Monday, 9 May 2022

SAU 'PHIÊN QUYẾT ĐẤU' HÔM NAY, TỔNG TRỌNG CÓ CHỊU RỜI GHẾ? (Hoàng Trường)

 



Sau ‘phiên quyết đấu’ hôm nay, Tổng Trọng có chịu rời ghế?

Hoàng Trường

09/05/2022

https://www.voatiengviet.com/a/sau-phi%C3%AAn-quy%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BA%A5u-h%C3%B4m-nay-t%E1%BB%95ng-tr%E1%BB%8Dng-c%C3%B3-ch%E1%BB%8Bu-r%E1%BB%9Di-gh%E1%BA%BF-/6562785.html

 

https://gdb.voanews.com/FFF207C5-DDBC-47C4-BF0A-54922B1A59F0_w650_r1_s.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: TTXVN via VTV)

 

Việc ông Trọng phải “địa phương hóa”, “phân quyền” và “tản quyền” mạng lưới Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống tham nhũng, tiêu cực xuống 63 tỉnh thành có nghĩa là ông Trọng đã công nhận sự thất bại của BCĐ ở cấp Trung ương.

 

“Phiên quyết đấu” rơi vào thời gian cuối của Hội nghị Trung ương 5 đang vào hồi kịch tính – giữa một bên là Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng quyết bám ghế và bên kia, “Bộ Tam” quyết ép ông ra khỏi ghế. Sau ngày 10/5, kỳ họp căng thẳng này sẽ kết thúc như thế nào, hay còn cần một “hiệp phụ” nữa – một phiên họp bổ sung của Bộ Chính trị (BCT) – mới ngã ngũ? Liệu “phép mầu” có xuất hiện sau phiên họp cuối cùng này của TW5?

 

Lý do để ông Trọng ở lại?

 

“Phép mầu” ở đây là TBT Nguyễn Phú Trọng, 78 tuổi, có chịu từ bỏ tham vọng giữ chức vụ Đảng trưởng của mình cho đến năm 2026, vào lần tiếp theo khi Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) lại nhóm họp để chọn TBT tại Đại hội XIV? Nếu sống cho được đến khi đó, ông Trọng sẽ 81 tuổi, và nếu điều này thành hiện thực, ông sẽ trở thành người đứng đầu ĐCSVN cao niên nhất trong lịch sử. Cố TBT Lê Duẩn, Đảng trưởng qua nhiều cuộc chiến tranh suốt hơn ba thập kỷ, khi qua đời năm 1986, chỉ thọ 79 tuổi. Liệu Tổng Trọng có giữ được ghế cho đến năm 2026? Cho đến khi bài báo này lên trang, chắc chắn chưa có phe nào trong “phiên quyết đấu” hôm nay (ngày 9/5/2022) có được câu trả lời khả tín. Cũng phải thôi, bởi vì trước mắt, các bên đều đang cố giấu “tuyệt chiêu” trong phiên quyết đấu (duel session) cuối cùng này.

 

Đại diện chính quyền, các nhành hành pháp do Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm chủ công đang lựa thế, với sự chống lưng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tổng Trọng với đội ngũ cố vấn lọc lõi, dù không còn “trùm cuối Hồ Mẫu Ngoạt” ủ mưu, vẫn đang ra sức thao túng, gạt mọi “mũi tên hòn đạn” đang tới tấp “bay” về phía mình. Điều trớ trêu là cả hai phe đều giương cao cùng một ngọn cờ tả tơi – trên danh nghĩa họ đều tự nhận là đại diện cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, là những lớp người đang sống lay lắt dưới đáy xã hội kim tiền và chẳng liên can gì đến cuộc đấu đá liên tục hiện nay. Hẳn nhiên, “Bộ Tam Chính – Phúc – Huệ”, sau chiến thắng tạm thời nếu “hạ” được Tổng Trọng, sẽ tiếp tục một cuộc chiến đấu khác. Lần này sẽ giữa họ với nhau, xem ai đáng mặt anh hào ngồi vào cái ghế TBT đang ngày càng trở nên nóng bỏng ấy? (1)

 

Tước mắt, “Bộ Tam” đang phải đối phó với các lập luận nghe khá bùi tai của phe Đảng trưởng, nhưng lại không mấy thuyết phục những người trong cuộc. Cánh “chống lưng” cho Tổng Trọng đang trưng ra 4 lập luận để Trung ương chưa thay TBT vào lúc này. Phát biểu với truyền thông quốc tế ngày 6/5, bỉnh bút về chính trị Việt Nam (từ Mỹ) David Brown cho biết, các nguồn tin Hà Nội tiết lộ với ông, trước đây, TBT Nguyễn Phú Trọng loan báo dự định nghỉ hưu tại Hội nghị TW5, nhưng giờ đây có vẻ ông Trọng sẽ còn ở lại. Chuyến đi của ông ấy ngày 6/4 tới Cung Trúc Lâm Yên Tử dường như nhằm chứng tỏ là ông vẫn khỏe để di chuyển trong nước với khoảng cách xa 150 cây số. Trước đó, hôm 22/3, ông Trọng cũng có chuyến thăm tỉnh Hòa Bình. David Brown nói nguồn tin đưa ra bốn lý do để ông Trọng tiếp tục giữ cương vị đứng đầu ĐCSVN: Thứ nhất, thời điểm chưa phù hợp. Thứ hai, trong Đảng chưa có thống nhất về việc ai có thể kế nhiệm TBT. Thứ ba, “nhân dân” không muốn ông Trọng ngừng đốt lò. Thứ tư, ông Trọng muốn tìm một người kế nhiệm “trung kiên” về ý thức hệ và mạnh mẽ như chính bản thân ông vậy. (2)

 

Ý thức hệ là Quyền, Tiền và Trung Quốc

 

Cả bốn lý do kể trên chẳng có một chút cơ sở thực tiễn nào cả. Về thời điểmTừ Đại hội ĐCSVN lần thứ 13 vào tháng 1/2021, dư luận từng râm ran cho rằng ông Trọng sẽ từ chức, vì ông đã có 10 năm tại vị và Điều lệ đảng hạn chế các lãnh đạo cấp cao nhất kéo dài quá hai nhiệm kỳ 5 năm. Ấy vậy mà ông Trọng vẫn giành được nhiệm kỳ thứ ba, gần như chưa từng có tiền lệ. Vậy, thời điểm chỉ là cái cớ thô ráp. Về người kế nhiệm: Hiện có từ 6 đến 8/18 ủy viên BCT có thể lọt vào danh sách “thi đấu” ghế TBT, nghĩa là có dư số người thay thế. Về chuyện đốt lò: Điểm này chính là sự thất bại “toàn tập” của Tổng Trọng, chỉ có nhân dân chưa nhìn thấu hết mà thôi. Còn về ý thức hệ: Xin lỗi ngài TBT, ý thức hệ ngày này là Quyền, Tiền và Trung Quốc (chống lưng của Trung Quốc). Đặc biệt là Tiền! Tiền là yếu tố kết dính duy nhất hiện nay giữa các đồng chí với nhau, bất luận là ở dưới các địa phương, trên trung ương, kể cả ở thượng tầng “Tứ Trụ”. Ngoài ra, sự bảo trợ từ Bắc Kinh, nhất là đối với người kế nhiệm TBT, vẫn là một nhân tố không thể thiếu cho bất cứ candidate nào dự “thi đấu”.

 

Việc ông Trọng phải “địa phương hóa”, “phân quyền” và “tản quyền” mạng lưới Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống tham nhũng, tiêu cực xuống 63 tỉnh thành có nghĩa là ông Trọng đã công nhận sự thất bại của BCĐ ở cấp Trung ương. Nay mai, nếu còn ngồi lại, không rõ ông Trọng còn có kế hoạch xây dựng BCĐ cấp huyện, xã nữa chăng? Bằng cách “địa phương hóa – phi tập trung hóa” như vậy thì các ông quan đầu tỉnh, từ Bí thư, Chủ tịch đến các Thành ủy viên, tha hồ tự tung tự tác. Khi quyền lực thuộc về lãnh đạo, các đồng chí sẽ bảo kê cho nhau, liên kết với nhau, hoàn thiện dây chuyền biến quyền thành tiền và ngược lại, để thực thi “văn hóa tham nhũng”. Thay vì chống tham nhũng như TBT vẫn hô hào, Đảng và Nhà nước đang tạo ra vỏ bọc cho tham những. Các ông thừa biết rằng, nếu không trông vào cơ hội tham nhũng, thì cả hệ thống quyền lực “còn Đảng còn mình” của các ông sớm muộn cũng sẽ “cuốn theo chiều gió”. Làm việc chỉ để nhận mấy đồng lương chết đói, cả hệ thống quyền lực ở tất cả các cấp của các ông không tồn tại nổi một ngày… Đồng thời, với chính sách vừa mị dân, vừa kềm kẹp dân như hiện nay, Đảng đã thành công “mỹ mãn” trong việc biến dân thành đàn cừu, không dám có phản ứng, cho dù bộ phận lớn trong dân chúng vẫn nhận ra được những “bí mật công khai” ấy.

 

Nhà văn Phùng Tuyết Phong vào thập niên 30 đến thăm Mao Trạch Đông ở chiến khu Thụy Kim có kể cho Mao nghe: “Một người Nhật nói, cả Trung Quốc chỉ có ‘hai người rưỡi’ hiểu được người Trung Quốc. Một là văn hào Lỗ Tấn, hai là Tưởng Giới Thạch, nửa người kia là Mao Trạch Đông”. Nghe xong, Mao cười ngất: ‘Hảo, hảo, cái tay Nhật Bản ấy nói đúng lắm!’ Hai thập niên sau, Mao lại nói: Lỗ Tấn mới là đệ nhất thánh nhân của Trung Quốc, còn tôi (tức là Mao) chỉ là “hiền nhân”. Ở Việt Nam ta có nhà thơ Tản Đà từ đầu thế kỷ 20, chỉ dùng hai câu thơ đủ nói lên tính cách dân tộc mình: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con” (3). Một trăm năm sau khi thi sĩ Tản Đà hạ bút viết hai câu thơ như một tiếng thở dài đầy ai oán trước sự yếu ớt non bấy của quốc gia dân tộc này, không hồ nghi gì nữa, Việt Nam đang trở lại chính cái vạch xuất phát ấy. Mặc dầu, bây giờ dân số nước ta ngót nghét một trăm triệu mà vẫn cứ trẻ con, Đảng và Nhà nước phán gì nghe nấy.

 

Câu chuyện về vườn hay ngồi lại của TBT Nguyễn Phú Trọng thật ra chỉ liên quan đến nội bộ đảng ở thượng tầng, tại đó, các phe nhóm chính trị tranh chức, tranh quyền. Trước thềm TW5, trong hai ngày 28 và 29/4 khi Vương Đình Huệ thăm Trà Vinh, Vĩnh Long, thì Phạm Minh Chính cũng làm việc ở Sóc Trăng. Hình như cả hai nhân vật ứng viên sáng giá kế vị chiếc ghế TBT tranh thủ lấy lòng các đồng chí Nam Bộ. Trong khi đó, những cuộc “so găng” để hạ bệ lẫn nhau đã thành truyền thống trong đảng. Chỉ cần tung bằng chứng một trong ba yếu tố: Có vấn đề về lý lịch và lập trường, sai phạm trong đạo đức và lối sống, tham nhũng và bảo kê, thì lập tức một chính trị gia sẽ nhanh chóng trở thành tội đồ của đảng (4). Tuy nhiên, trong quá trình “thi đấu”, khi cần các đồng chí cũng biết cách thỏa hiệp. Bởi vì cuộc đấu “phe nhóm” này khác với cuộc chiến “mèo vờn chuột”. Đây là cuộc đấu để chia phần “cái bánh” lợi ích, chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải triệt tiêu đối thủ.

 

(1) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và câu hỏi ai sẽ kế nhiệm  

 

(2) Early exit for Vietnam’s communist boss Trong?  

 

(3) Câu thơ Tản Đà như sấm*)  

 

(4) Hội nghị Trung ương 5 và nội tình của đảng



 

No comments:

Post a Comment

View My Stats