Nông
sản tắc ở biên giới Việt – Trung: Xuất khẩu “tiểu ngạch” là thủ phạm chính
Trọng
Thành -
RFI
Đăng ngày: 09/01/2022 - 22:23
Ngày 07/01/2022, tỉnh Quảng Tây Trung Quốc cho mở
thêm một cửa khẩu, để tăng tốc thông quan, giảm lượng xe nông sản Việt Nam bị tắc
nghẽn từ nhiều tuần nay, do chính sách siết chặt phòng dịch của Trung Quốc. Việt
Nam lo ngại hàng không giải tỏa hết trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đây cũng
là dịp để chính phủ Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh đến nguyên nhân sâu xa: buôn
bán “tiểu ngạch”, chiếm tỉ trọng quá lớn trong thương mại với Trung Quốc.
Xe hàng chờ thông
quan tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan, Lạng Sơn. Ảnh chụp tháng 2/2020. ©
REUTERS/Kham
Theo Courrier du Vietnam, cửa khẩu Bình Mãng
(tỉnh Quảng Tây) đối diện với cửa khẩu Sóc Giang (tỉnh Cao Bằng) đã được mở lại.
Cặp cửa khẩu Bình Mãng/Sóc Giang là một trong 6 cửa khẩu chính, và là một trong
76 cửa khẩu, lối mở trên đường biên giới Việt – Trung. Với cửa khẩu Sóc Giang,
theo thứ trưởng bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, tính
đến ngày 08/01, tổng cộng mới có 10 trên tổng số 76 cửa khẩu, lối mở biên giới
trở lại hoạt động.
Hy vọng giải tỏa hết
hàng trước Tết
Báo chí trong nước cho hay, trong cuộc họp của
chính phủ Việt Nam về tình hình xử lý hàng ùn tắc ở các cửa khẩu biên giới phía
Bắc, ngày 08/01 số lượng xe tải chờ xuất hàng sang biên giới vẫn còn hơn 3.600,
giảm khoảng 2.500 xe so với thời gian cao điểm vào cuối năm ngoái. Trong đó nhiều
nhất là tại hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, 2.015 chiếc và 1.260 chiếc. Lãnh đạo
tỉnh Lạng Sơn hy vọng, với tốc độ thông quan hiện tại từ 80-100 xe mỗi ngày, dự
kiến đến Tết, tất cả số xe tồn đọng sẽ qua được biên giới.
Trở lại với vấn đề nguyên nhân. Cho dù mức độ
tắc nghẽn hàng hoá của năm nay được đánh giá là nghiêm trọng hiếm thấy, với lý
do chính thức là phía Trung Quốc siết chặt các quy định phòng chống dịch
Covid-19, nhưng chính quyền Việt Nam cũng một lần nữa thừa nhận gốc rễ chính của
vấn đề là xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là qua đường “tiểu
ngạch”, khiến phía Việt Nam luôn bị đặt vào thế bị động. Tình trạng tắc nghẽn
hàng nông sản tại các cửa khẩu đã xảy ra liên tục nhiều năm nay.
Chính phủ Việt
Nam: Cần giảm mạnh xuất khẩu “tiểu ngạch”
Vốn là một loại hình buôn bán, trao đổi hàng
hóa giữa các cư dân vùng ven biên giới sau khi Việt Nam và Trung Quốc nối lại
quan hệ đầu thập niên 1990, buôn bán “tiểu ngạch” dần dần được
chính quyền Việt Nam chấp nhận như là một phương thức hoạt động “thương mại
qua biên giới” mang tính toàn quốc, cho dù theo luật, thương mại tiểu ngạch
vốn chỉ để phục vụ đời sống và các hoạt động kinh doanh nhỏ của cư dân vùng ven
biên giới. Loại hình buôn bán này mang lại một số lợi thế, như phải chịu thuế rất
thấp, thậm chí trốn thuế, hay thủ tục đơn giản hơn nhiều, đòi hỏi về chất lượng
thấp hơn nhiều. Tuy nhiên đi cùng cái lợi ngắn hạn này là những tổn hại
ghê gớm, trong đó có việc hàng hóa thường xuyên bị ách tắc, tùy theo chính sách
của chính quyền Trung Quốc, và thái độ của thương lái Trung Quốc.
Trong một cuộc họp với ngành Công Thương ngày
09/01, phó thủ tướng phụ trách kinh tế Lê Văn Thành nhấn mạnh là “không thể
xuất khẩu mãi sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch” (bài “Không thể xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch mãi”,
VnExpress, ngày 09/01/2021). Hiện
tại hàng “tiểu ngạch” chiếm đến 70% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang
Trung Quốc. Theo phó thủ tướng Lê Văn Thành, tỉ lệ quá lớn này “gây rủi
ro lớn cho người sản xuất”, đồng thời yêu cầu ngành Công Thương phối hợp với
ngành Nông Nghiệp tăng xuất khẩu chính ngạch, giảm xuất khẩu tiểu ngạch.
Các thị trường
tiêu chuẩn cao: Áp lực và cơ hội
Trước đó, hồi tháng 8/2021, bộ Công Thương đã
đề xuất mục tiêu giảm đến mức tối đa xuất khẩu tiểu ngạch trong thương mại biên
giới, để tiến tới “xoá bỏ” (bài “Tiến tới xóa bỏ xuất khẩu tiểu ngạch trong thương mại biên giới”,
báo chính phủ, 16/08/2021). Nhiều chuyên gia kinh tế đã liên tục lên tiếng về vấn
đề này. Kinh tế gia Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam,
nhận định: Thương mại “biên mậu (hay "thương mại tiểu ngạch") là
nhập nhèm giữa (thương mại) chính ngạch và buôn lậu” và “Chính sách
biên mậu là chính sách cực kỳ nguy hiểm, kéo cấu trúc kinh tế Việt Nam xuống rất
thấp” (bài “Rủi ro giao thương biên mậu”, báo Thanh Niên,
ngày 09/01/2015).
Các thỏa thuận thương mại với nhiều thị trường
lớn như EVFTA với châu Âu (có hiệu lực từ tháng 8/2020) hay
CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) (có hiệu lực
từ cuối 2018) mở ra cơ hội cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam. Và ngay cả các
tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn của thị trường nội địa 1,4 tỉ dân của Trung
Quốc gần đây, cùng với Hiệp định RCEP vừa có hiệu lực từ đầu năm 2022, cũng là
một áp lực chủ yếu buộc hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu phải sớm tìm cách
chia tay với thương mại “tiểu ngạch”.
--------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Việt
Nam : Hàng ngàn xe tải chở trái cây vẫn bị kẹt tại biên giới Trung Quốc
Buôn
lậu qua biên giới Trung Quốc: Chính quyền Việt Nam có thực sự muốn giải quyết?
Hiệp
định EVFTA mở đường chính ngạch cho vải thiều Việt Nam vào châu Âu
No comments:
Post a Comment