Thursday, 15 June 2023

THẾ GIỚI HÔM NAY : 14/06/2023 (The Economist)

 



THẾ GIƠI HÔM NAY : 14/06/2023

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

14/06/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/06/14/the-gioi-hom-nay-14-06-2023/

 

Donald Trump bác bỏ tất cả 37 cáo buộc liên quan đến cách ông xử lý tài liệu mật. Cựu tổng thống Mỹ bị buộc tội tại một tòa án liên bang ở Miami cùng với Waltine Nauta, trợ lý cá nhân và đồng bị cáo. Ông Trump không bị còng tay cũng như không bị yêu cầu chụp ảnh lưu trữ hồ sơ. Cơ quan thực thi pháp luật địa phương trước đó cho biết sẵn sàng cho tình huống có tụ tập tới 50.000 người xung quanh tòa án, nhưng rồi số nhà báo còn nhiều hơn người biểu tình.

 

Ukraine tuyên bố đã chiếm lại 7 ngôi làng từ lực lượng Nga kể từ đầu cuộc phản công vào tuần trước. Thứ trưởng quốc phòng Hanna Maliar cho biết 91 km vuông được thu hồi trong những ngày gần đây. Trong khi đó Điện Kremlin khẳng định đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine. Vào sáng thứ Ba, Nga đã tiến hành không kích vào Kryvyi Rih, một thành phố ở miền trung Ukraine, được cho là khiến 11 người thiệt mạng.

 

Lạm phát tiêu đề ở Mỹ giảm xuống 4% (so với cùng kỳ năm ngoái) vào tháng trước, đánh bại dự đoán 4,1% của các nhà kinh tế. Đây là tỷ lệ lạm phát thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2021—mặc dù vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang. Fed sẽ đưa ra quyết định lãi suất vào thứ Tư. Lạm phát lõi không tính giá lương thực và năng lượng tăng 5,3%, đúng như kỳ vọng của thị trường.

 

Tiểu thuyết gia người Mỹ Cormac McCarthy qua đời ở tuổi 89 tại nhà riêng ở Santa Fe, New Mexico. Những cuốn sách của ông, thường ảm đạm và bạo lực, được công nhận rộng khắp: ông đoạt giải Pulitzer cho cuốn “The Road” năm 2007 và giải Sách Quốc gia cho “All the Pretty Horses” năm 1992. Cả hai quyển sách đều được chuyển thể thành phim, bên cạnh “No Country for Old Men,” vốn thắng bốn giải Oscar.

 

Chính phủ Nga đề xuất khoản thuế một lần đối với các công ty có lợi nhuận hàng năm 1 tỷ rúp (11,9 triệu USD) kể từ năm 2021. Khoản thuế này dự kiến bổ sung 300 tỷ rúp và giúp bù đắp thâm hụt ngân sách do giá dầu giảm. “Tôi sẽ nói cho bạn biết một bí mật lớn,” một quan chức Điện Kremlin cho biết: “Ý tưởng này… đến từ cộng đồng doanh nghiệp chứ không phải nhà nước.”

 

Bunge, nhà chế biến hạt có dầu lớn nhất thế giới, và Viterra, một hãng ngũ cốc, sẽ sáp nhập để tạo ra một gã khổng lồ kinh doanh nông nghiệp toàn cầu. Thỏa thuận nhiều khả năng sẽ thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý cạnh tranh. Được biết cổ đông của Viterra sẽ nhận 6,2 tỷ USD cổ phiếu Bunge và 2 tỷ USD tiền mặt; còn Bunge sẽ gánh khoản nợ 9,8 tỷ USD của Viterra. Cổ phiếu của Bunge giảm 2,5% trong phiên giao dịch sớm.

 

Một bài hát mới của The Beatles — với sự tham gia của John Lennon, người bị ám sát năm 1980 — sẽ được phát hành trong năm nay. Paul McCartney nói giọng hát của Lennon đã được “lọc ra” bằng AI. Ngày càng có nhiều tranh cãi về âm nhạc AI: hồi tháng 4 hàng nghìn người đã không hề hay biết khi nghe các bài hát do AI tạo ra của Drake và The Weeknd.

 

Con số trong ngày: 18 triệu, là số người Ấn Độ di cư trên khắp thế giới, theo ước tính mới nhất của Liên Hợp Quốc từ năm 2020.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg

Thứ Tư là ngày khai mạc Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg, sự kiện kinh tế lớn nhất của Nga. Diễn đàn này từng thu hút tất cả mọi người từ tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho đến tổng thống Pháp. Chi phí tham dự (25.000 đô la) được cho là phản ánh những cơ hội có được từ sự kiện.

 

Nhưng năm nay sẽ khác. Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nga ​​sẽ tham dự. Tổng thống Vladimir Putin cũng có thể ghé qua. Nhưng không nhiều chức sắc sẽ tham dự các cuộc thảo luận, vốn đề cập đến nhiều chủ đề quan trọng như “chủ quyền công nghệ trong kinh doanh nông nghiệp.” Các nhà báo phương Tây không được phép tham gia; còn doanh nhân phương Tây không muốn. Thật vậy, không rõ liệu có bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào đến dự hay không. Sự kiện này thường được coi là câu trả lời của Nga cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos. Nhưng giờ đây nó chỉ cho thấy sự cô lập của họ trên trường quốc tế.

 

Lebanon lại bầu tổng thống

Sau 11 lần thất bại, vào thứ Tư quốc hội Lebanon sẽ lại bầu tổng thống thay thế cho Michel Aoun, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10. Các cuộc bỏ phiếu trước đây đều không được như ý khi nhiều nghị sĩ bỏ phiếu trắng hoặc không xuất hiện. Lần này có lẽ cũng không khác. Ứng viên dẫn đầu là cựu bộ trưởng tài chính Jihad Azour, người đã tuyên bố ứng cử vào thứ Hai sau nhiều tháng phủ nhận. Các đảng Cơ đốc giáo và các nghị sĩ độc lập ủng hộ ông Azour, đặc biệt vì ông có chuyên môn kinh tế giữa lúc Lebanon sa lầy trong khủng hoảng tài chính kéo dài từ năm 2019.

 

Nhưng ông vấp phải phản đối gay gắt từ Hizbullah, đảng dân quân kiêm chính trị dòng Shia. Họ ủng hộ Suleiman Frangieh, một chính trị gia kỳ cựu thân cận với chế độ Syria của tổng thống Bashar al-Assad. Nhiều người Lebanon cho rằng các đảng chỉ đang ủng hộ ông Azour để cố gắng thuyết phục Hizbullah từ bỏ ông Frangieh và chấp nhận một ứng viên thoả hiệp ít nổi tiếng hơn. Thế bế tắc có vẻ sẽ tiếp tục.

 

Đức sắp công bố Chiến lược An ninh Quốc gia đầu tiên trong lịch sử

Trước khi nhậm chức vào cuối năm 2021, liên minh ba đảng của Đức đã hứa với cử tri là sẽ nắm quyền một cách khôn ngoan. Một trong những cam kết của họ là soạn thảo Chiến lược An ninh Quốc gia đầu tiên của Đức. Bị trì hoãn bởi chiến tranh Nga-Ukraine và tranh cãi nội bộ, văn kiện này sẽ được công bố vào thứ Tư bởi thủ tướng Olaf Scholz, cùng với ngoại trưởng Annalena Baerbock và các bộ trưởng khác.

 

Chiến lược này nhiều khả năng sẽ cam kết củng cố các liên minh xuyên Đại Tây Dương và châu Âu. Điều đó có nghĩa là tái khẳng định cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP – một lời hứa từ lâu với NATO mà Đức không thực hiện được. Giới phân tích sẽ nghiền ngẫm từng từ trong tài liệu để phác thảo chính sách chi tiết. Văn bản cũng có thể đề cập đến các chủ đề khó khăn, chẳng hạn như làm thế nào để cân bằng giữa các lợi ích kinh tế của Đức ở Trung Quốc và cạnh tranh ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Mỹ. Nhưng thông điệp mới là điều quan trọng: trong một thế giới nguy hiểm hơn, nước Đức đang nhận ra sự cần thiết phải đứng dậy.

 

IAEA kiểm tra nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia

Một nhóm giám sát viên mới từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc có thể sẽ đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở miền nam Ukraine sớm nhất là vào thứ Tư. Rủi ro về một tai nạn hạt nhân đang tăng. Nhà máy này lấy nước làm mát từ hồ chứa Kakhovka, vốn đã bị phá hủy do vụ vỡ đập lớn ở vùng Kherson lân cận.

 

Sau vụ nổ đập, nhân viên IAEA nói “không có rủi ro tức thời” vì cơ sở dự trữ đủ nước cho vài tháng. Nhóm giám sát mới sẽ đánh giá trữ lượng nước này và hệ thống làm mát của nhà máy. Tuy nhiên, vụ phá đập cũng tạo ra một khả năng đáng ngại sẽ ảnh hưởng đến công việc của nhóm. Hiện tại các lò phản ứng của nhà máy, vốn đã ở chế độ “tắt” trong nhiều tháng, khó có thể được kích hoạt lại để tạo ra điện trong tương lai gần. Nếu bị Nga cho là vô dụng, nó có thể bị họ phá hoại trên đường rút lui.





No comments:

Post a Comment

View My Stats