Saturday 7 September 2024

PHÁP : SÓNG NGẦM DƯỚI CON TÀU CHÍNH PHỦ MICHEL BARNIER (Anh Vũ / RFI)

 



Pháp : Sóng ngầm dưới con tầu chính phủ Michel Barnier

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 06/09/2024 - 15:38  -  Sửa đổi ngày: 06/09/2024 - 15:39

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240906-ph%C3%A1p-s%C3%B3ng-ng%E1%BA%A7m-d%C6%B0%E1%BB%9Bi-con-t%E1%BA%A7u-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-michel-barnier

 

Được bổ nhiệm lãnh đạo chính phủ, tân thủ tướng Michel Barnier, với hứa hẹn có những « thay đổi và đoạn tuyệt » với đường lối cũ, ngay lập tức phải bắt tay vào việc lập một chính phủ tập hợp đoàn kết mọi thành phần chính trị và nhất là tránh không bị đổ vì cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc Hội.

 

HÌNH :

Tân thủ tướng Pháp Michel Barnier trong lễ bàn giao tại điện Matignon, Paris, ngày 05/09/2024. AP - Stephane de Sakutin

 

Sau hai tháng suy tính, gặp gỡ tham khảo liên tiếp chính khách các đảng phái khác nhau, thăm dò các khả năng từ tả sang hữu, cuối cùng tổng thống Emmanuel Macron đã giao quyền lãnh đạo chính phủ cho ông Michel Barnier, một chính trị gia có bề dày kinh nghiệm, xuất thân từ đảng cánh hữu chiếm số ít ở Quốc Hội, chỉ có 47 ghế. Ông Michel Barnier dường như là giải pháp an toàn duy nhất trong bối cảnh chính trị nước Pháp chia rẽ từ sau vòng hai cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn hôm 07/07 vừa qua, để có thể tránh được một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay lập tức tại Hạ Viện đã được liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP) báo trước.

 

Ông Michel Barnier phải thành lập một « chính phủ đoàn kết phục vụ lợi ích chung của đất nước », như nhiệm vụ được tổng thống giao. Một sự khởi đầu đầy nan giải trong hoàn cảnh chính trị của nước Pháp hiện nay. Làm sao có được một chính phủ cân bằng, có đại diện của các đảng phái trong một nền chính trị đang chia rẽ sâu sắc, để thực thi một đường lối không phá đi những gì đã có, nhưng lại phải đoạn tuyệt với đường lối của chính phủ cũ. 

 

Quốc Hội mới của Pháp bị chia làm ba khối chính :  liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP) gồm tập hợp các đảng cánh tả truyền thống, đảng Xã Hội (PS), đảng Cộng Sản (PCF), đảng Xanh và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), chiếm số đông nhất với 193 ghế ; liên minh cầm quyền của tổng thống Emmanuel Macron Đồng hành vì nền Cộng Hòa đứng thứ 2 với 143 ghế ; đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN), 126 dân biểu. Đảng này vốn đã bị các đảng phái khác nhau của Pháp tìm mọi cách gạt ra khỏi chính trường, nhưng giờ lại đóng vai trò quan trọng cho sự sống còn của tân chính phủ Michel Barnier.

 

Đảng RN không phản đối việc bổ nhiệm ông Michel Barnier làm thủ tướng, tức là sẽ không bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ mới ngay từ đầu. Tuy nhiên lãnh đạo đảng này đã đe dọa, sự thỏa hiệp của họ sẽ còn tùy theo  đường lối cụ thể của chính phủ mới. Chủ tịch nhóm dân biểu RN tại Hạ Viện bà Marine Le Pen đã khẳng định : « Chúng tôi sẽ không tham gia chính phủ (Bernier) », nhưng « chúng tôi đợi diễn văn trình bày đường lối chung » của chính phủ mới. Nói một cách khác, chỉ có thỏa hiệp nếu đường lối chính sách của RN phải được nằm trong chương trình hành động của chính phủ. Có điều đó là những chính sách đã bị đánh giá là cực đoan và các lực lượng chính trị khác nhau vẫn luôn phủ nhận hoàn toàn.

 

Về phía liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (NFI), đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) trong liên minh này đã bị đảng RN và liên minh cầm quyền của tổng thống giơ « thẻ đỏ », còn đảng Xã Hội thì kiên quyết phản đối bổ nhiệm nhân vật cánh hữu làm thủ tướng. Ông Olivier Faure, thư ký thứ nhất đảng Xã Hội quả quyết « sẽ không có một nhân vật cánh tả nào tham gia chính phủ mới » của Michel Barnier.

 

Sự phản đối của NFP không gây bất ngờ, nhưng với 193 dân biểu, thì không đủ đa số để lật chính phủ Barnier.

 

Đến giờ giới quan sát chính trị Pháp không thể biết được ai sẽ lên con tàu của thuyền trưởng Barnnier đang ở giữa những cơn sóng ngầm.

 

Cho dù chính phủ của Michel Barnier, thủ tướng thứ ba trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Macron, có tránh được « bất tín nhiệm » tại Quốc Hội thì rõ ràng nước Pháp vẫn chưa thoát ra hẳn cuộc khủng hoảng chính trị. Tổng thống Macron đã thất bại khi thông báo giải tán Quốc Hội nhằm làm « sáng tỏ » các « mầu sắc » chính trị của Quốc Hội. Kết quả là một Quốc Hội mới bị chia xé chưa từng thấy trong nền đệ ngũ Cộng hòa. Thành lập chính phủ « đoàn kết » dường như là nhiệm vụ bất khả thi của tân thủ tướng Michel Barnier. Trong khi đó thời gian đang rất gấp, ngày 01/10, Quốc Hội sẽ có phiên họp thường kỳ đầu tiên.

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÁP

Tổng thống Pháp Macron bổ nhiệm cựu ủy viên châu Âu Michel Barnier làm thủ tướng

 

PHÁP - CHÍNH TRỊ

Pháp : Tân thủ tướng bắt tay lập chính phủ trong bối cảnh chính trường chia rẽ sâu sắc








No comments:

Post a Comment

View My Stats