Một
hiện tượng văn học ở Miền Nam trước năm 1975
Tác giả: Nguyễn Thanh
05:51 09/05/2022
http://baovannghe.com.vn/mot-hien-tuong-van-hoc-o-mien-nam-truoc-nam-1975-25024.html
Từ những
năm đầu của thập niên 1960, ở các đô thị miền Nam trước 1975 xuất hiện nhiều hiện
tượng xã hội: – Xuống đường biểu tình xuất phát từ trường học, – ‘Yêu cuồng sống
vội’, ảnh hưởng từ những tác phẩm hiện sinh (Existentialisme) của những nhà văn
Pháp: J. Paul Sartre (Nausée – Buồn nôn), Simoine De Beauvoir (L’Invitée – Vị
khách mời), Albert Camus (L’Étranger – Kẻ xa lạ)… – Và hiện tượng văn học khu
biệt trong văn nghệ như: Nguyễn
Đức Sơn (sinh 1937), Bùi
Giáng (1921-1998), Phạm
Công Thiện (1941-2011), cả ba đều là nhà thơ. Với Phạm Công Thiện, ông
còn là giáo sư, nhà văn viết sách văn học, triết lý và cư sĩ Phật giáo… nên ông
được coi là một hiện tượng văn học đặc biệt với câu nói nổi tiếng trong tùy bút
“Viết là đâm nổ mặt trời” (Trời tháng Tư)
Trong môi
trường văn chương miền Nam thời trước 1975, từ năm 1954, có một số nhà thơ nổi
tiếng sinh ra trước sau thập niên 1940: Thanh Tâm Tuyền (1936-2006), Du Tử Lê (1942-2019), Tô Thùy Yên (1938-2019)…
và Phạm Công Thiện.
Tiêu biểu cho thế hệ đàn anh trước đó thì: Vũ Anh Khanh (1926-1956), Kiên Giang (1929-2014), Đinh Hùng (1920 – 1967), Vũ Hoàng Chương
(1916-1976). Trong số đó, Phạm Công Thiện được coi là một hiện
tượng thi ca khá đặc biệt bên cạnh Bùi Giáng (1926-1998) và Nguyễn Đức Sơn
(1937-2020).
Phạm Công Thiện (1941-2011) là tên thật, bút danh ký Hoàng
Thu Uyên. Anh còn là một cư sĩ Phật giáo với pháp danh là Nguyên
Tánh. Xuất thân trong một gia đình Công giáo, từ tuổi thiếu niên, Phạm Công
Thiện đã nổi tiếng là thần đồng về ngôn ngữ. Năm 15 tuổi, Thiện đã
đọc và viết thông thạo 5 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nhật, Hoa và Tây Ban Nha, ngoài
ra còn biết thêm tiếng La Tinh và tiếng Sanskrit, tiếng Pali (tiếng Phạn), vốn
là ngôn ngữ cổ Ấn Độ dùng trong kinh Vệ Đà của Phật giáo, rất khó học. Năm 16
tuổi (1957), Phạm Công Thiện đã xuất bản cuốn Anh ngữ tinh âm –
giống như trường hợp nhà thơ tượng trưng Pháp Arthur Rimbaud (1854-1891) cũng tập
thơ xuất bản năm 16 tuổi: ‘Con tàu say’ (Le Bateau ivre),.. Vài năm sau, Phạm
Công Thiện đã cộng tác với các tạp chí: Bông Lúa, Bách Khoa, Phổ Thông, Văn, Giữ
Thơm Quê Mẹ và bắt đầu xuất bản tiểu luận Ý thức mới trong Văn nghệ và
Triết học (1960) khi chưa tới 19 tuổi. Trong thực tế, làm thơ hoặc viết
văn xuôi thì ai cũng có thể làm được nếu biết đọc, biết viết cộng với niềm đam
mê và chút năng khiếu. Chưa nói đến quan điểm của tác giả trẻ Phạm Công Thiện
lúc đó, ai cũng biết, để viết một quyển tiểu luận có tính cách phê bình văn nghệ
và triết học kiểu như quyển Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học, có
lẽ không phải là một việc dễ dàng nếu không thực giỏi ngoại ngữ và đọc, hiểu được
sách tiếng Việt lẫn một số tiếng nước ngoài. Thời gian này, người ta không được
nghe nói Phạm Công Thiện đã học ở trường nào, tốt nghiệp khoa nào ở Đại học
trong và ngoài nước… Có lẽ ông Phạm Công Thiện đã nhờ thông minh, tự học rồi
đăng ký xin thi tự do nên ít ai biết.
Năm 1963,
sau một cuộc khủng hoảng tinh thần, Phạm Công Thiện ra Nha
Trang để tịnh dưỡng và quen với nhà thơ Quách Tấn (1910-1992). Thiện được tác giả Mùa
cổ điển đưa đi viếng chùa Hải Đức. Nơi đây, Phạm Công Thiện giác ngộ
Phật đạo rồi tập thiền và quy y thọ giới Sa Di, pháp danh Nguyên Tánh với
thượng tọa Thích Trí Thủ, một vị cao tăng Phật Giáo lúc bấy giờ.
Một năm
sau hết bệnh (1964), Phạm Công Thiện về lại Sài Gòn và đi du học tại Hoa Kỳ.
Xong chương trình Cử nhân (B. A: Bachelor of Art), Phạm Công Thiện chuyển sang
học ở Columbia, nơi thượng tọa Thích Nhất Hạnh từng theo học. Nhưng chưa bao
lâu thì anh chê giáo sư ngu xuẩn rồi bỏ học, ra đời, đi lang
thang khắp thế giới chẳng khác nào ông hoàng thơ tình Pháp Guillaume Apollinaire
(1880-1918). Phạm Công Thiện từng sang Israel, Đức rồi nghĩ: “Better a beggar
in Paris than a millionaire in New York” (làm một người ăn mày ở Paris còn tốt
hơn một triệu phú ở New York). Sau đó, anh sang Pháp ghi danh học ở Rennes,
Bretagne, ở với người anh đã sang Pháp trước đó. Nhưng rồi không thuận với anh,
Phạm Công Thiện lên Paris, gặp thầy Thích Nhất Hạnh (sinh năm 1926) và cư sĩ Võ
Văn Ái đang làm Tổng thơ ký cho Hội Phật tử Việt Kiều hải ngoại do thầy Nhất Hạnh
sáng lập. Phạm Công Thiện thân thiết ở chung với Võ Văn Ái. Năm 1966, khi Hòa
thượng Thích Minh Châu đến Paris tìm người trợ giúp Viện Đại học Vạn Hạnh thì gặp
Phạm Công Thiện. Hòa thượng Thích Minh Châu thuyết phục anh về Việt Nam công
tác giáo dục tại Viện Đại học Vạn Hạnh do hòa thượng làm viện trưởng. Về làm việc
tại Sài Gòn, Phạm Công Thiện bắt đầu nắm phần soạn thảo chương trình giảng dạy
cho tất cả các Phân khoa của Viện Đại học Vạn Hạnh (1966-1968) của Thượng tọa
Thích Minh Châu (1918-2012). Từ 1968-1970, Phạm Công Thiện đảm nhiệm chức vụ
Phân khoa trưởng của Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của Viện Đại học Vạn
Hạnh. Nơi đây, anh cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp
chí Tư Tưởng.
Năm 1970, chị Lê Khắc Thanh Hoài
(sinh 1950 tại Huế), một sinh viên trẻ đẹp của Viện Đại học Vạn Hạnh và cũng là
sinh viên của thầy Phạm Công Thiện trước đây, lên đường đi du học tại Bruxelles
(thủ đô nước Bỉ). Chị Thanh Hoài là con gái yêu của BS. Lê Khắc Quyến, nguyên
Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, một bác sĩ nổi tiếng lẫy lừng trong các
phong trào Hòa bình (1954-1955), phong trào Phật Giáo (1963-1964)… chống chế độ
Ngô Đình Diệm từng bị ngồi tù. Chính chị Lê Khắc Thanh Hoài đã từng say đọc
sách và mê cả tác giả của sách là thầy Phạm Công Thiện với phong cách giảng bài
hút hồn sinh viên mình đứng lớp.
Cũng năm
này, sau 4 năm làm công tác giáo dục ở Sài Gòn, nhân chuyến đi dự một hội nghị
Phật giáo tại Paris cùng hòa thượng Thích Minh Châu, Phạm Công Thiện xin ở lại
Pháp ghi tên làm luận án Tiến sĩ. Tại kinh đô ánh sáng, gặp lại Phạm Công Thiện
tại nhà họa sĩ Vĩnh Ấn, chị Thanh Hoài quyết định bỏ học tại Bruxelles ở lại
Pháp chung sống cùng Phạm Công Thiện. Cặp đôi thầy-trò hội ngộ lại trong tình
nghĩa vợ chồng tại kinh đô ánh sáng thật thơ mộng lý tưởng, hứa hẹn nhiều hạnh
phúc dù hiện tại cuộc sống họ không tránh khỏi vất vả khó khăn nơi đất lạ quê
người. Cuộc sống phiêu lưu vô cùng gian nan với học bổng của Thiện trong 4 năm
không khác gì những năm đói khổ cùng cực của những du học sinh Nguyên và Thu
trong tác phẩm Mây ngàn của nhà văn Vita (1910-1956). Sau đó,
Phạm Công Thiện xin được một việc làm văn phòng tại Đại học Toulouse, Pháp.
Nhân có một chân phụ giảng trống, anh làm đơn xin việc. Phạm Công Thiện được
giáo sư hướng dẫn giới thiệu rất trang trọng: ‘Sinh viên Ưu tú Xuất sắc hạng Nhất,
bốn năm Cao học đã hoàn tất’ (1). Điều này chứng tỏ Phạm Công
Thiện đã hoàn tất Văn bằng Tốt nghiệp École des Hautes Études (tương đương với
Master-Thạc sĩ) tại Đại học Sorbonne, và học xong một năm D. E. A (2).
Phạm Công Thiện làm việc này với giao kèo gia hạn mỗi năm, chức vụ cuối cùng là
Giảng sư (Maitre de Conférence) tại Đại học Toulouse II… Sống với Phạm Công Thiện,
Chị Thanh Hoài sinh được 5 con (4 trai, 1 gái -tất cả về sau đều thành đạt vẻ
vang nơi hải ngoại). Chị Thanh Hoài làm thêm việc ráp linh kiện cho hãng máy
bay Airbus để kiếm thêm chút phụ thu cho gia đình. Công việc tạm ổn, bỗng nhiên
Phạm Công Thiện rơi vào cảnh nghiện rượu, sống với cuộc sống đầy bè bạn mà quên
mất gia đình, cả lúc vợ con đau ốm huống chi là chuyện xã hội. Về sau, chị
Thanh Hoài ngậm ngùi nhắc lại: “Và ngôi biệt thự xinh xắn đó, nơi mà đáng lý ra
chỉ có hương hoa và sắc màu của một vị ngọt là hạnh phúc, thì trớ trêu thay,
nơi đây suốt bảy năm trời chỉ mang một vị đắng. Vị đắng của khổ đau. Vị chua
chát của rượu… Chàng đã thỏa hiệp với con ma rượu…”. Vì lẽ, giáo sư Phạm Công
Thiện không còn thấy gì hứng thú cứ phải lải nhải triết lý để kiếm tiền
nuôi vợ con. Anh chỉ là chiếc bóng sau bầy con. Nàng thì cứ xoay vòng với
bầy con năm đứa. Chàng thì cố gắng làm tròn công việc dạy học, cho dù nỗi chán
chường mỗi ngày một chồng chất. Nhưng bọn sinh viên cứ ào ào tới ngày càng
đông, giới trí thức trong tỉnh lần lần nghe tiếng và bạn bè lũ lượt kéo đến
ngày càng nhiều hơn. Khói thuốc vẫn mịt mù lan tỏa. Mùi rượu vẫn nồng nặc xông
lên…
Và một
hôm, nàng cũng quyết định rằng nàng phải sống, phải đứng dậy và đi tiếp.
Nhưng trên đoạn đường đi tiếp của nàng chắc chắn sẽ không có chàng. Không vì hờn
giận hay oán trách mà chỉ vì không còn giải pháp nào hơn. Thanh Hoài quyết
định chia tay cùng anh, thu xếp mọi việc cùng 5 con ra đi. Phạm Công Thiện sau
đó cũng mất việc ở Đại học vì khế ước không được gia hạn và ghế giảng sư cũng
không còn. Anh được hòa
thượng Mãn Giác mời sang dạy tại Viện Quốc Phật giáo (College of Buddhist Studies),
tại Los Angeles. Thiện trở về cư ngụ tại chùa, tại nhà bạn bè và qua đời năm 2011 tại Houston, Hoa Kỳ,
các con đủ mặt từ Pháp đều sang dự đám tang cha.
Nhìn lại sự
nghiệp văn học của Phạm Công Thiện, ta thấy ông là một ngòi bút sung sức, viết
khỏe theo nhiều thể loại chủ yếu là tiểu luận, thơ, tùy bút. Sáng tác của Phạm
Công Thiện đòi hỏi tác giả phải sở hữu được một kiến thức phong phú về triết học,
tôn giáo, văn học thế giới và một trình độ thực sự vững vàng về ngoại ngữ – tôi
không đề cập đến văn bằng!), cần thêm một sức sáng tạo mãnh liệt, một tâm hồn
nhạy bén, có khả năng cảm thụ tinh tế về văn học nghệ thuật.
Với ngôn
ngữ diễn đạt trong sáng, mượt mà, nhiều bài thơ tự do của Phạm Công Thiện có tư
tưởng mới lạ, táo bạo đến mức được coi là bí hiểm, khó hiểu: Viết là
đâm nổ mặt trời (Trời tháng Tư); Tôi hiếp dâm mặt trời, sinh ra mặt
trăng (Mặt trời không bao giờ có thực). Tuy nhiên, với bản tính mộc mạc,
hiền lành của người Nam bộ, nhà thơ Phạm Công Thiện cũng có những bài thơ hay,
những câu thơ đẹp: Mưa chiều thư bảy tôi về muộn/ Cây khế nhà ai trổ hết
bông.
Trong một
thời chiến tranh máu lửa tóc tang nhất của đất nước (1954-1975), người Việt Nam
chân chính có thể không hài lòng với mình nếu ở vị trí của Phạm Công Thiện. Tác
giả Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học không biết đã nghĩ
thế nào lại chui vào cái vòng kim cô của vũ trụ kiến thức mênh mông, rời xa hiện
thực đau lòng của dân tộc để nói về triết lý, về văn nghệ của mình trước khi rời
tổ quốc đau thương vì chiến tranh tang tóc, sống lang thang đó đây nơi hải ngoại.
Là một trí thức, một cư sĩ, Phạm Công Thiện cũng chưa nghĩ đến lý tưởng, giá trị
của một đời người là làm gì có lợi ích thực sự cho quê hương: “Giá trị của một con người
không đo bằng địa vị hay văn bằng mà bằng sự có ích của người đó với đồng
bào xã hội ngoài công việc mà người đó làm để mưu sinh (Nguyễn Hiến Lê).
Đúng ra, trong hoàn cảnh đất nước chìm ngập trong khói lửa, xác người lúc bấy
giờ, mọi người nên hành động thiết thực thế nào để đồng bào thoát khỏi cảnh đau
thương chết chóc trong một cuộc chiến tranh có thể coi là phi nhân tàn bạo nhất
trong lịch sử loài người. Hôm nay đất nước đã thanh bình, thịnh vượng và Phạm
Công Thiện cũng không còn hiện diện dưới ánh mặt trời (3).
Sư nghiệp, hoạt động của Phạm Công Thiện phải chăng đã thể hiện dấu ấn đặc biệt
của một hiện tượng trí thức bùng vỡ, hay ‘một tâm hồn nổi loạn’ ảnh
hưởng từ Albert Camus (Je me révolte, dons nous sommes - Tôi nổi loạn, vậy
chúng ta cùng sống) trong một thời chiến tranh đau khổ ở phía Nam đất nước. Trên
cơ sở dư luận một thời đã từng coi Phạm Công Thiện như một thiên tài đa diện:
nhà thơ, nhà văn, triết gia, cư sĩ Phật giáo, học giả, giáo sư đại học… ta
thử khách quan tìm hiểu bình tĩnh nhìn lại chân dung đích thực của Phạm Công
Thiện để có thể trân trọng, ngưỡng mộ và đánh giá đúng mức ông là thiên tài hay
một huyền thoại văn chương trong không gian văn hóa nước nhà.
________
(1). Tiểu
thuyết “Chuyện một người đàn bà… năm con”, (tr. 252) của Lê Khắc Thanh Hoài, tức
là vợ của Phạm Công Thiện.
(2). Diplôme
d’Études Approfondies: theo tổ chức Đại học Pháp lúc đó, ngày nay đã đổi thành:
Master I, Master II và bỏ văn bằng Tiến sĩ Đệ Tam cấp và Tiến sĩ Quốc Gia, chỉ
còn lại một văn bằng Tiến sĩ duy nhất.
(3). Tư
tưởng phương Tây: Không có gì mới dưới ánh mặt trời (Rien de nouveau
sous le soleil).
Nguồn : Văn nghệ số
18+19/2022
No comments:
Post a Comment