Cát
Linh, phóng viên RFA
2016-03-1
2016-03-1
Ngay sau khi lời phát biểu của thiếu tướng Phan Anh
Minh, phó giám đốc Sở Công an TP Hồ Chí Minh thừa nhận “Công an không được
trinh sát Đảng viên, vì vướng chỉ thị 15”, dư luận trong nước đều hướng về một
biên bản được cho là rất quyền lực này.
Có thật sự đây là một chỉ thị bí mật mà chỉ vừa được
thiếu tướng Phan Anh Minh tiết lộ? Và chỉ thị 15 có ý nghĩa như thế nào trong
công tác phòng chống tham nhũng?
Một
chỉ thị tuyệt mật
Chỉ thị 15 do Bộ chính trị đưa ra vào ngày 7 tháng 7
năm 2007 về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan quan bảo vệ luật pháp
trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ đảng.
Tuy nhiên, chỉ sau khi thiếu tướng Phan Anh Minh,
phó giám đốc Sở Công an TP.HCM, có lời phát biểu tại Hội nghị tổng kết phòng chống
tham nhũng, lãng phí năm 2015, nội dung của chỉ thị này mới được tiết lộ:
“Các cơ quan
bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng
văn bản với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được
tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt... thì cơ
quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng.”
Luật
sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội xác nhận
có nghe về nội dung của chỉ thị 15 này đúng như những gì thiếu tướng Phan Anh
Minh phát biểu:
“Chỉ thị 15 thì tôi có nghe có người nói đến. Khi muốn
truy tố, tạm giam, xử lý xét xử một Đảng viên thì phải báo cho cấp quản lý người
đó biết để xử lý Đảng viên, cụ thể là đình chỉ sinh hoạt Đảng hoặc khai trừ Đảng
thì lúc đó mới có thể tiến hành các thủ tục được.”
Tuy nhiên Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết trong nhiều
năm công tác, ông chưa từng nghe hoặc tận mắt nhìn thấy chỉ thị đó :
“Vì biên bản đó là tuyệt mật, chỉ có thủ trưởng, những
người đứng đầu ngành các cơ quan, tổ chức thì mới biết. Tôi có nghe nói, nghe
người ta thuật lại chứ chưa thấy biên bản đó.”
Một người với nhiều năm tuổi Đảng, nhưng đã từ bỏ
vào ngày 22 tháng 8 năm 2014, Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam, Tiến sĩ,
Bác sĩ Đinh Đức Long cũng thừa nhận trong nhiều năm là Đảng viên, ông cũng
không được biết đến biên bản gọi là chỉ thị 15 :
“Ngày hôm nay tôi đọc báo tôi mới biết chỉ thị 15 chứ
bản thân tôi với nhiều năm là Đảng viên tôi cũng không biết đến chỉ thị này.
Tôi nghe nói chỉ thị này là chỉ thị mật cho nên họ không phổ biến rộng rãi.”
Luật
sư Trần Quốc Thuận cho biết, chỉ đến khi ông nhận hồ sơ vụ án của
blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, lúc đó ông mới được tiếp cận chỉ thị 15. Đặc biệt, ông cho biết chỉ thị
15 chính là một trong những lý do làm cho vụ án của blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu
Vinh chưa thể đem ra xét xử :
“Viện kiểm sát tối cao đề nghị điều tra và đề nghị
phục hồi đảng tịch. Tôi tìm hiểu tại sao phải làm vậy thì người ta nói anh này
là Đảng viên nhưng chưa đình chỉ sinh hoạt Đảng, chưa khai trừ Đảng, chưa xoá
tên Đảng thì truy tố như vậy sẽ vướng chỉ thị 15.”
“Vì
những người ngồi xét xử ở Việt Nam đều là Đảng viên cả, nên có lẽ câu chuyện người ta đặt ra là anh là Đảng viên thì anh có chấp
hành chỉ thị 15 không, mà nếu chấp hành chỉ thị 15 thì tôi cho rằng vụ án Ba
Sàm Nguyễn Hữu Vinh có nhiều khúc mắc khó tháo gỡ.”
Chiếc
áo giáp của Đảng viên
Tại Hội nghị tổng kết phòng chống tham nhũng, Thiếu
tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Sở Công an TP Hồ Chí Minh đưa ra lý do vì
sao Công an TP không phát hiện được án tham nhũng, đó là “Vì CATP cũng phải chấp hành chỉ
thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an
thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên.”
Như lời giải thích của thiếu tướng Phan Anh Minh ở
trên, có thể hiểu chỉ thị 15 không những đang giám sát, quản lý toàn bộ quá
trình tố tụng của một vụ án liên quan đến đối tượng là Đảng viên mà còn quyết định
vụ án nào sẽ được trinh sát và khởi tố.
Cũng từng là một Đảng viên, tuy nhiên Tiến sĩ
Đinh Đức Long, ngay khi biết đến chỉ thị 15 thì ông đã thể hiện quan điểm bất
bình về biên bản này :
“Nói về góc độ luật pháp, chỉ thị này của
Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi vi phạm pháp luật. Vì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật thì tại sao người Đảng
viên lại không bị điều tra?”
Một cách hình tượng hơn, Tiến sĩ Đinh Đức Long so
sánh chỉ thị 15 với hình ảnh của một chiếc áo giáp nhằm mục đích “bảo vệ cho những Đảng viên có
thể độc quyền tham nhũng mà không ai dám đụng vào được. Không có phương tiện
nào về mặt pháp lý để làm được cả.”
“Theo lời thiếu
tướng Phan Anh Minh nói thì với chỉ thị này, người tham nhũng được bảo vệ tuyệt
đối, vì đa số người tham nhũng là Đảng viên có chức có quyền. Và chỉ thị 15 đã
bảo vệ cho họ. Công an là lực lượng chuyên chính rất là mạnh hiện nay mà
không đụng vào được thì làm sao quân đội, nhân dân chúng tôi đụng vào được?”
Luật
sư Trần Quốc Thuận lại có một nhận định khác tích cực hơn. Ông nói rằng
công việc chống tham nhũng đã được chính phủ chuyển sang cho bên Đảng và trưởng
uỷ ban chống tham nhũng hiện giờ là Tổng bí thư. Đó là một cách để không bị vướng
chỉ thị 15 của Bộ chính trị :
“Còn việc kỳ này có nhiều người xuất phát nguyên là
cán bộ công an tướng lãnh công an giờ giữ những vị trí quan trọng trong Đảng và
nhà nước thì tôi cho rằng đó là sự phát triển bình thường của cán bộ. Hiện nay
theo giới thiệu kỳ này ra ứng cử vào đại biểu Quốc hội thì số người bên quân đội
đông hơn bên công an. Cho nên trong quá trình làm việc thì nơi nào làm tốt thì
họ phát triển chứ tôi chưa thấy có sự chi phối nào của công an trong bộ máy Đảng
và nhà nước.”
Sau lời phát biểu thẳng thắn của Thiếu tướng Phan
Anh Minh, rất nhiều ý kiến trên truyền thông mạng cho rằng sẽ có nhiều chuyên
án được phá vỡ. Cũng như nhận định mà chúng tôi ghi nhận từ Tiến sĩ Đinh Đức
Long cho biết rằng theo ông, những sự thật vốn được che giấu bao lâu nay trong
Đảng cộng sản cũng như Bộ chính trị Việt nam đang dần dần lộ ra.
No comments:
Post a Comment