Saturday, 7 May 2022

TRĂN TRỞ NGHỀ LỒNG TIẾNG (SGGP)

 



Trăn trở nghề lồng tiếng

SGGP 

Thứ Năm, 5/5/2022 07:15

https://www.sggp.org.vn/tran-tro-nghe-long-tieng-810983.html

 

Được ví là nghề “hóa trang giọng nói”, các diễn viên lồng tiếng vẫn luôn miệt mài mang tài năng của mình thổi hồn vào từng vai diễn. Sự cống hiến thầm lặng của họ đã đến lúc cần được tưởng thưởng và đặt để xứng đáng hơn.  

 

https://photo-cms-sggp.zadn.vn/w570/Uploaded/2022/duaeymdrei/2022_05_05/e6c_wkra.jpg

Nhiều “sao” Việt từng tham gia lồng tiếng cho các phim hoạt hình Hollywood

 

Công việc “bếp núc”

 

“Sự cống hiến âm thầm của các diễn viên lồng tiếng là rất lớn nhưng thật tiếc họ chưa được ghi nhận nhiều và thu nhập cũng chưa thực sự tương xứng với sức lao động của mình”, đạo diễn Dũng Nghệ nói về nghề lồng tiếng hiện nay.  

 

Bản thân nghề lồng tiếng xưa nay vẫn chưa được coi trọng đúng mực. Bởi lẽ rất ít diễn viên thành danh chứ chưa nói đến việc sống được với nghề. Số lượng các bạn trẻ có giọng nói hay, muốn thử sức với nghề không hề ít nhưng họ lại không được đào tạo chính quy. Đa số họ đều chọn các lò luyện và xem như nghề tay trái thỏa mãn đam mê. 

 

NSND Lan Hương, người nổi tiếng không chỉ bởi các vai diễn ấn tượng mà đã có hàng chục năm theo nghề cũng cho rằng, lồng tiếng là nghề cực kỳ khó bởi đó là sự sáng tạo thụ động sau màn hình. “Tôi cho rằng nó khó hơn rất nhiều so với diễn trên sân khấu hay trường quay khi không có sự tương tác với bạn diễn. Bản thân các diễn viên lồng tiếng cũng không được đào tạo bài bản qua các lớp học, đa phần theo hình thức truyền miệng, nghề truyền nghề”, chị chia sẻ. Ông Dennis Châu, Giám đốc lồng tiếng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của một nền tảng trực tuyến, cũng cho rằng, nghề lồng tiếng không đơn thuần chỉ là nhái giọng mà rất cần khả năng diễn xuất bằng giọng nói để truyền tải hết được nội dung câu chuyện và tính cách nhân vật. 

 

Hiện nay, ở lĩnh vực phim truyền hình hay điện ảnh, khán giả ngày càng ưa chuộng phim được thu tiếng trực tiếp do có sự tương tác và kết nối cảm xúc tốt hơn. Tuy nhiên, hình thức lồng tiếng vẫn rất phổ biến với phim bộ truyền hình, phim hoạt hình, phim quảng cáo. Đặc biệt, các nền tảng trực tuyến của nước ngoài hiện cũng rất chú tâm đến việc lồng tiếng, nhằm tạo sự gần gũi với khán giả bản địa. Chị Võ Tiến (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cho rằng: “Là người rất yêu thích phim bộ TVB Hồng Công, tôi đặc biệt yêu thích các giọng lồng tiếng dù không biết họ là ai. Nhờ có phần lồng tiếng giúp tôi hiểu hơn không chỉ về lời thoại, mà còn cả tính cách nhân vật. So với phim có phụ đề, tôi chắc chắn chọn phim lồng tiếng để được thưởng thức trọn vẹn hơn”.

 

Bước ra ánh sáng

 

NSND Lan Hương cho rằng, dù là công việc thầm lặng nhưng cần có cái nhìn đúng đắn về nghề lồng tiếng, bởi nó khác hẳn với việc đọc lời bình. Chị khẳng định: “Đối với tôi, đây là một nghề. Tôi là một người của sân khấu nhưng tôi hiểu rằng, với điện ảnh, phần tiếng nói là vô cùng quan trọng. Tôi mong rằng phim ảnh sẽ hay hơn, hấp dẫn hơn khi có sự hòa quyện nhiều hơn nữa của âm thanh và hình ảnh”. Điều quan trọng hơn hết, việc lồng tiếng có lợi không chỉ trong công việc mà còn giúp điều tiết cảm xúc trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, với chị, nghề này vẫn luôn hấp dẫn. NSƯT Thành Lộc cũng khẳng định, đây là một nghề không dễ dàng nhưng vô cùng thú vị và rất cần sự nghiêm túc, chỉn chu.  

 

Đạo diễn Dũng Nghệ chia sẻ: “Diễn viên có sắc vóc và khả năng diễn xuất khá tốt nhưng phần lớn bị hạn chế về đài từ. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng nghệ thuật của phim và dễ làm đứt gãy cảm xúc của khán giả. Diễn viên lồng tiếng giúp nhân vật sinh động, đời hơn, có chiều sâu hơn rất nhiều. Thậm chí có nhiều trường hợp, lồng tiếng đã cứu nhân vật cho diễn viên diễn xuất trên hiện trường”. 

 

Hiện nay, nghề lồng tiếng đang dần có những sự chuyển mình theo hướng tích cực hơn. “Thanh âm diệu kỳ” - cuộc thi chính thức đầu tiên dành cho các bạn trẻ có đam mê nghề lồng tiếng mùa đầu tiên vừa khép lại. Đáng chú ý, những cái tên được vinh danh hầu hết đều là những bạn trẻ 9X, trong đó giải quán quân thuộc về cô sinh viên năm 2 Trần Ngọc Phương Quỳnh. Đây là bước đệm để khán giả có cơ hội hiểu hơn về nghề lồng tiếng cũng như người trong cuộc được thực hành, trau dồi khả năng. Ngoài ra, trước nhu cầu của thị trường, xuất hiện không ít các đơn vị đào tạo nghề lồng tiếng: Đạt Phi Media, Green Voice, Tân Phong Promotion…

 

Ngồi ghế nóng của “Thanh âm diệu kỳ”, điều khiến NSƯT Thành Lộc bất ngờ là có rất nhiều bạn trẻ tham gia cuộc thi. Anh tâm sự: “Tôi không ngờ các bạn quan tâm và yêu thích nghề lồng tiếng phim đến vậy. Hầu hết các bạn chưa kinh qua khóa đào tạo nào nhưng cũng đã thể hiện khá xuất sắc khi tham gia thử thách lồng tiếng cho phim truyện. Đây thực sự là tín hiệu lạc quan”.

 

Khi cuộc thi kết thúc, tốp 6 thí sinh “Thanh âm diệu kỳ” sẽ tham gia khóa đào tạo 3 tháng với sự đồng hành của các diễn viên, chuyên gia lồng tiếng trong và ngoài nước. Đây là bước đi thể hiện mong muốn trong việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cho ngành điện ảnh nói chung và ngành lồng tiếng nói riêng tại Việt Nam.


VĂN TUẤN

 

==============================

 

Trước 1975, người Miền Nam gọi là “chuyển âm”

Sau 1975, cả nước Việt Nam gọi là “lồng tiếng”

 

Chuyển âm là chuyển từ loại tiếng nói này sang loại tiếng nói khác, thí dụ từ nói tiếng Hoa (Trung Hoa) ở phim gốc, chuyển sang nói tiếng Việt chẳng hạn.

 

Còn “lồng tiếng” thì sao nhỉ?

 

Có nhiều thí dụ : lồng gà, lồng ngực, lồng ấp, lồng bàn, nhà lồng, đèn lồng, v.v. diễn tả cái cụ thể, nhưng “lồng tiếng” được không ?





No comments:

Post a Comment

View My Stats