Thursday, 3 February 2022

CĂNG THẲNG UKRAINE : TRUNG QUỐC MUỐN GÌ TỪ CUỘC KHỦNG HOẢNG GIỮA KIEV VÀ MOSCOW? (Tessa Wong - BBC News)

 



Căng thẳng Ukraine: TQ muốn gì từ cuộc khủng hoảng giữa Kiev và Moscow?

Tessa Wong

BBC News

03/02/2022

https://www.bbc.com/vietnamese/world-60231785

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0D17/production/_123115330_12160428-8d65-48b9-94f4-a4e75cb8b0b1.jpg.webp

Ông Tập (bên phải, hình chụp 2019) từng gọi ông Putin la 'bạn thân'

 

Vào lúc cuộc khẩu chiến giữa Hoa Kỳ và Nga ngày càng lớn hơn quanh chuyện Ukraine, một nhân tố chính trên trường quốc tế cũng lên tiếng mạnh mẽ: Trung Quốc.

 

Trong những ngày gần đây, Bắc Kinh kêu gọi cả hai bên bình tĩnh và chấm dứt đòn tâm lý Chiến tranh Lạnh, đồng thời nói rõ rằng họ ủng hộ những quan ngại của Moscow.

 

Nga-Ukraine: Nato là gì và tại sao Nga không tin tưởng?

Căng thẳng Ukraine: Putin nói Mỹ cố lôi kéo Nga vào chiến tranh

Thủ tướng Anh tới Kyiv, viện trợ cho Ukraine 88 triệu bảng

 

Rõ ràng là Trung Quốc sẽ đứng về phía Nga, đồng minh lâu năm, cũng là đồng chí cũ trong khối Cộng sản. Nhưng làm thế nào và vì sao vấn đề này lại đang đi sâu hơn, xa hơn so lịch sử trước đây?

 

'Trung Quốc và Nga bảo vệ thế giới'

 

Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi những lo ngại về an ninh của Nga là "chính đáng", và nói những lo ngại đó cần được "xem xét và giải quyết một cách nghiêm túc".

 

Hôm thứ Hai, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, Trương Quân, đã đi xa hơn và nói thẳng thừng rằng Trung Quốc không đồng ý với các tuyên bố của Hoa Kỳ, theo đó cho rằng Nga đang đe dọa hòa bình quốc tế.

 

Ông Trương cũng chỉ trích việc Hoa Kỳ triệu tập cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ông ví hành động này là "ngoại giao qua loa", điều sẽ "không có lợi" cho các cuộc đàm phán.

 

Với những gì được thể hiện trong bài phát biểu ngoại giao, Trung Quốc cho thấy đường lối chính thức của họ đối với cuộc khủng hoảng này là tỏ ra thận trọng, thôi ủng hộ Nga sử dụng vũ lực đối với quốc gia láng giềng thuộc Liên Xô cũ.

 

Xảy ra đúng vào thời điểm tâm lý bài phương Tây đang bùng lên ở Trung Quốc, cuộc khủng hoảng Ukraine được coi như một ví dụ nữa về những thất bại của phương Tây.

 

Theo quan điểm của Trung Quốc, chính Nato do Hoa Kỳ lãnh đạo mới là kẻ bắt nạt khi từ chối tôn trọng quyền chủ quyền của các quốc gia khác như Nga và Trung Quốc trong việc bảo vệ lãnh thổ của họ.

 

Tờ Hoàn cầu Thời báo nói đây là "mối quan hệ chặt chẽ và gắn bó hơn bao giờ hết giữa Trung Quốc và Nga, [là] lớp phòng thủ cuối cùng bảo vệ trật tự thế giới", trong khi một tường thuật của Tân Hoa xã nói rằng Hoa Kỳ đang cố "chuyển hướng sự chú ý trong nước" và "làm hồi sinh tầm ảnh hưởng của mình đối với châu Âu".

 

Giám đốc chính sách của Viện Brookings, Jessica Brandt lưu ý rằng một số lời khoa trương này đã được tung ra bằng nhiều ngôn ngữ trên Twitter (vốn bị cấm ở Trung Quốc), trong nỗ lực nhằm định hình cách mà cả thế giới nhìn vào Hoa Kỳ và Nato.

 

"Tôi nghĩ mục tiêu ở đây là làm suy yếu quyền lực mềm của Hoa Kỳ, làm hoen ố uy tín và sức hấp dẫn của các thể chế tự do, cũng như làm mất uy tín của truyền thông cởi mở," bà nói với BBC, và nói thêm rằng đây là một ví dụ về cách Bắc Kinh "thường xuyên khuếch đại các luận điểm của Điện Kremlin về Ukraine" khi chúng phù hợp với lợi ích của Trung Quốc.

 

Mục tiêu chung, kẻ thù chung

 

Một số chuyên gia tin rằng Trung Quốc và Nga ngày nay đã gần gũi - có lẽ gần hơn bao giờ hết kể từ thời Stalin và Mao.

 

Cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014 ở Ukraine được coi là đã đẩy Nga tiến gần hơn vào vòng tay Trung Quốc, quốc gia đã đề nghị hỗ trợ kinh tế và ngoại giao cho Moscow trong bối cảnh quốc tế bị cô lập.

 

Kể từ đó, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng tốt lên.

 

Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong nhiều năm, với thương mại song phương đạt mức cao mới là 147 tỷ USD vào năm ngoái. Hai nước cũng đã ký một lộ trình quan hệ quân sự chặt chẽ hơn hồi năm ngoái trong khi đẩy mạnh các cuộc tập trận chung.

 

Hôm thứ Sáu, ông Vladimir Putin lên đường tới Bắc Kinh để tham dự Thế vận hội Mùa đông theo lời mời của ông Tập Cận Bình. Hai ông sẽ có một cuộc họp được mọi người theo dõi sát sao, là sự kiện sẽ khiến ông Putin trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của một cường quốc thế giới gặp trực tiếp ông Tập trong hai năm qua.

 

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từ chối công du nước ngoài và ít gặp gỡ người ngoài kể từ khi đại dịch bắt đầu.

 

Tuy nhiên, điều quan trọng là cả hai nước hiện đều có mối quan hệ đặc biệt căng thẳng với phương Tây.

 

"Bắc Kinh và Moscow nhận thấy họ có lợi ích chung trong việc đẩy lùi Hoa Kỳ và châu Âu, và trong việc giành được về cho mình vai trò lớn hơn trong chính trị quốc tế," Chris Miller, phó giáo sư lịch sử quốc tế tại Đại học Tufts, nói.

 

Trong trường hợp xảy ra tình trạng xung đột leo thang dẫn đến các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, các chuyên gia tin rằng Trung Quốc có khả năng sẽ viện trợ kinh tế cho Nga giống như trước đây.

 

Điều này có thể gồm cả việc cung cấp các hệ thống thanh toán thay thế, cấp khoản vay cho các ngân hàng và công ty Nga, mua thêm dầu lửa từ Nga, hoặc thậm chí từ chối hoàn toàn các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9025/production/_123110963_gettyimages-1237953339.jpg.webp

Phương Tây cảnh báo sẽ có thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga nếu Moscow xâm chiếm Ukraine

 

Tuy nhiên, tất cả những điều này sẽ phải trả một cái giá tài chính đáng kể đối với Trung Quốc - và đó là một lý khiến các chuyên gia tin rằng, hiện tại, việc lên tiếng ủng hộ đường lối của Moscow là mức xa nhất Bắc Kinh sẽ làm. "Ủng hộ Nga chỉ bằng những lời lẽ hùng hồn suông sẽ ít gây tốn phí cho Bắc Kinh," Tiến sĩ Miller nói.

 

Một cuộc xung đột quân sự ở Ukraine sẽ khiến Mỹ mất tập trung, và điều này chắc chắn sẽ có lợi cho Trung Quốc. Nhưng nhiều nhà quan sát tin Bắc Kinh khi Bắc Kinh nói họ không muốn chiến tranh.

 

Bonnie Glaser, giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Marshall của Đức, chỉ ra rằng Trung Quốc đang tìm cách ổn định quan hệ với Hoa Kỳ ngay bây giờ. Bà nói với BBC, nếu Bắc Kinh hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho Moscow thì điều đó "có thể gây thêm căng thẳng với Mỹ".

 

Nhà khoa học chính trị Minxin Pei trong một bài viết gần đây nói rằng Bắc Kinh cũng có khả năng muốn "tự bảo hiểm ván đánh cược của mình" trong cuộc khủng hoảng, vì nước này đang cảnh giác với ý định thực sự của Moscow.

 

Hơn nữa, việc hậu thuẫn nhiều hơn nữa cho Nga có thể gây phản cảm đối với EU, đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, và điều đó có thể gây ra "phản ứng phản tác dụng từ châu Âu".

 

Giáo sư Pei cho rằng việc này có thể dẫn đến việc trao hỗ trợ cho Đài Loan - mối quan ngại vốn đã xuất hiện bên lề cuộc khủng hoảng Ukraine.

 

'Đài Loan không phải là Ukraine'

 

Một số người ở Mỹ, cũng như các cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới, đang theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột Ukraine và coi đây như phép thử tiềm năng đối với lòng trung thành của Hoa Kỳ đối với các đồng minh của mình.

 

Tác động của cuộc xung đột Trung-Đài tới thế giới

Reuters: Trung Quốc và sáu kịch bản 'bao vây hoặc tiến chiếm' Đài Loan

Vụ VTV cắt tiếng quốc ca Đài Loan trận bóng giải U23 nói lên điều gì?

 

Nhiều người đang đặt câu hỏi liệu Mỹ có can thiệp quân sự hay không nếu Nga xâm lược Ukraine - và liệu họ có làm như vậy không nếu một ngày nào đó Trung Quốc cố gắng chiếm lại Đài Loan, hòn đảo coi mình là một quốc gia độc lập và coi Mỹ là đồng minh lớn nhất.

 

Câu hỏi về việc liệu Hoa Kỳ có gây chiến với Trung Quốc vì Đài Loan hay không là một mối quan ngại chính đáng ở châu Á, khi mà sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng nóng lên và khi Đài Loan báo cáo ngày càng xảy ra nhiều hơn các vụ máy bay chiến đấu Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không mà Đài Loan tự tuyên bố.

 

Hoa Kỳ đã cố tình không nói rõ về việc họ thực sự sẽ làm những gì trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công như vậy.

 

Hoa Kỳ có một đạo luật theo đó quy định nước này phải giúp Đài Loan tự vệ, nhưng đồng thời Washington về mặt ngoại giao cũng thừa nhận chính sách Một Trung Quốc mà Bắc Kinh đưa ra, theo đó nói chỉ tồn tại duy nhất một chính phủ Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia bác bỏ những điểm tương đồng giữa Đài Loan và Ukraine, và chỉ ra rằng hai tình huống bị chi phối bởi các mối quan tâm địa chính trị hoàn toàn khác nhau.

Họ chỉ ra rằng Hoa Kỳ có quan hệ lịch sử sâu sắc hơn nhiều với Đài Loan, và coi đây là cơ sở cốt lõi trong chiến lược tư tưởng, ngoại giao và quân sự của Mỹ đối với châu Á.

 

"Trung Quốc không phải là Nga, và Đài Loan không phải là Ukraine. Hoa Kỳ có nhiều thứ với Đài Loan hơn là với Ukraine," bà Glaser nói.

 

----------------------

 

TIN LIÊN QUAN

 

Căng thẳng Ukraine: Mỹ đưa thêm quân tới Ba Lan, Đức và Romania

3 tháng 2 năm 2022

.

Tác động chính trị, quân sự, kinh tế của cuộc xung đột Trung-Đài tới thế giới

13 tháng 1 năm 2022

.

Reuters: 'Sáu kịch bản của Trung Quốc với Đài Loan' đều dẫn tới đại khủng hoảng

8 tháng 11 năm 2021

.

Truyền thông Nga: Ukraine chuẩn bị tấn công chứ không phải Nga

28 tháng 1 năm 2022

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats