Wednesday, 5 January 2022

ĐÒN ROI & QUYỀN LỰC (Hiệu Minh)

 


ĐÒN ROI & QUYỀN LỰC  

Hiệu Minh  (Giang Công Thế)

04/01/2022  23:18   

https://www.facebook.com/giang.the.50767/posts/424666162671509

 

Như các báo đưa tin, mới đây một em bé 8 tuổi bị vợ chưa cưới của cha mình hành hạ dã man đến tử vong. Đây không phải là vụ đầu tiên hay cuối cùng về hành hạ trẻ ở xứ ta.

 

Tôi nhớ năm 2009 từng viết bài về cháu bé khác có bố mẹ li dị ở với mợ, bị bà này lôi lên tầng 2, khoá trái cửa, dùng cán chổi bằng sắt để đánh đập dã man chỉ vì cháu lấy 48.000đ.

 

Thật kỳ lạ, sau đó có thăm dò dư luận trên Vietnamnet: Có nên đưa đòn roi vào giáo dục học sinh? Gần 80% ý kiến đồng ý với phương án: Có thể.

 

Nếu hôm nay tin cháu 8 tuổi bị đánh tử vong được đưa trước thăm dò thì có thể kết quả đã khác. Việc dùng đòn roi để đánh đập trẻ nhỏ, dù ở trường, tại gia đình hay ngoài xã hội cần phải lên án. Những kẻ tàn nhẫn đó cần bị pháp luật trừng trị.

 

Hỡi 80% số người trả lời “có thể”, hãy xem những vụ bạo hành trẻ và hy vọng các vị sẽ thay đổi ý kiến. Vì một hôm nào đó, con cháu của các vị, hay chính các vị, có thể bị bạo lực đe dọa.

 

Theo những người đồng ý dùng roi, dân tộc mình có truyền thống dạy trẻ rất…đặc biệt. Nhưng lạ, họ không dám dạy người lớn như thế, vì sợ bị choảng lại. Hóa ra, người ta đánh trẻ vì chúng yếu hơn, muốn nó nghe lời, bất luận phải và hay trái.

 

Bố mẹ đánh con, ông bà phát mông cháu, mợ đạp cháu, anh choảng em. Dọa nạt và tiếp theo là bạo lực để giải quyết mọi chuyện tranh chấp cho nhanh. Khuyên bảo làm gì cho mất thời gian và công sức. Trong bạo lực kẻ nào mạnh sẽ thắng. Đứa trẻ yếu thế, mồm miệng không đỡ được chân tay nên phải chịu đòn.

 

Đứa bé không chịu ăn rau xanh, bà mẹ trừng mắt “Có nuốt không thì bảo” và đứng dậy tìm cái roi. Thằng cu nước mắt ngắn dài, nuốt ngọn rau, nghẹn ở cổ mà không hiểu tại sao con người ta sinh ra lại phải ăn cái thứ mình không thích. Cháu sẽ nhớ ngọn rau muống, đôi mắt vằn đỏ của người mẹ và cái roi vun vút trong suốt cuộc đời còn lại.

 

Thầy cô ở trường cũng chả hơn gì. Học lớp hai, lớp 3, trẻ con rất hiếu động mà bắt chúng khoanh tay để lên bàn suốt 45 phút để nghe “giáo sư” lải nhải. Đứa nào nói chuyện có thể bị quật thước, đuổi ra ngoài, phạt tường hay bị xỉ nhục.

 

Về nhà chơi, nghịch ngợm bị ông bà dọa ma, ba bị và xa hơn là gọi công an đến bắt.

 

Kể ra thì vô vàn. Nhiều người cảm thấy hạnh phúc khoe “đánh thằng con lằn mông, cả tuần chưa hết sợ”. Cô vợ dì ghẻ nếu không bị pháp luật sờ gáy, chắc chắn sẽ tự hào vì cách dạy đứa con chồng.

 

Đối xử vô nhân đạo với trẻ nhỏ bằng đòn roi nhưng ra ngoài đời chính những người ấy lại “nhân đạo” với người lớn bằng cách tha thứ, chín bỏ làm mười.

 

Người lớn mắc lỗi gì đó được khuyên bảo, đưa ra tổ phường góp ý, phê bình, hội Phụ nữ, đoàn Thanh niên đến nhà phân giải.

 

Khi bị đưa ra tòa, không xử theo pháp luật mà dựa vào nhân thân, có cống hiến, có lý lịch tốt, và kể cả…thân nhân. Cấp càng cao càng được ưu ái mà lẽ ra phải làm ngược lại. Cầm cân nẩy mực, hiểu rõ pháp luật mà vẫn cố tình phạm tội, lẽ ra phải phạt nặng nhiều lần.

 

Ở phương Tây làm khác chúng ta. Trẻ em là búp trên cành, cần được nâng niu. Chỉ có thể khuyên bảo chúng. Dùng đòn roi, dọa nạt là phạm luật.

 

Người lớn phạm tội thì tòa giở sách, tìm khung hình phạt và tuyên án. Không có chuyện vì làm tổng thống hay thủ tướng, có cống hiến tốt mà được bỏ qua hay khoan hồng.

 

Đứa trẻ được giáo dục và sống trong môi trường yêu thương của đồng loại, lớn lên cũng sẽ biết yêu thương, lớn lên sẽ dạy con như đã từng được dạy ở tuổi ở ấu thơ. Bị bố mẹ đánh thì sau này cũng bắt chước đánh con.

 

Bị đòn roi từ bé, đứa trẻ với “ngọn rau muống đầu đời nuốt không trôi”, lớn lên làm lãnh đạo, sẽ ít thay đổi về tư duy bạo lực vì những dư chấn tâm lý thời thơ ấu, bắt người khác yêu cái thứ mình thích. Ai dưới quyền không nghe thì tìm cách dọa nạt, khống chế, xử lý và làm cho suốt đời không ngóc đầu lên được. Vì thế mới có chuyện thích dọa dẫm nhau bằng cách gọi công an.

 

Một khi dùng đòn roi để dọa dẫm, chứng minh quyền lực, chính bản thân sẽ bị bạo lực ngoài đời đổ lên đầu, bị kẻ khác lạm quyền chèn ép.

 

Chỉ khi nào quyền trẻ em được đảm bảo như Việt Nam đã ký kết với quốc tế, người lớn “pháp luật thượng tôn”, mới mong quan không nạt nộ dân, dân không dám đánh đập con cháu, và dân tộc này mới hết đòi “xử lý” lẫn nhau.

 

Muốn xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đất nước phồn vinh, hãy bắt đầu đơn giản với môi trường giáo dục phi bạo lực ở mọi nơi, mọi lúc.

 

Quyền lực sinh ra từ đe dọa, đòn roi, sẽ là thứ quyền lực bị tha hóa.

 

Hiệu Minh.

 

.

70 BÌNH LUẬN  




No comments:

Post a Comment

View My Stats