Wednesday 28 June 2023

NHỮNG ĐIỂM YẾU CHÍ MẠNG NÀO KHIẾN NGA CÓ NGUY CƠ SA LẦY Ở UKRAINE? (Hoàng Dạ Lan / Luật Khoa)

 



Những điểm yếu chí mạng nào khiến Nga có nguy cơ sa lầy ở Ukraine?

Hoàng Dạ Lan  -  Luật Khoa

June 23 2023 1:02 PM

https://www.luatkhoa.com/2023/06/nhung-diem-yeu-chi-mang-nao-khien-nga-co-nguy-co-sa-lay-o-ukraine/

 

Châu chấu hoàn toàn có thể đá xe.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/06/Putin-1.jpg

Nguồn ảnh: MIT News, Reuters, Sputnik. Đồ họa: Thiên Tân/ Luật Khoa.

 

                                                              *

Ngày 24/2/2022, Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt mục tiêu trong vòng vài ngày sẽ chiếm được Kyiv và dựng lên một chính phủ thân Nga ở Ukraine. Các báo cáo tình báo của Hoa Kỳ vào thời điểm đó cũng dự đoán rằng Kyiv sẽ thất thủ trong vòng một đến hai tuần. [1]

 

Tuy nhiên, sau 16 tháng giao tranh, quân đội Ukraine không chỉ chặn đứng bước tiến của quân đội Nga, mà còn chủ động phản công trên nhiều mặt trận, từng bước buộc quân đội Nga phải rút lui khỏi một số khu vực đã chiếm giữ trước đó. [2]

 

Mặc dù cuộc giao tranh hiện nay vẫn đang diễn ra rất ác liệt và còn quá sớm để biết được chiến dịch phản công của Ukraine có thành công hay không, nhưng diễn tiến của cuộc chiến cho thấy năng lực chiến đấu của quân đội Nga thấp hơn so với dự đoán của nhiều chuyên gia quân sự và tình báo trước khi cuộc chiến bùng nổ vào tháng Hai năm ngoái.

 

Chuyện gì đang xảy ra với đội quân của Putin? Làm thế nào mà đội quân của một vị tổng thống bị cho là “thằng hề” có thể so găng chiến đấu với đội quân của một siêu cường quân sự, được chỉ huy bởi một cựu sĩ quan KGB? Bài viết này sẽ phân tích những điểm yếu chí mạng trong hệ thống chính trị và quân sự Nga, được bộc lộ rõ trong cuộc chiến Ukraine.

 

 

Chế độ độc tài cá nhân (personalist dictatorship)

 

Chính sách ngoại giao của một quốc gia phản ảnh một cách chân thực nền chính trị nội bộ của quốc gia đó. Sau hơn hai mươi năm cầm quyền và nắm giữ các vị trí thủ tướng và tổng thống, Putin đã thành công trong việc thiết lập chế độ độc tài cá nhân ở Nga, cho phép ông kiểm soát mọi quyết định chính sách và chi phối toàn bộ hệ thống chính trị. 

 

Trong chế độ độc đảng (one-party regime), các thiết chế như bộ chính trị và trung ương đảng có thể giúp kiểm soát phần nào quyền lực của tổng bí thư. Còn chế độ độc tài quân sự (military dictatorship) thường có hội đồng tướng lãnh chi phối việc ra quyết định, nhằm ngăn chặn quyền lực tập trung quá mức vào cá nhân duy nhất. Tuy nhiên, trong chế độ độc tài cá nhân, nhà độc tài có thể tập trung quyền lực không giới hạn, ban phát lợi ích cho những người thân tín, người ủng hộ cũng như thanh trừng và tiêu diệt những người dám thách thức quyền lực của họ. [3]

 

Giáo sư Zoltan Barany, chuyên gia về chính trị Đông Âu tại University of Texas at Austin (Đại học Texas tại Austin), nhận định rằng từ khi nắm quyền lực tối cao vào đầu thập niên 2000, Putin đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm gia tăng sự kiểm soát của mình đối với lực lượng quân đội và an ninh. Trong thời kỳ Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov tại vị từ năm 2007 đến 2012, các cuộc thanh trừng quy mô lớn diễn ra nhằm loại bỏ những sĩ quan được cho là có tư tưởng độc lập và không thể hiện đủ lòng trung thành với Putin. [4]

 

Serdyukov đã sa thải hơn 30% lực lượng của hệ thống quân sự trung ương, chủ yếu là các sĩ quan cấp cao. Sau các cuộc thanh trừng và cải tổ quy mô lớn, các tướng lĩnh Nga dần quy phục Putin, con đường thăng tiến của họ không chỉ dựa vào năng lực chuyên môn mà còn phụ thuộc vào việc thể hiện lòng trung thành với cá nhân Putin. Trên danh nghĩa, Bộ Quốc phòng Nga chịu trách nhiệm trước Quốc hội Liên bang và các ủy ban về quốc phòng và an ninh của Quốc hội. Tuy nhiên, trong thực tế, bộ này chỉ chịu trách nhiệm trước tổng thống. Tổng thống toàn quyền quyết định thời gian và địa điểm triển khai lực lượng quân sự, dù là trong nước hay ngoài nước. [5]

 

Nếu xét về hình thức cấu trúc nhà nước thì Nga là nhà nước liên bang, nhưng trên thực tế, các hội đồng địa phương đã mất dần quyền tự quyết ngay trong các nhiệm vụ truyền thống như triệu tập lực lượng dự bị. Ngoài ra, các nhà báo phải đối mặt với nguy cơ bị kết án tù nặng chỉ vì viết một cách khách quan về các vấn đề quốc phòng, ngay cả khi thông tin được lấy từ các nguồn công khai. [6] Nhiều chính trị gia đối lập ở Nga cũng bị cấm tham gia tranh cử và đối diện với nguy cơ bị ám sát, đầu độc, bị bỏ tù và tra tấn. Nổi tiếng nhất trong số này là Alexei Navalny, ông đã thoát chết sau một vụ đầu độc do Kremlin tiến hành vào năm 2020 và hiện đang chịu án tù do nhiều cáo buộc có động cơ chính trị. [7]

 

Dễ thấy rằng, trong một môi trường mà các thiết chế quyền lực như quốc hội và tòa án bị vô hiệu hóa, lực lượng chính trị đối lập bị đàn áp và không có tự do ngôn luận thì nhà độc tài có thể dễ dàng áp đặt các chính sách đối ngoại hung hăng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

 

Putin độc đoán trong chính sách ngoại giao và chỉ tham vấn thông tin trong vòng quan chức thân cận, bao gồm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sergei Lavrov, Cố vấn An ninh Quốc gia Nikolai Patrushev, Giám đốc Tình báo Đối ngoại Sergei Naryshkin, và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sergei Shoigu. Các quan chức này vốn bài xích những giá trị phương Tây và cổ vũ cho việc khôi phục những vinh quang của đế chế Nga trong quá khứ. Họ cũng hiểu rằng muốn lấy lòng Putin thì cần phải rót vào tai ông những gì ông muốn nghe.

 

Sergei Beseda, Cục trưởng Cục V, cơ quan tình báo đối ngoại, trực thuộc Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) là nhân vật chủ chốt chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo cho Nga ở Ukraine. Các lãnh đạo của FSB đã cung cấp cho Putin nhiều thông tin tình báo sai lệch trước thềm cuộc chiến, bao gồm việc Zelensky là một nhà lãnh đạo yếu kém, chính phủ của Zelensky sẽ nhanh chóng sụp đổ trước đòn tấn công phủ đầu của Nga vào Kyiv và rằng quân đội Nga sẽ được phần lớn người dân Ukraine chào đón nồng nhiệt. [8] Vào tháng 4/2022, Sergei Beseda bị Putin ra lệnh bắt giữ vì đã cung cấp thông tin tình báo không chính xác cho điện Kremlin.

 

 

Tham nhũng trong quân đội

 

Tham nhũng đã trở thành một vấn nạn lớn trong quân đội Nga kể từ thời Liên bang Xô Viết. Theo Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Nga chỉ đạt được 28 điểm trên thang điểm 100, xếp hạng 137 trong tổng số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết quả này đặt Nga gần với thứ hạng của nhóm các nước tham nhũng nhất thế giới (ví dụ như Somalia với 12 điểm) hơn là nhóm các quốc gia minh bạch nhất thế giới (Đan Mạch đứng đầu với 90 điểm).

 

 

Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) giai đoạn 2012-2022

https://lh6.googleusercontent.com/uPLjcwCCRuI8KRUfw4wp_NS5rTazuSJViwDadRWyu1NKtbcarcnooN363SoYYyEBkfrxYlhPUSBPZa9GbmHhDVJq_d72AJdRURynl2e0Dq5WSAgb9DZ5iErDFOdJW_KtVO8cpq1EgTO18IhmUBtss_M

Nguồn: Biểu đồ do người viết thực hiện, tổng hợp từ dữ liệu trong Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

 

 

Năm 2012, Tổng thống Putin đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov do các cáo buộc tham nhũng. Theo các cáo buộc, trong thời gian tại vị, Serdyukov đã dùng quyền lực của mình thực hiện nhiều giao dịch chuyển tiền mờ ám cũng như dùng ngân quỹ của Bộ Quốc phòng để sửa chữa các tài sản, khí tài rồi bán chúng với giá rẻ mạt. [9]

 

Sergei Shoigu được Putin chỉ định thay thế Serdyukov. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng tràn lan trong Bộ Quốc phòng vẫn không cho thấy dấu hiệu cải thiện. Nhóm điều tra của thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny đã công khai vạch trần tài khoản ngân hàng bí mật cùng nhiều tài sản giá trị lớn của nhiều lãnh đạo cấp cao trong Bộ Quốc phòng, bao gồm một biệt thự xa hoa được cho là thuộc quyền sở hữu của Bộ trưởng Sergei Shoigu. [10] Một công tố viên thừa nhận rằng khoảng một phần năm ngân sách của Bộ Quốc phòng bị bòn rút, trong khi một số quan chức khác ước tính con số thực tế có thể lên đến hai phần năm. [11]

 

Việc các quan chức cấp cao và cấp trung biển thủ các khoản tiền khổng lồ làm suy yếu tiến trình hiện đại hóa quân đội của Nga. Dàn vũ khí do Nga sản xuất, bao gồm máy bay tiêm kích Su-34, trực thăng tấn công KA-52, hệ thống phòng thủ xe tăng Shtora, hệ thống phòng không Pancyr-S1, và súng phun lửa hạng nặng Buratino không đáp ứng được yêu cầu trên chiến trường. [12]

 

Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, một loạt điểm yếu chí mạng của quân đội Nga và ngành công nghiệp quốc phòng nước này đã bị phơi bày, một trong số đó là xe tăng Nga. Lực lượng Ukraine nhanh chóng học được rằng một phát bắn đúng vị trí có thể làm nổ tung tháp pháo của xe tăng, hất tung nó lên trời và giết chết toàn bộ tổ lái. Rõ ràng là xe tăng Nga được thiết kế và sản xuất với giá thành rẻ nên sự an toàn của tổ lái không được ưu tiên, đạn được trữ bên trong tháp pháo có thể phát nổ khi tháp pháo bị bắn trúng. [13] Ngoài ra, tham nhũng trong mua sắm quân sự khiến binh lính được triển khai đến chiến trường Ukraine bị thiếu thực phẩm, nhiên liệu cũng như trang bị bảo hộ cá nhân. [14]

 

 

Ukraine củng cố quân lực sau khi Nga chiếm Crimea 

 

Theo giáo sư Zoltan Barany, việc Nga xâm chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea là sự kiện có tính bước ngoặt, tạo ra bước đột phá trong quá trình cải tổ và hiện đại hóa quân đội Ukraine. Trước đó, Ukraine đã cố gắng nâng cấp quân đội, xây dựng một đội quân tinh nhuệ với trang bị hiện đại và hệ thống chỉ huy quân sự hiệu quả. Tuy nhiên, những nỗ lực này gặp thất bại do các bất ổn chính trị trong nước, tham nhũng, và hạn chế ngân sách quốc phòng.

 

Việc Nga xâm lược và sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 khiến cho chính quyền Ukraine rúng động, lập tức tìm biện pháp đẩy mạnh việc cải tổ, hiện đại hóa quân đội. Dưới thời Tổng thống Petro Poroshenko (2014 – 2019), cải cách hải quân và nền công nghiệp quốc phòng gặp thất bại do đấu đá nội bộ và tham nhũng. Mặc dù vậy, chính quyền vẫn thành công trong việc tạo ra một lực lượng tinh nhuệ với 4.000 quân. [15]

 

Thất bại của quân đội Ukraine trong việc chống lại các cuộc xâm lược của Nga tại Crimea và Donbass trong năm 2014 cho thấy Ukraine cần duy trì một lực lượng bộ binh lớn để chống lại các hành vi xâm lược. Ngay sau sự kiện Crimea, chính quyền Ukraine nhanh chóng kêu gọi xã hội dân sự và cộng đồng người Ukraine ở hải ngoại đóng góp tài chính cũng như tham gia vào quân đội. Những nguồn đóng góp này chiếm 4% ngân sách quốc phòng trong năm 2015. [16]

 

Một cải cách quan trọng khác giúp giải tỏa tình trạng thiếu nhân lực của lực lượng vũ trang Ukraine là việc thành lập các tiểu đoàn quân tình nguyện. Số lượng của lực lượng này vào năm 2014 đã lên tới hơn 10.000 người. Dù dấy lên một số lo ngại về vấn đề kỷ luật quân ngũ nhưng lực lượng này tỏ ra hiệu quả trong các chiến dịch chống lại phe ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine và có khả năng đảm nhiệm vai trò phòng thủ quan trọng trong những năm sắp tới. [17]

 

Các quốc gia phương Tây dẫn đầu bởi Mỹ và Anh đã cung cấp cho Ukraine nhiều khí tài tiên tiến, giúp lực lượng Kyiv tăng cường hiệu quả chiến đấu trên chiến trường. Vào tháng 5/2023, Mỹ công bố gói viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá 1,2 tỷ đô-la, nâng tổng mức viện trợ của Mỹ cho chiến trường này lên 37,6 tỷ đô-la. [18] Hỗ trợ quân sự từ các quốc gia phương Tây bao gồm các khí tài quân sự tiên tiến như lựu pháo M777 155mm, hệ thống pháo tự hành cơ động cao M142 (HIMARS), xe tăng Leopard cũng như các loại máy bay không người lái. 

 

Từ năm 2015 cho đến tháng 5/2022, quân đội Anh đã huấn luyện hơn 22.000 binh sĩ Ukraine ở phía Tây Ukraine trong khuôn khổ Chiến dịch Orbital. Từ tháng 6/2022, Chiến dịch Interflex được khởi động, tiếp tục huấn luyện tân binh người Ukraine các kỹ năng quân sự cơ bản, bao gồm chiến thuật bộ binh, sử dụng vũ khí, tuần tra, sơ cứu, sơ tán, v.v. Chuyên gia từ các nước đồng minh như Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Lithuania, Canada, Hà Lan, và New Zealand đã bay đến Anh để tham gia giảng dạy huấn luyện cho tân binh Ukraine. [19]

 

 

Kết luận

 

Nhằm biện minh cho cuộc chiến phi nghĩa của mình, Tổng thống Putin và các lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở Nga cho rằng Ukraine vốn luôn là một phần của lãnh thổ Nga, không phải là một quốc gia hoàn chỉnh với quyền dân tộc tự quyết. [20] Thiết nghĩ, việc quân dân Ukraine đồng lòng nhất trí chiến đấu chống lại một lực lượng quân đội lớn mạnh hơn nhiều lần trong hơn một năm qua là lời đáp trả đanh thép nhất cho luận điệu bá quyền nước lớn của Putin. 

 

Trong khi đó, kể từ lúc cuộc chiến bùng nổ, hàng trăm ngàn công dân Nga đã vượt biên sang các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia, Armenia, Argentina, Kazakhstan, v.v. để trốn lệnh gọi nhập ngũ. Cuộc chiến cũng làm cho các thành viên NATO trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết, đồng thời củng cố vị thế lãnh đạo của Mỹ giữa các đồng minh phương Tây, vốn bị xói mòn không ít dưới thời Tổng thống Donald Trump. Cuộc chiến Ukraine cho thấy nếu có chiến lược tốt, ý chí mạnh mẽ và sự ủng hộ rộng rãi, châu chấu hoàn toàn có thể đá xe.

 

-------------

Chú thích

 

1. Risen, J. & Klippenstein, K. (2022, October 5). The CIA thought Putin would quickly conquer Ukraine. Why did they get it so wrong? The Intercept. https://theintercept.com/2022/10/05/russia-ukraine-putin-cia/

 

2. Harmash, O. & Kelly, L. (2023, June 21). Russia strikes Kyiv, Zelenskiy says Moscow’s forces being ‘destroyed.’ Reuters. https://www.reuters.com/world/europe/russia-launches-overnight-air-attack-ukraine-east-west-2023-06-20/

 

3. Gomza, I. (2022). The War in Ukraine: Putin's Inevitable Invasion. Journal of Democracy, 33(3), 23-30.

 

4. Barany, Z. (2023). Armies and Autocrats: Why Putin's Military Failed. Journal of Democracy, 34(1), 80-94.

 

5. Xem [4], trang 82

 

6. Nechepurenko, I. & Lobzina, A. (2022, September 5). Russia sentences a prominent journalist to 22 years in prison on treason charges. The New York Times. https://www.nytimes.com/2022/09/05/world/europe/russia-journalist-safronov-treason.html

 

7. Dixon, R. (2023, June 19) Navalny’s new trial on ‘extremism’ is held in secret, in a prison. The Washington Post. https://www.washingtonpost.com/world/2023/06/19/navalny-extremism-russia-trialprison/

 

8. Miller, G. & Belton, C. (2022, August 19) Russia’s spies misread Ukraine and misled Kremlin as war loomed. The Washington Post. https://www.washingtonpost.com/world/interactive/2022/russia-fsb-intelligence-ukraine-war/

 

9. Hồng Quý & Hoàng Phúc (2012) Tổng thống Putin “trảm” Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov. Công An Nhân Dân Online. https://cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Tong-thong-Putin-tram-Bo-truong-Quoc-phong-Anatoly-Serdyukov-i305490/

 

10. Zavadskaya, M. (2023) Russia: Nations in Transit 2023 Country Report. Freedom House. https://freedomhouse.org/country/russia/nations-transit/2023

 

11. Xem [4], trang 89.

 

12. Xem [3], trang 28 - 29

 

13. Xem [1]

 

14. Xem [3], trang 29

 

15. Xem [4], trang 91

 

16. Xem [4], trang 91

 

17. Xem [4], trang 91

 

18. Liebermann, O. & Britzky, H. (2023, May 9). US announces $1.2 billion aid package to Ukraine with counteroffensive looming. CNN. https://edition.cnn.com/2023/05/08/politics/ukraine-aid-package-counteroffensive/index.html

 

19. Gallardo, C. & Caulcutt, C. (2022, September 16) Ukraine’s military recruits need training. Only one of Europe’s giants is pulling its weight. Politico. https://www.politico.eu/article/uk-and-france-at-odds-over-military-training-for-ukrainians/

 

20. Nguyễn Quốc Tấn Trung (2022) Quan hệ Nga – Ukraine: Từ cuộc li dị văn minh đến chiến tranh thế giới. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2022/02/quan-he-nga-ukraine-tu-cuoc-ly-di-van-minh-den-chien-tranh-the-gioi/

 

====================================================

XEM THÊM

 

Một năm Nga xâm lược Ukraine: Hiểu cuộc chiến qua 10 từ khóa nổi bật

Một cuộc chiến gây rúng động, tạo khủng hoảng, và định hình lại thế giới.

Yên Khắc Chính   |   Luật Khoa tạp chí

 

.

Khi nào giới quan chức trở thành “mục tiêu hợp lý” trong xung đột vũ trang quốc tế?

 Giới hạn phạm vi giết chóc là xây dựng hình ảnh một cuộc chiến chính nghĩa.

Nguyễn Quốc Tấn Trung   |   Luật Khoa tạp chí

 

.

Một năm Nga xâm lược Ukraine: Luật Khoa đã viết những gì?

Cuộc chiến làm thay đổi cả thế giới.

Luật Khoa tạp chí   |    Luật Khoa tạp chí

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats