Saturday 2 April 2022

CHIẾN TRANH UKRAINA : THUYẾT PHỤC TRUNG QUỐC BỎ NGA, LIÊN HIỆP CHÂU ÂU ẢO TƯỞNG? (Minh Anh - RFI)

 



Chiến tranh Ukraina: Thuyết phục Trung Quốc bỏ Nga, Liên Hiệp Châu Âu ảo tưởng ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 01/04/2022 - 15:55

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20220401-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-thuy%E1%BA%BFt-ph%E1%BB%A5c-trung-qu%E1....B0%E1%BB%9Fng

 

Hôm nay, 01/04/2022, Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến nhằm khôi phục Thỏa Thuận Đầu Tư Toàn diện (CAI), bị đình chỉ từ mùa thu 2020 vì nhiều vấn đề nhân quyền, địa chính trị. Chiến sự tại Ukraina sẽ là trọng tâm chương trình nghị sự. Liên Hiệp Châu Âu muốn thuyết phục Trung Quốc từ bỏ ý định hỗ trợ Nga chống chọi với các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Một sự ảo tưởng chăng ? 

 

https://s.rfi.fr/media/display/d94d5bdc-b1ba-11ec-a79d-005056a90284/w:1024/p:16x9/2022-04-01T124742Z_61016354_RC2CET9BVGSR_RTRMADP_3_EU-CHINA.webp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc họp trực tuyến nhân Thượng Đỉnh EU-Trung Quốc tại Bruxelles ngày 01/04/2022. REUTERS - POOL

 

AFP nhắc lại, thỏa thuận đầu tư CAI được ký kết giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc vào cuối năm 2020, dưới sự ủng hộ mạnh mẽ của bà Angela Merkel, thủ tướng Đức thời bấy giờ. Đây được cho là một trong những thỏa thuận hợp tác kinh tế đầy tham vọng nhất của hai phía.  

 

Nhưng văn bản này sau đó đã bị đình lại do những biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu chống lại việc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương, dẫn đến đòn trả đũa của Bắc Kinh nhắm vào một số nghị sĩ và nhà nghiên cứu châu Âu. Tiếp đến là việc Trung Quốc ngăn cấm nhập khẩu hàng hóa của Litva do việc nước này có lập trường thân cận với Đài Loan.  

 

Tuy nhiên, số phận của thỏa thuận đầu tư từng được đánh giá là lịch sử này một lần nữa lại bị thách thức. Cuộc chiến Ukraina do Nga phát động có nguy cơ phá vỡ mọi hy vọng của Trung Quốc quay trở lại với tình trạng « kinh doanh như bình thường » qua việc ký kết được nhiều văn kiện.  

 

Liên Hiệp Châu Âu, thông qua lời chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula Von Der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, muốn Trung Quốc giải thích rõ lập trường được gọi là « trung lập ». Theo đó, Liên Âu muốn biết rõ là « Bắc Kinh sẽ sử dụng tầm ảnh hưởng của mình tác động lên Nga nhằm thiết lập một lệnh ngừng bắn, các hành lang nhân đạo » hay « Bắc Kinh hỗ trợ Matxcơva lẩn tránh » các biện pháp trừng phạt bằng cách tăng cường mua khí đốt của Nga hay hỗ trợ tài chính, theo như giải thích của quan chức châu Âu với AFP.  

 

Cho đến giờ phút này, Bắc Kinh luôn từ chối lên án cuộc chiến xâm lược Ukraina, và không ngừng ca tụng tình hữu nghị « vững như bàn thạch » với Matxcơva, khi bênh vực cho những mối bận tâm « hợp lý » của Nga về an ninh đất nước.  

 

Theo phân tích của ông Grzegorz Stec, Viện Merics của Đức, với AFP, « Châu Âu sẽ tìm cách gây tác động lên các tính toán chiến lược của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bằng cách nhấn mạnh đến thiệt hại kinh tế mà họ có nguy cơ gánh lấy trong trường hợp ủng hộ cụ thể Nga ». Nhưng hãng tin Pháp cũng không quên nhắc lại tình trạng phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa hai phía : Liên Hiệp Châu Âu hấp thụ đến 15% xuất khẩu của ông khổng lồ châu Á, đổi lại Trung Quốc chiếm đến 10% thị phần xuất khẩu của khối 27 nước thành viên.  

 

Tuy nhiên, bà Sylvie Bermann, cựu đại sứ Pháp ở Nga và Trung Quốc, cảnh báo : « Ý nghĩ thúc Trung Quốc rời Nga sẽ là ảo tưởng. Một khi chiến tranh Ukraina kết thúc, Hoa Kỳ sẽ ưu tiên chuyển hướng trọng tâm sang Trung Quốc nhưng không phải với cái nhìn thiện cảm. Do vậy, Bắc Kinh chỉ có lợi khi tiếp tục duy trì sự hợp tác với nước láng giềng Nga. » 

 

Một quan điểm cũng được bà Marion Pariset, chuyên gia về đối ngoại và là tổng thư ký của Millénaire, một tổ chức tư vấn độc lập chuyên về chính trị công, đồng chia sẻ trên trang mạng Atlantico. Theo nhà nghiên cứu, Trung Quốc khó thể lên án cuộc can thiệp quân sự của Nga tại Ukraina. Hành động này tuy có thể sẽ là một đòn đau cho chế độ của ông Putin nhưng có nguy cơ tước mất của Bắc Kinh một trong số các đồng minh « nặng ký » để đối phó với Washington trên trường quốc tế.  

 

Nhưng công khai ủng hộ Nga cũng không phải là một chọn lựa cho Trung Quốc, tuy là bên được lợi nhiều từ cuộc khủng hoảng Covid-19, nhưng cũng bị suy yếu trên bình diện chính trị. Cuộc khủng hoảng vũ trang ngay trước cửa nhà châu Âu cũng không làm lay chuyển chiến lược chuyển hướng sang Thái Bình Dương của Mỹ.  

 

Trong khi cuộc chiến thương mại do người tiền nhiệm, Donald Trump khởi xướng, biến Trung Quốc thành kẻ thù số 1 của Mỹ vẫn tiếp tục đè nặng lên chế độ Bắc Kinh. Những cáo buộc gần đây của Washington cho rằng Trung Quốc hỗ trợ quân sự Nga minh chứng rõ là Nhà Trắng không bị lạc hướng các mục tiêu và tìm cách tiến hành cuộc chiến truyền thông chống Trung Quốc.   

 

Trong hoàn cảnh này, giới quan sát dự báo, thượng đỉnh năm nay có nguy cơ không đạt được kết quả gì như mọi lần. Trung Quốc không ngừng nhắc đi nhắc lại những phát biểu « vờ trung lập ». Trong khi Liên Hiệp Châu Âu sẽ đặt ra những giới hạn không được vượt qua. Bằng chứng cụ thể là sau cuộc họp thượng đỉnh, sẽ không thông cáo chung. Tuần san The Economist trong bài viết có tựa đề « Cuộc chiến khiến Trung Quốc khó chịu. Các nhà lãnh đạo châu Âu bất cần », cho rằng đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu nên thay đổi chính sách cũ xưa của mình với Trung Quốc ! 

 

------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

ĐIỂM TUẦN BÁO

Chiến tranh Ukraina : Liên kết với Putin, Tập Cận Bình đứng ở mặt tối Lịch sử

 

PHÂN TÍCH

Chiến tranh Ukraina làm đảo lộn chiến lược chống Trung Quốc của Mỹ ?

 

MỸ - TRUNG - CHIẾN TRANH UKRAINA

TT Mỹ cảnh báo "hậu quả" nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga





No comments:

Post a Comment

View My Stats