Những
chuyện không đâu của … ‘Tro tàn rực rỡ’
Krishna Trần
06/12/2022
https://baotiengdan.com/2022/12/06/nhung-chuyen-khong-dau-cua-tro-tan-ruc-ro/
Tôi rất mến văn tài của chị Nguyễn Ngọc Tư, nhưng tôi không đọc truyện
của chị bao nhiêu, vì khi đọc tôi lại rơi ngược lại vào một cái không gian trầm
cảm và tù đọng Miền Tây mà tôi đã bỏ đi cách đây mấy mươi năm. Dĩ nhiên đây là
ý chủ quan của tôi nhé, chắc chắn có những người thấy nó vui chứ không trầm cảm,
và cũng có những người can đảm như chị Tư, ở lại mà chiến đấu với cái trầm cảm ấy.
Khi báo chí Việt Nam ồn lên về bộ phim ‘Tro tàn rực rỡ’, tôi tìm
đọc truyện ngắn của chị Tư viết làm nền cho bộ phim này, thì y như rằng, một
không khí trầm cảm lại đến với tôi.
Nhưng lần này cảm xúc trầm cảm đó không nhiều, nó biến đi ngay khi tôi
đọc đoạn tả nhân vật đốt nhà nhìn lửa cháy. Anh ta không có gì ngoài ngọn lửa
đó. Có thể là khi đọc ‘Tro tàn rực rỡ’, có hai điều làm tôi không
trầm cảm như trước đây.
Thứ nhất là tôi quan sát nó, Miền Tây, từ bên ngoài, lạnh hơn, không cảm
xúc như trước đây.
Thứ hai là cái tựa của nó, rất hình ảnh, không cảm xúc.
Cái tựa lại cho tôi nghĩ tới một điều khác, về những người, bên này hay
bên kia, cứ nhìn về quá khứ và cho nó là rực rỡ.
Nội dung câu chuyện không hoàn toàn như vậy, nhưng cũng có phần giao
nhau, anh Tam (nhân vật đốt nhà) có gì đâu ngoài cái rực rỡ phá hoại đó. Những
người kia cũng đâu có gì ngoài cái quá khứ mà họ cho là rực rỡ. Anh Tam đốt
nhà, những người kia mặc dù không đốt nhà, nhưng cũng phá hoại.
Lan man tôi nghĩ tới bài hát ‘Tàn tro’, qua giọng hát ảo não của
một ca sĩ quá cố. Lần đầu tiên tôi nghe bài hát đó, tôi tìm tới bài gốc của ca
sĩ Nhật Bản Mayumi Itsuwa, và thấy rằng bà hát không ảo não như thế. Tương tự
như vậy các ca khúc bolero của người Việt bắt đầu từ bolero của người Pháp,
nhưng bọn Phú Lang Sa không ảo não bằng dân nước Nam ta.
Thôi thì không còn cách giải thích nào hơn là xứ Nam ta nghiệp chướng
nhiều quá vậy.
Thế rồi cùng lúc xảy ra chuyện ‘Tro tàn rực rỡ’, một cô bạn đồng
nghiệp vong niên tự nhiên vướng lụy, mà chuyện chả đâu vào đâu cả. Bạn được mời
đi dự một hội thảo khu vực quan trọng nhờ vào một loạt phóng sự được ban tổ chức
đánh giá cao. Một đồng nghiệp cũ, đàn anh đàn chị, tự dưng nổi cộc, nói rằng
con nhỏ đó chẳng ra sao mà tại sao các ông lại mời!
Thôi thì tôi có hai cách giải thích cho câu chuyện không đâu này.
Thứ nhất là cho cô bạn vong niên tội nghiệp của tôi. Có lẽ bạn ấy còn
cái dư nghiệp nào đấy trong hàng hà vô lượng kiếp. Cái này tôi nghe một người
tôi rất kính trọng là tỳ kheo Thích Đạo Quảng, tán thán với tôi, sau vụ thầy bị
người ta quy tội một cách kinh thiên động địa.
Thứ hai là … ‘Tro tàn rực rỡ’. Cái người kia chắc là lại cắng đắng
cái quá khứ sang trọng của mình rồi. Nghe bảo người ấy, ngoài tiếng nước Nam
ra, còn nói tiếng Anh đúng giọng Hồng Mao, nói được cả… tiếng nói của Lenin, mà
cũng là tiếng nói của… Putin.
Quả là tro đã tàn nhưng hãy còn rực rỡ thì lôi thôi vô cùng.
Sao người ta không vui với cái hiện tại nhỉ?
Chợt nhớ vừa rồi tôi … hành phương Nam, đến Làng Mai của sư
ông Nhất Hạnh ở San Diego, thấy cái bảng gỗ thế này ở ven đường: Enjoy
Being.
Vui với hiện tại đi chứ!
Năm xưa tiên sinh Nguyễn Bính hành phương Nam thất bại,
bèn tán thán giữa mùa xuân:
Nợ thế
chưa trả tròn một món
Sòng đời
thua đến trắng hai tay
…
Ngày
mai có nghĩa gì đâu nhỉ
Cốt nhất
cười vui trọn tối nay.
(Hành Phương Nam, Nguyễn Bính, 1943)
…
Tôi nghĩ là tiên sinh nghĩ rằng mình thất bại, mình không có … ‘tro
tàn rực rỡ’ nên mới quên béng nó đi chăng!
Cũng xin nói thêm là cô bạn nhỏ can đảm của tôi hoàn toàn im lặng,
không thốt lên một lời. Nào có đáng gì đâu chứ!
California,
cuối năm 2022, nghĩ lan man khi Đông bắt đầu và lại sắp hết.
No comments:
Post a Comment