Monday, 2 January 2023

CHÍNH TRỊ GIA NÓI DỐI NHIỀU KHÔNG? (Ngô Nhân Dụng)

 



Chính trị gia nói dối nhiều không?

Ngô Nhân Dụng

01/01/2023

https://www.voatiengviet.com/a/chinh-tri-gia-noi-doi-nhieu-khong-/6899114.html

 

Trong thế kỷ trước, một người nổi tiếng nói dối, có thể qua mặt ông Santos về lượng cũng như về phẩm, và không bị ai khám phá ra trong hai năm trời.

 

https://gdb.voanews.com/ff6b8073-5257-4c15-a489-212e421abae9_w1023_r1_s.jpg

Dân biểu tân cử George Santos.

 

Trong một xã hội tự do dân chủ các ứng cử viên hay nói dối, cũng như ở California hay bị động đất. Trước khi tôi về ở California để hưởng khí hậu ôn hòa, nhiều bạn bè đã hỏi: Không sợ động đất sao?

 

California hay động đất thật. Ngày nào những tảng đá nằm chen nhau, đè lên nhau, tạo thành mặt đất tiểu bang này cũng cựa quậy, rung chuyển, nhiều lần, được các máy đo xác nhận. Nhưng hơn 25 năm sống ở đó tôi chưa trải qua một trận động đất lớn nào. Các nhà chính trị cũng vậy. Hầu như ai cũng từng nói dối, nhưng nói dối trong một quy mô “hoành tráng” thì cũng không nhiều, khác với các lãnh tụ độc tài..

 

Hồi ông Jimmy Carter làm tổng thống, một phóng viên tờ báo lớn tới phỏng vấn bà mẹ ông. Nhà báo hỏi: Ông con trai cụ nói cả đời không nói dối bao giờ. Cụ thấy có đúng không? Bà mẹ trả lời: Đúng; nhưng lâu lâu cũng có những câu nói dối vô hại (blank lie). Thế nào là “nói dối vô hại?” Bà cụ giải thích: Chẳng hạn, khi ông mới đến cửa, tôi nói tôi rất vui mừng được tiếp ông.

 

Dân biểu tân cử George Santos ở New York khác hẳn ông Carter. Ông mới thú nhận với nhật báo New York Post rằng trong tài liệu quảng cáo tranh cử ông đã kể mình tốt nghiệp các Đại học Baruch College và New York University danh tiếng, những chuyện đó không hề có. Ông cũng khoe mình đã làm việc trong các cơ sở tài chánh lớn Citigroup, Goldman Sachs, chuyện cũng hoàn toàn bịa đặt. Ông cũng không hề làm chủ 13 tài sản địa ốc và một căn hộ ở Rio de Janeiro, Brazil, như đã từng khoe. Khi ra ứng cử, ông công khai nhận mình là người đồng tính ái (gay) nhưng che giấu, không cho biết đã từng lấy một phụ nữ làm vợ. Ông nói rằng bà mẹ ông chết trong vụ khủng bố 11 tháng 9 năm 2001, nhưng sự thực là đến năm 2016 cụ mới qua đời.

 

Sau khi thú nhận những điều trên, ông Santos khẳng định mình không bao giờ phạm tội. Nhưng tờ báo New York Times đã tìm trong hồ sơ tòa án ở Brazil cho biết ông đã bị truy tố về tội ăn cắp tập ngân phiếu của người khác đem dùng. Ông nhận tội; nhưng trở về Mỹ và không bao giờ bị xét xử.

 

Những điều dối trá trên đã bị các báo lớn nêu ra, sau khi ông Santos đã đắc cử. Nhưng trước đó, từ tháng Chín, một tuần báo nhỏ địa phương, North Shore Leader, đã vạch ra những điều bất thường về ứng cử viên Santos mà họ định ủng hộ. Một chuyện lạ là trong hồ sơ ứng cử năm 2020 ông không khai báo tài sản nào, nhưng năm nay lại khai tài sản trị giá $11 triệu; không cho biết kiếm tiền bằng cách nào. Ông khoe làm chủ rất nhiều ngôi nhà đắt tiền nhưng ông và người chồng đồng tính lại sống trong một căn hộ đi thuê. Ông Santos cũng che giấu chuyện mình đang nợ hàng chục ngàn đô la vì không trả tiền thuê nhà, nhưng không giải thích nhờ đâu ông có $700,000 đô la cho quỹ tranh cử của mình vay.

 

Luật sư Grant Lally, chủ nhân tờ báo Leader, từng phụ trách vận động cho Tổng thống George W. Bush trong vùng Miami năm 2000, viết: “Bổn báo muốn ủng hộ một ứng cử viên Cộng Hòa,” nhưng không thể chấp nhận Santos, “Ông ta huênh hoang như một đứa con nít bất an,” hoàn toàn giả dối.

 

Ông Lally kể rằng mấy năm trước đã có lần đi ăn trưa với Santos, nghe ông ta nói gia đình từ nước Bỉ (Belgium) qua Mỹ. Nhưng năm nay ra tranh cử, ông ta lại kể ông bà nội đã chạy thoát khỏi Ukraine, không bị Quốc Xã giết như các người Do Thái khác.

 

Điều đáng ngạc nhiên là sau khi báo Leader nêu lên những mối nghi ngờ trên hai tháng trước ngày bỏ phiếu, không một tờ báo hay đài ti vi lớn nào đi điều tra thêm. Các đối thủ chính trị của ông, trong cả hai đảng, cũng không khai thác, cho tới sau khi “ván đã đóng thuyền,” ông Santos đắc cử.

 

Sau khi ông Santos thú nhận nói dối rồi, ông còn được làm dân biểu nữa không?

 

Hiến pháp Mỹ không nói gì đến tội nói dối khi tranh cử; trừ khi ứng cử viên khai man tuổi tác, nói dối mình là công dân Mỹ, sống ở Mỹ. George Santos sẽ tuyên thệ thành dân biểu Hạ viện trong tháng tới. Năm 1969, Tối cao Pháp viện Mỹ đã phán quyết một án lệ, ai đủ điều kiện và được đa số dân bầu thì phải được vào ngồi trong quốc hội. Tòa án cũng nói thêm rằng, sau đó, các dân biểu có thể trục xuất một thành viên nếu đủ hai phần ba số phiếu.

Điều kiện này, hiện nay, khó lòng đạt được. Trong lịch sử chỉ có 20 đại biểu quốc hội Mỹ đã bị trục xuất, 5 dân biểu và 15 nghị sĩ. Trong số đó có 17 người bị đuổi vì đứng về phe ly khai Miền Nam trong cuộc Nội Chiến. Một người bị trục xuất gần đây nhất là cựu Dân biểu James A. Traficant Jr., Ohio, sau khi bị tòa án xử phạm tội tham nhũng.

 

Ông Santos đã tuyên bố sẽ ủng hộ Dân biểu Kevin McCarthy, California, làm chủ tịch Hạ viện. Nếu ông McCarthy muốn ra tay, Ủy ban Đạo Đức Hạ viện có thể biểu quyết “kiểm điểm” (censure) ông Santos. Ông có thể bị “phạt” không được tham gia một ủy ban nào trong một thời gian. Nhưng quốc hội chắc sẽ không đàn hạch các đại biểu về những tội phạm trước khi họ nhậm chức!

 

Trong thế kỷ trước, một người nổi tiếng nói dối, có thể qua mặt ông Santos về lượng cũng như về phẩm, và không bị ai khám phá ra trong hai năm trời. Douglas R. Stringfellow đắc cử năm 1952, sau khi quảng cáo các thành tích huy hoàng: Ông đã chiến đấu chống quân Đức Quốc Xã, đã tham dự các toán OSS, tiền thân của CIA, trong toán tất cả bị giết chỉ còn mình ông sống sót. Ông bị quân địch bắt và tra tấn nhưng đã trốn thoát. Ông đã bắt được nhà vật lý học Đức Otto Hahn, vì thế mà nước Đức không chế tạo được bom nguyên tử trước nước Mỹ.

 

Năm 1954 Douglas R. Stringfellow tái tranh cử, vẫn khoe khoang quá khứ vinh quang của mình. Nhưng có những cựu chiến binh Mỹ đã thực sự phục kích bắt nhà bác học Otto Hahn, họ lên tiếng tố cáo với báo Salt Lake City Tribune. Một tờ báo của quân đội Mỹ, Army Times, điều tra thêm, và thấy các chuyện khác của ông Stringfellow kể cũng hoang đường! Cuối cùng, Stringfellow phải công khai thú nhận mình nói dối, vừa nói vừa khóc. Nhưng ông ta vẫn giữ chức dân biểu đến hết nhiệm kỳ.

 

Các chính trị gia bị cáo giác tội nói dối trắng trợn như các ông Stringfellow và Santos cũng không nhiều, trong một thế kỷ mới phát hiện một vài vụ đáng kể. Cũng giống như chuyện động đất ở California!

 

Nhưng động đất nguy hiểm hơn nhiều. Không cách nào có thể ngăn ngừa động đất. Một nơi đã bị rồi, thế nào cũng sẽ bị lần nữa, có thể nặng nề hơn.

 

Trong xã hội dân chủ tự do, các nhà chính trị dối trá có thể đánh lừa được cử tri, nhưng thường không quá một lần tranh cử. Có thể nói dối một người suốt đời, cũng có thể đánh lừa các cử tri trong một thời gian dài, nhưng không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi. Một hàng rào bảo vệ tính chất lương thiện trong đời sống chính trị là quyền tự do thông tin. Cho nên các chế độ độc tài ghét nhất, không muốn cho dân quyền tự do phát biểu.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats