Bầu cử kiểu gì khi tệ ngay từ luật (Phần 2/2)
21/3/2016
Phụ lục 1: Biện pháp đảm bảo cho cử tri có
thể bỏ phiếu kín
Khoang viết phiếu kín đáo cho từng
cử tri đã được sử dụng hơn một trăm năm (Ảnh 1). Kín đáo nhất là che cả bốn
phía, và để tiết kiệm thì có thể dùng vải treo lơ lửng, chỉ che nửa người trên
(Ảnh 2). Nếu ai đó cố ngụy biện, rằng như vậy cũng đã quá tốn kém, thì hãy nhớ
tới đống tiền vung vãi cho rừng cờ quạt biểu ngữ. Chỉ cần bớt một phần nhỏ những
khẩu hiệu"muôn năm", "đời đời", "nhiệt
liệt"… thì đã thừa vải để che chắn các khoang bầu cử (Ảnh 3 và 4). Thậm
chí, có thể dùng chính cờ quạt, biểu ngữ mà che chắn (Ảnh 5). Một số nơi
chỉ che kín phía trước mặt và hai bên, còn phía sau được che chắn bởi chính
thân thể cử tri (Ảnh 6). Trong trường họp ấy thì cử tri thường đứng chứ không
ngồi, để khi cúi gập người mà viết thì che kín lá phiếu, đến mức người đứng sau
khó nhìn thấy. Trong Ảnh 7 là một kiểu bảo mật bầu cử độc đáo ở Trung Quốc. Nhờ
cái hốc gỗ đủ hẹp được che hai bên, phía trước và cả phía trên, dù cử tri ngồi
hay đứng để viết thì người khác đứng ở đâu cũng không nhìn thấy lá phiếu, và
camera đặt ở đâu cũng không thể ghi hình. Còn ở Mỹ thì có cả những khoang bầu cử
gọn nhẹ, có thể gấp lại như một chiếc va li nhỏ khi không sử dụng (Ảnh 8).
Điều đáng nói là: Khoang bầu cử
không phải là thứ đặc sản dành riêng cho những xứ giàu có văn minh, mà còn được
phổ cập ở cả những vùng nghèo hẻo lánh (Ảnh 9, 10, 11 và 12). Tiếc rằng, trong
khi khoang bầu cử được thiết lập nghiêm túc ở cả hai nước láng giềng Lào (Ảnh
13) và Campuchia (Ảnh 14), thì chúng vẫn còn khá xa lạ ở Việt Nam. Không hiểu
bao giờ thì trình độ tổ chức bầu cử của giới cầm quyền Việt Nam mới đuổi kịp đồng
nghiệp ở Lào và Campuchia?
XEM
HÌNH KHOANG BẦU CỬ NƠI TRANG CHÍNH : http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=BauCuKieuGiKhiTeNgayTuLuat-20160321
Ghi chú: Các bức ảnh trên được sưu tầm từ internet
*
Phụ lục 2: Văn bản dưới luật quy định về bầu
cử đại biểu Quốc hội
Để các nhà lập pháp không ngụy
biện, rằng đã hoặc sẽ có văn bản hướng dẫn dưới luật, cần lưu ý rằng văn bản "Hướng dẫn
trình tự tổ chức bỏ phiếu, nội quy, trang trí phòng bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc
hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân khóa 2011 - 2016" (số 1327/HD-BNV, ngày 19/4/2011) của Bộ Nội
vụ không hề đề cập đến biện
pháp để đảm bảo nguyên tắc "bỏ phiếu kín", thậm chí không
hề nhắc tới chữ "kín". Nó quy định tỉ mỉ từng chi tiết,
như "cờ chuối có màu hồng, xanh, tím… không dùng màu đen và trắng",
cả nội dung và vị trí chính xác của "Khẩu hiệu 01" và "Khẩu
hiệu 02". Song nơi viết phiếu của cử tri chỉ được thể hiện trong Sơ đồ
Mẫu 02 (kèm theo Hướng dẫn) bằng một hình chữ nhật dài, không hề có ghi chú nào
liên quan đến yêu cầu "bỏ phiếu kín".
Về khía cạnh này thì Thông tư số
02/2016/TT-BNV ngày 1/2/2016 của Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức
bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ
2016 - 2021 đã tiến bộ hơn, vì có thêm câu sau:
"Nơi cử tri viết phiếu bầu
cần có các vách ngăn để bảo đảm cử tri “bỏ phiếu kín” theo quy định của pháp luật
về bầu cử."
Tuy nhiên, khó có thể đánh giá
quá cao Thông tư ấy. Vì sao?
Một mặt, tuy Thông tư số
02/2016/TT-BNV bổ sung thêm hướng dẫn về vách ngăn để bảo đảm cho cử tri “bỏ
phiếu kín”, nhưng đồng thời nó lại mắc phải những lỗi mới, mà Hướng dẫn số
1327/HD-BNV ngày 19/4/2011 không mắc phải. Ví dụ, Thông tư số 02/2016/TT-BNV
quy định vị trí chính xác để treo Khẩu hiệu 01 và Khẩu hiệu 02, nhưng lại chẳng
viết nội dung của hai khẩu hiệu ấy là gì. Ví dụ khác, Thông tư số
02/2016/TT-BNV viết rõ ràng rằng: "Cổng ra vào và khu vực bên
ngoài phòng bỏ phiếu được trang trí theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo thông tư
này" và "Khu vực bên trong phòng bỏ phiếu được trang
trí theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo thông tư này". Song trong Mẫu số
01 và Mẫu số 02 (kèm theo Thông tư) lại không hề có vị trí nào để treo danh
sách và tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử, trong khi quy định rất chi tiết
vị trí chính xác của những thứ khác (như cờ quạt, khẩu hiệu, biểu ngữ, danh
sách cử tri...). Không có tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử, thì cử tri phải
bầu mò 100% hay sao?
Mặt khác, chưa chắc quy định "cần
có các vách ngăn…" của Thông tư số 02/2016/TT-BNV còn sống sót để "đi
vào cuộc sống", bởi lẽ chưa kịp rời khỏi Bộ Nội vụ thì nó đã bị... bay
hơi. Thật vậy, quy định ấy không hề xuất hiện trong bài "Bộ Nội vụ
hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại
biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021", được đăng tại mục "Giới thiệu văn
bản mới" trên trang thông tin điện tử của Bộ Nội vụ. Bài giới thiệu
ấy chỉ viết: "Khu vực bên trong phòng bỏ phiếu được trang trí theo
Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này." Trong khi Mẫu số 02 ấy lại chỉ vẽ một hình chữ nhật thật dài với
chú thích "Bàn để cử tri lựa chọn đại biểu", hoàn toàn
không có biểu hiện gì của yêu cầu kín hay hở.
Vị trí treo danh sách và tiểu sử
tóm tắt của những người ứng cử đã từng được quy định rõ trong Mẫu số 01 kèm
theo Hướng dẫn số 1327/HD-BNV của Bộ Nội vụ (ban hành năm 2011). Nội dung chính
xác của Khẩu hiệu 01 và Khẩu hiệu 02 đã từng được quy định hai lần trong Hướng
dẫn số 1327/HD-BNV và Mẫu số 02 kèm theo. Song 5 năm sau, những quy định ấy đã
biến khỏi Mẫu số 01 và Mẫu số 02 kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BNV của Bộ Nội
vụ (ban hành năm 2016). Vậy lấy gì để đảm bảo, rằng quy định "cần
có các vách ngăn…" trong Thông tư số 02/2016/TT-BNV sẽ được tái
hiện trong các văn bản hướng dẫn sau này của Bộ nội vụ?
Thực tế kể trên càng chứng tỏ: Quốc
hội phải quy định đầy đủ những điều cần thiết trong Luật BCĐBQH để đảm bảo bốn
nguyên tắc bầu cử đã được hiến định. Không thể ỷ lại, phó mặc cho
các cơ quan hành pháp ban hành văn bản dưới luật, để rồi chẳng thiếu thứ này
thì lại thiếu thứ khác. Cũng không thể đòi hỏi các cấp thực thi phải tìm kiếm,
xem có những văn bản hướng dẫn dưới luật nào mới được ban hành, rồi bói xem
chúng đã quy định đầy đủ mọi điều cần thiết hay chưa, và nếu còn thiếu thì phải
vá víu từ đâu.
*
Phụ lục 3: Về việc tổ chức bỏ phiếu bầu cử
cho cử tri vãng lai
Nguyện vọng hàng đầu và cũng là
quyền lợi tối thiểu của cử tri, là bầu ra các đại biểu Quốc hội đại diện cho địa
phương mà họ sinh sống lâu dài. Vì vậy, khi chấp nhận cho cử tri vãng lai bỏ
phiếu một cách thực chất, thì cũng phải chấp nhận cho họ lựa chọn từ danh sách ứng
cử của đơn vị bầu cử "gốc", tức là đơn vị bầu cử tại nơi
mà họ sinh sống, chứ không phải tại nơi mà họ chỉ đến chữa bệnh, an dưỡng hay bị
tạm giam trong một thời gian ngắn. Nghĩa là cử tri vãng lai phải được nhận phiếu
bầu in sẵn từ đơn vị bầu cử "gốc" và phiếu bầu của họ
phải được chuyển trở về đơn vị bầu cử "gốc" để kiểm
phiếu.
Song khu vực bỏ phiếu được thiết
lập ở bệnh viện, nhà an dưỡng, trại tạm giam… (theo quy định của Điều 12 Luật BCĐBQH
1997 và Điều 11 Luật BCĐBQH
2015) khó lòng đáp ứng được nhu cầu
bầu cử quá phân tán của nhiều cử tri vãng lai. Nơi đó chỉ có phiếu bầu in sẵn họ
tên của những người ứng cử của đơn vị bầu cử sở tại, chứ không có phiếu bầu ghi
cả họ tên của những người ứng cử thuộc bao đơn vị bầu cử khác rải khắp muôn
phương.
Vậy nên, nếu những người đi chữa
bệnh, an dưỡng và những người bị tạm giam được và chỉ được tham gia những cuộc
bầu cử được tổ chức tại bệnh viện, nhà an dưỡng và trại tạm giam, thì đó cũng
chỉ là tham gia bầu cử một cách giả tạo. Họ chỉ được bầu những người ứng cử mà
bản thân hoàn toàn không quan tâm và cũng chẳng hề hiểu biết. Hơn nữa, những đại
biểu Quốc hội được bầu ở đó đại diện cho đơn vị bầu cử sở tại, hơn là đại diện
cho các cử tri vãng lai. Như vậy, về thực chất thì những cử tri đang xét cũng
không được hưởng quyền bầu cử đích thực. Tức đây cũng là một dạng vi phạm
nguyên tắc bầu cử "phổ thông".
Ngoài ra, việc để cho cử tri
vãng lai tham gia bầu cử nhằm xác định đại biểu đại diện cho đơn vị bầu cử sở tại
còn vi phạm nguyên tắc "bình đẳng" giữa các vùng miền,
tạo ra kết quả sai lệch so với nguyện vọng đích thực của đa số cử tri địa
phương. Chẳng hạn, giả sử ở đơn vị bầu cử A chỉ có vị Y là người ứng cử sinh sống
và làm việc trên chính địa bàn của đơn vị bầu cử ấy, còn những người ứng cử
khác đều đến từ các vùng khác, do được Hội đồng bầu cử quốc gia phân về. Thông
thường thì đa số cử tri của đơn vị bầu cử A muốn bầu cho vị Y để đại diện cho địa
phương mình. Nhưng các cử tri vãng lai đang bị tạm giam tại nơi đó lại gạch tên
vị Y, đơn giản vì vị ấy là công an. Hoặc các cử tri vãng lai đang điều trị tại
những bệnh viện nằm trên khu vực đó gạch tên vị Y, để bầu cho những người khác,
vì muốn ủng hộ người ứng cử là đồng hương của họ. Hậu quả là vị Y bị trượt và
không có đại biểu Quốc hội nào thực sự đại diện cho địa phương ấy, chỉ vì ở đó
có trại giam đủ to, hay mấy bệnh viện đủ lớn.
Sáng kiến cho phép thành lập
các khu vực bỏ phiếu cho cử tri vãng lai có lẽ xuất phát một phần từ căn bệnh
hình thức. Phía lập pháp chỉ cố quy định bằng được, rằng việc bỏ phiếu của một
loại cử tri nào đó phải diễn ra, nhằm chứng tỏ mình tôn trọng quyền bầu cử của
đối tượng ấy, chứ chẳng quan tâm và cũng chẳng đủ sức quan tâm, xem việc bỏ phiếu
ấy có thực sự chính đáng và có thể diễn ra một cách hợp lý, tử tế hay không.
*
Phụ lục 4: Bầu cử nghị sĩ Quốc hội ở CHLB Đức
Theo Luật về các đảng chính trị của CHLB Đức, các đảng phải là những hiệp hội của công dân muốn
tác động vào quá trình hình thành ý muốn chính trị của nhân dân và muốn tham
gia đại diện cho nhân dân trong Quốc hội Liên bang và Quốc hội của các bang; và
một hiệp hội sẽ đánh mất cương vị đảng hợp pháp nếu trong vòng 6 năm không tham
gia bầu cử Quốc hội Liên bang hay Quốc hội của các bang với danh sách đề cử
riêng (Điều 2). Tức là việc đề cử nghị sĩ Quốc hội không chỉ
là quyền, mà còn là nghĩa vụ pháp định của các đảng. Trong bối cảnh văn minh ấy,
không một thế lực nào, kể cả đảng đương cầm quyền, dám mơ tưởng đến việc dùng
những thủ đoạn xấu xa để cản trở các đảng khác đề cử nghị sĩ Quốc hội.
Theo quy định, mỗi cử tri Đức
được bỏ một lá phiếu với hai ý kiến bầu cử. Ý kiến thứ nhất bầu cho một cá nhân
ứng cử tại đơn vị bầu cử của cử tri. Ý kiến thứ hai bầu cho một đảng tham gia bầu
cử tại đó với một danh sách đề cử. Ý kiến thứ nhất được dùng để xác định cho mỗi
đơn vị bầu cử một nghị sĩ Quốc hội, tổng cộng là 299 nghị sĩ đại diện cho 299
đơn vị bầu cử. Ý kiến thứ hai được dùng làm cơ sở để phân chia tỷ lệ ghế nghị
sĩ Quốc hội cho các đảng, trong đó các nghị sĩ còn lại (ngoài số 299 nghị sĩ đã
được xác định đích danh bởi ý kiến thứ nhất) được lấy từ danh sách đề cử của
các đảng.
Sáu đảng đạt tỷ lệ
phiếu bầu từ 5% trở lên theo ý kiến bầu cử thứ hai, để được tham gia Quốc hội
và chia nhau 631 - 299 = 332 ghế nghị sĩ còn lại, là CDU, SPD, DIE LINKE, GRÜNE
và CSU, với tỷ lệ phiếu bầu tương ứng là 34,1%, 25,7%, 8,6%, 8,4% và 7,4%. Tức là không có đảng nào đạt được trên 50%
phiếu bầu.
Ví dụ này cho thấy, trong một
chế độ thực sự dân chủ và tôn trọng quyền ứng cử của công dân, như CHLB Đức, nếu
đòi hỏi người trúng cử phải đạt trên 50% phiếu bầu, thì sẽ chỉ bầu được một phần
nhỏ của số nghị sĩ Quốc hội cần bầu.
*
Phụ lục 5: Quy định về trúng cử tại CHLB Đức
và Pháp
Điều 5 Luật Bầu cử CHLB Đức quy định:
"Mỗi đơn vị bầu cử được bầu
một nghị sĩ. Trúng cử là người ứng cử nhận được nhiều phiếu nhất. Trong
trường hợp số phiếu bằng nhau thì phụ trách đơn vị bầu cử quyết định bằng cách
rút thăm."
Với quy tắc này, bao giờ mỗi
đơn vị bầu cử cũng bầu ra được đúng một nghị sĩ cần thiết. Một điều nữa đáng
lưu ý là quy định: "Trong trường hợp số phiếu bằng nhau thì phụ
trách đơn vị bầu cử quyết định bằng cách rút thăm". Nó khác hẳn quy định
ở Việt Nam, tại Điều 78 Luật BCĐBQH
2015:
"Trường hợp cuối danh sách
trúng cử có nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và nhiều hơn số lượng đại
biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì người nhiều tuổi hơn là người
trúng cử."
Theo đó, nếu có hai người ứng cử
được số phiếu bầu bằng nhau, thì Quốc hội CHXHCN Việt Nam ưu tiên tiếp nhận cụ
già 90 tuổi, chứ không phải bạn trẻ mới 45 tuổi. Ngạc nhiên chưa? Cứ tạm coi
các cụ già vẫn còn tỉnh táo và dồi dào sức khỏe giống hệt thanh niên, thì rõ
ràng quy định này vi phạm nguyên tắc bầu cử "bình đẳng" (giữa
các lứa tuổi).
Pháp áp dụng một quy tắc bầu cử khác. Mỗi đơn vị bầu cử được bầu đúng một trong tổng
số 577 nghị sĩ Quốc hội, với không quá hai vòng bầu cử. Trong lần bầu cử ban đầu,
trúng cử là người có được sự ủng hộ của đa số tuyệt đối (tức
là hơn 50%) trong tổng số phiếu bầu và đồng thời đạt được phiếu thuận của hơn
25% số cử tri đăng ký tại đơn vị bầu cử ấy (kể cả những cử tri không đến bỏ phiếu).
Đơn vị bầu cử nào không có ai trúng cử tại lần bầu thứ nhất thì tiến hành bầu lần
thứ hai. Trong lần bầu thứ hai, chỉ một phần ứng cử viên được tham gia tiếp, đó
là những người đã được ít nhất 12,5% số phiếu thuận của toàn bộ cử tri (đã đăng
ký tại đơn vị bầu cử) tại vòng một, và thắng cử là người đạt được sự ủng hộ củađa
số tương đối (tức là giành được nhiều phiếu nhất). Như vậy,
chỉ những đơn vị bầu cử mà mọi người ứng cử đều đạt được phiếu thuận của ít hơn
12,5% cử tri đăng ký thì mới không tiến hành bầu cử vòng hai. Còn khi đã được
tiến hành vòng hai thì nhất định có người trúng cử. Về lý thuyết, vẫn có thể tồn
tại những đơn vị bầu cử không bầu ra được nghị sĩ Quốc hội (vì không đủ tiêu
chuẩn để tổ chức bầu cử vòng hai), nhưng khả năng đó thấp hơn nhiều so với quy
tắc đòi hỏi người trúng cử bắt buộc phải "được quá nửa số phiếu hợp
lệ", như trong Luật BCĐBQH của CHXHCN Việt Nam.
*
Phụ lục 6: Về quy tắc "mỗi đơn
vị bầu cử chỉ được bầu một đại biểu Quốc hội"
Quy tắc này được áp dụng ở nhiều
nước và có nhiều ưu điểm. Chẳng hạn, cử tri sẽ cân nhắc kỹ hơn là mình nên bầu
cho ai, và cũng dễ nhớ hơn là mình đã bầu cho ai, để theo dõi xem người đó thể
hiện thế nào trong vai trò đại biểu Quốc hội (nếu trúng cử). Và rồi mỗi đại biểu
Quốc hội sẽ là người duy nhất phải đứng ra chịu trách nhiệm trước cử tri thuộc
đơn vị bầu cử của mình, không thể thoái thác và dồn lên vai đại biểu khác. Hơn
nữa, trong trường hợp số người ứng cử bị hạn chế như ở Việt Nam, để đảm bảo số
người ứng cử nhiều hơn số người trúng cử, muốn bầu ra 500 đại biểu Quốc hội thì
phải chấp nhận ít nhất 1000 người ứng cử. Như vậy sẽ có thêm ít nhất 1000 - 832
= 168 người có cơ hội lọt vào danh sách ứng cử chính thức, tăng 20,19% so với kỳ
bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII vào năm 2011. Đó rõ ràng là một cải thiện
dân chủ.
Quy tắc "mỗi đơn vị
bầu cử chỉ được bầu một đại biểu Quốc hội" có lợi hơn hẳn như vậy,
tại sao nó không được áp dụng ở Việt Nam? Có lẽ do thế lực cầm quyền chẳng lo cải
thiện dân chủ, mà chỉ muốn hạn chế danh sách ứng cử, nhằm gia tăng khả năng
trúng cử của bản thân và đồng đội. Nếu mỗi đơn vị bầu cử chỉ được bầu một đại
biểu, thì kể cả trong trường hợp chỉ có hai người ứng cử, vẫn có thể trượt cả
hai khi họ đều đạt 50% số phiếu bầu, nghĩa là không ai "được quá nửa
số phiếu hợp lệ". Còn nếu mỗi đơn vị bầu cử được bầu hai đại biểu từ
ba người ứng cử, hoặc bầu ba đại biểu từ bốn hay năm người ứng cử, thì khi những
người ứng cử có uy tín gần giống nhau, tất cả họ đều có thể "được
quá nửa số phiếu hợp lệ". Một lần nữa ta thấy được tính chất phản động
của "sát thủ hóa trang thánh thiện", là cản trở việc áp dụng
quy tắc bầu cử hợp lý. Một lý do khác khiến nhà cầm quyền khó chấp nhận quy tắc "mỗi
đơn vị bầu cử chỉ được bầu một đại biểu Quốc hội", là họ khó cài người
từ trung ương về ứng cử ở địa phương. Bởi khi đó, nếu người ứng cử của địa
phương trúng cử thì người của trung ương trượt; còn nếu người của trung ương
trúng cử thì chẳng có ai đại diện cho địa phương.
Hà Nội, ngày 21/3/2016
No comments:
Post a Comment