Friday, 23 June 2023

TRUNG ĐÔNG : SỰ CAN DỰ NGÀY CÀNG LỚN CỦA TRUNG QUỐC LÀM THAY ĐỔI THẾ CỜ KHU VỰC? (Minh Anh / RFI)

 



Trung Đông: Sự can dự ngày càng lớn của Trung Quốc làm thay đổi thế cờ khu vực?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 22/06/2023 - 15:11

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20230622-trung-dong-trung-quoc-can-du-the-co

 

Giúp Ả Rập Xê Út và Iran tái lập bang giao, đề nghị làm trung gian hòa giải cho xung đột Israel – Palestine, Trung Quốc đang dần khẳng định một vai trò quan trọng hơn tại Trung Đông. Nhưng sự can dự ngày càng lớn của Trung Quốc đang hình thành một thế cờ mới trong khu vực.

 

https://s.rfi.fr/media/display/9ce084ca-10f6-11ee-b150-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP23117375815770.webp

Từ trái sang phải: Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian, ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, và ngoại trưởng Ả Rập Xê Út Faisal bin Farhan Al Saud tại Bắc Kinh,Trung Quốc, ngày 06/04/2023. AP - Ding Lin

 

Ở đâu Mỹ và châu Âu để trống, ở đó Trung Quốc lấp vào. Từ nhiều thập niên qua, Bắc Kinh âm thầm đặt các con chốt tại Trung Đông, mà mối quan tâm ban đầu dường như chỉ là kinh tế : Thúc đẩy giao thương tại một vùng đang phát triển và bảo đảm nguồn cung ứng ổn định về dầu khí cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

 

Đòn bẩy kinh tế

 

Nhưng sự hiện diện tích cực của Trung Quốc ngày nay càng được chấp nhận nhiều hơn vì nó trùng khớp với « mong muốn Trung Quốc » từ nhiều nước Trung Đông, đang cố đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế. Đó cũng là những nước đánh giá cao tuyên bố của Bắc Kinh không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia.

 

Trên trang mạng tạp chí Esprit, ông Denis Bauchard, cựu giám đốc chương trình Bắc Phi và Trung Đông trực thuộc bộ Ngoại Giao Pháp, cố vấn về Trung Đông tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), nhắc lại ngay từ năm 2004, Bắc Kinh và các nước Ả Rập tổ chức đều đặn một diễn đàn cấp ngoại trưởng. Từ năm 2006, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thường xuyên có các chuyến thăm khu vực.

 

Đến năm 2013, Trung Quốc thời Tập Cận Bình khởi động « Những Con Đường Tơ Lụa Mới – Belt and Road Initiatives (BRI) », một dự án mang tầm chiến lược đặc biệt có liên quan đến Trung Đông. Năm 2016, Bắc Kinh chính thức công bố một chính sách thực thụ đối với thế giới Ả Rập, có tên gọi : « China’s Arab Policy Paper », cho phép Bắc Kinh thiết lập các mối quan hệ hợp tác trong mọi lãnh vực : Kinh tế - Tài chính, Văn hóa, Nông nghiệp, chống khủng bố và sau này cả về quân sự nhằm « duy trì hòa bình, ổn định và phát triển » khu vực.

 

Chỉ trong hơn hai thập niên, giai đoạn 2000-2022, giao thương hai chiều giữa Trung Quốc và các nước Ả Rập tăng vọt từ trên 17 tỷ đô la lên gần 470 tỷ. Cũng trong giai đoạn này, đầu tư của Trung Quốc tăng từ chưa đầy một tỷ đô la lên gần 28 tỷ, chủ yếu tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Iran, Irak và Israel. Tính đến năm 2022, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu ở Trung Đông, chủ yếu là Ả Rập Xê Út, Iran, Ai Cập, Qatar, và Koweit.

 

Ngược lại, Bắc Kinh phụ thuộc đến 50% nguồn cung ứng năng lượng từ khu vực này. Do vậy, Trung Quốc chỉ có lợi khi tình hình an ninh Trung Đông được ổn định. Theo ông Emmanuel Veron, chuyên gia về Trung Quốc tại INALCO, mạng lưới quan hệ và thương mại mà Trung Quốc kiên nhẫn xây dựng, thiết lập từ 25 và 30 năm qua giờ không chỉ tăng cường hơn nữa sự hiện diện kinh tế, mà sau này cả cho quân sự, cho phép Bắc Kinh bảo vệ và thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình trong khu vực.

 

Trên đài RFI, chuyên gia Emmanuel Veron phân tích : « Từ nền tảng kinh tế và thương mại, mạng lưới ngoại giao, an ninh hay quân sự, người ta nhận thấy việc cung cấp vũ khí, trang thiết bị ngày càng nhiều. Người ta giờ có thể đặt câu hỏi về quy mô năng lực tình báo Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự, chính trị và ngoại giao. Toàn bộ những điều đó cho thấy quả thật Trung Quốc đang gây ảnh hưởng và sẽ tác động ngày càng mạnh hơn tại Trung Đông để chống lại Mỹ ».

 

Thoát bảo hộ của Mỹ

 

Cũng theo ông Emmanuel Veron, chính việc Hoa Kỳ ngày càng ít quan tâm đến khu vực đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào Trung Đông. Sự thoái lui dần này của Mỹ, bắt đầu từ dưới thời chính quyền Bush Jr, cùng với cuộc rút quân trong hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan, bất ổn kéo dài tại Irak sau cuộc can thiệp của Mỹ và nhất là việc chính quyền Obama cùng cựu thủ tướng Anh David Cameron mùa hè năm 2012 từ bỏ cam kết trừng phạt quân sự chế độ Damas nếu họ dùng vũ khí hóa học chống thường dân, đã làm xói mòn mọi tầm ảnh hưởng của phương Tây, đứng đầu là Mỹ, trong khu vực. Nhiều nước trong khu vực bắt đầu xem xét lại các mối quan hệ với Washington và nghĩ đến khả năng thắt chặt đối tác với Bắc Kinh.

 

Bàn cờ địa chính trị tại Trung Đông cũng vì thế mà có những thay đổi lớn. Điều này thể hiện rõ trong sự chuyển hướng đối ngoại đột ngột của Ả Rập Xê Út, từ lâu được cho là rất gần gũi với Hoa Kỳ, khi từ chối đề nghị tăng mức xuất khẩu dầu lửa của tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 7/2022. Đến tháng 12/2022, như một lời cảnh cáo dành cho Washington, hoàng thái tử Mohammed Ben Salman đã trải thảm đỏ long trọng đón Tập Cận Bình và trong cuộc gặp thượng đỉnh này, Ả Rập Xê Út và Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận đối tác mới bao gồm cả việc cung cấp tên lửa chống hạm YJ-21 của Trung Quốc.

 

Nhưng ngoạn mục nhất là việc Riyad và Teheran, một kẻ thù của Washington, ký kết thỏa thuận tái lập bang giao sau 7 năm đối đầu gay gắt, dưới sự chủ trì của Bắc Kinh. Thỏa thuận này không chỉ giúp cho Trung Quốc khẳng định vị thế siêu cường, mà còn đáp ứng được lợi ích của cả ba bên, nghĩa là Iran thoát được thế cô lập và giảm nguy cơ một cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài, Trung Quốc tránh xảy ra xung đột và nguy cơ lan rộng tại một khu vực thiết yếu cho nguồn cung ứng năng lượng và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Cuối cùng, đối với Ả Rập Xê Út, sự kiện phản ánh mối lo ngại trước việc nước láng giềng phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng không an tâm về những cam kết an ninh từ Mỹ.

 

Nhà sử học André Kaspi, giáo sư danh dự đại học Sorbonne, trong một chương trình Qualita của Israel nhận định :

 

« Điều đó muốn nói rằng Ả Rập Xê Út sẵn sàng tìm kiếm những mối liên minh khác, có thể cho phép họ có một sự cân bằng vững chắc hơn trong các mối quan hệ quốc tế. Thế cân bằng này không chỉ dựa trên mối quan hệ với Nga mà cả với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là Ả Rập Xê Út đang tìm cách thoát khỏi sự bảo hộ mà Mỹ đã từng thực thi đối với Riyad. Và trong chừng mực nào đó, Ả Rập Xê Út có thể xích lại gần hơn một chút với Israel, hay ngược lại, giữ khoảng cách tùy theo hoàn cảnh. »

 

Thế cờ mới

 

Cũng theo ông André Kaspi, sự hiện diện ngày càng lớn của Bắc Kinh tại Trung Đông đang làm thay đổi các mối tương quan lực lượng trong khu vực, dẫn đến một sự tái phân bổ các thế lực trong vùng.

 

« Trước đây Nga giữ vai trò chủ chốt, nhưng với chiến tranh Ukraina, có một sự thay đổi đang diễn ra, nghĩa là có một sự phân bổ mới các thế lực. Nga giờ trông cậy vào Iran, rồi Iran thì dựa vào Trung Quốc. Về cơ bản, người ta nhìn thấy một trục mới đang hình thành. Đối với Israel, nước này giờ phải trông cậy vào sự hậu thuẫn của Mỹ nhiều hơn và một chính sách có thể khó mà xác định đối với Nga, không hẳn là hoàn toàn đối đầu với Nga, nhưng cho phép Israel tìm được một tình thế ít nguy hiểm hơn. »

 

Điều đáng chú ý là Trung Quốc có một mối quan hệ kinh tế - công nghệ rất chặt chẽ và lâu đời với Israel, quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng trong chính sách Trung Đông và dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh nhờ vào hệ thống cảng biển giáp Địa Trung Hải. Nhưng điều đó cũng không cản trở Trung Quốc ngày 27/03/2021 ký kết một « Hiệp ước Hợp tác Chiến lược 25 năm » với Iran, kẻ thù truyền kiếp của Israel.

 

Theo phân tích từ nhà sử học trường đại học Sorbonne trên Qualita, Trung Quốc không hẳn hoàn toàn ủng hộ Iran để chống Israel. Trung Quốc chủ trương duy trì một thế cân bằng nào đó trong vùng, tức là vừa duy trì các mối quan hệ với Israel, vừa thắt chặt hợp tác với Iran. Theo ông, thế giới đang trong một hệ thống quan hệ quốc tế cực kỳ phức tạp.

 

« Bởi vì không gì có thể xác định được, mọi thứ đều chuyển động, mọi việc có thể thay đổi. Iran cũng đang tiến các quân cờ của mình, tuy theo cách ít mạnh mẽ hơn so với phía Israel và các quốc gia Ả Rập. Điều hiển nhiên là sự hiện diện của Trung Quốc tại Trung Đông giờ trở thành một yếu tố trong lịch sử quan hệ quốc tế. »

 

Cũng theo vị sử gia này, Trung Đông luôn là một địa bàn tranh giành thế lực đầy phức tạp và đa dạng, khó thể tiên đoán những gì sẽ xảy ra. Đương nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Đông sẽ được mở rộng hơn khi nhìn vào các mối quan hệ của nước này duy trì với Iran, Ả Rập Xê Út và Israel. Nhưng ông cũng lưu ý thêm rằng bốn cựu đế chế Iran, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đang làm chủ ván cờ Trung Đông. Ngoài Trung Quốc với nỗ lực vươn lên thành siêu cường hàng đầu thế giới, Iran, Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ nuôi dưỡng tham vọng tái lập những đế chế năm xưa.

 

Nhìn rộng hơn, chuyên gia về Trung Quốc Emmanuel Veron cho rằng Trung Đông giờ cũng là một mặt trận khác giữa Mỹ và Trung Quốc. Giới quan sát có xu hướng nói rằng ưu tiên chiến lược của Mỹ là Trung Quốc, và ngược lại, đối với Bắc Kinh, Washington cũng là một ưu tiên chiến lược. Ông kết luận: toàn bộ thế giới ngày nay ngày càng được kiến tạo theo sự đối đầu địa chính trị giữa hai siêu cường, Trung Đông cũng không thể thoát khỏi điều đó !

 

------------------------------------

Các nội dung liên quan

Iran - Ả Rập Xê Út xích lại gần nhau : Bước tiến lớn của Trung Quốc ở Trung Đông

 

Ả Rập Xê Út và Iran tiến thêm một bước trên con đường hòa giải

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats