Sunday, 6 March 2016

ĐẢNG CỘNG HÒA ĐỐI PHÓ VỚI TRUMP BẰNG CÁCH NÀO ? (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt
Friday, March 4, 2016 5:49:29 PM

Jonathan Chait của New York Magazine nói rằng vần đề căn bản trong sự phản kháng Donald Trump của đảng Cộng Hòa là “sự phẫn nộ chính đáng, nhưng bối rối không biết làm thế nào và không muốn theo những  phân tích của riêng họ để đi đến kết luận”. Do đó Trump không cần phải củng cố thêm bức tường chính trị của mình nếu phe Cộng Hòa không dám vượt qua hàng rào. 

Bốn ứng cử viên Cộng Hòa tranh luận tại Detroit, Michigan, do truyền hình Fox điều hợp, tối Thứ Năm. Từ trái qua phải: Marco Rubio, Donald Trump, Ted Cruz, John Kasich. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)

Tiếp theo bài phát biểu cương quyết bác bỏ  Trump của cựu ứng cử viên tổng thống Mitt Romney sáng Thứ Năm ở Utah, Thượng Nghị Sĩ John McCain, cũng mạnh mẽ cảnh báo cử tri Cộng Hòa về sự nguy hại của ứng cử viên đang dẩn đầu bên Cộng Hòa này. Nhưng sau đó một phát ngôn viên của ông nói với tờ Politico rằng Thượng Nghị Sĩ vẫn có thể ủng hộ Trump trong tổng tuyển cử.

Trong lời phát biểu cuối cùng ở cuộc tranh luận tối Thứ Năm tại Detroit, cả ba ứng cử viên Ted Cruz, Marco Rubio và John Kasich đều xác định sẽ ủng hộ ứng cử viên  nào được đảng đề cử, mặc dầu không thể biết họ giữ lời tới mức nào và có bao nhiêu cách linh động uyển chuyển về hứa hẹn ấy.

Charles P. Pierce trên tạp chí Esquire cho là đảng Cộng Hòa lâm vào trạng thái hoảng hốt do hiện tượng bất ngờ Donald Trump, và đến bây giờ quá trễ để có thể vượt qua cơn khủng hoảng. Nếu nhất quyết không thể tin tưởng Trump mà vẫn phải chấp nhận  là đại diện, thì đảng Cộng Hòa  đi đến một nghịch lý. Các cử tri Cộng Hòa đồng ý với lập luận của đảng, cuối cùng sẽ chỉ có thể bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton.

Dù vẫn có thể chặn đứng Trump không để cho thành ứng cử viên tổng thống của đảng, nhưng theo Pierce tất cả những biện pháp ấy trên căn bản là sai trái và phản dân chủ. Đi vào cuộc tranh cử, Trump tuân hành luật lệ của đảng và chưa có chuyện sai trái nào trong những chiến thắng của ông ta.  Như thế tìm mọi cách ngăn chặn Trump, trên nguyên tắc đó là hành động độc đoán của đảng Cộng Hòa, phủ nhận giá trị sinh hoạt truyền thống đã có của chính mình.

Người ta có thể nghĩ đến việc đảng Cộng Hòa dựa vào các đại biểu không cam kết (unpledged delegates) hay quen gọi là siêu đại biểu, có quyền ủng hộ bất cứ ứng cử viên nào họ muốn, để bỏ phiếu cho ứng cử viên khác thắng. Tuy nhiên kết quả không bảo đảm vì đảng Cộng Hòa chỉ có 168 đại biểu loại này gồm thành viên ban chấp hành trung ương đảng. Nếu tổng số đại biểu Trump chiếm được trong giai đoạn bầu cử sơ bộ vượt quá xa một đối thủ khác, thì 168 phiếu siêu đại biểu (chỉ bằng 6.8% tổng số đại biểu ở đại hội) sẽ không đủ để xoay chuyển kết quả.

Vậy thì hầu như chỉ còn một phương cách duy nhất đảng Cộng Hòa có thể  hy vọng, là  không ứng cử viên nào đạt được đa số quá bán 1,237 đại biểu ủng hộ. Tình trạng này sẽ đưa tới một thể thức Đại Hội Đảng được gọi là  Brokered Convention (“đại hội môi giới”).

Theo điều lệ, nếu vòng bỏ phiếu đầu tiên không ai được hơn đa số quá bán, thì tất cả các đại biểu cam kết (pledged delegates) được giải tỏa cam kết phải ủng hộ ứng cử viên mà mình là đại diện, và có quyền ủng hộ bất cứ ứng cử viên nào khác. Các vòng bỏ phiếu sẽ tiếp tục cho đến khi có một người đạt đa số quá bán.

Thể thức Brokered Convention tương tự như mật nghị tại Tòa Thánh Vatican để bầu vị tân Giáo Hoàng. Trong lịch sử Mỹ khi hệ thống bầu cử sơ bộ chưa hoàn thiện, từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 đại hội của hai đảng rất nhiều lần đi đến brokered convention, khi hai phe đối lập trong nội bộ đều mạnh, Đại hội đảng Dân Chủ năm 1924 phải qua 102 vòng bỏ phiếu mới đạt kết quả. Hai Kỳ brokered convention gần đây nhất là năm 1948 trong đảng Cộng Hòa và 1952 trong đảng Dân Chủ.

Do kéo dài thời gian trong sự chia rẽ và đấu đá nội bộ, ứng cử viên được đề cử qua broker convention hầu hết đều  thất bại ở tổng tuyển cử. Vì vậy hai đảng rất muốn tránh đi tới tình trạng ấy.

Năm nay qua các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa ở 15 tiểu bang, Donald Trump chiếm được 316 đại biểu,  Ted Cruz 226, Rubio 106, John Kasich 25. Tính theo trung bình toán học Trump chiếm  47% đại biểu. Nếu sau này Trump vẫn dẫn đầu trong khi ba ứng cử viên kia không ai rút lui, và giả dụ tỷ lệ trung bình của các ứng cử viên tiếp tục là như thế, thì cuối cùng Trump cũng chỉ có khoảng 1,080 đại biểu và phải cần thêm gần toàn bộ siêu đại biểu ủng hộ mới thắng cử.

Ông Mitt Romney trong bài nói chuyện ở Utah không trực tiếp đưa ra một giải pháp, nhưng những gì ông nêu lên khiến người ta hiểu là ông muốn thúc đẩy đi đến brokered convention. Ông tỏ ra  không tin người nào khác có thể vượt hơn Trump. Nhưng ông khuyến khích cử tri Florida bỏ phiếu cho Rubio, cử tri Ohio bỏ phiếu cho Kasich, và như thế chỉ có thể đạt tới một hậu quả tiêu cực là cuối cùng không ứng cử viên nào thắng.

Chi tiết trong sự vận dụng Brokered Convention, tình thế của các ứng cử viên và đảng Cộng Hòa trong ván bài chính trị này sẽ được trình bày trong bài sau. (HC)





No comments:

Post a Comment

View My Stats