Saturday, 10 June 2023

ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA 2023 Ở SINGAPORE : NHỮNG ĐIỂM NHẤN và NHỮNG GÌ VIỆT NAM CÓ THỂ NHẬN ĐƯỢC (RFA)

 



Đối thoại Shangri-la 2023 ở Singapore: những điểm nhấn và những gì Việt Nam có thể nhận được

RFA

2023.06.09

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/shangri-la-dialogue-2023-in-singapore-highlights-and-what-vietnam-can-get-06092023135729.html

 

Nhân hội nghị Đối thoại Shangri-la, 2-4/6/2023, về an ninh châu Á - Thái Bình Dương vừa kết thúc ở Singapore, RFA phỏng vấn TS. Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS của Singapore về kỳ vọng của các bên tham gia hội nghị, về sự hiện diện của Trung Quốc và Hoa Kỳ, và về những gì Việt Nam có thể nhận được từ diễn đàn đối thoại này

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/shangri-la-dialogue-2023-in-singapore-highlights-and-what-vietnam-can-get-06092023135729.html/@@images/92df6314-42b4-469b-add8-f3ef4050f981.jpeg

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến gặp Đại tướng Robert Brieger, Chủ tịch Ủy ban Quân sự EU tại Đối thoại Shangri-la 2023   (Bộ Quốc phòng Việt Nam)

 

RFA: Xin ông cho biết những kỳ vọng của các bên trong sự kiện Đối thoại Shangri-la 2023 tại Singapore?

 

TS. Hà Hoàng Hợp: Mỹ muốn nối lại đối thoại với Trung Quốc về an ninh. Trong tổng thể Mỹ tiếp tục duy trì vai trò an ninh ở Châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc muốn tuyên bố sáng kiến an ninh mới sau Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ,) thể hiện ý đồ và kế hoạch bá quyền của Bắc Kinh trong đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược với Mỹ từ biển Đông và eo Đài Loan. Ngoài ra, Đối thoại Shangri-la 2023 cũng bàn về vụ Ukraine và thử đề xuất các khả năng ngừng bắn.

 

IISS kỳ vọng về sự tiếp tục trong các năm tới của Đối thoại Shangri-la ở Singapore, sau 20 năm tổ chức cuộc đối thoại này. Singapore, nước chủ nhà của đối thoại Shangri-la (SLD), cũng kỳ vọng tiếp tục duy trì chương trình này, mang lại lợi ích cho Singapore nhiều hơn.

Nhật Bản đã cụ thể hóa chiến lược an ninh mới của mình ở Đối thoại Shangri-la 2023, sau khi tại Shangri-la năm ngoái, Thủ tướng Nhật, ông Kishida Fumio, đã có bài diễn văn khai mạc quan trọng, công bố chiến lược an ninh mới của Nhật, coi Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Nga là các nguy cơ chiến lược lớn nhất đối với Nhật.

 

.

RFA: Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tham gia Đối thoại Shangri-la 2023 như thế nào? 

 

TS. Hà Hoàng Hợp: Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Lloyd J. Austin, có bài tham luận mở đầu sáng 3/6 về chiến lược an ninh của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương, cụ thể hóa các quan hệ đồng minh, quan hệ bạn bè, quan hệ Mỹ - Trung, quan hệ với Nga, Ukraine, với ASEAN, India, AUKUS. Quan hệ Mỹ - Trung là nội dung chính trong bài của ông Austin.

Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), người vừa trở thành bộ trưởng quốc phòng nước này sau Đại hội 20 – lần đầu dự Đối thoại Shangri-la. Ông Lý  đưa ra sáng kiến an ninh mới của Trung Quốc sáng 4/6, nhằm đẩy mạnh cạnh tranh an ninh với Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương. Ông Lý từ chối đối thoại với ông Austin tại Shangri-la 2023.

Ông Austin trong bài phát biểu của mình, kêu gọi Trung Quốc đối thoại để cùng nhau xử lý các rủi ro an ninh hiện nay trong quan hệ hai nước và trong các quan hệ quốc tế vượt ra ngoài Châu Á - Thái Bình Dương. Ông Lý Thượng Phúc từ chối đối thoại. Trung Quốc tiếp tục cách tiếp cận đơn phương, tự coi mình là siêu cường, thách thức trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc luật lệ hiện nay.

 

.

RFA: Theo quan sát của ông, các điểm nhấn của Đối thoại Shangri-la 2023 là gì? 

 

TS. Hà Hoàng Hợp: Đối thoại Shangri-la 2023 tiếp tục quan tâm đến vấn đề Ukraine, tác động của cuộc chiến ở Ukraine đến Châu Á - Thái Bình Dương, đến quan hệ Mỹ-Trung, đến tình hình Đông Nam Á, Đông Bắc Á, và quan hệ với Nga.

 

Indonesia ngày 3/6 đã đề xuất một kế hoạch ngừng bắn cho vụ Ukraine, trong đó lập một vùng phi quân sự rộng 15km giữa các lực lượng Ukraine và Nga. EU lại cho rằng Ukraine không thể ngừng bắn trong vị thế “đầu hàng Nga” được.

 

Điểm nhấn là vấn đề ứng dụng các công nghệ mới, trong đó có AI, công nghệ vật liệu, công nghệ hàng không – vũ trụ, công nghệ tính toán lượng tử.... vào quốc phòng, an ninh và chiến lược.

 

Tôi chú ý đến bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Ông nhấn mạnh nguy cơ an ninh do Trung Quốc gây ra ở Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt ở Nam Thái Bình Dương. Ông Albanese đưa ra các nguyên tắc và đề xuất xử lý rủi ro an ninh chung do Trung Quốc gây ra. Albanese nói về sự phát triển AUKUS và các lựa chọn tầm ngắn của Australia cho đến trước khi các điều kiện về năng lực quốc phòng Australia trong AUKUS được thỏa mãn vào năm 2035. Ông Albanese nhấn mạnh hợp tác với Mỹ, Nhật, India, UK và ASEAN.

 

.

RFA: Thưa ông, các chủ đề thảo luận ở Đối thoại Shangri-la 2023 có gì khác với năm trước hay không? 

 

TS. Hà Hoàng Hợp: Các chủ đề của Đối thoại Shangri-la 2023 bên cạnh những vấn đề tương tự như các cuộc Đối thoại Shangri-la trước, cũng có một số khác biệt phản ánh những diễn tiến an ninh mới. 

 

Vấn đề Ukraine lần này tiếp tục được thảo luận với sự có mặt của bộ trưởng quốc phòng Ukraine.

 

Điều đáng chú ý là ứng dụng công nghệ mới trong phát triển năng lực quốc phòng được đặt lên hàng đầu. Vũ khí hạt nhân và năng lực quân sự cũng được ưu tiên cao hơn, do các diễn biến xung quanh vụ Ukraine – với nhận định chung rằng rủi ro chiến tranh hạt nhân hiện nay cao chưa từng thấy, kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh vào năm 1991.

 

Vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương được nhấn mạnh hơn so với các lần Đối thoại Shangri-la trước đây. Lý do là Trung Quốc đang tiến nhanh trong hiện đại hóa quân đội, kiên quyết hơn trong vấn đề eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông, Biển Đông và Nam Thái Bình Dương.

 

Quản trị rủi ro xung đột tập trung vào các sự kiên quyết mạnh mẽ hơn của Trung Quốc trong khu vực.

 

Vai trò trung tâm ASEAN trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương được thảo luận vào buổi chiều ngày 3/6. ASEAN bị tác động lớn và trực tiếp từ Trung Quốc, vai trò trung tâm của ASEAN thực tế là yếu, cho nên ASEAN rất cần Mỹ có mặt về an ninh ở Đông Nam Á để giúp cân bằng an ninh với Trung Quốc.

 

Cuối cùng, sáng kiến chiến lược an ninh mới của Trung Quốc, đang và sẽ được đón nhận với mức độ thấp về niềm tin, Trung Quốc đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền phi pháp ở biển Đông, biển Hoa Đông, đẩy mạnh triển khai chiến thuật vùng xám ở toàn bộ khu vực Nam Thái Bình Dương.

 

Do Đối thoại Shangri-la mang hình thức diễn đàn, nên từ trước đến nay chủ yếu chỉ có đối thoại. Năm nay, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đã ký thỏa thuận cụ thể về chia sẻ thông tin hạt nhân của Bắc Triều Tiên; Mỹ và Nhật thảo thuận tại Đối thoại Shangri-la 2023 về phát triển năng lực đánh chặn các tên lửa siêu thanh. Đây là các sự kiện mới chưa có trước đây.

 

.

RFA: Thưa ông, Việt Nam muốn gì từ Đối thoại Shangri-la 2023? 

 

TS. Hà Hoàng Hợp: Việt Nam chính thức tham dự  Đối thoại Shangri-la từ năm 2012. Năm 2013 Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đọc bài bài diễn văn chính trong ngày khai mạc về xây dựng niềm tin chiến lược, nhấn mạnh các khả năng hợp tác quốc tế và khu vực về an ninh. Ông Dũng cũng nêu rõ quan hệ Việt-Trung là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, Việt Nam không tin vào một nền “hòa bình viển vông”.

 

Từ năm 2014, phái đoàn của Việt Nam ngoài đoàn Bộ Quốc phòng tham gia Đối thoại Shangri-la, còn có đoàn của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, nhóm các nhà nghiên cứu phi chính phủ và độc lập ở Việt Nam.

 

Mục đích của Việt Nam là đối thoại, tìm các cơ hội hợp tác với các nước, đặc biệt với Mỹ, EU, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc... để duy trì và củng cố hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đông Nam Á, trong đó có biển Đông. Việt Nam cũng tìm kiếm các hợp tác nhằm giúp mình phát triển và củng cố quốc phòng và an ninh. Việt Nam đã nắm được các cơ hội hợp tác tích cực với các nước.

 

Một số nhà nghiên cứu độc lập Việt Nam đã đạt các kết quả nghiên cứu tốt, đóng góp cho sự tiến triển hàn lâm quốc tế và ứng dụng vào công việc của chính phủ Việt Nam thông qua các kênh liên hệ chính phủ - ngoài chính phủ. 

 

Chiến lược hiện đại hóa quốc phòng Việt Nam ưu tiên hiện đại hóa hải quân, phòng không - không quân và tác chiến không gian mạng. Việt Nam có kế hoạch đến năm 2030, có thể tự chủ được các công nghệ quốc phòng để chủ động sản xuất được các loại tên lửa, thiết bị quân sự, phát triển được các hệ thống C5ISR hiện đại, các hệ thống tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, vệ tinh quân sự, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa vào vũ khí, chỉ huy, hoạch định chính sách. Đối thoại Shangri-la là nơi Việt Nam có thể tìm kiếm các hãng quốc phòng, hàng không - vụ trụ từ nhiều nước (Mỹ, UK, Đức, Pháp....) để hợp tác.

 

.

RFA xin cảm ơn TS. Hà Hoàng Hợp đã dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats