độc
lập giám sát bầu cử thì khó tin được kết quả...”
Còn nhà báo tự do Nguyễn Tường Thụy cam kết trên
facebook: “Nếu trở thành đại biểu Quốc Hội, việc đầu tiên mà tôi nghĩ đến là
xác định Trung Cộng là kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam. Nhân dân Trung Quốc
không có lỗi. Không được coi Trung Cộng là đồng chí tốt, bạn bè tốt. Xóa bỏ 16
chữ vàng mà Trung Cộng ban cho, không phải nâng niu nó.Với tư tưởng này, ai là
người ủng hộ và ai là người sẽ loại tôi?” (TN)
No comments:
Post a Comment