10/03/2016
Không phải ngẫu nhiên mà cho đến
thềm Đại Hội XII, nhiều cấp lãnh đạo Đảng vẫn tuyên bố "trong gần 1 triệu
cán bộ khai báo tài sản chỉ có 1 trường hợp khai sai", hoặc "điều tra
10 năm qua không ra một trường hợp cán bộ tham nhũng nào", ... NHƯNG nay lại
chính Phó Ban nội chính Trung Ương Lê Minh Trí tuyên bố: "Tham nhũng chỉ có cán bộ đảng
viên thôi."
.
Đặc biệt đối với Sài Gòn, cho đến
ngưỡng Đại Hội XII, tức chỉ mới 2 tháng trước, báo đài vẫn đăng kết quả thanh
tra nguyên năm 2015 không phát hiện một cán bộ tham nhũng nào, hoặc 100% cán bộ
hải quan thề nguyền không tham nhũng, ... NHƯNG nay lại chính tướng Công an
Phan Anh Minh tuyên bố: "Hầu
hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên, mà Công an thì không
được quyền tổ chức trinh sát đảng viên", và còn cụ thể hơn nữa: hơn 50%
các vụ buôn lậu có dính tới cán bộ hải quan.
.
Điều gì khiến lãnh đạo Đảng quay ngược thái độ 180 độ như
thế? Có lẽ câu trả lời khá đơn giản.
Đại Hội XII đã kết thúc. Bên thắng, bên thua đã ngã ngũ. Đã đến lúc bên thắng
cuộc tính sổ vừa để phân phát chiến lợi phẩm cho hàng ngũ chân tay đang chực chờ,
vừa trả thù các món nợ nhục nhã đau đớn cũ, và nhất là loại trừ các đối thủ cũ
vĩnh viễn, không để các đối thủ đó có cơ hội vực dậy. Các quan ngại vỡ bình quí
trước đây - khi khả năng ra đòn của các phía còn ngang ngửa - nay đang được
thay bằng nỗ lực tống lũ chuột thua cuộc ra khỏi bình trước khi đập thẳng tay.
.
Vậy loại chuột nào sắp bị xách ra khỏi bình? Đọc các báo công cụ, người ta có thể thấy định
nghĩa đang được đưa ra càng lúc càng rõ và càng tập trung vào 1 thành phần. Có
lẽ rõ nhất cho đến nay là tuyên bố của Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm
Trọng Đạt: "Tham
nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn". Rõ ràng vòng dây
"diệt tham nhũng" đang rút nhỏ dần một cách rất bài bản, từ tình trạng
công chức tham nhũng nói chung đã rút vào đến vòng đảng viên tham nhũng, rồi
rút nhỏ tiếp đến vòng các đảng viên đang nắm chức quyền, mà ai cũng biết đại đa số thuộc
phe cánh vừa thất sủng của ông Dũng. Cứ tiếp tục đà này, sẽ ít ai ngạc
nhiên trong những ngày tới, khi tên tuổi của một số đảng viên có quan hệ họ
hàng hay tay chân đắc lực của ông Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu được nhắc tới trên
báo đài. Loại chiến thuật rút dây thòng lọng dần dần này khiến người đọc nhận
ra các bài bản quen thuộc từ phương Bắc. Ông Tập Cận Bình cũng từng bước thu nhỏ
dần sợi dây thòng lọng như vậy để loại trừ gần 750 ngàn đảng viên CSTQ cho tới
nay và đang xiết dần đến mục tiêu tối hậu là cổ kẻ tử thù của ông -- Giang Trạch
Dân.
.
Bàn tay của ông Tập Cận Bình trong nỗ lực loại trừ phe
cánh ông Nguyễn Tấn Dũng phơi bày khá lộ liễu vào đầu tháng 3-2016. Họ Tập chẳng cần che đậy qua cửa ngõ ngoại giao,
sứ quán gì nữa, mà triệu tập thẳng sứ giả riêng của ông Nguyễn Phú Trọng là
Hoàng Bình Quân sang Bắc Kinh nhận lệnh. Ông Bình Quân vừa về, chỉ vài ngày sau
hàng loạt các tuyên bố đổi chiều 180 độ vừa nêu bên trên đồng loạt xuất hiện
trên báo đài. Cùng lúc đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, người từng sang
triều kiến họ Tập ngay sau Hội Nghị 13 và được ưu ái dẫn đi viếng lăng Mao Trạch
Đông, nay cũng bất ngờ liên tục phê phán tình trạng nợ công, tình trạng quan
liêu thủ tục giấy tờ, và nhiều mặt hoạt động khác của chính phủ như thể các tệ
nạn đó vừa mới xảy ra từ đầu tháng 3 đến nay. Ông Nguyễn Sinh Hùng còn đùn đẩy
luôn được việc đổ tội không có luật biểu tình là tại bên chính phủ của ông Nguyễn
Tấn Dũng.
.
Nhưng tại sao họ Tập ở xa xôi vạn
dặm như thế lại cứ đòi phải diệt phe cánh ông Dũng gấp rút chứ không chờ tiến
trình bình thường như trong quá khứ, nghĩa là chờ đến khi có khóa Quốc hội mới
rồi sau màn "bỏ phiếu chọn lựa" mới công bố danh sách lãnh đạo chính
phủ theo quyết định có trước của Bộ Chính trị? Tức tại sao không chờ đến khoảng
tháng 11 năm nay?
.
Câu trả lời khá rõ vì tình hình
Biển Đông đang nóng lên rất nhanh theo từng ngày. Viễn cảnh TQ đối đầu quân sự
với Mỹ đang tới gần. Để chuẩn bị cho tình hình đó, Bắc Kinh muốn sân sau của họ
là Việt Nam phải rất vững chắc, không có phản trắc bất ngờ. Hiển nhiên, trong
vài tháng tới, phe cánh ông Dũng sẽ mất dần rồi mất hẳn quyền lực, nhưng tại thời
điểm này, tháng 3 - 2016, với vai trò đại diện quốc gia vẫn còn trong tay, phe
ông Dũng vẫn là một lực nguy hiểm trong mắt ông Tập. Họ vẫn có thể đặt TQ trước
một số "chuyện đã rồi", như bất ngờ chính thức nộp đơn kiện TQ ra tòa
quốc tế, hay bất ngờ đặt bút ký kết các giao ước hợp tác liên minh quân sự be bờ
TQ. Khó có thể đoán hết được phản ứng của những kẻ đang bị dồn vào chân tường
và sắp mất tất cả. Và đó là lý do tại sao ông Tập buộc ông Trọng phải giải quyết
gấp yếu tố Nguyễn Tấn Dũng.
.
Sau hết, nếu ai còn nghi ngờ gì
về trọng lượng của các chỉ thị từ họ Tập đối với nhóm lãnh đạo quanh ông Nguyễn
Phú Trọng, chỉ cần nhìn vào quyết định không cho ấn hành cuốn sách Gạc
Ma vòng tròn bất tử, nhưng bắt buộc phải tái bản cuốn Đặng
Tiểu Bình - Một trí tuệ siêu việt, và phải tung ra đúng thời điểm 17
tháng 2, tức ngày họ Đặng "dạy cho Việt Nam một bài học" tại chiến
trường biên giới Việt Trung năm 1979. Toàn ban lãnh đạo đảng CSVN chịu lãnh nhận cái bạt tai nẩy lửa đầy nhục
nhã đó trong sự im lặng thần phục hoàn toàn.
.
Vì vậy, trong khoảng thời gian
ngắn trước mặt, sẽ xuất hiện đoàn quân của ông Nguyễn Phú Trọng khẩn trương đập
chuột tơi bời dưới bóng cờ Theo Tập - Với Tập - Vì Tập. Và sẽ không còn mấy ai
ngạc nhiên nếu thấy hàng loạt những kẻ vừa mất ghế, đang lũ lượt vào tù lại lầm
bầm chửi: Chúng là một lũ hèn với giặc, ác với ... "dân".
--------------------------
XEM
THÊM :
08.03.2016
Có vẻ như thế lực theo phe Bắc thuộc đang có một mưu
đồ nham hiểm dù vi phạm Hiến pháp: đó là thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực sớm
sủa, trước khi Quốc hội mới được bầu vào ngày 22/5 sắp tới. Đây là một chủ
trương liều lĩnh của Bộ Chính trị, trước hết là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
và phe nhóm của ông ta, sau thành quả tại Đại hội đảng XII. Nhóm này rất chủ
quan tưởng rằng tại Hội nghị Trung ương 14 họ đã thắng lợi, ngay sau đó họ lại
thắng dễ dàng hơn tại Đại hội XII, thì lần này sẽ không có khó khăn gì.
Đây là thói kiêu ngạo, chủ quan, duy ý chí đã thành
nếp trong lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), không coi dư luận nhân dân,
dư luận quốc tế ra gì, bất chấp cả việc họ có thể vấp phải sự e ngại và không đồng
tình của đông đảo đảng viên và một số đại biểu Quốc hội có lương tri.
Ban thường vụ Quốc hội vừa cho biết phiên họp cuối
23/3 tới sẽ “kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước’’. Vì sao họ lại vội
vàng, hấp tấp và gần như hốt hoảng như thế? Có thể phán đoán rằng Bắc Kinh đã vội
triệu đặc phái viên của Nguyễn Phú Trọng là ông Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban Đối
ngoại Trung ương sang để huấn thị, đe dọa, gà mưu.
Họ, ông chủ ở
Bắc Kinh và bộ hạ ở Hà Nội, sợ điều gì vậy?
Lãnh đạo đảng CSVN đã cam kết trong Mật ước Thành Đô
(9/1990) duy trì tình hữu nghị ’’núi liền núi sông liền sông’’ giữa 2 nước,
giành cho Trung Quốc mọi khoản đấu thầu, đầu tư béo bở nhất về nông nghiệp,
công nghiệp, giao thông vận tải, khai thác mỏ bauxite....
Hai bên có vẻ như thỏa thuận với nhau rằng để giữ uy
tín cho cả hai trước dư luận trong nước và thế giới, VN cứ làm như đi dây, giữ
thăng bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, tuy “nhất biên đảo‘’ (ngả hẳn về một
bên), nhưng làm ra vẻ thân thiện hòa dịu với cả hai bên, độc lập, tự chủ, không
nghiêng hẳn về bên nào, cho yên lòng dân.
Nhưng cái trò mạo hiểm đu dây đã đến lúc hết hiệu
nghiệm, ý muốn ‘’ngả hẳn về bên này‘’ lại mang nguy cơ hiện thực là ‘’ngả hẳn
sang bên kia’’, hợp tình hợp lý hơn. Sự oái oăm là ở đây. Nhóm ‘’Bắc thuộc‘’ và
Ông Chủ của họ rất lo là có nhiều chỉ dấu cho thấy tình hình có thể tuột khỏi
tay họ đến mức nguy ngập. Theo thăm dò của hãng PEW, gần 80% dân số VN muốn ngả
theo phương Tây, muốn kết thân với Hoa Kỳ, Liên Âu và Nhật Bản, chỉ có 18 % muốn
gắn bó với Trung Quốc; trong giới trí thức và tuổi trẻ tỷ lệ trên còn cao hơn.
Bức thư của 27 trí thức CS cấp cao trước Đại hội XII tiêu biểu cho cả một trào
lưu lập trường, tư duy chính trị mới đang lan rộng, đòi từ bỏ chủ nghĩa Mác -
Lê và chế độ độc đảng.
Điều họ lo hơn cả trong khi thắng lợi chưa được củng
cố, bộ sậu lãnh đạo mới có thể bị lung lay, bị thời cuộc vượt qua đầu, với hàng
loạt chỉ dấu:
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn thể hiện vai
trò, uy thế nào đó chứ chưa phải là ‘’vịt què’’ sắp về vườn;
- Hoa Kỳ, nguồn đầu tư ODA đáng kể, đối tác mậu dịch
có lợi hàng đầu , đang đi một nước cờ cuối, nhắn thẳng rằng "Hoa Kỳ cần Việt
Nam cũng ngang bằng Việt Nam cần Hoa Kỳ", khi Tổng thống Barack Obama tỏ ý
muốn gặp Nguyễn Tấn Dũng như là nhà lãnh đạo đương nhiệm, lại tỏ ý sẽ sang Việt
Nam tháng 5 tới, mong muốn nói chuyện vói nhân dân Việt Nam ở ngay Tiền sảnh của
Dinh Chủ tịch - Quảng trường Ba Đình lịch sử, và nhấn mạnh Việt Nam cần giữ vững
nền độc lập thiêng liêng;
- Thái độ lỳ lợm của bành trướng Bắc Kinh ở biển
Đông, đưa máy bay, radar, tên lửa ngày càng nhiều vào hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa trở thành nguy cơ lớn;
- Hoa Kỳ tỏ ý có thể bỏ hẳn việc cấm vận mọi vũ khí
sát thương cho Việt Nam khi quan hệ chiến lược được vững chắc;
- Việc gia nhập Hiệp ước TPP đang mở ra nhiều triển
vọng cho Việt Nam phát triển mọi mặt là thời cơ không thể bỏ qua, là mong muốn
của cả giới kinh tế - tài chinh - chính trị - ngoại giao, có thể nói của toàn
dân với đồng thuận cao, sẽ được các nước xét duyệt thuận lợi khi quan hệ Việt Mỹ
được gia tăng.
Bấy nhiêu vấn đề sẽ không thể tùy thuộc ở Bộ Chính
trị mới toàn quyền quyết định, khi về nguyên tắc đến sau cuộc bầu cử cuối tháng
5, và đến phiên họp đầu của Quốc hội mới (thường vào tháng 11) mới có sự kiện
chuyển giao chính quyền, và bộ sậu “Tứ trụ” mới mới chính thức nhận việc. Từ
nay đến đó là tám tháng, thủ tướng cũ và chủ tịch nước cũ vẫn tại chức và có
toàn quyền thực hiện nhiệm vụ, Bộ Chính trị không có quyền can thiệp, theo cam
kết ‘’đảng CS hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và luật pháp’’.
Do đó thủ tướng đương nhiệm vẫn nắm các chính sách
kinh tế, tài chính, quốc phòng an ninh và ngoại giao theo Luật hiến pháp.
Trong thời gian bảy tám tháng, mọi sự dều có thể xảy
ra, nhất là khi lòng dân được huy động bởi hệ thông tin lề dân, lề trái, khi
các tổ chức xã hội dân sự đồng loạt vào cuộc tạo nên một cuộc tranh luận công
khai, có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Quốc hội và các chính sách sau đó.
Nhân dân sẽ đánh giá qua công luận nhân vật nào,
nhóm nào thật sự có đường lối trọng dân, gần dân, vì dân, có đường lối chính
sách phù hợp với quyền lợi của nhân dân hơn cả. Nhân dân sẵn sàng bỏ qua những
định kiến cũ, Quốc hội mới được truyền thêm dòng máu dân chủ qua những người tự
ứng cử được trúng cử, sẽ tự do hơn trong việc quyết định về mọi vấn đề, bác bỏ
những quyết định nhân sự được áp đặt theo kiểu phản dân chủ vừa qua, tự mình có
toàn quyền chọn lựa ba nhân vật hoàn toàn mới là chủ tịch nước, thủ tướng và chủ
tịch Quốc hội.
Có thể hình dung Bộ Chính trị hiện nay đang đứng
trong cảnh tang gia bối rối, cuộc sống nguy ngập, lo ngại rằng với thời gian mọi
sự có thể thay đổi, cuộc "hôn nhân" hứa hẹn không thành, nên hối hả
làm “đám cưới chạy tang", trước khi dàn lãnh đạo cũ hết nhiệm vụ
Nhưng thường thì những cuộc hôn nhân kiểu "cưới
chạy tang" như thế sẽ dễ dàng bị đổ vỡ sau đó.
No comments:
Post a Comment