Kính Hòa, phóng viên RFA
2016-03-14
2016-03-14
Việc tiết lộ nội dung của chỉ thị 15 qui định cơ
quan công an không được theo dõi các đảng viên cộng sản phạm tội trước khi báo
cáo cho đảng làm dấy lên nhiều chỉ trích về việc gần 4 triệu đảng viên đảng cộng
sản Việt Nam đứng trên pháp luật.
Ngoài ra việc tiết lộ này được một nhân vật quan trọng
chỉ huy cơ quan công an là thiếu tướng Phan Anh Minh đưa ra, đặt lại vấn đề cơ
chế trùng lắp đảng-nhà nước ở Việt Nam gần 1 thế kỷ nay.
Sau đây là ghi nhận của Kính Hòa ý kiến một số nhà
quan sát và hoạt động pháp luật tại Việt Nam về vấn đề này.
Một
chỉ thị bí mật
Tiến
sĩ Phạm Chí Dũng, người có nhiều năm hoạt động trong đảng cộng sản
Việt Nam, nay đã rời bỏ đảng và là một nhà báo độc lập tại Sài gòn nói về việc
tiết lộ nội dung chỉ thị 15 của thiếu tướng Phan Anh Minh:
“Đây là những chỉ thị thuộc loại tối mật tuyệt mật
trong nội bộ đảng, không phải ai cũng biết thậm chí một số đảng viên cũng không
biết.”
Tất cả những người chúng tôi trao đổi đều nói là
chưa từng thấy chỉ thị 15, nhưng đều nói việc đảng cộng sản phân biệt đối xử giữa
đảng viên và dân thường đã tồn tại từ rất lâu, từ khi đảng cộng sản lên nắm quyền.
Nhà hoạt động dân sự Tiến sĩ Nguyễn Quang A
nói về cách mà đảng cộng sản và nhà nước do đảng cộng sản điều hành xử những
công dân đảng viên phạm pháp:
“Cứ có một ông đảng viên nào vi phạm pháp luật thì đầu
tiên phải báo cho đảng đã, sau đó thì khai trừ đảng rồi cơ quan bảo vệ pháp luật
mới vào. Rồi lúc đó xử lý, bắt, thì là xử lý một người ngoài đảng rồi, tức là để
cái danh tiếng của đảng cộng sản không bị dính vào.”
Tuy vậy việc tiết lộ nội dung chỉ thị 15 cũng làm
cho nhiều người ngạc nhiên, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng:
“Chuyện tiết lộ chỉ thị 15 nó có một cái hơi hám là
đổ vấy trách nhiệm giữa công an và tổ chức đảng và ngược lại.”
Ông Dũng nói thêm là thời điểm mà tướng Phan Anh
Minh nói về chỉ thị 15 trùng hợp với lúc ông Đinh La Thăng được điều về đứng đầu
đảng bộ Thành phố HCM, và có làm việc với bên công an của tướng Minh về việc phải
giảm nhanh mức độ tội phạm tại thành phố này.
Bộ
máy song trùng
Ông Đinh La Thăng vốn phụ trách Bộ giao thông vận tải,
đã được bầu vào Bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam, cơ quan lãnh đạo cao
nhất nước. Từ khi ông được phái về phụ trách đảng bộ thành phố HCM, truyền
thông Việt Nam nói rất nhiều về ông mà không nói gì về ông Nguyễn Thành Phong,
người về mặt chính thức là đứng đầu bộ máy hành pháp của nhà nước Việt Nam tại
Thành phố này.
Sự tồn tại song song của hai bộ máy, một bộ máy nhà
nước, và một bộ máy đảng làm cùng một chuyện ở mọi cấp đã được nói đến từ lâu,
người ta nói rằng hai bộ máy này dẫm chân lên nhau, tạo nên một bộ phận người
ăn lương ngân sách quốc gia khổng lồ. Và điều quan trọng là bộ phận đảng giữ
vai trò lãnh đạo như đảng cộng sản vẫn công khai tuyên bố.
Tiến
sĩ Nguyễn Quang A phê phán cái cách mà cơ quan đảng can thiệp vô việc
điều hành công việc của quốc gia:
“Họ lệnh cho việc nhà nước phải làm như thế này như
thế kia, tức là một cách chỉ đạo hết sức là lộ liễu. Những việc ấy nếu nói theo
Hiến pháp và pháp luật là những hành động phạm pháp.”
Mặt khác theo ghi nhận của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì
từ cuối những năm 1990 cho đến nay quyền lực của cơ quan đảng đã yếu đi nhiều.
Trước đó quyền lực của đảng rất lớn trong các vụ trọng án.
Ở đại hội 12 của đảng cộng sản vừa kết thúc, ông Tổng
Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có nói đến việc chú tâm vào việc xây dựng đảng và chống
tham nhũng của đảng. Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận xét thì các ban đảng chống
tham nhũng ở các tỉnh và thành phố hiện nay đều rất yếu ớt.
Khi được hỏi là có khả năng đảng cộng sản sẽ tăng cường
sự có mặt của mình trong việc điều hành nhà nước để chống tham nhũng có hiệu quả
không, thì ông Phạm Chí Dũng trả lời nếu như vậy thì trở lại với tình
hình những năm 1990 trở về trước, ông cho là khó có thể xảy ra vì bây giờ xã hội
đã thay đổi rất nhiều.
Ông nói tiếp về bộ máy song trùng đảng-nhà nước
trong việc chống tham nhũng hiện nay:
“Nếu cứ để bộ máy song trùng như thế này, cái kiểu
như thế này thì chẳng những không chống được tham nhũng mà còn hình thành các
nhóm thân hữu, tham nhũng chính sách bao che cho tham nhũng.”
Giải
quyết cơ chế song trùng như thế nào?
Ngoài chỉ thị 15 có liên quan trực tiếp đến các đảng
viên, còn có nhiều văn bản qui định về luật khác được cho là vi phạm Hiến pháp.
Trả lời Anh Vũ của đài Á Châu Tự do về giải pháp hiện nay trong tình trạng nhà
nước pháp trị chưa tồn tại tại Việt Nam, nhà báo Nguyễn An Dân cho rằng:
“Muốn xóa bỏ tình trạng này trong cơ chế ở Việt
Nam chưa có nhà nước pháp trị cũng như pháp quyền, thì quy trình làm luật và
thông qua luật thuộc về Quốc hội phải trả về cho Quốc hội và những Đại biểu quốc
hội. Cụ thể là những người do dân bầu ra, không dính dáng đến các cơ quan hành
pháp, tư pháp, lập pháp, tức là họ là những đại biểu độc lập. Có như thế thì mới
xây dựng luật có tính khách quan được.”
Luật
sư Hà Huy Sơn nói quan điểm của ông trong việc thực thi pháp luật
và tổ chức bộ máy nhà nước:
“Thực chất là mọi quyền lực trong xã hội Việt Nam
nằm trong tay đảng cộng sản hết, còn thì những cái qui định của nhà nước ở một
mức độ nào đó chỉ là hình thức thôi. Quan điểm của tôi để có một xã hội công bằng
thì phải có nhà nước pháp quyền, tức là những cơ quan lập pháp, hành pháp, tư
pháp phải độc lập và đối trọng với nhau, và nguyên lý để có nhà nước pháp quyền
là phải có đa đảng. Theo nhận thức của tôi là như vậy.”
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A thì đảng cộng sản nên chọn
một trong hai giải pháp để cho tình trạng của đất nước được rõ ràng. Thứ nhất
là nói thẳng là đảng cộng sản làm hết mọi thứ, không có bầu cử quốc hội gì cả.
Thứ hai là nếu muốn phát triển thì phải có một nền dân chủ thực sự, trong đó đảng
cộng sản hoạt động dưới pháp luật như các đảng khác. Còn trong tình trạng hiện
nay, thì chỉ thị 15 chính là một điều rõ ràng để chứng minh rằng đảng cộng sản
đứng trên pháp luật.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng không phải đảng cộng
sản Việt Nam không biết đến sự tệ hại của bộ máy song trùng đảng-nhà nước,
nhưng ông cho là bây giờ nếu bỏ bộ phận đảng thì những đảng viên đó không còn
biết làm gì để sống.
No comments:
Post a Comment