Wednesday 2 March 2016

CÔNG AN QUẬN HOÀN KIẾM LÉN LÚT CẢNH CÁO CÔNG DÂN (Nguyễn Tường Thụy)





THỨ TƯ, NGÀY 02 THÁNG 3 NĂM 2016

Ngày 29/2/2016, theo giấy hẹn, vợ tôi vào Ủy ban xã Vĩnh Quỳnh để lấy lý lịch ứng cử Đại biểu Quốc hội giúp tôi (nộp từ ngày 26/3). Sau 3 ngày nghiên cứu kỹ hồ sơ, cô chủ tịch phường chỉ ra mấy điểm cần sửa. Trong đó có yêu cầu ghi vào mục Kỷ luật rằng, tôi bị công an quận Hoàn Kiếm cảnh cáo 2 lần. Tôi hiểu, mấy bản cảnh cáo này liên quan đến những lần tôi đi biểu tình chống Trung Quốc, rồi bị bắt về trại Lộc Hà.

Hãy chưa nói đến việc cảnh cáo tôi có hợp pháp hay không nhưng tôi không thể ghi nó vào mục kỷ luật vì 2 lý do sau:

Thứ nhất là, tôi chưa bao giờ nhận được quyết định cảnh cáo ấy. Mà không có trong tay thì tôi lấy cơ sở nào để khai.

Thứ hai là, mẫu hồ sơ ứng cử của Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn ghi mục "Kỷ luật" như sau:

Trường hợp bị kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính trong thời gian 01 năm tính đến ngày làm hồ sơ ứng cử thì ghi rõ tên cơ quan ra quyết định kỷ luật, thời gian bị kỷ luật, lý do bị kỷ luật, hình thức kỷ luật. 

Trường hợp bị kết án về hình sự mà chưa được xóa án tích thì ghi rõ tội danh, hình phạt bị áp dụng và thời gian bị kết án. 

Nếu không có hoặc đã bị xử lý nhưng không thuộc các trường hợp kể trên thì ghi “Không bị kỷ luật, không có án tích”. 

Như vậy, nếu tôi có bị cảnh cáo thì việc đó đã xảy ra cách đây vài năm tức là trên 1 năm. Căn cứ vào hướng dẫn trên thì nếu tôi có nhận được quyết định công an quận Hoàn Kiếm giao thì tôi cũng không thể ghi vì không đúng với hướng dẫn.

Vợ tôi có giải thích cho cô chủ tịch nên cuối cùng cô rút yêu cầu này.

Trước đó, cô Đặng Bích Phượng một ứng cử viên Đại biểu quốc hội năm nay cũng gặp rắc rối vì một chuyện tương tự. (Xin xem bài Ứng viên độc lập gặp khó từ khâu hồ sơ

Trở lại việc Công an Hoàn Kiếm cảnh cáo... trộm công dân. Trong 2 quyết định cảnh cáo mà cô chủ tịch phường tiết lộ nói trên, trước đó, tôi được nghe có 1 quyết định do ông tổ trưởng cụm dân cư thông báo. Ấy là vào ngày 15/9/2012, ông trưởng cụm dân cư đến nhà gặp vợ tôi, chìa ra một bản photo nói rằng tôi có quyết định cảnh cáo của công an, sắp tới sẽ đưa ra tổ dân cư để “góp ý” (tôi hiểu là mang tôi ra đấu tố). Ông nói nếu bị cảnh cáo 1 lần nữa sẽ mang đi cải tạo. Chắc mấy ông bà công an, cán bộ chính quyền không hiểu việc đưa công dân đi cải tạo áp dụng cho lớp tuổi nào. Vợ tôi chỉ đọc lướt qua vì nó nằm trong tay ông trưởng xóm. Hỏi mượn photo nhưng ông không cho. Lúc ấy ông mới biết là tôi không hề nhận được quyết định này.

Tôi về nghe chuyện liền gọi điện cho ông trưởng xóm. Tôi bảo cho tôi mượn cái quyết định ấy để tôi foto hoặc cho tôi chụp ảnh cũng được nhưng ông ấy nói đã trả lại cái quyết định ấy cho họ rồi.


Việc cô chủ tịch nói tôi có 2 quyết định cảnh cáo, tôi nghe được nên vào đòi xem thì cô nói, cái này họ gửi cho em, không cho anh xem được. Như vậy, cả ông trưởng xóm trước đây và cô chủ tịch bây giờ đều hiểu tính chất bí mật của mấy tờ quyết định cảnh cáo này, không thể công khai.

Điều sơ đẳng nhất là với một công dân, khi có giấy mời, giấy triệu tập, quyết định cảnh cáo hay quyết định gì liên quan đến họ, đều phải giao cho họ một bản chính để biết mà thi hành hay phản ứng, khiếu kiện. Điều này không phải là Công an quận Hoàn Kiếm không biết. 

Quyền biểu tình của công dân đã được ghi vào Hiến pháp. Người dân có quyền biểu tình cho dù đã có luật hay chưa. Cũng như chưa có luật về sự lãnh đạo của đảng CSVN mà đảng CSVN vẫn cứ lãnh đạo tùy thích. Việc dùng bạo lực bắt người biểu tình chống Trung Cộng rõ ràng là trái với Hiến pháp. Đòi cảnh cáo họ lại thêm một hành vi phạm pháp luật nữa.

Công an Hoàn Kiếm dựa vào đâu, cơ sở pháp luật nào mà đòi cảnh cáo người lính già này? Và tại sao các người lại phải lén lút như vậy?


2/3/2016
NTT

Được đăng bởi Nguyễn Tường Thụy vào lúc 3/02/2016 09:20:00 CH 






No comments:

Post a Comment

View My Stats