Được đăng ngày Thứ bảy, 12
Tháng 3 2016 19:21
Vùng biển chạy từ mỏm phía nam
của bán đảo Triều Tiên cho đến bờ bắc của quần đảo Indonesia từ ngàn năm nay vẫn
là con đường mở ngỏ cho lưu thông và giao lưu từ văn hóa, thương mại cho đến sự
di cư của con người. Trong quá khứ các sử gia đã so sánh vùng biển bao gồm biển
Hoa Đông và biển Đông như là Địa Trung Hải của châu Á. Nhưng lúc gần đây nó đã
bị so sánh với một cái tên khác của châu Âu, đáng sợ hơn nhiều, vùng được coi
là đã kích động nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt nhất của lịch sử: vùng
Balkans.
Chỉ cách bờ biển hòn đảo
Palawan của Philippines chưa đầy 25 hải lý là biểu tượng của một cuộc chiến
tranh không tuyên chiến nhưng đầy nguy hiểm mà kết cuộc hiện chưa ai có thể
đoán trước được. Nguyên nhân của nó nằm trong những cố gắng gia tăng của Trung
Quốc vẽ lại bản đồ vùng biển này giống như Nga đang tìm cách vẽ lại bản đồ
chính trị của châu Âu tại những nơi như Crimea hoặc Ukraine. Điều khác biệt
quan trọng nhất giữa các cố gắng của Trung Quốc và Nga là tại vùng này số tay
chơi tham dự trò chơi lớn này đông hơn và lối chơi phức tạp hơn nhiều.
Với những hành động càng ngày
càng trâng tráo hơn, Bắc Kinh bắt đầu tìm cách khẳng định chủ quyền của họ đối
với trên 80% diện tích của biển đông, vùng biển mà họ nói bao gồm trong “con đường
chín điểm”, một phát minh của chính quyền Quốc Dân Đảng trong giai đọan hào
quang sau thế chiến thứ hai khi nó được vẽ ra để chỉ cho thế giới quan điểm của
Trung Quồc về uy quyền truyền thống của mình. Con đường này không có một giá trị
quốc tế nào và đã không được ai để ý đến khi Trung Quốc phục sinh nó lại. Nay
thì nó hiện diện trên tất cả các bản đồ của Trung Quốc và kể từ năm 2012, nó đã
được in trên mọi thông hành mà chính quyền Bắc Kinh phát cho dân mình.
Còn được biết dưới tên là đường
lưỡi bò vì nó giống như lưỡi một con bò thọc từ bờ biển phía nam của Trung Quốc
xuống tận bờ biển Malaysia và Indonesia, nó bao chum một vùng biển qua đó 40% mậu
dịch quốc tế và hầu như 90% dầu nhập cảng của Trung Quốc phải đi qua.
Ngay từ bây giờ ngư dân của các
nước sống ven biển đông tỷ như ngư dân Việt Nam tại Quảng ngãi hay ngư dân trên
đảo Palawan của Philippines đã cảm thấy áp lực. Đi vào những nơi quen thuộc trên
biển mà tổ tiên họ đã tự do đánh cá từ nhiều thế hệ, họ bỗng trở thành những nạn
nhân của một cuộc tranh chấp vượt trên đầu họ. Một chủ tàu cá trẹn đảo Palawan
tâm sự với phóng viên tạp chí Atlantic Monthly trong lúc đứng chờ một
con tàu của mình đi đánh cá trở về:
“Dân chài hiện sợ phải đi xa vì
có rất nhiều tàu Trung Quốc, toàn tàu chiến. Người Tàu nói vùng này từ xưa vẫn
là của họ”.
Nếu Trung Quốc có thể áp đặt
tham vọng của mình lên trên biển Đông, ít nhất năm quốc gia tại Đông Nam Á – cả
năm đều yếu hơn Trung Quốc nhiều – sẽ bị giới hạn vào một vùng biển nhỏ hẹp dọc
theo bờ biển của họ. Trung Quốc không những sẽ bảo đảm an ninh cho nguồn cung cấp
dầu lữa và nguyên liệu cho kinh tế của mình mà còn chiếm được quyền khai thác
những nguồn hải sản khổng lồ cũng như tài nguyên dười lòng biển như dầu lửa và
khí đốt. Quan trọng hơn nữa Trung Quốc sẽ có được một vùng trái độn to lớn chống
lại cái mà họ gọi là sự can thiệp của Hoa Kỳ và vị thế bá quyền mà họ ước muốn
từ lâu, trở thành trên thực tế bá chủ tại vùng Tây Thái Bình Dương và chuẩn bị
cho việc họ thay thế Mỹ làm bá chủ thế giới. Nó cũng có thể nói là nếu làm được
vậy Trung Quốc đã thành công trong việc mở rộng lãnh thổ lớn nhất tại châu Á kể
từ khi đế quốc Nhật chiếm được một phần lớn vùng Đông Á trong thế chiến thứ
hai.
Việc bành trướng của Trung Quốc
là một điều đã được dự đoán từ trước. Ngay từ trước khi Trung Quốc bắt đầu có
những hành động gây hấn, nhiều nhà quan sát đã nói đến một cuộc chiến tranh lạnh
mới trong đó một nước Trung Quốc đang nổi lên tìm cách dần dà đuổi Hoa Kỳ ra khỏi
vùng Tây Thái Bình Dương là một điều không thể tránh khỏi. Một tiến trình như vậy
cố nhiên là rất nguy hiểm vì Hoa Kỳ chắc chắn là sẽ chống lại gay gắt những cố
gắng đó. Điều mới lạ và đáng lo ngại là thời điểm xảy ra tiến trình này, hay ít
nhất là giai đọan đầu của nó đã xảy ra vào lúc này và tốc độ lấn tới chỉ trong
vòng hai năm qua đã gia tăng mạnh. Một cách đột nhiên và trâng tráo, Trung Quốc
đã bắt đầu gia tăng các họat động quân sự trong vùng khiến cho cả Hoa Kỳ lẫn
các nước lân bang đều bị bất ngờ.
Kể từ giữa năm 2013, Trung Quốc
thọat nhìn có vẻ muốn gây sự với tất cả mọi quốc gia chung quanh vùng biển của
mình. Tháng 7/2013, một hạm đội Trung Quốc, xuất phát từ một hải cảng ở miền bắc
lần đầu tiên đi tuần du chung quanh quần đảo Nhật Bản, từ bắc xuống nam và từ
đông sang tây. Bắc Kinh có vẻ muốn gởi đi hai thông điệp: thứ nhất, Trung Quốc
nay không còn chịu bị nhốt bên trong cái gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” – chuỗi đảo
chạy từ Kamchatka xuống đến tận Java và Sumatra ngăn chặn tàu chiến Trung Quốc
đi ra vùng biển khơi của Thái Bình Dương và thứ hai Trung Quốc nay đã sẵn sang
đứng lên trực diện chống lại đối thủ lịch sử của mình trong việc giành bá quyền
tại châu Á.
Đến tháng 10 năm 2013, Bắc Kinh
đột ngột đưa ra một tuyên bố thành lập một khu “Nhận Diện Phòng Không”
(“air-defense identification zone,” – ADIZ) giành quyền kiểm soát các vụ không
hành đi qua vùng trời của vùng biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản bao gồm không
những vủng biển và hải đảo mà Nhật nhận chủ quyền mà cả các vùng của Nam Hàn vốn
có quan hệ tốt với Bắc Kinh. Ngũ Giác Đài của Mỹ vốn thường xuyên gởi máy bay
trinh sát bay qua vùng biển này lập tức tuyên bố không công nhận đòi hỏi của
Trung Quốc và gởi hai máy bay B52 bay qua để chứng tỏ quyết tâm của mình. Thế
nhưng cơ quan Kiểm Soát Hàng Không Dân Sự của Mỷ lại khuyến cáo các công ty máy
bay dân sự của Mỹ tuân thủ đòi hỏi của Trung Quốc. Hành động mâu thuẫn của
chính phủ Mỹ có vẻ đã khuyến khích Bắc Kinh lấn thêm nữa.
Chỉ vài ngày sau khi tuiyên bố
thành lập một khu Nhận Dạng Phòng Không ADIZ trên biển Hoa Đông, Trung Quốc gởi
chiếc Liêu Ninh, chiếc hàng không mẫu hạm độc nhất của mình, một chiếc tàu mua
lại của Ukraine năm 1998 và tân trang thành mới đi chuyến hải hành đầu tiên với
toàn thể chiến hạm hộ tống và đầy đủ máy bay trên hạm. Chuyến đi diệu võ dương
oai này có thể nói là một sự lập lại hầu như nguyên văn chính sách ngọai giao
pháo hạm (gunboat diplomacy) mà các nước thực dân phương tây làm cách đây một
thế kỷ. Với một đoàn tàu hộ tống bao gồm hai khu trục hạm và hai frigates chống
tàu ngầm, chiếc Liêu Ninh này đi thằng tới biển Đông vùng biển đang gây tranh
chấp. Đầu tháng chạp 2013, ngay trước khi đến vùng biển tranh chấp với Việt Nam
và Philippines, một trong những chiến hạm hộ tống của Trung Quốc bắt đầu chơi một
trò chơi “chicken” nguy hiểm với một chiến hạm Mỹ, chiếc tuần dương hạm mang hỏa
tiễn Aegis Cowpens.
Chiếc Cowpens đang theo dõi việc
triển khai họat động của chiếc Liêu Ninh trên vùng biển quốc tế khi một chiếc
tàu hộ tống của chiếc Liêu Ninh đột ngột quay lại và dừng ngay trước mũi chiếc
Cowpens khiến thuyền trưởng chiếc này phải quay tàu một cách gay gắt để tránh
đâm vào chiếc tàu của Trung Quốc. Theo cơ quan thông tấn chính thức của Trung
Quốc thì lý do mà tàu Trung Quốc hành động như vậy, bất chấp luật biển là vì
chiếc Cowpens đã vị phạm vùng biển “khu vực bảo vệ bên trong” (inner defense
layer) của đoàn tàu Trung Quốc, một đòi hỏi từ trước tới nay chưa từng có – một
vùng biển diện tích đến 2,800 dậm vuông Anh tương đương với nửa diện tích bang
Connecticut. Sau sự cố này, hải quân Mỹ đã cố gắng giải thích rằng việc né
tránh của tàu Mỹ không thể được coi như là một tiền lệ. Đô đốc Samuel J.
Lockyear tự lệnh bộ chỉ huy quân khu Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố:
“Quân lực Hoa Kỳ, các lực lượng
của tôi trong khu vực trách nhiệm Thái Bình Đương sẽ tiếp tục tự do họat động
trên vùng biển quốc tế. Đó là đường lối căn bản… Chúng tôi sẽ họat động tại đây
…Và đó là thông điệp gởi tơi tất cả các quân đội nào cũng họat động ở trong
vùng”.
Nhưng sự ne tránh của Mỹ lại một
lần nữa khuyến khích Trung Quốc lấn tới.
Tháng giêng 2014, một tiểu hạm
đội Trung Quốc khác tiến tới bãi James ở ngoài khơi Malaysia và tổ chức một buổi
lễ rầm rộ trong đó các thủy thủ Trung Quốc tuyên thệ “quyết tâm bảo vệ chủ quyền
trên biển của Trung Quốc”.
Tháng hai, ba chiến hạm Trung
Quốc đi sang Ấn Độ Dương lần đầu tiên đi qua eo biển Sunda giữa Java và Sumatra
và tiến tới - không báo trước gần sát quần đảo Christmas của Úc để tổ chức tập
trận. Trung Quốc, bạn hàng lớn nhất của Úc có vẻ bất bình việc Úc năm 2011 đã
cho phép Mỹ lập một căn cứ thủy quân lục chiến tại Darwin như là một phần của
chính sách “quay về châu Á” của chính quyền Obama. Trả lời phỏng vấn của nhật
báo Sydney Morning Herald, Thẩm Đinh Lập, giáo sư bang giao quốc tế tại trường
đại học Hạ Đán, Thương Hải đã giải thích:
“Hoa Kỳ can thiệp vào việc
Trung Quốc thống nhất với Đài Loan, và thành lập các liên minh trong vùng nhằm
mục tiêu can thiệp quân sự. Úc nằm trong bàn cờ chiến lược của Hoa Kỳ cũng là vì
mục tiêu đó …Thành ra Úc không thể hy vọng đi theo Mỹ mà đe dọa Trung Quốc mà
không phải trả giá”.
Những tháng sau đó tiếp tục thấy
những khiêu khích của Trung Quốc một ngày một mạnh thêm. Đầu tháng năm, khoảng
80 chiếc tàu Trung Quốc bao gồm cả 7 chiến hạm của hải quân đi kèm một dàn
khoan trị giá 1 tỷ đô la kéo đến một địa điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam 120 hải
lý và bắt đầu khoa dầu tại đó. Trung Quốc nói là dàn khoan này làm việc bên
trong lãnh hãi của họ tuy rằng nó gần bờ biển Việt Nam hơn và địa điểm này nằm
sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà luật biển dành cho các nước ven
biển. Một cuộc đụng độ - may mắn là không đổ máu diễn ra giửa hai bên với
các tàu Trung Quốc dung sung nước để chặn tàu Việt Nam và cả hai bên dung tàu
mình để đâm vào tàu địch. Cuối cùng bị thua trước số đông, Việt Nam chỉ có cách
phản đối bằng miệng. Tuy nhiên có lẽ vì chi phí bảo vệ quá lớn, đến giữa tháng
7, Trung Quốc loan báo dàn khoan này đã hoàn thành nhiệm vụ và rút về đảo Hải
Nam của Trung Quốc.
Cũng trong năm 2014, Trung Quốc
bắt đầu dung các hành động khác, ít quân sự hơn, nhưng không kém trâng tráo để
khẳng định sự chủ quyền của họ đối với biển Đông: xây dựng những hòn đảo nhân tạo
tại quần đảo Trường Sa nơi đang tranh chấp. Tại những đảo nhân tạo này Trung Quốc
đã xây dựng những căn cứ hải không quân và cả trại lính để có thể dung chúng
như là công cụ lấn chiếm các đảo lân cận đã bị các nước khác chiếm trước.
I. Sát kê kinh hầu (Giết gà dọa khỉ): Chiến thuật Trung
Quốc tại biển Đông.
Những hành động khiêu khích và
lấn chiếm của Trung Quốc cần phải hiểu như là một kịch bản được nghiên cứu cẩn
thận nhằm đưa Trung Quốc tới vị thế bá quyền tại Tây Thái Bình Dương. Vào lúc
này, Trung Quốc tập trung vào biển Đông nơi mà họ có một ưu thế quân sự khổng lồ
so với các đối thủ Đông Nam Á. Nhưng một khi thành công thì họ sẽ lấn tới Nhật
Bản và Nam Hàn. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian.
Đối thủ chính của Trung Quốc hiện
nay tại biển Đông là Việt Nam và Philippines. Người ta chờ đợi rằng sớm hay muộn
Trung Quốc sẽ tìm cách “dạy cho một trong hai nước một bài học” theo đúng truyền
thống đã từng được viết ra trong bộ sách “Tam Thập Lục Kế” được phổ biến rộng
rãi tại Trung Quốc: Sát kê Kinh hầu (giết con gà để dọa bầy khỉ)
Vần đề là nước nào trong hai nước
sẽ là con gà để Trung Quốc dạy cho bài học và để cho các nước lân bang khác thấy
rằng chống lại Trung Quốc là vô ích và trong đợi vào Mỹ đến cứu là vô hy vọng?
Vào lúc này, Việt Nam là quốc
gia độc nhất trong vùng tìm cách cưỡng lại một cách nghiêm túc tham vọng lấn biển
của Trung Quốc. Và Việt Nam không có một thỏa hiệp an ninh nào với Hoa Kỳ khiến
Việt Nam trở thành một mục tiêu hấp dẫn. Nhưng mặt khác mặc dầu chỉ bằng một phần
30 tầm mức của Trung Quốc, người Việt có một kinh nghiệm phong phú chống lại
Trung Quốc như bài học mới nhất mà người Việt dạy cho Trung Quốc trong cuộc chiến
năm 1979 trong đó trên 20,000 lính Trung Quốc thiệt mạng – một cuộc chiến mà
cho đến nay các chính quyền Trung Quốc còn kiểm duyệt không cho nói đến.
Mặc dầu hai nước là đồng minh
trên phương diện ý thức hệ, quan hệ giữa hai nước trong lịch sử vẫn là quan hệ
đối kháng và những cuộc xâm lược của Trung Quốc đã tạo ra một dấu ấn sâu đậm
trong lòng người dân Việt. Các quan chức Việt Nam không có giữ một ảo tưởng nào
sẽ chiến thắng Trung Quốc trong một cuộc chiến bất tương xứng nhưng họ cho rằng
có thể làm cho Trung Quốc phải trả một giá đắt đủ để cho Trung Quốc không dám
phiêu lưu. Như một quan chức Việt Nam khoe với phóng viên nhật báo New York
Times trong hội nghị Shangri La vừa qua:
“Chúng tôi là một nước nhỏ,
nhưng mỗi lần Trung Quốc muốn dung vũ lực chống Việt Nam chúng tôi đều chặn họ
được. Trong cuộc chiến quần đảo Malvinas, Argentina chỉ bắn có ba hỏa tiển
Exocet mà một quả đã bắn chìm một tàu Anh. Nếu họ mang chiếc Liêu Ninh dến
chúng tôi sẽ tiếp đón họ”
Hà Nội đã đặt mua của Nga sáu
chiếc tàu ngầm lọai Kilo và đã nhận được hai, với bốn chiếc sau sẽ lần lượt được
giao trong vòng hai năm tới. Với tổng số chi phí cho sáu chiếc tàu ngầm này – kể
cả chi phí xây dựng một cảng cho tàu ngầm và các cơ sở bảo trì lên tới trên 3 tỷ
đô la, đây là một chí phí lớn cho một nước mà GDP tính trên đầu người mới chỉ đạt
1,900 đô la một năm nhưng Hà Nội hy vọng rằng chúng sẽ có một tác dụng răn đe
quan trọng đối với Trung Quốc.
Nếu đối với dân chúng Việt Nam
việc chống Tàu là nằm trong máu rồi thì đối với những người cầm quyền tại Hà Nội
vấn đề tế nhị hơn nhiều. Hai nước nằm trong số hiếm hoi các quốc gia trên thế
giới mà đảng Cộng Sản còn nắm độc quyền về chính trị. Kinh tế hai nước càng
ngày càng quyện lẫn vào nhau giúp cho Trung Quốc có khả năng dễ dàng lung lạc
Việt Nam về kinh tế. Năm 2012 Trung Quốc đã từng dùng biện pháp này chống lại
Philippines khiến cho những khối lượng chuối khổng lồ mà Phi xuất cảng sang
Trung Quốc bị thối ở bến cảng. Trung Quốc cũng làm vậy với Việt Nam. Khi căng
thẳng gia tăng vì Trung Quốc kéo dàn khoan vào lãnh hải Việt Nam, mậu dịch giữa
hai nước đã giảm hẳn xuống. Và các phương tiện truyền thống nhà nước của Trung
Quốc lên tiếng đe dọa Việt Nam về những hậu quả kinh tế lâu dài khả dĩ.
Một vấn đề nữa làm cho chính
quyền Việt Nam lo ngại là những hậu quả khả dĩ trong việc chống Trung Quốc đối
với chế độ. Việc Trung Quốc triền khai dàn khoan trong lãnh hải Việt Nam đã tạo
ra nhũng đợt biểu tình phản đối khổng lồ tại các tỉnh thành phố Việt Nam nơi mà
những cuộc biểu tình như vậy rất hiếm hoi và thường bị dập tắt ngay từ trứng nước.
Không làm mạnh chống lại Trung Quốc có thể dẫn đến việc chế độ mất tính chính
đáng đối với người dân, làm chế độ bị sụp đổ, nhưng nếu đi vào một cuộc chiến với
Trung Quốc và thất bại thì cũng có thể dẫn đến sự sụp đổ của chế độ.
Đó chính là điều mà một số quan
chức Hà Nội nay đã bắt đầu lên tiếng cảnh cáo rằng mặc dầu hành động quân sự là
hấp dẫn về tình cảm và có thể khó tránh được nhưng nếu vần đề đối phó với Trung
Quốc trở thành gắn quá chặt với sự tồn tại của chế độ, với sự bất tương xứng
trong cán cân lực lượng hiện này, tất cả những gì có thể xảy ra chỉ là dẫn đến
thay đổi chế độ.
Để bảo vệ chủ quyền của mình
trên bãi cạn Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), chính phủ Philippines cho đồn trú một
toán Thủy Quân Lục Chiến trên chiếc tàu Sierra Madre vốn được cho mắc cãn tại bải
này. Phía Trung Quốc thường xuyên tìm cách ngăn chặn không cho Phi tiếp tế toán
quân này.
Nếu Trung Quốc muốn chọn một
con gà hy sinh khác ngoài Việt Nam để dọa bầy khỉ Đông Nam Á khác thì
Philippines là một lựa chọn dễ dàng nhất. Cho đến lúc này, Philippines vẫn nổi
bật trong các nước Đông Nam Á về tình trạng yếu kém về quân sự. Philippines là
quốc gia Đông Nam Á độc nhất không có một lực lượng không quân chiến đấu nào.
Phi đội F5 cuối cùng của Phi đã bị giải tán từ trước năm 2000 và máy bay vận tải
C130 thì chỉ còn hai hoặc ba chiếc là còn bay được. Trong suốt hơn 20 năm các
chính quyền Phi đã bỏ bê một cách tàn tệ lực lượng quân sự vốn đã không mạnh
ngay từ đầu.
Để chống lại các sự xâm lấn của
Trung Quốc, Philippines chỉ còn cách chọn lựa đưa cuộc tranh chấp này ra trước
dư luận quốc tế mỗi khi có thể được. Nếu Trung Quốc dung đến vũ lực cộng đồng
thế giới nhất định sẽ ủng hộ kẻ yếu thế. Đó là lý do Philippines đem kiện Trung
Quốc trước tòa án quốc tế về luật biển. Tòa án này không có sức mạnh gì để buộc
Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của họ nhưng Philippines trông cậy vào áp lực
quốc tế để buộc Trung Quốc phải thi hành chính cái công ước mà họ đã ký kết và
thông qua vào năm 1996. Như Harry Roque, giáo sư luật của trường đại học
Philippines tại Manila, nhận xét:
“Chúng tôi chẳng có gì để mất
trong khi được có thể được tất cả!”.
Đồng thời Philippines cũng bắt
đầu tái võ trang, mua lại hai tàu chiến cũ của Ý, máy bay chiến đấu của Anh và
còn được Nhật và Nam Hàn viện trợ cho tàu tuần duyên để có thể có một khả năng
nào đó cưỡng lại những sự xâm lấn của Trung Quốc. Khi tổng thống Phi ông
Benigno Aquino tuyên bố nươc ông cần phải có ít nhất một khả năng tối thiểu để
răn đe các nước khác, rõ ràng là ông có ý muốn nói đến Trung Quốc.
Quan trọng hơn cả tháng 4 năm
2014 Phi ký lại một hiệp ước phòng thủ hỗ tương với Hoa Kỳ, một thỏa hiệp nhằm
làm cho Bắc Kinh phải dừng lại để suy nghĩ. Và một tháng sau khi ký hiệp ước,
trong một bài diển văn đọc tại West Point tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cố ý
nhấn mạnh đến điểm đó:
“Tôi xin nhắc lại một nguyên tắc
mà tôi đã để ra ngay từ lúc đầu nhiệm kỳ tổng thống của tôi: Hoa Kỳ sẽ sử dụng
sức mạnh quân sự, đơn phương nếu cần thiết khi quyền lợi căn bản của chúng ta
đòi hỏi, khi dân chúng ta bị đe dọa khi lối song của chúng ta bị đe dọa và khi
an ninh của những đồng minh của chúng ta bị đe dọa”.
Ta có thể nghĩ rằng thỏa hiệp
và những lời tuyên bố của tổng thống Obama sẽ ngăn chặn Trung Quốc, và đó là
quan điểm của hầu hết những người Mỹ. Thế nhưng từ bên bờ kia của Thái Bình
Dương, đặc biệt là từ phía Trung Quốc người ta vẫn nhìn một cách khác. Đối với
Trung Quốc, nay Philippines đã có sự ủng hộ công khai của Mỹ tìm cách làm nhục
Philippines sẽ cho phép Bắc Kinh chứng minh trước thế giới một điểm lớn
hơn: đùng có trông cậy vào Mỹ. Quan điểm đó được thể hiện rõ rang nhất trong một
cuộc trả lời phòng vấn với đài truyền hình Hồng Kông của thiếu tướng Châu Thành
Hổ, giáo sư trường đại học quốc phòng của Trung Quốc. Trong bài phỏng vấn, tướng
Hổ cảnh cáo các nước đồng minh của Mỹ tại châu Á rằng Hoa Kỳ đã trở thành “hồ
chỉ lão hổ” (một con cọp giấy) và so sánh phản ứng của Washington với cuộc
khủng hỏang tại Ukraine như là “phản ứng của một kẻ liệt dương”.
Theo quan điểm của Trung Quốc,
kịch bản lý tưởng sẽ là cho quân đội thiếu kinh nghiệm của Philippines dùng những
thiết bị mới mua sắm của họ ra cản trở việc xâm lấn của các tàu đánh cá và bán
quân sự Trung Quốc giúp Trung Quốc có thể tạo ra một cuộc chiến giới hạn cho thấy
tính ưu việt tuyệt đối của các lực lượng quân sự Trung Quốc. Hoa Kỳ có thể sẽ
thấy khó khăn trong việc phản ứng, nhất là cuộc đụng độ chỉ xảy ra trong một thời
gian rất ngắn. Đối với một số giới lãnh đạo tại Trung Quốc, cơ hội chứng minh
Hoa Kỳ là một con hổ giấy cho các nước lân bang thây quả là rất hấp dẫn.
Nếu nguy cơ của một sự mất mặt
của Mỹ khi ủng hộ (hoặc không ủng hộ) một nước yếu như Philippines là cao thì
nguy cơ đối với Trung Quốc cũng cao không kém. Hải quân Trung Quốc cho đến nay
hầu như không có kinh nghiệm chiến trường. Và lịch sử chiến tranh trên biển của
Trung Quốc kể từ thế kỷ thứ 19 hầu như toàn là chiến bại, trước hết là đối với
các nước thực dân châu Âu và sau đó là chống lại Nhật Bản. Trong cuộc chiến
tranh Trung Nhật năm 1895, một hạm đội Trung Quốc trên giấy tờ lớn gấp ba hạm đội
Nhật đã bị hầu như hoàn toàn tiêu diệt. Thành ra bất kỳ một thất bại nào trong
việc đánh bại một cách tuyệt đối và dễ dàng Philippines cũng sẽ là một sự mất mặt
đối với Trung Quốc, một sự mất mặt có khả năng làm chao đảo đảng Cộng Sản Trung
Quốc. Và Hoa Kỳ cũng có thể nhảy vào vòng chiến bảo vệ Philippỉnes. Và trong
trường hợp này người ta có thể thấy Trung Quốc mới là “con cọp giấy”.
Biển Đông chỉ là phần đầu của kế
họach hồi phục uy danh “Thiên triều” của Trung Quốc. Cách quần đảo Philippines
vài trăm hải lý về phía bắc mới là mục tiêu chính của các họat động của Trung
Quốc. Tại đó Trung Quốc đang cùng Nhật Bản tranh chấp một nhóm đảo mà người Nhật
gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài. Mặc dầu sự nhỏ bé không đáng
kể của lãnh thổ tranh chấp so với toàn bộ biển Đông nhưng cuộc đấu tranh này có
một tầm quan trọng hơn là các cuộc tranh chấp tại phía nam. Đây sẽ là nơi quyết
định tương lai của toàn bộ vùng Đông Á. Vùng này vốn chưa bao giờ chấp nhận sự
cộng đồng sinh tồn một cách hòa bình của hai đại cường cùng ở châu Á và với
Trung Quốc muốn trở lại vai trò “Thiên triều” của mình, Nhật Bản đã nói rõ họ ý
định ngăn chặn Trung Quốc của họ.
Giống như Anh quốc đối với lục
địa châu Âu, quần đảo Nhật Bản đã là nút chặn không cho Trung Quốc tiến ra vùng
biển khơi của Thái Bình Dương. Việc kiểm soát quần đão Senkaku và tối hậu Đài
Loan sẽ cho Trung Quốc một cửa ngõ thênh thang để ra Thái Bình Dương.
Trung Quốc không phản đối chủ
quyền của Nhât Bãn trên quân đảo Senkaku vào năm 1971 khi Mỹ trà lại cho Nhật Bản
chủ quyền quần đảo này. Trong một điều khó có thể nói là một sự trùng hợp, chỉ
hai năm sau khi Liên Hiệp Quốc công bố kết quả cuộc điều tra địa chất vùng biển
giữa Nhật và Đài Loan cho thấy thểm lục địa vùng này có thể chứa một khối lượng
đáng kể dầu khí, Trung Quốc mới bắt đầu xác định đòi chủ quyền của mình trên quần
đảo này.
Năm 1978 sau vài năm cãi vã bằng
miệng, lãnh tụ Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc thỏa thụân với thủ tướng Nhật thời
đó rằng hai nước cần phải dành vấn đề này cho một thế hệ sau giải quyết vì,
theo lời ông Đặng Tiểu Bình, “Thế hệ chúng ta không đủ khôn ngoan để tìm ra
một ngôn ngữ chung cho vấn đề này”. Thế nhưng chỉ 13 năm sau khi ông Đặng
qua đời, tình hình lại căng thẳng vọt trở lại. Mở đầu với việc các tàu đánh cá
Trung Quốc xâm phạm vùng biển chung quanh quần đảo Senkaku và bị tàu tuần duyên
của Nhật đuổi. Thuyền trưởng của một tàu cá Trung Quốc dùng tàu của mình húc
tàu tuần duyên của Nhật và bị Nhật bắt tạo ra một đợt chống Nhật khổng lồ tại
Trung Quốc.
Kề từ đó, Trung Quốc thường
xuyên gởi tàu tuần duyên của mình tiến vào bên trong vùng 12 hải lý được
coi như là lãnh hải của đảo Senkaku coi như là một thách thức trắng trợn chủ quyền
của Nhật tại quần đảo này. Có những lúc lực lượng quân sự hai nước đã trực tiếp
chơi một trò chơi cút bắt nguy hiểm. Tháng 12/2012 Trung Quốc cho máy bay trinh
sát bay trực tiếp vào không phận quần đảo Senkaku buộc Nhật phải gởi máy bay
chiến đấu từ Okinawa lên ngăn chặn. Một tháng sau đó, một frigate Trung Quốc đã
quay sung và nhắm radar kiểm soát tác xã vào khu trục hạm Yudachi của Nhật, một
hành động mà theo các chuyên gia quân sự có thể dễ dàng dẫn đến một cuộc nổ
sung.
Quan trọng hơn cả là tinh thần
dân chúng hai nước. Trong một cuộc khảo sát vào mùa hè năm 2014, 64% dân Trung
Quốc nói rằng Trung Quốc cần phải nắm lấy quyền kiểm soát quần đảo này và trên
50% nói rằng họ chờ đợi một cuộc chiến với Nhật vào một lúc nào đó trong tương
lai tuy rằng chỉ có 11% dự trù là chiến tranh sẽ nổ ra trong vài năm tới.
Thái độ của Trung Quốc cũng tạo
ra phản ứng về phía Nhật. Tháng 12/2012, dân chúng Nhật bầu lên một vị thủ tướng
có khuynh hướng dân tộc Nhất từ nhiều thế hệ, ông Shinzo Abe mà một trong những
việc đầu tiên khi lên nắm chính quyền là gia tăng ngân sách quóc phòng vá hứa hẹn
sẽ tìm cách sửa đổi hiến pháp cho phép quân đội Nhật được đường hoàng họat động
bảo vệ đất nước. Ông Abe đã công khai lên tiếng cần phải đứng dậy ngăn chặn sự
lấn tới của trung Quốc và ra lệnh thành lập một lực lượng thủy quân lục chiến
theo kiểu Mỹ có khả năng tác chiến tại các hải đảo. Tokyo cũng đi vào cuộc chạy
đua vũ trang với việc đưa vào họat động chiếc hàng không mẫu hạm bỏ túi Izumo,
tuy rằng hiện nay chỉ có thể trang bị trực thăng nhưng trong tường lai có thể
dành cho các lọai máy bay lên thẳng kiểu F35B họat động và loan bào sẽ gia tăng
lực lượng tàu ngầm từ 16 lên 22 chiếc.
Lý do mà người Nhật đưa ra
trong việc tăng cương lực lượng quân sự là sớm hay muộn Trung Quốc sẽ tìm cách
dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Senkaku và họ muốn có khả năng để có thể lấy lại.
Đó cũng là ý kiến của một số chuyên gia quân sự Mỹ. Đầu năm nay, nói chuyện tại
một hội nghị tại San Diego, giám đốc tình báo của hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ
đại tá James Farrell cho biết Bắc Kinh hiện đang chuẩn bị lực lượng “đề có
thể trong một cuộc chiến ngắn tiêu diệt lực lượng Nhật tại biển Hoa Đông, chiếm
đóng quần đão Senkaku và có thể ngay cả những đảo phía nam của quần đảo Lưu Cầu
(Ryukyu)”. Tuy rằng Ngũ Giác Đài phủ nhận những nhận xát của Farrell nói rằng
đó chỉ là ý kiến cá nhân của đương sự nhưng nó cho thấy ở một mức nào đó những
quan ngại của Mỵ về một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Nếu chiến tranh xảy ra vào lúc
này, hầu hết các chuyên gia quân sự đều cho rằng Nhật Bản sẽ thắng. Ngoài việc
vụ khí của Nhật hiện đại hơn, các lực lượng Nhật đã có nhiều năm huấn luyện
chung với các lực lượng Mỹ và có một truyền thống hải quân hơn là Trung Quốc.
Chính vì vậy mà một số chuyên gia Nhật cho rằng Trung Quốc sẽ không tìm cách trực
tiếp gây chiến mà tìm cách khiêu khích Nhật Bản với hy vọng Nhật Bản sẽ phản ứng
quá mức làm mất sự ủng hộ của quần chúng Nhật cũng như là gây chia rẽ với Mỹ. Nếu
Tokyo bị coi như là kẻ gây sự sẽ gặp phải những áp lực mạnh mẽ từ trong cũng
như ngoài để phải cầu hòa với Trung Quốc.
Quan trọng nhất đối với Nhật là
thái độ của dân chúng Mỹ. Kể từ 1996, bộ ngọai giao Nhật đã thường xuyên tổ chức
những cuộc khảo sát dư luận về sự ủng hộ của dân Mỹ với hiệp ước an ninh hỗ
tương Mỹ Nhật. Năm ngoái hai phần ba dân Mỹ ủng hộ hiệp ươc này nhưng đó là mức
độ thấp nhất kể từ khi có các cuộc khảo sạt. Điều đáng lo ngại hơn cho Nhật là
khi được hỏi “Nước nào tại châu Á là nước đồng ban quan trọng nhất của Mỹ” nhiều
người Mỹ đã nói là Trung Quốc hơn là nói Nhật. Vào lúc mà đa số người Mỹ chán
ngán chiến tranh, can thiệp vào một cuộc tranh chấp chung quanh vài hòn đảo vô
danh tại biển Hoa Đông có thể tạo ra những phản ứng chống đối mạnh mẽ. Và người
ta biết kể từ chiến tranh Vịệt Nam cam kết của chính phủ Mỹ chỉ có giá trị ngày
nào mà còn được dân Mỹ ủng hộ.
Nều Hoa Ky mà dao động trong
cam kết của mình với Tokyo – hoặc ngay cả với Philippines – Bắc Kinh sẽ đạt được
một bước tiến dài trong mục tiêu tối hậu của họ đẩy nước Mỹ ra khỏi vùng Tây
Thái Bình Dương. Các nước trong vùng, có thể cả Nhật Bản nữa sẽ bắt đầu làm những
tính toán khác với mục tiêu chấp nhận sự bá quyền của Trung Quốc.
II. Mục tiêu tối hậu
Khi ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu
tiến trình canh tân kinh tế Trung Quốc, ông đề ra phương châm cho nền ngọai
giao Trung Quốc là “thâu quang, dưỡng hối” (che cái ánh sáng, nuôi cái bong tối
của mình) có nghĩa là che giấu khả năng mình và đợi thời cơ đến. Không phải là
ông Đặng không có tham vọng, nhưng ông biết rằng thực lực của Trung Quốc còn
chưa đỉ để có thể đạt được mục tiêu tối hậu của mình.
Nhưng mục tiêu tối hậu đó là
gì?
Kề từ khi đánh bại Nhật Bản
trong thế chiến thứ hai vào năm 1945 và nhất là từ sau chiến tranh lạnh kết
thúc với sự xụp đổ của Liên Xô, Thái Bình Dương đã trở thành cái “biển nhà” của
hải quân Mỹ. Và Mỹ đã dùng cái sức mạnh đó để thực hiện một trật tự thế giới
theo hình ảnh của mình, một hệ thống trật tự thế giới dựa trên mậu dịch tự do,
tự do đi lại trên biển và khi có thể một chế độ dân chủ. Cái Pax Americana đó
được coi như là bao gồm thêm Trung Quốc trong đó khi Hoa Kỳ và Trung Quốc thiết
lập quan hệ ngọai giao vào năm 1972. (Và nó cũng là điều giúp Mỹ có thễ bỏ rơi
Việt Nam Cộng Hòa mà không chịu một hậu quả nghiêm trọng nào trên trường quốc tế).
Bốn thập niện sau đó kể từ khi tổng thống Richard Nixon gặp chủ tịch Mao Trạch
Đông là bốn thập niên ổn định và phát triển nhất của châu Á hiện đại. Theo thỏa
hiệp Mao-Nixon Trung Quốc chấp nhận sự bá quyền của Mỹ tại châu Á và Mỹ ủng hộ
cho Trung quốc gia nhập trở lại cộng đồng thế giới.
Nhưng nay thòa hiệp bất thành
văn đó giữa Bắc Kinh và Washington đã sụp đổ. Trung Quốc nay muốn thay đổi cái
trật tự quân sự chính trị tại châu Á để lập lại vai trò truyền thống trong lịch
sử của mình. Và điều dó có nghĩa là ít nhất phải đẩy Mỹ ra khỏi miền Tây Thái
Bình Dương.
Trung Quốc chưa bao giờ chính
thức tuyên bố hủy bỏ phương châm của ông Đặng. Nhưng kề từ năm 2012 rõ rang là
đã cho thấy cách tiếp cận này đã bị gạt bỏ. Những con diều hâu trong quân đội
Trung Quốc đã không ngớt lên tiếng nói đến nhu cầu cần phải làm một cái gì để
khẳng định vị thế của Trung Quốc. Một trong những nhận vật nổi bật nhất trong
nhóm này, trung tướng Lưu Á Châu, chính ủy Trường Đại Học Quốc Phòng của Giải
Phóng Quân Nhân Dân Trung Quốc đã tuyên bố không khác gì một viên tướng Trung
Quốc truyền thống thời Minh hay Thanh trong một cuộc phỏng vân:
“Một quân đôi mà không có chiến
thắng thì không là cái gì cả. Tại những nơi mà quân đội ta đạt được chiến thắng,
đường biên giới đều hòa bình và ổn định, nhưng tại những nơi ma chúng ta quá rụt
rè, thì có nhiều tranh cãi”.
Mặc dầu quan điểm của tướng Lưu
đã bị chinh quyền Trung Quốc phủ nhận, nhưng chính lãnh tụ tối cao của Trung Quốc
ông Tập Cận Bình đã cố ý lên tiếng ca tụng việc phát triển các vũ khí mới và
khuyến khích quân đội chuẩn bị để sẵn sàng tác chiến. Trong chuyến đi đầu tiên
ra khỏi Bắc Kinh sau khi lên nắm quyền chủ tịch đảng và nhà nước tháng 11, năm
2011, ông Tập đã đến thăm quân khu Quảng Châu. Và theo Tân Hoa Xã đã nói với
các sĩ quan:
“Khả năng chiến đấu và chiến thắng
là linh hồn của một quân đội mạnh”
Tháng 8/2013, ông đi thăm chiếc
hàng không mẫu ham Liêu Ninh trước khi chiếc này bắt đâu hoạt động và kêu gọi
thủy thủ đoàn tích cực tập luyện và sẳn sang tác chiến. Theo Thới Ân Hoằng, một
giáo sư về bang giao quốc tế tại trường đại học Nhân Dân Bắc Kinh thì những
thay đổi chiều hướng dưới ông Tập Cận Bình có thể thấy qua việc ông Tập thuờng
xuyên dùng chủ đề “sự phục sinh vĩ đại của dân tộc Trung Quốc” trong khi ít nói
đến chủ để “thăng tiến hòa bình” và không hề nhắc đến phương châm của ông Đặng.
Sở dĩ ông Tập có thể có tự hào
nói đến sữ phục sinh của Trung Quốc và kêu gọi quân đội sẵn sàng chiến đấu và
chiến thắng không phải chỉ riệng vì những thành quả về phát triển kinh tế.
Trong suốt ba mươi năm qua, kể từ sau cuộc chiến biên giới với Việt Nam, Trung
Quốc đả bỏ nhiều tài nguyên vào việc xây dựng một quân đội hiện đại hóa. Đặc biệt
trong hai mười năm chót này hải quân đã được đặc biệt chú ý. Quan trọng hơn nữa
Trung Quốc đã đầu tư vào hải quân với một mục đích đặc biệt cụ thể: thực hiện một
chiến lược đẩy Mỹ ra khỏi miền Tây Thái Bình Dương mà các chiến lược gia Mỹ đôi
khi gọi là chiến dịch AA/AD (Anti Access/ Area Denial) Trong mục đích này Trung
Quốc đã phát triển một lọat các lọai chiến hạm như tàu ngầm hiện đại chay ít
gây tiếng động và các lọai hỏa tiển chống hạm tầm xa. Hàm ý của chương trình
này là ngăn chặn hải quân Mỹ hoạt động tại vùng Tây Thái Bình Dương. Như đô đóc
Dennis Blair cựu tư lệnh quân khu Thái Bình Dương của Mỹ và cựu giám đốc tình
báo trong giai đọan đầu của chính quyền Obama nhận định:
“Chín mươi phần trăm thời gian của họ là dùng để suy nghĩ tìm cách nào mới
mẻ đế có thể đánh chìm tàu và bắn hạ máy bay của chúng ta”.
III. Trói chân chàng khổng lồ
Đễ đối phó với âm mưu của Trung
Quốc, Ngũ Giác Đài Mỹ đã đề ra một kế họach mới. Thật sự nó không được gọi là một
kế họach hay một chiến lược. Trong danh từ của Ngũ Giác Đài nó chỉ dược gọi là
một “khái niệm”. Nhưng nó có một cái tên: Air Sea Battle (Cuộc chiến Không-Hải).
Rất nhiều chi tiết về Air Sea Battle chỉ đuợc mô tả một cách phác họa. Nhưng
qua những gì được công bố nó có thể là một cách tiếp cận ít nhất cũng báo hiệu
một cuộc chiến tranh lạnh.
Các quan chức Ngũ Giác Đài nhấn
mạnh rằng “Đây không phải là một kế họach chống lại Trung Quốc”. Nhưng khi Ngũ
Giác Đài mô tả đến nhưng nguy cơ mà quân lực Mỹ phải đối phó: hỏa tiển tầm xa
chinh xác có thể giới hạn tầm họat động của các chiến hạm Mỹ; tàu ngầm hiện đại,
khả năng tấn công trên mạng; người ta rõ ràng có thể thấy rằng mục tiêu của Air
Sea Battle là nhắm vào Trung Quốc. Đe dọa giả sử mà các nhà họach định tại Ngũ
Giác Đài mô tả chính là chiến lược được gọi là AA/AD mà Trung Quốc muốn dùng để
ngăn chặn Mỹ triền khai quân lực tại Tây Thái Bình Dương. Thành ra không có gì
lạ nếu các sĩ quan Mỹ nhiều khi dùng danh từ “Voldemort” để mô tả Trung Quốc.
Trong các kế họach chiến tranh của Mỹ, Trung Quốc là kẻ thù người ta không dám
nói tên.
Những gì người ta được biết
chính về khái niệm Air Sea Battle này nằm trong một tài liệu được Ngũ Giác Đài công
bố vào đầu năm 2012 có tên là “Joint Operational Access Concept”. Trong trường
hợp có chiến tranh, phúc trình viết, Hoa Kỳ “phải tấn công vào khả năng mạng và
không gian của kẻ địch”. Đồng thời phải thọc sạu và tiêu hủy khả năng ngăn chặn
“Anti-Access Area Denial” của kẻ địch. Điều đó bao hàm ý nghĩa là nếu có một cuộc
chiến với Trung Quốc, Hoa Kỳ cần phải tung ra những đợt tấn công bằng không
quân rộng lớn trên lãnh thổ Trung Quốc nhằm hủy diệt những căn cứ hỏa tiễn và
radar theo dõi biển tại các cơ sỡ xây dựng dọc theo bờ biển Trung Quốc mà nhiều
nơi ngay gần các thành phố lớn. Khái niệm căn bản của Air Sea Battle là trong một
cuộc chiến tranh với Trung Quốc ngay từ lúc ban đầu Hoa Kỳ đã phải tấn công thẳng
vào lãnh thổ Hoa lục.
Có nhiều lý do cho thấy rằng
đây là một chiến lược đầy nguy hiểm. Thứ nhất nó sẽ mau chóng dẫn đến việc leo
thang chiến tranh. Với cả hai nước đều có bom nguyên tử một cuộc chiến như vậy
hầu như chắc chắn sẽ dẫn đến muộc cuộc chiến nguyên tử. Thứ hai nó không còn chỗ
để cho các họat động ngọai giao có thể triển khai. Ngọai trừ một bên đầu hàng,
ta khó có thể thấy có một kết cục nào khác.
Với Air Sea Battle coi như là
lá bài tối hậu, các chiến lược gia Mỹ bắt đầu suy tính đến những cách khác có
thể giúp ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc mà không gây ra một cuộc chiến
tranh toàn diện. Cách hay nhất là dùng ngay chiến lược của Trung Quốc để đối
phó với Trung Quốc. Cùng với các nước đồng minh trong vùng Mỹ có thể phát triền
những hình thức bảo vệ lợi dụng địa hình trong vùng khiến cho Trung Quốc hầu
như không thể chiếm lĩnh được những vùng tranh chấp hoặc nếu có chiếm đuợc thì
cũng không thể ở đó lâu được. Bằng cách làm cho Trung Quốc thấy cái giá phải trả
nếu tìm cách xâm lược chiếm những hòn đão tranh chấp nỏ sẽ bảo đàm Trung Quốc không
dám tìm cách thay đổi cái hiện trạng cũ (status quo).
Đó chính là điêu mà hai nhà chiến
lược hải quân Mỹ Toshi Yoshihara và James Holmes đề nghị. Thí dụ ma họ đề ra là
chiến dịch của Wellington tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tứ 1807 đến 1814 mà đã
làm cho Napoleon phải than phiền là làm cho ông “bị đau bao tử”. Địa lý của
vùng biển Đông có rất nhiều địa điểm chiến lược như vụng biển hoặc mỏm núi có
thể dùng để xây dựng nhựng cơ sở nhỏ với những dàn hỏa tiển chống hạm có khả
năng tàn phá một hạm đội đi vào tầm bắn của nó. Tàu ngầm và bãi mìn cũng có tác
dụng răng đe đối với mọi âm mưu dùng bạo lực. Holmes nói “Khái niệm mà Trung Quốc
dùng để ngăn chặn Mỹ có thể làm ngược lại chống Trung Quốc. Có rất nhiều cách để
cho Trung Quốc đau bao tử và đó là một cách hay nhất để ngăn chặn xâm lược trước
khi nó xảy ra.”
May mắn là các nước trong vùng
cũng đã bắt đầu thực hiện chiến lược này cũng như thực hiện những liên minh với
một mục tiêu duy nhất: ngăn chặn Trung Quốc. Một trong những quan hệ này là
liên minh Ấn Độ - Việt Nam. Ấn Độ đã cho Việt Nam vay 100 triệu đô la đê mua vũ
khí của Ấn bao gồm cả hỏa tiễn Bhramos có khả năng bắn xa 300 hải lý và đồng ý
huấn luyện thủy thủ Việt Nam điều khiển tàu ngầm.
Đó có lẽ cũng là một trong những
mục tiêu quan trọng nhất của chính sách “hường về châu Á” của ông Obama: củng cố
mạng lưới chung quanh Trung Quốc qua việc đoàn kết các nước láng giềng của
Trung Quốc vốn đều quan tâm đến việc ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực để
thay dổi trật tự quốc tế hiện hữu. Ngọai trừ Nhật Bản, không một nước làng giềng
nào hiện nay của Trung Quốc có thể một mình đối đầu với Trung Quốc. Nhưng đoàn
kết với nhau, dù rằng không qua một liên minh chính thức họ có thể trói chân
tay chàng khổng lồ và buộc chàng này phải tuân thủ đến một mức nào đó luật lệ
quốc tế. Trong thời Chiến Quốc, nước Tần hùng mạnh nhất và có dã tâm thôn tính
toàn thể các nước, nhưng Tô Tần dùng kế hợp tung đoàn kết sáu nước vùng Sơn
Đông chống Tần khiến cho trong vòng hai mươi năm hợp tung quân Tần không dám bước
ra khỏi cửa ải Hàm Cốc.
Nhưng hợp tung tối hậu cũng
không có thể ngăn chặn nước Tần thoát ra khỏi sự bao vây. Tối hậu một cuộc đụng
độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không thể tránh khỏi. Theo John Mearsheimer, giáo
sư trường đại học Chicago thì cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
sẽ còn gay gắt hơn là cả cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô vì giữa hai bên có
nhiều tranh chấp tiềm tang hơn.
Cố nhiên là một cuộc chiền
tranh lạnh mới như vậy không bắt buộc sẽ phải xảy ra. Nhiều nhà kinh tế cho rằng
những liên hệ kinh tế mật thiết đã làm giảm mức độ mà người ta có thể hành động
không tính đến hậu quả. Thế nhưng một giai đọan toàn cầu hóa nền kinh tế trước
đó đã không ngăn chặn được Anh Quốc và Đức quốc đi vào một cuộc chiến toàn diện.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe không phải là người độc nhất so sánh tình hình hiện
nay tại châu Á vói châu Âu năm 1914. Vùng Tây Thái Binh Dương nay có thể là trọng
tâm của kinh tế toàn cầu, nhưng nó cũng đang biến thành một trong nhưng điểm
nóng nguy hiểm nhất.
Lê Mạnh Hùng
No comments:
Post a Comment