Wednesday, 14 June 2023

GIỚI QUAN SÁT : TẤN CÔNG VŨ TRANG Ở ĐẮK LẮK : CHÍNH QUYỀN RÁO RIẾT BẮT NGƯỜI, KIỂM SOÁT THÔNG TIN (VOA Tiếng Việt)

 



NỘI DUNG :

Bạo động ở Đắk Lắk: Gốc rễ là người dân tộc không khuất phục, không qui thuận người Kinh?

VOA Tiếng Việt

.

Vụ tấn công ở Đắk Lắk: Chính quyền ráo riết bắt người, kiểm soát thông tin

VOA Tiếng Việt

.

Giới quan sát: Tấn công vũ trang ở Đắk Lắk có gốc rễ sắc tộc, đất đai, tôn giáo

VOA Tiếng Việt

.

=====================================================

.

.

Bạo động ở Đắk Lắk: Gốc rễ là người dân tộc không khuất phục, không qui thuận người Kinh?

VOA Tiếng Việt

4/06/2023

https://www.voatiengviet.com/a/bao-dong-dak-lak-goc-ra-nguoi-dan-toc-khong-khuat-phuc-khong-qui-thuan-nguoi-kinh/7136916.html

 

Một số người am hiểu vùng Tây Nguyên của Việt Nam nhận định với VOA rằng vụ bắn giết cán bộ công quyền xảy ra ở tỉnh Đắk Lắk hôm 11/6 có nguyên nhân gốc rễ là người dân tộc thiểu số không chịu để cho người Kinh “đồng hóa”, “thực dân hóa”.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-c823-08db6c0b34a6_cx3_cy0_cw96_w1023_r1_s.jpg

Một trong số 46 người bị công an bắt sau vụ bắn giết tại hai trụ sở xã ở Đắk Lắk hôm 11/6.

 

Như VOA đã đưa tin, hàng chục người sắc tộc thiểu số cách đây ít ngày đã tấn công các trụ sở chính quyền của 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin (Chư Quynh), tỉnh Đắk Lắk, giết chết 9 người trong đó có 2 cán bộ lãnh đạo xã và 4 viên công an.

 

Truyền thông trong nước công bố nhiều hình ảnh và thông tin nói rằng nhóm người kể trên thuộc nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã sử dụng “súng, dao, bom xăng, lựu đạn” để “đốt phá” và “giết người tàn bạo”.

 

Đến ngày 14/6, nhà chức trách đã bắt giữ 46 người nghi có dính líu đến vụ tấn công, theo Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam.

 

Một số người bị bắt giữ nói “ông chủ mưu” đã họp bàn, phân công về cuộc tấn công và hứa hẹn rằng những người tham gia cuộc tấn công sẽ được “ấm no, giàu sang”, theo các bài tường thuật của truyền thông nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước Việt Nam.

 

Giới chức Việt Nam đến nay vẫn chưa chỉ rõ nguyên nhân, động cơ cụ thể dẫn đến cuộc tấn công.

 

Một ngày sau vụ việc, hôm 12/6, một người dân không muốn nêu tên, sống gần trụ sở ủy ban nhân dân xã Ea Tiêu, nhận định với VOA về nguyên nhân:

 

“Nhà nước nào cũng có đối lập, đúng không? Bên đối lập lợi dụng tình hình dân tộc và tình hình thu hồi đất để làm đường giao thông, các dự án phát triển kinh tế-xã hội để kích động nhóm đối tượng này. Thực tế những người này theo tôi nghĩ là thành phần thiếu hiểu biết. Giờ xảy ra tình trạng như vậy cũng rất là đáng thương”.

 

Theo tìm hiểu của VOA, từ giữa năm 2022 đến tháng 3 năm nay, huyện Cư Kuin tiến hành giải phóng mặt bằng, bao gồm cả cưỡng chế, để lấy đất của hàng chục hộ dân ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur.

 

Công tác giải phóng mặt bằng đó là để phục vụ dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, để chấn chỉnh hành lang an toàn giao thông dọc theo quốc lộ 27, và để xây khu đô thị Trung Hòa.

 

Báo chí trong nước cho hay nhiều người bị “thiệt đơn thiệt kép” trong các cuộc giải phóng mặt bằng kể trên.

 

VOA đã cố liên lạc với ủy ban nhân dân và công an huyện Cư Kuin, các cơ quan cấp trên của hai xã có vụ tấn công, để hỏi xem liệu vấn đề đất đai có liên quan gì đến vụ tấn công, nhưng không có hồi đáp.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-eaef-08db6b55349c_w650_r0_s.jpg

Hai xã Ea Tiêu, Ea Ktur (tỉnh Đắk Lắk) rất gần thành phố Buôn Ma Thuột và trụ sở chính quyền huyện Cư Kuin.

 

Người thiểu số không qui thuận

 

Một nhà thầu sống và làm việc hàng chục năm ở Tây Nguyên bình luận với VOA rằng việc nêu ra vấn đề tranh chấp đất đai để lý giải về mâu thuẫn, bạo động ở Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung, là “cách nói lấp liếm của nhiều người không hiểu”, không đi vào gốc rễ.

 

Người này, từng xây dựng các công trình cho quân đội Việt Nam ở Tây Nguyên và đề nghị giấu tên, nói:

 

“Đây là vấn đề về ý thức hệ, của người đồng bào [dân tộc thiểu số]. Người ta không khuất phục trước sự thay đổi của người Kinh. Người Kinh mang đến văn minh, người ta cơ cấu lại các đơn vị hành chính, xã này, phường này, công an xã này, mặt trận tổ quốc này, cách quản lý mới. Người ta [người dân tộc] không thích nghi được cái đấy. Người ta chỉ quen làng, xã, già làng và cái cơ cấu từ ngày xưa thôi. Đây là vấn đề hoàn toàn về ý thức hệ của người ta từ muôn đời xưa đến nay”.

 

Người Kinh, chiếm thế đại đa số trong dân số Việt Nam, đã tăng mạnh sự hiện diện của họ ở Tây Nguyên trong 40 năm qua. Kết quả một điều tra cuộc điều tra dân số cấp quốc gia được công bố hồi năm 2019 cho thấy người thuộc các sắc tộc thiểu số chỉ chiếm 37,7% dân số ở Tây Nguyên, theo Tổng cục Thống kê.

 

Với quan sát về Tây Nguyên trong nhiều năm, nhà thầu này nhận xét rằng người dân tộc và người Kinh tuy chung sống nhưng bên dưới sự bằng mặt mà không bằng lòng là cơn sóng ngầm:

 

“Hàng ngày vẫn đi làm với nhau, gặp nhau. Người ta đi làm thuê cho người Kinh, làm cà phê, cao su, mọi cái, mua hàng tạp hóa của người Kinh, vẫn OK, bình thường. Nhưng mà ý thức hệ không thể hòa hợp được. Người ta có khuất phục thì đấy chỉ là vẻ bên ngoài. Nói nôm na, người Kinh không đồng hóa được mặc dù ở sát ngay cạnh người ta, sống chung với người ta”.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-b385-08db6c0ec4ad_w650_r0_s.jpg

Hàng chục nghi phạm bị bắt sau vụ tấn công trụ sở hại xã ở Đắk Lắk hôm 11/6.

 

Chế độ 'thực dân' ở Việt Nam?

 

Ông Nguyễn Trường Sơn, nghiên cứu sinh thạc sĩ tại Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan, liên tưởng công tác quản trị của Việt Nam ở Tây Nguyên với sự cai trị thực dân của Pháp ở chính Việt Nam trong quá khứ.

 

Ông Sơn cho VOA biết ông từng sống ở Thái Lan 5 năm và gặp hàng trăm người tị nạn thuộc đủ các sắc tộc như H’mong Đen, H’mong Xanh, Êđê, Jarai, Xtiêng, Hà Lăng, Chăm… phải chạy trốn tới nước láng giềng vì họ có điểm tương đồng là đều bị chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử vì niềm tin tôn giáo, bị gán ghép cho các âm mưu đen tối mà bản thân họ chưa từng nghe tới, và bị cướp đất.

 

Những câu chuyện của những người sắc tộc bản địa tị nạn kể về cảnh bị áp bức không khỏi làm ông Sơn so sánh với chính những gì sách giáo khoa lịch sử Việt Nam nói về chính sách của thực dân Pháp, đó là cai trị hà khắc, bóc lột, tước đoạt tài nguyên, đồng hoá, bỏ tù.

“Tôi tự hỏi liệu phải chăng đang xuất hiện một chế độ thực dân mới ở ngay trên đất nước mình, một đất nước đã phải đánh đổi rất nhiều, trong đó có xương máu của bao nhiêu thế hệ, để lật đổ ách cai trị thực dân?”, ông Sơn nêu lên câu hỏi.

 

Vẫn ông Sơn bày tỏ quan điểm với VOA: “Là một người Việt Nam, được giáo dục lòng căm hờn chủ nghĩa thực dân, tôi không khỏi cảm thấy xấu hổ trước chính sách cai trị mà nhà nước đang áp dụng ở Tây Nguyên”.

 

Về khía cạnh đất đai, tài nguyên, ông Sơn lưu ý rằng người bản địa Tây Nguyên có tập quán riêng về xác lập chủ quyền trên các mảnh đất.

 

“Thay vì mét vuông, sào, mẫu, thửa, thì họ dùng các hàng cây, quả đồi, dòng sông/suối để xác lập ranh giới. Nhưng khi chính quyền tiếp quản Tây Nguyên, thì đã cố tình ngó lơ thực tế đó. Cứ thế, một làn sóng lấy đất của người Thượng để thiết lập nên nông trường do nhà nước quản lý xảy ra ồ ạt. Cộng với chính sách kinh tế mới, khuyến khích người Kinh lên cao nguyên để ‘khai phá’ đất đai. Đã tạo ra một cuộc đổi chủ quy mô lớn trên dải đất này”, vị nghiên cứu sinh này nói với VOA.

 

Giờ đây người Thượng phải đi làm thuê cho các nông trường, ông Sơn đưa ra quan sát và chỉ ra thực trạng là làn sóng đô thị hoá đang làm người Thượng một lần nữa đối diện với việc mất đi những mảnh đất cha ông, thường với giá đền bù rẻ mạt.

 

Người bản địa Tây Nguyên còn phải chịu sự ngăn cấm của nhà nước trong sinh hoạt tôn giáo, vẫn theo ông Sơn.

 

“Hàng loạt hội thánh bị xoá sổ, tu sĩ bị bỏ tù, tín đồ bị sách nhiễu, còn cơ sở thờ tự thì bị huỷ hoại. Cho dù, ở mặt bên ngoài, du khách vẫn có thể thấy các ngôi thánh đường ở các thành phố, thị xã trên Tây Nguyên. Nhưng đằng sau nó thực ra lại là một chiến dịch phong tỏa, kiềm chế, và triệt tiêu rất ác liệt”, ông nói với VOA.

 

VOA đã nhiều lần đưa tin về việc trấn áp, sách nhiễu tôn giáo của chính quyền Việt Nam ở Tây Nguyên. Mỹ, các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế không ít lần chỉ trích về vấn đề này. Phía Việt Nam luôn phủ nhận, đáp lại rằng họ bảo đảm các quyền và các sinh hoạt tôn giáo ở trong nước.

 

Nghiên cứu sinh Nguyễn Trường Sơn, hiện ở Đài Loan, đưa ra bình luận với VOA:

 

“Vì đất đai bị lấy đi, không gian sống bị thu hẹp, va chạm văn hoá với di dân, và đến cả niềm tin tôn giáo - vốn là cứu cánh cuối cùng, cũng bị cấm cản. Điều đó tạo ra một nồi áp suất dồn nén tâm can của các cộng đồng cư dân bản địa. Nồi áp suất này luôn trong trạng thái chực chờ phát nổ”.

 

Trên thực tế, từ năm 2000 đến nay đã có những cuộc biểu tình, nổi loạn lớn nhỏ ở Tây Nguyên, nổi bật là các vụ xảy ra trong các năm 2001, 2004 và 2008.

 

Nhà thầu giấu tên, từng xây dựng các công trình cho quân đội Việt Nam ở Tây Nguyên, nhận xét:

 

“Dồn người ta vào chỗ không có con đường sống. Sai hết. Tầm bậy”.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-02bf-08db6b541778_w650_r0_s.jpg

Truyền thông nhà nước nói những người tấn công hai trụ sở xã ở Đắk Lắk đã bị xúi giục, dụ dỗ.

 

Cần tôn trọng không gian của người bản địa

 

Nghiên cứu sinh Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh với VOA ông không thể chấp nhận cách tiếp cận hiện tại của chính quyền Việt Nam.

 

Việc nhà nước Việt Nam viện ra lý do ngăn chặn ly khai ở Tây Nguyên là điều có thể hiểu được, nhưng để đạt mục tiêu giữ gìn sự toàn vẹn nước Việt Nam, theo ông Sơn, chính sách tốt nhất phải là làm cho người dân thuộc mọi sắc tộc cảm thấy họ thực sự là người Việt Nam, và muốn cùng nhau dựng xây một đất nước chung cho thế hệ tương lai.

 

“Để làm được như vậy thì trước hết là phải tôn trọng văn hoá của mọi sắc dân, phải tạo điều kiện để họ duy trì được văn hoá của mình bằng việc sử dụng hệ thống giáo dục. Sau nữa là phải bảo vệ quyền lợi của họ, dù là đất đai, vườn tược, hay cao hơn là quyền lợi chính trị”, ông Sơn kiến nghị.

 

“Đảm bảo văn hoá và quyền lợi của người địa phương sẽ không bao giờ dẫn đến ly khai. Nó đã được kiểm chứng ở khắp nơi trên thế giới”, nghiên cứu sinh này nhấn mạnh.

 

“Còn nếu cứ duy trì chính sách cai trị như hiện nay, thì việc sử dụng bạo lực để trấn áp sẽ không thể giải quyết được vấn đề tận gốc rễ. Nó chỉ sinh ra thêm oán hận, và bơm thêm sức ép vào nồi áp suất. Tạo ra thêm lý cớ cho các nhóm cực đoan tuyên truyền và tuyển mộ. Coi chừng để lâu khi nó nổ thì sẽ còn nghiêm trọng hơn”, ông Sơn, người từng gặp gỡ hàng trăm người tị nạn từ Tây Nguyên, cảnh báo.

 

Nhà thầu giấu tên, có nhiều năm xây dựng cho quân đội ở Tây Nguyên, cho VOA biết nhà nước Việt Nam lâu nay thực hiện các bước nhằm chiếm con tim, khối óc của người bản địa, song vẫn chưa đúng cách:

 

“Nhà nước hàng tháng cấp cho người ta gạo, dầu, cho tôn lợp nhà, phi brô xi măng, đủ thứ trên đời để cho người ta an sinh. Tức là về cơm ăn áo mặc hàng ngày là không phải lo. Nhưng vấn đề là câu chuyện nó hoàn toàn khác. Có phải là bỏ bê người ta đâu. Không có. Nhưng vấn đề là người ta không quy thuận, thế thôi”.

 

Từ kinh nghiệm sống trong vùng, nhà thầu này nêu gợi ý:

 

“Mình phải để không gian cho người ta sống, để người ta làm cái gì theo tục lệ của người ta. Nhưng đây là câu chuyện nhạy cảm về chính trị, về chủ trương từ lâu đời rồi. Bây giờ ông để cho người ta có không gian sống thì vô hình trung lại công nhận một cộng đồng nói quá đi là tự trị. Nhưng đất nước chúng ta [Việt Nam] lại không chấp nhận chuyện đấy. Vấn đề là phải tạo ra cho họ một không gian, một hệ thống quản lý phù hợp với người ta”.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-8d0f-08db6b55ef9b_w650_r0_s.jpg

Trụ sở xã Ea Tiêu, tỉnh Đắk Lắk, sau vụ tấn công chết người hôm 11/6.

 

Như VOA đã đưa tin, ngay sau khi xảy ra vụ tấn công bắn giết nhân viên công quyền ở Đắk Lắk, nhiều người bao gồm cả các nhà hoạt động vì dân chủ, tiến bộ xã hội lên tiếng không ủng hộ bạo lực, khủng bố, song cũng cho rằng hành động tuyệt vọng và manh động của những người dân không phải là vô cớ, phía chính quyền cần xem lại các vấn đề về quản trị.

 

Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam cho hay hôm 14/6 rằng lực lượng chấp pháp đã truy quét và bắt được “46 đối tượng”. Bên cạnh đó, nhà chức trách “nỗ lực tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự” nên “bình yên đã trở lại ở huyện Cư Kuin, Đắk Lắk”.

 

“Để đảm bảo an toàn cho người dân, tỉnh Đắk Lắk đã bố trí các điểm chốt có lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ. Chính điều này đã mang lại tâm lý an toàn, an tâm cho người dân”, trang của chính phủ cho biết.

 

VIDEO :

Bạo động ở Đắk Lắk: Nguyên nhân gốc rễ là xung đột văn hóa, ngược đãi?

 https://www.youtube.com/watch?v=Wbu5Lt7rcww   

 

VIDEO :

Vụ tấn công ở Đắk Lắk: Chính quyền ráo riết bắt người, kiểm soát thông tin

VOAEXPRESS     14/06/2023

https://www.voatiengviet.com/a/7135709.html

 

=====================================================

.

.

Vụ tấn công ở Đắk Lắk: Chính quyền ráo riết bắt người, kiểm soát thông tin

VOA Tiếng Việt

13/06/2023

https://www.voatiengviet.com/a/vu-tan-cong-o-dak-lak-chinh-quyen-rao-riet-bat-nguoi-kiem-soat-thong-tin/7135104.html

 

Chỉ trong vòng hai ngày sau khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu ở tỉnh Đắk Lắk, giới chức Việt Nam đã bắt giữ được 45 người đồng thời kiểm soát chặt chẽ thông tin trên báo chí cũng như phần lớn dư luận về vụ việc.

Vụ nổ súng xảy ra tại các trụ sở chính quyền – nơi đặt các cơ quan như Đảng ủy và Ủy ban nhân dân – của hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thuộc cao nguyên trung phần Việt Nam vào rạng sáng ngày 11/6, khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có 2 lãnh đạo xã, 4 công an viên và 3 dân thường.

Cho đến chiều ngày 13/6, tổng số người bị bắt giữ trong vụ việc đã lên đến 45 người, báo chí trong nước dẫn lời Trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn nhân Bộ Công an, cho biết, và nhiều vũ khí quân dụng, trong đó có súng trường CKC, bị thu giữ.

Hình ảnh các nghi pham bị bắt giữ được công bố cho thấy dường như họ thuộc các sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên.

Số người bị bắt có thể sẽ tăng lên khi chính quyền đang tiếp tục truy lùng. Trong lúc này, Công an tỉnh Đắk Lắk đang kêu gọi những người lẩn trốn ra đầu thú để được hưởng khoan hồng.

Các vụ bắt giữ diễn ra sau khi chính quyền huy động lực lượng hùng hậu bao gồm cả công an và quân đội, trong đó lực lượng đặc nhiệm Quân khu 5, Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát Đặc nhiệm và Công an Đắk Lắk, để ráo riết truy bắt cả ngày lẫn đêm, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Trang mạng VnExpress dẫn lời một cán bộ tham gia chiến dịch bố ráp cho biết họ tổ chức các đội vũ trang tinh nhuệ để ‘khoanh vùng, vây bắt những người lẩn trốn’.

Hình ảnh do Thông tấn xã Việt Nam công bố cho thấy công an và lính đặc nhiệm cầm súng, mặc áo chống đạn trong các xe chở quân dàn trận dày đặc vây bắt các đối tượng tại một địa điểm ở cầu Cá Ngựa, thôn Đồng Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin.

Hiện thông tin về vụ tấn công ở Đắk Lắk trên báo chí trong nước đang được kiểm soát chặt chẽ với nội dung tất cả các bản tin về vụ việc gần như giống nhau dựa trên những gì được Bộ Công an công bố.

Chính quyền cũng đã trừng phạt một người đàn ông 38 tuổi ở tỉnh Quảng Nam sau khi người này bị cho là đã ‘chia sẻ bài viết, bình luận xuyên tạc’ về vụ tấn công. Người đàn ông có tên viết tắt là T.R., sinh năm 1985, cư trú ở thành phố Hội An, Quảng Nam, bị phạt 5,5 triệu đồng về tội ‘cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức’, theo trang Thông tin Chính phủ và VnExpress.

Trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc, chính phủ Việt Nam, hai bộ quốc phòng và công an đều đã cử phái đoàn công tác đến hiện trường để chỉ đạo, xem xét tình hình cũng như thăm hỏi, úy lạo gia đình các nạn nhân.

Phái đoàn chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu, còn các phái đoàn của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an lần lượt do các Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội, và Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, dẫn đầu.

Tây Nguyên là một địa bàn đặc biệt nhạy cảm về các vấn đề chính trị, sắc tộc và tôn giáo ở Việt Nam mà nổi cộm trong đó là các hoạt động đòi ly khai của người Thượng để thành lập nhà nước Degar. Địa bàn này trước đây đã từng xảy ra các vụ bạo loạn.

Hiện các đối tượng bị bắt giữ đang bị công an thẩm vấn nhưng động cơ của những người gây ra vụ tấn công vẫn chưa được công bố.

 

VIDEO :

Vụ tấn công ở Đắk Lắk: Chính quyền ráo riết bắt người, kiểm soát thông tin | VOA Tiếng Việt  

https://www.youtube.com/watch?v=33PAhcOxYPQ

 

 

========================================

.

.

Giới quan sát: Tấn công vũ trang ở Đắk Lắk có gốc rễ sắc tộc, đất đai, tôn giáo

VOA Tiếng Việt

13/06/2023

https://www.voatiengviet.com/a/gioi-quan-sat-tan-cong-vu-trang-o-dak-lak-co-goc-re-sac-toc-dat-dai-ton-giao/7135017.html

 

Giới quan sát nhận định rằng việc nhóm vũ trang bắn chết cán bộ, công an tại trụ sở cơ quan công quyền ở tỉnh Đắk Lắk hôm 11/6 có nguyên nhân sâu xa từ việc phân biệt sắc tộc, tranh chấp đất đai, và đàn áp tôn giáo.

 

Nhận định này được đưa ra giữa lúc chính quyền bắt thêm hàng chục “đối tượng” bị cho là có liên quan đến cuộc tấn công mà cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân của vụ việc.

 

“Nếu nhà nước này không cải thiện được hành vi đối xử đối với người Tây Nguyên về đất đai, về tự do tôn giáo và tôn trọng nhân quyền, nhân phẩm của họ thì tôi nghĩ sẽ có rất nhiều vụ việc như thế sẽ xảy ra… và nhà nước này sẽ biến Tây Nguyên thành một thùng thuốc súng”, ông Nguyễn Xuân Nghĩa - cựu tù nhân lương tâm, người có nhiều năm bị giam cầm chung với những người Tây Nguyên sau các cuộc biểu tình ôn hòa đầu những năm 2000 - chia sẻ với VOA hôm 13/6.

 

Như VOA đã đưa tin, hàng chục người chưa rõ danh tính tấn công hai trụ sở công an xã ở Ea Tiêu và Ea Ktur, thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào rạng sáng 11/6, giết chết ít nhất 9 người, trong đó có 4 viên công an và 2 lãnh đạo chính quyền, báo chí nhà nước dẫn nguồn từ Bộ Công an cho biết.

 

Tính đến sáng ngày 13/6, các cơ quan chức năng đã bắt được “45 đối tượng” đồng thời công an kêu gọi những người phạm tội sớm ra “đầu thú để được hưởng khoan hồng”. Trước đó, chính quyền loan tin rằng đã thu giữ “một số vũ khí quân dụng, trong đó có súng trường CKC” từ nhóm vũ trang này.

 

VIDEO :

Vụ giết nhân viên chính quyền ở Đắk Lắk: Nhiều người nói bạo lực không phải là giải pháp

 

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng, người từng có những năm tháng sinh hoạt chung với hàng trăm tù nhân Tây Nguyên tại trại giam Nam Hà ở tỉnh Hà Nam từ năm 2009, và sau đó ở trại giam số 6 ở Nghệ An, và An Điềm ở Quảng Nam đến 2014, nêu nhận định:

 

“Vào những năm 2000, 2004, nhiều cuộc biểu tình xảy ra đúng là ôn hòa. Người Tây Nguyên đi tay không, chỉ có tiếng nói thôi. Có một vài nơi, theo các anh em tù kể với tôi, họ cũng chiếm được vài trụ sở chính quyền, nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ hay vài ngày rồi họ về, bởi vì họ có mục tiêu gì đâu, họ không có mục tiêu cướp chính quyền, mục tiêu biểu tình của họ chỉ là đất đai”.

 

Ông Nghĩa nhận định thêm:

 

“Nhà nước này thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và mục tiêu của họ là đàn áp, mà không hòa giải, tìm hiểu, lúc nào cũng nghĩ rằng người Tây Nguyên nổi loạn, vận động để thành lập nhà nước Đề Ga, theo FULRO, dẫn đến tình trạng khi người Tây Nguyên bị đàn áp quá khốc liệt, bị tù tội, và trở về trong tâm thế uất ức”.

 

“Sau năm 2004 đến nay, tình hình Tây Nguyên có vẻ yên ổn, nhưng trong cái yên ổn đó là hàng ngàn người Tây Nguyên rời bỏ đất đai của mình mà ra đi bằng con đường vượt biên sang Campuchia, Thái Lan, và đa số vẫn còn ứ lại tại Thái Lan và họ rất khổ sở ở đấy”, vẫn theo lời ông Nghĩa.

 

VOAEXPRESS :

Việt Nam bắt thầy truyền đạo của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên

 

“Cả ở vùng đất Tây Nguyên và ở các vùng tị nạn ở Thái Lan vẫn âm ỉ một mối hận không thể giải tỏa được. Nhà nước này phải giải tỏa bức xúc bằng cách phân chia công bằng vì người Kinh lên Tây Nguyên thật sự là những kẻ thực dân, và họ phải được khuyến khích để trả lại phần đất mà họ đã chiếm của người Tây Nguyên bằng mọi hình thức: thành lập nông trường, thu đất của người Tây Nguyên, và sau đó nông trường giải tán mà vẫn không trả lại đất cho người Tây Nguyên… Đó là nguyên nhân tiềm tàng một thùng thuốc súng mà tôi nghĩ ngày càng phát triển mạnh, càng to hơn”.

 

Từ Bangkok, Thái Lan, một người Êđê quê ở Tây Nguyên không nêu tên vì lý do an toàn, chia sẻ quan điểm của ông với VOA về biến cố ngày 11/6 ở quê nhà:

 

“Tôi khá bất ngờ về sự việc xung đột có vũ trang như vậy!”, người này nói thêm rằng người Thượng Tây Nguyên “chịu nhiều đàn áp, bắt bớ, sách nhiễu từ chính quyền cộng sản Việt Nam”.

 

Ông cho biết thêm về vụ việc cưỡng chế gần đây nhất mà ông cho rằng có thể là nguyên nhân của vụ tấn công hai trụ sở công an xã: “Việc cưỡng chế và đập nhà của người dân hàng loạt dọc đường từ xã Ea Tiêu đến Quốc lộ 27. Nhiều hộ dân khác cũng bị chính quyền cưỡng chế đất, và hầu như không có đền bù hoặc đền bù giá rất bèo”.

 

“Một số người Kinh coi thường người bản địa Êđê, đâm ra xung đột sắc tộc và ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý và những người không hiểu pháp luật và không nghĩ đến hậu quả… nhưng cũng có người hiểu biết nhưng họ quá bức xúc từ lâu năm nay…”

 

“Việc đụng độ này nhắm vào chính quyền, vào chế độ do sự quản lý không công bằng”, người tị nạn không nêu tên cho biết thêm. “Khi mà người lên tiếng phản đối thì chính quyền cho rằng họ là ‘phản động’, hay ‘chống phá nhà nước’”.

 

XEM THÊM:

Vụ giết nhân viên chính quyền ở Đắk Lắk: Nhiều người nói bạo lực không phải là giải pháp

 

Từ bang North Carolina, Hoa Kỳ, ông Ben Bubong, một người tranh đấu cho quyền của người Thượng ở Tây Nguyên, nói với VOA:

 

“Theo tôi, vấn đề này có thể là về đất đai, sự bất bình đẳng đối với người dân tộc. Bất cứ người dân tộc làm gì thì chả có sự xử lý công bằng và họ không có tiếng nói”.

 

Được hỏi về các cáo buộc đổ lỗi cho người Tây Nguyên thành lập nhà nước Đề Ga hay đi theo tổ chức FULRO là các nguyên nhân dẫn đến những vụ việc trước đây, ông Bubong nói: “Những cái này không còn nữa. Họ lấy cái cớ đó để buộc tội… Như vậy là không công bằng đối với người dân tộc Tây Nguyên”.

 

FULRO, tức Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc Bị Áp bức, được các sắc tộc người Thượng và người Chăm thành lập ở Campuchia và mùa thu năm 1964. Công an Việt Nam từng tuyên bố rằng “sau 17 năm (1975-1992) kiên trì chiến đấu”, họ đã “làm tan rã hoàn toàn tổ chức, lực lượng FULRO”.

 

Ông Đặng Sơn Duân, một nhà báo tự do viết trên Facebook hôm 13/6: “Người thì ý kiến có thể xuất phát từ vấn đề đất đai, người thì khẳng định tàn dư của FULRO, hay Đề Ga… Theo thiển ý của tôi, hai khả năng này không nhất thiết loại trừ lẫn nhau, nếu có. Hoàn toàn có thể có những người vì phẫn uất với câu chuyện đất đai mà ngả theo những tiếng gọi cực đoan!”.

 

Ông viết tiếp: “Nếu quả như vậy, sự việc đau lòng này cũng là lúc nên nhìn nhận lại chính sách dân tộc đầy nhạy cảm, từ chủ trương đến triển khai, hay chất lượng những người thực hiện… Liệu có gì chưa đúng, chỗ nào cần phải điều chỉnh, cải thiện hay không?”

 

Ông Dương Quốc Chính, một nhà quan sát và bình luận chính trị - xã hội trong nước, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân:

 

“Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ vừa xong là gì, nhưng mâu thuẫn sắc tộc thường không được công bố là nguyên nhân chính thức, dễ bị lái thành mâu thuẫn thuần túy hình sự”.

 

Hai ngày sau khi xảy ra vụ tấn công gây chấn động, cổng thông tin công an Đắk Lắk cho biết chính quyền địa phương và công an tỉnh Đắk Lắk, công an huyện Cư Kuin hôm 13/6 trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trao bằng “Tổ quốc ghi công” cho thân nhân của 4 công an viên và 2 quan chức thiệt mạng, gọi họ là những “liệt sĩ”.

 











No comments:

Post a Comment

View My Stats