Friday, 15 April 2022

AI CÓ THỂ “ĐÂM SAU LƯNG” PUTIN? (Mỹ Anh – Saigon Nhỏ)

 



Ai có thể “đâm sau lưng” Putin?

 Mỹ Anh  -  Saigon Nhỏ
14 tháng 4, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/ai-co-the-dam-sau-lung-putin/

 

“Đâm sau lưng” một Vladimir Putin cáo già và luôn nghi kỵ như Tào Tháo chẳng phải chuyện dễ. Tuy nhiên, có thể thấy sự căng thẳng đang gia tăng giữa Putin với những nhân vật cấp cao nhất trong các cơ quan an ninh và quân đội…

 

Những màn chặt chém nội bộ

 

Sự kiện đánh dấu đầu tiên là việc Putin tổ chức cuộc họp hội đồng an ninh trên truyền hình, trong đó Putin công khai làm bẽ mặt Sergei Naryshkin, Giám đốc Cơ quan tình báo nước ngoài. Hai tuần sau, Putin ra lệnh quản thúc hai viên tướng Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) và bắt đầu cuộc điều tra về sự yếu kém của tình báo cũng như việc sử dụng ngân quỹ vốn được chỉ định để nuôi các nhóm ủng hộ Kremlin ở Ukraine. Putin cũng buộc một phó chỉ huy Vệ binh Quốc gia từ chức. Đầu Tháng Tư, một trong những tướng FSB bị quản thúc và tống đến nhà tù Lefortovo.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-56651411.jpg

Tổng hành dinh FSB (ảnh: Oleg Klimov/Getty Images)

 

Màn thanh trừng tiếp theo nhắm vào quân đội. Trong gần hai tuần đầu Tháng Ba, khi cuộc chiến Ukraine hoàn toàn bế tắc, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu biến mất dạng. Khi tái xuất hiện trong một video về cuộc họp Hội đồng an ninh và sau đó là cuộc họp ở Bộ Quốc phòng, Shoigu trông như kẻ mất hồn. Ngày 9 Tháng Tư, Putin bổ nhiệm tướng Alexandr V. Dvornikov làm Tư lệnh chiến dịch Ukraine…

 

Tất cả chi tiết này cho thấy nội bộ Kremlin đang nhốn nháo và Putin đang canh chừng chính cái lưng của mình. Chính thành phần siloviki (những viên chức tình báo và quân đội thân cận đặc biệt mà Putin xây dựng từ nhiều năm) là những người cần cảnh giác hơn ai hết. Xét về lịch sử, quân đội Nga chưa bao giờ trở thành mối đe dọa đối với nhà cầm quyền. Có rất ít cuộc đảo chính quân sự thành công ở Nga. Lần cuối cùng quân đội Nga phát động một cuộc nổi dậy là vào năm 1825, khi họ đảo chính Sa hoàng Nicolas I. Cuộc nổi dậy thất bại thảm hại. Hầu hết nhà lãnh đạo cuộc đảo chính bị giết hoặc lưu đày.

 

Liệu quân đội có thể lật đổ chính phủ?

 

Tháng Mười 1993, một nhóm cựu binh Liên Xô tự xưng là “Liên minh Sĩ quan” tham gia vào một cuộc nổi dậy nhưng bị bắt trước khi cuộc đảo chính được thực hiện. Bốn năm sau, tướng Lev Rokhlin rời quân đội và thành lập đảng chính trị “Phong trào ủng hộ quân đội” với mục đích chiếm Kremlin bằng giải pháp chính trị truyền thống. Nhóm này nhanh chóng nổi như cồn. Tuy nhiên, năm 1998, khi chưa làm nên cơm cháo gì thì Lev Rokhlin bị vợ bắn chết. Vụ này nảy sinh nhiều thuyết âm mưu nhưng có một điều rõ ràng: Đảng chính trị của Rokhlin bị khai tử ngay sau cái chết đương sự.

 

Trong nhiều năm, Vladimir Putin luôn là tay tổ trong việc thanh trừng đối thủ chính trị từ trong trứng nước. Chẳng ai “ló đầu” lên mà không bị Putin “chặt” trước. Đến nay, có thể nói Putin đã hoàn toàn loại bỏ tất cả mối đe dọa một cách có hệ thống. Nga không còn lực lượng đối lập nào đủ sức đối đầu trực diện với Putin. Các đối thủ chính trị đều bị giết (như Boris Nemtsov, người bị ám sát vào năm 2015); hoặc bị tống vào tù (như Alexei Navalny, người bị giam từ Tháng Một 2021 và gần đây bị tuyên án thêm chín năm). Nếu không bị giết hoặc tù thì phải sống lưu vong (như Vladimir Milov, cựu Thứ trưởng Năng lượng; Sergei Aleksashenko, cựu Thứ trưởng Tài chính; Andrei Kozyrev, cựu Ngoại trưởng).

 

Nếu có vụ nào do quân đội gây ra nhốn nháo chính trường thì phải kể đến vụ năm 2005, khi Vladimir Kvachkov, một Đại tá quân báo về hưu, mưu sát Anatoly Chubais, nhà kinh tế học được xem là cha đẻ của chương trình tư nhân hóa thập niên 1990. Chubais lúc đó là cánh tay mặt của Putin. 9g30 sáng ngày 16 Tháng Ba 2005, khi chiếc limousine BMW chở Chubais chạy đến Tây Moscow, một quả bom cài bên đường nổ tung, khoét một lỗ toang hoác ở vỉa hè. Hai tay súng vận quân phục lao ra rỉa liên thanh vào xe khi tài xế của Chubais hoảng hốt đạp ga phóng chạy.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-92736181.jpg

Vladimir Kvachkov (ảnh: Konstantin Zavrazhin/Getty Images)

 

Sau khi một hồi đọ súng với an ninh (đi sau hộ tống chiếc BMW), hai tay súng phóng biến vào rừng. Không ai bị thương. Kết quả, Vladimir Kvachkov bị tống vào tù. Khi được trả tự do, Kvachkov tiếp tục tham chính nhưng không đi đến đâu. Đương sự có lần bị FSB bắt giam. Chẳng ai còn nhớ Kvachkov, trừ vài ông lính già Hồng quân, những người tin rằng Liên Xô đã bị tiêu diệt do một âm mưu của người Do Thái.

 

KGB-FSB giám sát quân đội như thế nào?

 

Trên thực tế, Nga nói riêng và Liên Xô nói chung có một truyền thống lịch sử về việc an ninh mật giám sát quân đội. Từ năm 1918, không đầy một năm sau cuộc Cách mạng Bolshevik, Cheka, tiền thân KGB, đã thành lập một đơn vị chuyên “xử lý” những kẻ bất đồng trong quân đội. Thời Stalin, quân đội vẫn luôn nằm trong tầm ngắm mật vụ. Sự cảnh giác này tiếp tục được duy trì thời những người kế nhiệm Stalin. Mọi sư đoàn quân đội đều có chi bộ Đảng Cộng sản. KGB thậm chí thành lập một lực lượng phản gián qui mô chuyên theo dõi quân đội. Khi Liên Xô sụp đổ, KGB được tái cơ cấu thành FSB, và quân đội vẫn nằm dưới sự giám sát FSB.

 

Từ khi lên nắm quyền, Putin mở rộng quyền hạn FSB để theo dõi bất kỳ biến động đáng ngờ nào trong hàng ngũ quân đội. Đầu năm 2000, khi mới chỉ là Quyền tổng thống, Putin đã thông qua loạt quy định mới mở rộng hoạt động phản gián của FSB trong quân đội. FSB được quyền điều tra bất kỳ “sự hình thành các nhóm vũ trang bất hợp pháp, các nhóm tội phạm và các cá nhân và hiệp hội công cộng” có thể đang tìm kiếm “sự thay đổi bằng giải pháp bạo lực nhắm vào hệ thống chính trị Liên bang Nga và âm mưu thực hiện các hành vi bạo lực chiếm giữ hoặc hành vi bạo lực duy trì quyền lực”. Năm 2004, đơn vị phản gián quân đội của FSB được nâng cấp thành cơ quan cấp bộ; và không lâu sau, nó trở thành bộ phận lớn nhất FSB, với nhan nhản đặc vụ được rải trong quân đội Nga.

 

Đến nay, chẳng ngóc ngách nào trong quân đội Nga mà không có mật vụ FSB. Thậm chí người ta qui định cụ thể cần bao nhiêu mật vụ FSB cho một đơn vị quân đội và cho mỗi binh chủng. Một thí dụ: Một căn cứ không quân nhỏ chỉ có sáu máy bay và vài chục trực thăng của Lực lượng Vệ binh Quốc gia ở Ermolino (thuộc vùng Kaluga) đang được được giám sát bởi giám đốc FSB địa phương cùng hơn 20 mật vụ và 16 địa chỉ liên lạc mật trong lực lượng nhân sự của căn cứ – theo Foreign Affairs ngày 11-4-2022.

 

Thế hệ sĩ quan trẻ FSB có thể sống chết với Putin, nhưng…

 

Trong cuộc chiến Ukraine, vai trò chính thức FSB là bảo đảm rằng quân đội Nga không bị phá hoại hoặc bị tấn công từ phía sau. FSB cũng chịu trách nhiệm thiết lập quyền kiểm soát chính trị đối với các lãnh thổ bị chiếm, bao gồm các thành phố và khu vực rơi vào sự kiểm soát của Nga. Dĩ nhiên FSB luôn để mắt đến các sĩ quan quân đội. Với sự giám sát như vậy, quân đội Nga khó lòng dựng lên một cuộc nổi dậy. Nói cách khác, gần như không có khả năng quân đội tổ chức đảo chính Putin. Nếu ai có thể đâm sau lưng Putin thì chỉ có thể là những người cấp cao nhất trong FSB và những siloviki nói chung.

 

Vài tháng nay đã có hàng chục sĩ quan FSB bị bỏ tù vì tội tham nhũng và phản quốc (liên quan cáo buộc làm gián điệp cho Mỹ). Trong hầu hết trường hợp, họ bị bộ phận an ninh nội bộ FSB điều tra và bắt giữ. Khó có thể biết chính xác kẻ bị buộc tội là có tội hay là nạn nhân của trò chặt chém tranh giành quyền lực và quyền lợi. Kết quả, từ lâu đã có một văn hóa nghi ngờ phổ biến trong FSB: Các sĩ quan cấp trung không tin bọn tướng và các tướng thì luôn nghi ngờ thuộc cấp. Người ta vẫn còn nhớ vụ đảo chính năm 1991 của sếp KGB Vladimir Kryuchkov nhằm lật đổ Mikhail Gorbachev. Vụ đảo chính đã thất bại vì đám sĩ quan KGB ngồi xem “diễn biến thời cuộc” hơn là cùng tham gia với Kryuchkov.

 

Với thế hệ sĩ quan FSB hiện tại, ở độ tuổi 30 và 40, họ chẳng biết tổng thống nào khác ngoài Vladimir Putin; và tất cả đều “trưởng thành” dưới thời Giám đốc FSB Aleksandr Bortnikov (lãnh đạo từ năm 2008). Họ hoàn toàn tương phản và khác biệt với thế hệ thập niên 1990 khi sự thăng tiến trong FSB liên quan chặt chẽ những biến động nội chính và những nhóm chính trị triệt hạ nhau tranh giành quyền lực. Các sĩ quan FSB thế hệ hiện tại chỉ phục vụ một tổng thống. Chúng trung thành với Putin và sẵn sàng loại bỏ một cách tàn bạo tất cả kẻ nào dám chống “tổng thống của mình”. Sự ban phát của cải và địa vị từ Putin càng khiến họ trở thành bầy tôi trung thành với “Sa hoàng” Putin.

 

Tuy nhiên, “thời bình” là như vậy. Bây giờ là giai đoạn hỗn mang. Putin đang trở thành kẻ thù của thế giới. FSB nói riêng và siloviki nói chung là những kẻ tàn nhẫn và vô lương tâm khi bảo vệ lợi ích cá nhân. Họ chỉ trung thành khi hệ thống còn mang lại cho họ quyền lợi. Bất luận cuộc chiến Ukraine bao lâu, sự khủng hoảng kinh tế do bị bao vây bởi lưới cấm vận quốc tế chắc chắn kéo dài kể cả sau khi chiến tranh chấm dứt. Siloviki phải nhìn lại rằng họ bảo vệ ai và tại sao họ cần bảo vệ một Kremlin đang mất quyền kiểm soát đất nước và chính Putin cũng không thể tự bảo vệ trước đòn tấn công dữ dội của thế giới. Putin càng bắt bớ và thanh trừng thì càng mang đến cảm giác bất an trong siloviki, cho đến một lúc, họ thấy rằng họ cần ra tay trước, theo cách như chính “bậc thầy” Putin luôn đi trước một bước đối với các đối thủ suốt nhiều thập niên qua.

 

8 siloviki cộm cán nhất của Putin

 

1/ Sergey Shoigu, 66 tuổi, Đại tướng Lục quân kiêm Bộ trưởng Quốc phòng: Trở thành Bộ trưởng Các tình huống khẩn cấp vào thập niên 1990, Shoigu được phong “Anh hùng Liên bang Nga” trước khi trở thành bộ trưởng quốc phòng năm 2012. Ông được tái bổ nhiệm vào năm 2018 và 2020.

 

2/ Igor Sechin, 61 tuổi, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Rosneft: Một bức điện từ Đại sứ quán Mỹ bị rò rỉ gọi Sechin là “hồng y xám của Kremlin”. Nhân vật này đứng đầu công ty dầu khí nhà nước Rosneft và được xem là một trong những siloviki thân cận nhất của Putin. Sechin xuất thân từ Leningrad, nay là Saint Petersburg, ngồi ghế Phó thủ tướng từ năm 2008 đến năm 2012 sau khi giữ chức phó chánh văn phòng của Putin năm 2000.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1148266479.jpg

Igor Sechin (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

 

3/ Nikolai Patrushev, 70 tuổi, Thư ký Hội đồng An ninh: Đây là một trong những nhân vật diều hâu số một Kremlin. Được mô tả là người quyền lực thứ hai ở Nga, Patrushev sinh ra ở Leningrad và bắt đầu tham chính thời Liên Xô cũ. Gia nhập KGB thập niên 1970, ông trở thành Phó giám đốc FSB năm 1998 và Giám đốc FSB một năm sau. Năm 2008, ông được bổ nhiệm làm Thư ký Hội đồng An ninh Nga.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1186235571.jpg

Nikolai Patrushev (ảnh: Xinhua/Li Tao via Getty Images)

 

4/ Alexander Bortnikov, 70 tuổi, Giám đốc FSB: Được bổ nhiệm làm Giám đốc FSB vào năm 2008, Bortnikov chịu trách nhiệm cai quản mạng lưới đặc vụ khổng lồ kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống, giúp củng cố sự kìm kẹp của Putin trên nước Nga.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1169606396.jpg

Alexander Bortnikov (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

 

5/ Sergey Naryshkin, 67 tuổi, Giám đốc Cơ quan Tình báo Nước ngoài: Là một nhà kinh tế và kỹ sư, Naryshkin học tại Trường Cán bộ Cấp cao KGB cùng với Putin và được bổ nhiệm làm người đứng đầu bộ phận tình báo đối ngoại vào năm 2016.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1237437154.jpg

Sergei Naryshkin (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

 

6/ Sergey Ivanov, 69 tuổi, Đại diện Đặc biệt của tổng thống: Nhân vật này rất thân Putin, từng ngồi ghế Bộ trưởng Quốc phòng năm 2001. Sergey Ivanov thuộc nhóm diều hâu sẵn sàng “chơi” vũ khí hạt nhân nếu thấy cần.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-618809450.jpg

Sergey Ivanov (ảnh: Albin Lohr-Jones/Pacific Press/LightRocket via Getty Images)

 

7/ Dmitry Rogozin, 58 tuổi, Tổng giám đốc Cơ quan vũ trụ Roscosmos: Từng là Phó thủ tướng kiêm Đại sứ tại NATO, Rogozin được bổ nhiệm đứng đầu Roscosmos vào năm 2018. Luôn bảo vệ mạnh mẽ cộng đồng thiểu số Nga ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, Dmitry Rogozin ủng hộ mạnh chính sách can thiệp bằng bạo lực. Năm 2015, đương sự từng nói rằng “xe tăng không cần thị thực”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1237092089.jpg

Dmitry Rogozin (ảnh: Pavel Pavlov/Anadolu Agency via Getty Images)

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1232786415.jpg

Vyacheslav Volodin (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images)

 

8/ Vyacheslav Volodin, 58 tuổi, Chủ tịch Duma Quốc gia: Volodin là Nghị sĩ Hạ viện và là cựu Phó thủ tướng. Là một trong những siloviki thế hệ mới, Volodin từng là cựu trợ lý của Putin; đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử gần đây nhất của Putin. Volodin có lúc được xem là người có khả năng kế nhiệm nếu Putin từ chức.

____________

 

Putin thanh trừng nội bộ

 

Làm thế nào để đảo chính Putin?

 

Làm sao có thể “nói chuyện phải quấy” với một tay trùm dối trá?

 

Ngày Sa hoàng bị đánh vỡ đầu





No comments:

Post a Comment

View My Stats