Monday, 16 May 2022

TỔNG THƯ KÝ NATO NÓI VỀ TÌNH HÌNH UKRAINE và VIỆC MỞ RỘNG LIÊN MINH (Jens Stoltenberg - Die Welt)

 



Tổng Thư ký NATO nói về tình hình Ukraine và việc mở rộng liên minh

Jens Stoltenberg – WELT

Nguyễn Xuân Hoài, biên dịch

16/05/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/05/16/tong-thu-ky-nato-noi-ve-tinh-hinh-ukraine-va-viec-mo-rong-lien-minh/

 

NATO quyết tâm giúp Ukraine chừng nào Putin vẫn tiếp tục cuộc chiến, cho dù cuộc chiến này phải kéo dài hàng tháng hay hàng năm. Đồng thời, Tổng thư ký Stoltenberg muốn “làm mọi cách” để ngăn xung đột lan rộng. Đức đảm nhận một vai trò trung tâm trong quá trình này.

 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bước chân thoăn thoắt vào “Phòng Xanh” tại trụ sở NATO ở Brussels. Ông vẫn còn một số cuộc hẹn trong ngày hôm đó nên đi thẳng vào vấn đề trong cuộc phỏng vấn với Thế giới Chủ nhật:

 

Hỏi: Thưa ông Stoltenberg, ở trong lòng châu Âu, một cuộc chiến đã xảy ra ở Ukraine trong hơn hai tháng nay. Ông mong đợi điều gì cho những tuần tới?

 

Đáp: Chúng ta phải tính đến những đợt tấn công, những hành động tàn bạo nhiều hơn, những khó khăn và tàn phá khủng khiếp hơn nữa đối với các công trình cơ sở hạ tầng và các khu dân cư quan trọng của Ukraine. Cuộc tấn công hiện tại của Nga ở Donbass vẫn chưa tạo được một bước chuyển biến vì quân đội Ukraine đang phòng thủ quyết liệt. Chúng ta thấy rõ sự tương phản giữa lực lượng Nga và Ukraine: Quân đội Ukraine dũng cảm vì họ biết đang chiến đấu vì cái gì. Quân đội Nga có lãnh đạo yếu kém và thiếu chí khí, nhiều người không biết họ chiến đấu vì mục đích gì.

 

*

Hỏi: Nhiều người, đặc biệt là những người cao tuổi, lo sợ cuộc xâm lược của Nga sẽ biến thành chiến tranh thế giới lần thứ ba. Bản thân ông có nghĩ như vậy không?

 

Đáp: Vấn đề không phải là tôi trông đợi cái gì, mà là giữ rủi ro ở mức thấp nhất có thể. Chúng ta phải luôn coi trọng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh lớn. Đó là lý do tại sao NATO tồn tại. Chiến tranh là điều khủng khiếp. Chiến tranh có nghĩa là hủy diệt. Nhiệm vụ của Liên minh là giảm thiểu nguy cơ chiến tranh càng nhiều càng tốt thông qua răn đe và phòng thủ tập thể, và do đó ngăn chặn một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Chúng ta đã làm điều này từ hơn 70 năm qua.

 

*

Hỏi: Nhưng điều đó giờ đây không giúp gì được cho Ukraine.

 

Đáp: Chúng ta phải làm mọi cách để cuộc chiến ở Ukraine không lan sang các nước khác. Đó là lý do tại sao chúng ta không gửi quân đội NATO đến Ukraine. Chúng ta ủng hộ đất nước này một cách mạnh mẽ, nhưng NATO cố tình tránh không để trở thành một bên tham chiến. Đồng thời, chúng ta đang tăng quân và trang thiết bị ở sườn phía đông của NATO để bảo vệ các thành viên của mình. Đức có vai trò đầu tàu trong việc này. Chúng ta không có chỗ cho những hiểu lầm hoặc tính toán sai. Moscow phải hiểu rất rõ rằng: Một cuộc tấn công vào một nước thành viên NATO sẽ là một cuộc tấn công vào tất cả 30 quốc gia thành viên.

 

*

Hỏi: Moscow đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Gần đây, trên truyền hình Nga cho thấy Nga có thể hủy diệt Berlin trong vòng hai phút. Điều này là nghiêm túc hay chỉ là một trò hù dọa để khiến phương Tây ngừng hỗ trợ Ukraine?

 

Đáp: Chúng ta có quyền hỗ trợ Ukraine. Ukraine là một quốc gia có chủ quyền và theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, mọi quốc gia có chủ quyền đều có quyền tự vệ. Chúng ta giúp Ukraine thực thi quyền này. Nếu không làm như vậy, chúng ta sẽ chấp nhận việc sử dụng vũ lực quân sự để chiếm ưu thế. Tôi không muốn sống trong một thế giới như vậy. Chúng tôi biết về sự hung hăng, đe dọa hạt nhân của giới lãnh đạo Nga. Điều đó là vô trách nhiệm và thiếu suy nghĩ. Không bên nào có thể giành thắng lợi trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, và không bao giờ nên để nổ ra chiến tranh hạt nhân, kể cả ở Nga. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine vào ngày 24 tháng 2, NATO không thấy có sự thay đổi nào trong chiến lược hạt nhân của Nga.

 

*

Hỏi: Có nghĩa là không có mức độ sẵn sàng cao hơn đối với lực lượng hạt nhân của Nga?

 

Đáp: Không, chúng tôi không thấy có dấu hiệu nào về điều đó.

 

*

Hỏi: Tuy nhiên, có những lo ngại rằng Moscow có thể thực hiện một cuộc tấn công hạn chế đầu tiên bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật và do đó có thể phá hủy một ngôi làng hoặc các khu công nghiệp lớn chẳng hạn.

 

Đáp: Nhiệm vụ của chúng ta là giảm thiểu rủi ro này. NATO là liên minh mạnh nhất trên thế giới. Và thông điệp của NATO là rất rõ ràng: nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng, tất cả các bên đều là những kẻ thua cuộc.

 

*

Hỏi: Theo quan điểm của các nước NATO, cuộc chiến này nên kết thúc như thế nào, có thể hình dung tới các giải pháp nào?

 

Đáp: Ukraine phải thắng cuộc chiến này vì họ đang bảo vệ đất nước của mình. Các thành viên NATO sẽ không bao giờ chấp nhận việc sáp nhập Crimea một cách bất hợp pháp. NATO cũng luôn phản đối việc Nga kiểm soát các phần của vùng Donbass ở miền đông Ukraine. Liên minh ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong đường biên giới được quốc tế công nhận. Chúng tôi sẽ ủng hộ Ukraine chừng nào Tổng thống Putin còn tiếp tục cuộc chiến này. Tuy nhiên, cuối cùng, chính phủ Ukraine và nhân dân Ukraine là người có chủ quyền để đưa ra quyết định về giải pháp hòa bình có hình hài như thế nào. Chúng ta không thể làm điều đó.

 

*

Hỏi: Còn lâu điều đó mới diễn ra. Phương Tây có phải tiếp tục gửi vũ khí cho Ukraine?

 

Đáp: Thật không may, chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài ở Ukraine, nó có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Về lâu dài, Ukraine không thể chỉ tự vệ bằng vũ khí có từ thời Liên Xô mà phải chuyển sang sử dụng vũ khí hiện đại của phương Tây. Chỉ bằng cách này, Kiev mới có thể đẩy lùi thành công cuộc xâm lược của Nga về lâu dài. Ukraine rất cần có thêm vũ khí hạng nặng, phương Tây nên tăng cường tiếp tế, làm nhiều hơn nữa và chuẩn bị cho một cuộc giao tranh lâu dài. Chúng ta phải đảm bảo để Ukraine có thể tự vệ. Chỉ có sự dũng cảm và lòng can trường của người lính Ukraine không thôi là không đủ để giành thắng lợi. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ quân sự lâu dài và liên tục từ phương Tây.

 

*

Hỏi: Ông có hài lòng về vai trò của nước Đức?

 

Đáp: Trong nhiều tháng qua Đức đã đóng vai trò trung tâm và đầy tính xây dựng trong việc hỗ trợ Ukraine và các nước NATO ở sườn phía đông. Berlin đã hứa hỗ trợ Ukraine mạnh mẽ về kinh tế và quân sự, chính phủ Đức hoàn toàn ủng hộ các lệnh trừng phạt chống Nga và cũng đã gửi máy bay, tàu chiến, hệ thống phòng không và quân đội bổ sung đến các nước NATO ở phía đông và đông nam của khu vực liên minh để đảm bảo tăng cường sức răn đe ở đó và ngăn chặn Nga tấn công. Việc Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố sẽ đầu tư thêm 100 tỷ euro cho quốc phòng đã phát đi một tín hiệu chính trị quan trọng.

 

*

Hỏi: Liệu việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Liên minh theo dự kiến có thay đổi tình hình an ninh ở châu Âu không?

 

Đáp: Đó là một quyết định thuộc về chủ quyền của Phần Lan và Thụy Điển, dù các nước này có muốn gia nhập NATO hay không. Mỗi quốc gia có quyền lựa chọn con đường đi của mình, và khi đó chúng ta hoàn toàn chấp nhận sự lựa chọn của các nước đó. Nếu họ chọn làm như vậy, điều đó sẽ củng cố NATO và cải thiện an ninh ở châu Âu.

 

*

Hỏi: Tại sao?

 

Đáp: Cả hai quốc gia đều là những quốc gia dân chủ có lực lượng vũ trang mạnh mẽ và hiện đại. Họ đã đáp ứng hầu hết các tiêu chuẩn của NATO và sẽ có thể nhanh chóng hội nhập vào liên minh.

 

*

Hỏi: Một sự gia nhập như vậy sẽ phát đi tín hiệu gì đến Putin?

 

Đáp: Tín hiệu là: cánh cửa vào NATO vẫn còn rộng mở. Thông điệp là: không phải Tổng thống Putin là người quyết định việc mở rộng NATO, mà mỗi quốc gia tự quyết định con đường của mình. Putin tham chiến vì muốn có “ít NATO hơn” ở biên giới của mình. Giờ đây, ông ta đã đạt được điều hoàn toàn ngược lại: ông ta có thêm “nhiều NATO hơn” ở biên giới của mình, sự hiện diện lớn hơn của Liên minh ở sườn phía đông, và có thể có thêm hai thành viên NATO mới. Putin đã bắn trượt mục tiêu.

 

*

Hỏi: Trong trường hợp của Thụy Điển và Phần Lan, điều khoản tương trợ theo Điều 5 Hiệp ước có được áp dụng ngay sau khi họ nộp đơn xin gia nhập không?

 

Đáp: Một quốc gia chỉ nhận được sự bảo vệ đầy đủ của Điều 5 khi quốc gia đó là thành viên đầy đủ của liên minh. Tuy nhiên, nếu cả hai quốc gia đều đăng ký làm thành viên, tôi hoàn toàn chắc chắn rằng sẽ có những đảm bảo thích hợp cho an ninh của Thụy Điển và Phần Lan trong giai đoạn tạm thời từ lúc nộp đơn xin gia nhập cho đến lúc phê chuẩn các nghị định thư gia nhập bởi quốc hội của 30 quốc gia thành viên. Có thể hình dung được nhiều điều ở đây. Ví dụ, có thể có một tuyên bố của NATO, hoặc sự hiện diện của NATO nhiều hơn và các cuộc tập trận ở hai nước này.

 

*

Hỏi: Tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid vào cuối tháng 6 này, NATO muốn quyết định bổ sung thêm binh sĩ và thiết bị cho sườn phía đông. Liệu các lữ đoàn có ít nhất 3.000 quân sẽ đóng quân ở đó trong tương lai không?

 

Đáp: Các cuộc tham vấn hiện đang được tiến hành. Sau đó, các chính phủ phải ra quyết định. Tôi hy vọng các đồng minh NATO sẽ đồng ý tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ và răn đe của NATO. Chúng ta phải đối mặt với thách thức an ninh lớn nhất của thế hệ này, đến từ mọi hướng, bao gồm khủng bố, tấn công mạng và những tác động an ninh do sự trỗi dậy của Trung Quốc.

 

                     ---------------

 

Nguồn: Jens Stoltenberg: „Es ist unser Recht, die Ukraine zu unterstützen“ – WELT, 07/05/2022.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats