Tuesday, 5 April 2022

KHỞI TỐ PUTIN KHÔNG DỄ (theo Reuters)

 



Khởi tố Putin không dễ

Đàn Chim Việt  (Theo Reuters)

05/04/2022

http://www.danchimviet.info/khoi-to-putin-khong-de/04/2022/25813/

 

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2022/04/z28297267QMasowy-grob-w-Buczy-3-kwietnia.jpeg

Hố chôn người tập thể tại Bucha. Ảnh Gazeta.pl

 

Ukraine đã cáo buộc Nga gây tội ác chiến tranh ở thị trấn Bucha, ngoại ô Kyiv, trong lúc Đức, Pháp và nhiều nước khác phẫn nộ trước hình ảnh những thường dân thiệt mạng, nhiều người bị trói ngoặt tay.

 

Lãnh đạo thị trấn Bucha cho biết hôm thứ Bảy có 300 cư dân đã bị quân đội Nga giết trong cuộc chiếm đóng kéo dài một tháng. Reuters thấy nhiều nạn nhân trong một ngôi mộ tập thể và nằm la liệt trên đường phố.

 

Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ cáo buộc của Ukraine, nói rằng họ không giết thường dân các đoạn phim và ảnh chụp các thi thể ở Bucha là “một hành động khiêu khích khác” của Ukraine.

 

Ngay cả trước khi có vụ thảm sát ở Bucha, Ukraine và các đồng minh phương Tây đã cáo buộc các lực lượng Nga nhắm vào dân thường một cách bừa bãi, dẫn chứng vụ đánh bom ở cảng Mariupol phía nam tại một bệnh viện phụ sản và một nhà hát được đánh dấu là nơi trú ẩn cho trẻ em.

 

Các chuyên gia pháp lý cho biết việc truy tố Tổng thống Vladimir Putin hoặc các nhà lãnh đạo Nga khác sẽ gặp phải những trở ngại lớn và có thể mất nhiều năm, như được nêu dưới đây:

 

THẾ NÀO LÀ TỘI PHẠM CHIẾN TRANH?

Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague (hoặc La Haye) định nghĩa phạm tội ác chiến tranh khi “vi phạm nghiêm trọng” Công ước Geneva ký kết sau Thế chiến thứ Hai, quy định các luật nhân đạo quốc tế phải tuân theo trong thời chiến. Các hành vi vi phạm bao gồm việc cố ý nhắm vào dân thường và tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp, nơi số thương vong về dân sự được xem là “quá mức”.

 

Liên Xô đã phê chuẩn Công ước Geneva vào năm 1954. Nga rút lại công nhận một trong các nghị định thư của công ước vào năm 2019 nhưng vẫn là một bên ký kết phần còn lại của công ước.

 

KHỞI TỐ ĐƯỢC TIẾN HÀNH THẾ NÀO?

Công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) , Karim Khan, cho biết hồi tháng trước, ông đã mở một cuộc điều tra tội ác chiến tranh có thể xảy ra ở Ukraine.

 

Cả Nga và Ukraine đều không phải là thành viên của ICC. Nga không công nhận tòa án, Ukraine đã chấp thuận cho tòa này kiểm tra các hành động tàn bạo trên lãnh thổ của họ kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

 

Nga có thể quyết định không hợp tác với ICC và phiên tòa sẽ bị trì hoãn cho đến khi người bị tố giác bị bắt.

 

BẰNG CHỨNG BUỘC TỘI NÀO ĐƯỢC CÔNG NHẬN?

ICC sẽ ban hành lệnh bắt giữ nếu các công tố viên có thể chỉ ra “cơ sở hợp lý để tin rằng” đã xảy ra tội ác chiến tranh. Các chuyên gia cho biết, muốn kết tội, công tố viên phải chứng minh bị cáo có tội không còn nghi ngờ một cách hợp lý.

 

Đối với hầu hết các cáo buộc, công tố viên phải chứng minh ý định của bị cáo. Một cách chứng minh là công tố viên chỉ ra rằng không có mục tiêu quân sự nào trong khu vực bị tấn công và vụ đó không phải là một tai nạn.

 

Alex Whiting, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Luật Harvard, cho biết: “Nếu vụ việc cứ lặp đi lặp lại và dường như nhằm vào khu dân cư, thì đó có thể là bằng chứng rất mạnh mẽ về ý định.”

 

AI SẼ BỊ KHỞI TỐ?

Các chuyên gia cho biết một cuộc điều tra tội phạm chiến tranh có thể tập trung vào các đối tượng là binh lính, cấp chỉ huy và nguyên thủ quốc gia.

 

Công tố viên có thể đưa ra bằng chứng cho thấy Putin hoặc một nhà lãnh đạo cấp nhà nước khác đã phạm tội ác chiến tranh bằng cách trực tiếp ra lệnh tấn công bất hợp pháp hoặc biết sẽ phạm tội ác chiến tranh nhưng đã không ngăn tránh.

 

ĐIỀU GÌ KHIẾN CHO KHÓ KẾT TỘI?

Các chuyên gia pháp lý cho biết các vụ bom nổ ở nhà hát có trẻ em tạm trú và bệnh viện phụ sản ở thành phố Mariupol phía nam Ukraine rơi vào định nghĩa của tội ác chiến tranh, nhưng muốn kết tội sẽ gặp nhiều khó khăn.

 

Ngoài những thách thức về chứng minh ý định và nối kết trực tiếp các nhà lãnh đạo vào tội ác, các công tố viên có thể gặp khó khăn trong việc thu thập bằng chứng từ vùng chiến sự, ví dụ các nhân chứng e ngại có thể bị đe dọa trả thù hoặc không chủ động trả lời phỏng vấn.

 

Trong trường hợp của Ukraine, các công tố viên ICC sẽ xem xét các bằng chứng hình ảnh và video được công bố công khai, đặc biệt là qua các mạng xã hội.

 

Việc đưa bị cáo ra xét xử cũng có thể khó khăn. Moscow gần như chắc chắn sẽ từ chối lệnh bắt giữ. ICC sẽ phải theo dõi các bị cáo để xem liệu họ có đi đến các quốc gia mà họ có thể bị bắt giữ hay không.

 

ĐÃ CÓ TIỀN LỆ NÀO CHƯA?

Kể từ khi được thành lập, ICC đã thụ lý 30 vụ, một số vụ có nhiều bị cáo, trang web ICC cho biết. Các thẩm phán của ICC đã kết tội 5 người vì tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng, và tha bổng 4 người khác. Lãnh chúa Congo Thomas Lubanga Dyilo bị kết án vào năm 2012. Tòa án đã ban hành lệnh bắt giữ một số bị cáo còn lại, trong đó có Joseph Kony, thủ lĩnh của nhóm dân quân ở Uganda có tên Đạo quân Kháng chiến của Thượng đế.

 

Năm 1993, Liên Hiệp Quốc lập Tòa án Hình sự Quốc tế riêng biệt cho vùng đất Nam Tư cũ để xem xét các tội ác diễn ra trong các cuộc Chiến tranh vùng Balkan, tòa này đã kết tội 161 người và tuyên án 90 người.

 

Năm 1994, Liên Hiệp Quốc lập Tòa án Hình sự Quốc tế cho Rwanda để xét xử những kẻ chịu trách nhiệm cho tội ác diệt chủng và các tội ác khác đã gây ra ở đó và ở các quốc gia lân cận. Tòa đã kết tội 93 người và tuyên án 62 người.

 

Các chuyên gia pháp lý nói có thể lập một tòa án riêng để xem xét các tội ác chiến tranh ở Ukraine, thực hiện bằng cách thông qua Liên Hiệp Quốc hoặc một hiệp ước.

 

(Theo Reuters)





No comments:

Post a Comment

View My Stats