Sunday, 3 April 2022

CHI HƠN 800 TỶ USD CHO QUỐC PHÒNG 2023, HOA KỲ KHÔNG HỀ XAO NHÃNG TRUNG QUỐC? (Joaquin Nguyễn Hòa)

 



Chi hơn 800 tỷ USD cho quốc phòng 2023, Hoa Kỳ không hề xao nhãng Trung Quốc?

Joaquin Nguyễn Hòa

Gửi bài từ San Jose, Hoa Kỳ

3 tháng 4 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-60953233

 

Vào ngày thứ Hai, 28/3/2022, Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden công bố đề nghị ngân sách quốc gia năm 2023 của ông, trong đó đáng chú ý nhất là chi tiêu dành cho quốc phòng và an ninh lên đến 813 tỷ USD, mức chi tiêu cao nhất trong lịch sử nước Mỹ.

 

Việc chi tiêu ngân sách, trong đó có quốc phòng và an ninh, năm sau nhiều hơn năm trước cũng thường tình do giá cả tăng, nhưng điều gây chú ý của dự trù quốc phòng lần này là tỷ lệ tăng so với ngân sách quốc phòng năm 2022 cũng rất cao, đến 4%.

 

Tuy nhiên những người theo dõi thời sự quốc tế sẽ không ngạc nhiên về con số gần 900 tỷ này, vì sự gia tăng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, cường quốc đang lên và mong muốn vùng Đông Nam Á, Đông Á, là sân sau của mình.

 

Ấn Độ chịu sức ép vì thái độ ‘trung lập với cuộc chiến ở Ukraine’

Nato đưa Patriot vào Ba Lan và Slovakia, Ukraine dùng Starlink và Delta

Nga-Ukraine: Lý giải về bộ phận người Việt Nam sùng bái Putin

 

Bà Kathleen Hicks, Thứ trưởng bộ quốc phòng Mỹ, không giấu diếm khi nói rằng số tiền lớn như thế là để nhắm đến mục tiêu chiến lược là Trung Quốc. Bắc Kinh phản ứng ngay tức thì, gọi đó là một cuộc chiến tranh lạnh mới.

 

Người theo dõi thời sự cũng sẽ không ngạc nhiên khi người đứng đầu Ngũ Giác Đài, Tướng Lloyd Austin, nói số tiền đó dùng để chống các mối đe dọa từ Nga, khi cuộc xâm lăng của Moscow vào nước Ukraine láng giềng bước qua tháng thứ hai.

 

Vậy thì Nga hay Trung Quốc?

 

Cuộc xâm lăng của ông Putin vào Ukraine làm bộc lộ nhiều nhược điểm của nước Nga, mà trước đó Mỹ và phương Tây có thể đã không hình dung hết. Về phương diện quân sự, quân đội Nga không những tệ hại về những loại vũ khí quy ước như xe tăng, mà họ còn rất kém trong cuộc chiến điện tử chống lại Ukraine. Về kinh tế, lĩnh vực làm cơ sở cho một nền quốc phòng hùng mạnh, nước Nga cũng đang chới với do những biện pháp cấm vận mạnh mẽ chưa từng có của phương Tây.

 

Ngược lại, Trung Quốc là một cường quốc kinh tế, có ảnh hưởng không nhỏ đến phương Tây. Với sức mạnh kinh tế này, trong thời gian ngắn vừa qua, Trung Quốc đã gặt hái nhiều thành công trong các lãnh vực khoa học kỹ thuật tiên tiến, có thể làm nền tảng cho việc phát triển quốc phòng.

 

Vậy thì việc tăng ngân sách quốc phòng như thế của Hoa Kỳ, có phần nhiều hơn là nhắm vào Trung Quốc, ở mục tiêu dài hạn.

 

Ukraine-Nga: Xe tăng T-90 Việt Nam mua về có chống được drone?

Chính sách Bốn Không làm VN cô quạnh khi có quyền lợi chung với Mỹ?

Mỹ và TQ thảo luận nhưng không nhất trí về Biển Đông

Thượng đỉnh Mỹ–ASEAN có thể diễn ra đúng hẹn hay không?

 

Điều này có thể được xem như một chiến lược không thay đổi của Mỹ từ hơn 10 năm nay. Các chính quyền Mỹ, dù có những quan điểm xã hội khác nhau, cách thực hiện chính sách đối ngoại khác nhau, nhưng đều có cùng mục tiêu chiến lược dài hạn nhắm vào Trung Quốc.

 

Mặc dù làm hỏng chính sách xoay trục về châu Á của Tổng thống Obama bằng cách rút ra khỏi tổ chức Hợp tác xuyên Thái Bình Dương, Tổng thống Trump bỏ ra 1,5 tỷ USD cho kế hoạch chống Trung Quốc ở châu Á với đạo luật 'Sáng kiến tái đảm bảo an toàn Á châu' (Asia Reassurance Initiative Act) vào năm 2018. Tổng thống Biden dù có cách tiếp cận các vấn đề di dân khác với chính quyền Trump, nhưng các công bố chiến lược từ hơn một năm qua, cho thấy họ vẫn bận tâm nhiều về phía Thái Bình Dương.

 

Đương nhiên, trong tình hình dầu sôi lửa bỏng hiện nay trên chiến trường Ukraine, dự trù ngân sách quốc phòng Mỹ 2023 bao gồm hơn 680 triệu USD để giúp nước Ukraine trang bị vũ khí chống lại Nga. Mục tiêu dài hạn là Trung Quốc, cộng với lò lửa Ukraine trước mắt đã "đội giá" ngân sách lên như vậy. Bắc Kinh nói không sai rằng đây là một cuộc chiến tranh lạnh mới, có điều là bản thân Bắc Kinh cũng đã gia tăng quốc phòng, nghiên cứu vũ khí mới từ nhiều năm qua.

 

Tính cách trung tả của Biden

 

Rất hiếm khi nào có một chính sách ở Mỹ được sự đồng thuận chính trị hoàn toàn, dự trù ngân sách quốc phòng 2023 của tổng thống Biden cũng không ngoại lệ.

 

Nhưng có một điểm thú vị khi ta xem xét các chỉ trích và đồng ý với ông Biden lần này, đặc biệt là trong nội bộ đảng Dân chủ của chính ông Biden.

 

Phe cấp tiến của Đảng Dân chủ lên tiếng ngay lập tức rằng không thể chấp nhận ngân sách khổng lồ như vậy. Đứng đầu nhóm này là thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont. Ông nói rằng ngân sách quốc phòng của Mỹ bằng tổng cộng ngân sách quốc phòng của… 11 quốc gia kế cận, rằng Mỹ không cần tiêu tiền nhiều như thế cho quốc phòng.

 

Nhưng phe trung dung của Đảng Dân chủ lại ủng hộ ông Biden. Thượng nghị sĩ Tim Kaine của Virginia, hiện đang là thành viên Ủy ban quân lực thượng viện, nói rằng ông hài lòng về con số ông Biden đưa ra. Một số dân biểu thuộc Đảng Dân chủ ở các khu vực có các căn cứ quân sự, có nhiều cử tri là quân nhân, thậm chí còn lên tiếng rằng ông Biden đã không chi tiền đầy đủ cho quốc phòng.

 

Từ khi bắt đầu cầm quyền đến nay, ông Biden đã phải đi dây giữa hai nhóm cấp tiến và trung dung của chính Đảng Dân chủ, mà đôi khi sự khác biệt lớn đến mức như là hai đảng chính trị khác nhau. Có lúc ông ngã về phe cấp tiến, có lúc ông lui về nhóm trung dung. Ông ủng hộ chính sách môi trường của nhóm cấp tiến, nhưng gần đây, trong thông điệp liên bang trước lưỡng viện quốc hội, ông lại nói rằng cần gia tăng ngân sách cho lực lượng cảnh sát, điều mà phe cấp tiến chống đối mạnh mẽ.

 

Lần này ngân sách quốc phòng và an ninh(trong đó bao gồm tăng cường cảnh sát cho an ninh nội địa) của ông lại được thêm cả đông đảo phe cộng hòa ủng hộ, mà từ khi cầm quyền đến nay, phe này thường xuyên chống lại những chính sách của ông. Có ông dân biểu từ Oklahoma (nơi có các nhà máy chế tạo máy bay B1 khét tiếng), lại còn nói là căn cứ trên mức độ lạm phát thì mức tăng 4% so với năm 2022 là không đủ, mà phải là 7%.

 

Có một niềm tin rằng Đảng Dân chủ thường chống lại các chi tiêu quân sự, các cuộc can thiệp quân sự ở nước ngoài, điều này không phải bao giờ cũng đúng, dự trù ngân sách quân sự 2023 là một bằng chứng. Và cũng nên nhớ rằng quyết định mang quân Mỹ can thiệp vào Việt Nam được đưa ra dưới thời Tổng thống Lyndon Johnson, thuộc Đảng Dân chủ.

 

Vài ngày sau khi ông Biden tuyên bố về dự trù ngân sách quốc phòng 2023, tờ The Diplomat, chuyên về châu Á Thái Bình Dương có bài của ông Peter Birgbauer, một nhà quan sát từ Luân Đôn, mang tựa là: Chính sách xoay trục về châu Á đã chết ngay khi mới hình thành (The US pivot to to Asia was dead on arrival).

 

Tác giả cho rằng với vai trò là sen đầm quốc tế, nước Mỹ không nên bị xao nhãng mục tiêu châu Á của họ với những biến động Trung Đông, hay châu Âu. Tác giả cũng có đề cập đến việc cuộc họp thượng đỉnh Mỹ ASEAN ở Washington bị hủy bỏ vì chính quyền Biden quá bận rộn đối phó với nước Nga.

 

Dự trù ngân sách khổng lồ cho chi tiêu quân sự năm 2023 của ông Biden có lẽ là câu trả lời cho bài viết ấy.

 

Còn cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN thì theo một nguồn tin ngoại giao, chưa khẳng định được, thì vẫn còn nằm trong lịch trình của Nhà Trắng, cho một thời điểm tới.

 

Lịch cho thượng đỉnh này đã lên vào các ngày 28-29/03 vừa qua thì đã không thành vì các lãnh đạo ASEAN không bố trí được thời gian.

 

-------------------------------

Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Joaquin Nguyễn Hoà từ San Jose, Hoa Kỳ.

 

 

Các bài tham khảo:

https://www.bbc.com/vietnamese/world-60927267

 

https://www.nbcnews.com/politics/congress/biden-faces-squeeze-defense-spending-democratic-hawks-doves-rcna22295

 

https://www.wsj.com/articles/bidens-budget-calls-for-increase-in-defense-spending-aiding-ukraine-11648479687

 

https://thediplomat.com/2022/03/the-us-pivot-to-asia-was-dead-on-arrival/

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats