Thursday 4 July 2024

LÃNH ĐẠO TRUNG QUỐC & NGA TỚI KAZAKHSTAN DỰ THƯỢNG ĐỈNH TỔ CHỨC HỢP TÁC THƯỢNG HẢI (Anh Vũ / RFI)

 



Lãnh đạo Trung Quốc và Nga tới Kazakhstan dự thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải  

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 03/07/2024 - 13:56

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240703-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-trung-qu%E1%BB%91c-v%C3%A0-nga-t%E1%BB%9Bi-kazakhstan-d%E1%BB%B1-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-h%E1%BB%A3p-t%C3%A1c-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-h%E1%BA%A3i

 

Hôm nay, 03/07/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có mặt tại Kazakhstan để tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 Tổ chức Hợp tác Thượng hải (OCS), một định chế hợp tác kinh tế khu vực mà Bắc Kinh và Matxcơva hy vọng phát triển thành một tổ chức cạnh tranh với phương Tây.

 

 HÌNH :

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokayev tham dự lễ khai trương nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác song phương, Astana, ngày 03/06/2024. via REUTERS - Press Service of Kazakh Presiden

 

Hội nghị diễn ra trong hai ngày 03 và 04/07 tại thủ đô Astana của quốc gia Trung Á. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hiện có 9 quốc gia thành viên (Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Nga, Kazakhstan, Kirghizstan, Ouzbékistan, Pakistan, Tadjikistan). Đây là tổ chức hợp tác kinh tế được Trung Quốc và Nga đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hai nước đều đang đối đầu quyết liệt với phương Tây.

 

Tuy nhiên, nhiều bất đồng vẫn tồn tại giữa các thành viên OCS. Dù cả hai ông Tập và Putin đều mong muốn có được mặt trận chung đối đầu với phương Tây, nhưng Bắc Kinh và Matxcơva lại là đối thủ cạnh tranh trên phương diện kinh tế, đặc biệt trong khu vực Trung Á giàu tài nguyên khí đốt và khoáng sản và là tuyến đường giao thông hàng hóa trọng yếu giữa Á và Âu.

 

Trung Á, dẫn đầu là Kazakhstan, là mắt xích trọng yếu trong dự án con đường tơ lụa mới được ông Tập Cận bình khởi xướng từ hơn chục năm nay. Khu vực này được Nga, Trung Quốc và gần đây cả Thổ Nhĩ Kỳ ve vãn lôi kéo. Matxcơva muốn duy trì ảnh hưởng với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trong khi  Trung Quốc đang thắt chặt quan hệ với các nước đó bằng những dự án kinh tế lớn.

 

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteres cũng sẽ tới Astana dự hội nghị. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vắng mặt.

 

Dự kiến hội nghị lần này sẽ kết nạp Belarus, một đồng minh chủ yếu của Nga, làm thành viên thứ 10 của OCS. Ngoài các thành viên chính thức, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải còn có 14 nước đối tác, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh.

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

ẤN ĐỘ - TỔ CHỨC HỢP TÁC THƯỢNG HẢI

Ấn Độ : Thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải khai mạc

 

HỘI NGHỊ - TỔ CHỨC HỢP TÁC THƯỢNG HẢI

Lãnh đạo Trung, Nga gặp nhau bên lề thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải

 

IRAN - TỔ CHỨC HỢP TÁC THƯỢNG HẢI

Iran kêu gọi Tổ chức Hợp tác Thượng Hải lập « vành đai an ninh hàng hải » nhằm đe dọa phương Tây

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats