Cuộc
đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh
22/01/2022
https://www.luatkhoa.org/2022/01/cuoc-doi-cua-thien-su-thich-nhat-hanh/
“Tôi đi tu chỉ vì
tôi muốn dành trọn thì giờ của mình để giúp những người khác.”
Thiền sư Thích Nhất
Hạnh tại Làng Mai, nước Pháp vào năm 70 tuổi (1996). Ảnh: Simon Chaput
Thích Nhất Hạnh
Tên khai sinh: Nguyễn Xuân Bảo.
Năm 1926: Sinh tại làng Thành Trung, huyện Quảng
Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Năm 1942: Xuất gia tại chùa Từ Hiếu, tỉnh Thừa
Thiên – Huế, đây cũng là nơi ông sống những năm cuối đời.
Năm 1967: Được đề cử giải Nobel Hòa bình.
Năm 1982: Thành lập Làng Mai tại miền Nam nước
Pháp.
Năm 2018: Trở về an dưỡng tại tổ đình Từ Hiếu
cho đến lúc qua đời vào ngày 22/01/2022.
Lời
tòa soạn: Khi bắt đầu viết về thiền sư Thích Nhất Hạnh, chúng
tôi phát hiện ra nhiều ghi chép, phỏng vấn của ông về các giai đoạn cuộc đời và
quan điểm của mình. Ở một chừng mực nào đó, chúng tôi nghĩ rằng có thể tạo một
bài viết mà chính ông là người kể chuyện về cuộc đời của mình. Do đó, trong bài
viết này, chúng tôi sắp xếp các đoạn được trích từ nhiều nguồn khác nhau (phỏng
vấn, sách, thư, v.v.) ở những thời điểm khác nhau về cùng một giai đoạn hoạt động
nhất định. Các đoạn có dấu ngoặc kép trong bài là nguyên văn (hoặc được dịch từ
tiếng Anh) của ông. Các đoạn in nghiêng là chú thích của người viết về bối cảnh
ở từng thời kỳ. Độc giả có thể xem chi tiết hơn về các đoạn trích dẫn trong phần
chú thích.
Xuất gia tại chùa Từ Hiếu (1926 – 1949)
Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 trong một gia đình có
bố làm quan trong triều đình Huế.
“Tôi đi học tiểu học ở ngôi trường có chương
trình song ngữ tiếng Việt và tiếng Pháp. Chúng tôi cũng có một vài giờ học tiếng
Trung ở trường. Chúng tôi học tiếng Pháp. Tôi phải học lịch sử, địa lý bằng tiếng
Pháp. Và tôi cũng phải học lịch sử và địa lý Việt Nam bằng tiếng Việt nữa.
Chúng tôi biết về sự tồn tại của phong trào phản
kháng bí mật, chống lại người Pháp và chế độ thuộc địa. Tôi đã chứng kiến những
thanh niên, trai cũng như gái, bị bắt chỉ vì họ là thành viên của lực lượng
kháng chiến. Khi tôi lớn lên, tôi cũng chứng kiến những người đói ăn. Có một
khoảng thời gian mà mỗi buổi sáng thức dậy, tôi thấy rất nhiều xác chết trên đường
phố bởi vì người ta không có gì để ăn. Học sinh phải đi xin gạo. Và vào buổi
trưa, chúng tôi đến từng nhà xin từng bát cơm. Chúng tôi chia cơm thành từng
bát nhỏ hơn cho những người đang chết đói…” [1]
“Vào năm bảy hay tám tuổi, tôi được chiêm ngưỡng
hình vẽ Bụt trong một tập san về Phật giáo, người ngồi an nhiên trên cỏ, mỉm cười
và bình an hơn bất cứ ai xung quanh tôi lúc bấy giờ. Hình ảnh đó đã cuốn hút
tâm trí tôi ngay lập tức. Vì vậy mà tôi khao khát trở thành một nhà sư như Bụt.
Ban đầu, gia đình chưa sẵn sàng với ý định xuất
gia của tôi vì bố mẹ tôi nghĩ rằng cuộc đời tu hành rất vất vả. Tôi vẫn nuôi dưỡng
mong ước đó, và đến năm tôi 16 tuổi, gia đình đã cho phép tôi xuất gia [tại
chùa Từ Hiếu].
Tôi luôn cảm thấy mình sẽ không hạnh phúc nếu
không trở thành một thầy tu. Chúng tôi gọi cảm giác đó là tâm trí của người mới
bắt đầu (beginner’s mind) – một ý định sâu kín, một mong muốn sâu sắc nhất mà một
người có thể có. Và có thể nói rằng kể từ đó đến nay, tâm trí của người mới bắt
đầu ấy vẫn sống trong tôi.” [2]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image34.jpg
Thích Nhất Hạnh, 16
tuổi tại Huế khi vừa mới xuất gia. Ảnh: PVCEB.
“Khi còn là một chú tiểu mới mười sáu tuổi, thầy
tôi đã dạy tôi cách đóng cửa với sự chú tâm một trăm phần trăm. Một hôm thầy
sai tôi đi làm một việc. Tôi hăng hái, hấp tấp, đi nhanh ra và khép cửa vội
vàng.
Thầy kêu tôi lại: ‘Này con, con lại đây’.
Tôi trở lại, đứng vòng tay chờ.
Thầy tôi nói: ‘Con đi ra lại và khép cửa cho
đàng hoàng coi’.
Đó là bài học đầu tiên của tôi về thực tập
chánh niệm. Khi đó tôi đi ra trong chánh niệm, ý thức từng bước đi, nắm lấy
cánh cửa trong chánh niệm, và mở cửa trong chánh niệm. Kể từ đó thầy không còn
phải dạy tôi cách đóng cửa lần thứ hai.” [3]
“Tôi sống trong một ngôi chùa có không khí khá
giống như một gia đình. Sư phụ giống như một người cha và các thầy giống như những
người anh em lớn nhỏ của mình. Nó như một gia đình. Tôi không có ham muốn tạo dựng
gia đình, vì rõ ràng là tôi đã có thời gian hạnh phúc của một chú tiểu. Tôi hay
nói với các nhà sư và đệ tử trẻ của mình rằng nếu con thấy hạnh phúc trong hai
năm đầu đời đi tu thì thầy nghĩ rằng con sẽ còn hạnh phúc khi trở thành một nhà
sư.” [4]
“Ngày xuất gia và được thọ giới sa di, tôi được
trao pháp danh là Trừng Quang, pháp tự là Phùng Xuân. Phùng Xuân nghĩa là gặp
mùa xuân.” [5]
“Chúng tôi là sự nối tiếp của Bụt và chư tổ
sư, trong đó có Trúc Lâm đại sĩ, thiền sư Lâm Tế, thiền sư Liễu Quán và thiền
sư Nhất Định.” [6]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image1.jpg
Thích Nhất Hạnh vào
những năm 1950. Ảnh: PVCEB.
Rời Huế vào Sài
Gòn (1949 – 1955)
Sau ba năm thọ giới, Thích Nhất Hạnh được gửi vào Phật
Học Viện Báo Quốc. Chỉ một thời gian sau, ông cùng bạn đồng môn vào Sài Gòn để
tìm hiểu về triết học, văn học, ngoại ngữ, những thứ chưa được giảng dạy ở trường
Báo Quốc. [7]
Năm 25 tuổi (1951), Thích Nhất Hạnh thọ Tỳ-kheo trở
thành một tu sĩ Phật giáo. Tiếp đến, ông dạy thiền học và giảng dạy về đạo Phật
tại Phật Học Viện Ấn Quang ở Sài Gòn trong những năm 1950. Cũng từ đây, ông bắt
đầu công cuộc làm mới đạo Phật bằng các nghiên cứu, giảng dạy và viết sách trước
tình trạng đàn áp tôn giáo của chính quyền và sự suy thoái của Phật giáo. [8]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image36.jpg
Thích Nhất Hạnh,
ngoài cùng bên phải, chụp cùng những vị học tăng tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn. Ảnh:
PVCEB
“Chúng tôi đã đau khổ vì tình trạng chính trị
của đất nước. Chúng tôi lại càng đau khổ vì tình trạng của đạo Phật. Hồi ấy
chúng tôi đã nói tới vấn đề hiện đại hóa đạo Phật. Hồi ấy chúng tôi đã cố gắng
mọi cách gây ý thức về một nền Phật giáo dân tộc để phục hồi sinh lực dân tộc
trong ước vọng xây dựng xứ sở. Tôi đã làm báo, đã viết sách. Nào báo Hướng Thiện,
nào báo Liên Hoa, nào báo Sen Hái Đầu Mùa.”
Làm báo (1955 –
1959)
“Năm 1955, tôi được Tổng hội Phật giáo Việt
Nam giao cho chủ bút tờ Phật giáo Việt Nam. Lúc đó, tôi đã có dịp gây ý thức về
một nền Phật giáo nhân bản và dân tộc. Tôi cũng đã thấy rõ tính cách rời rạc
phân tán của tổ chức đạo Phật, nên đã cố gắng viết tất cả những gì tôi nghĩ về
một nền Phật giáo thống nhất toàn vẹn.
Hơn hai năm sau, tờ báo bị đình bản. Lý do là
hết tiền. Nhưng kỳ thực, đó là vì các nhà lãnh đạo Phật giáo miền Trung và miền
Nam không chịu đựng được những loạt bài nói về vấn đề thống nhất thực sự. Trong
một buổi họp, họ đã lấy cớ hết tiền để kết liễu sinh mệnh của tờ báo. Họ có
nói: ‘Ai lại tờ báo của Tổng hội mà đi dạy Tổng hội về vấn đề thống nhất bao giờ’.”
[9]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image33.jpg
Một trong những bài
viết trong số báo cuối cùng (số 28) của tờ Phật giáo Việt Nam, phát hành vào
tháng 4/1959. Số báo đầu tiên phát hành vào tháng 9/1956. Ảnh: Thư viện Hoa
Sen.
“Thế là chúng tôi mất khí giới cuối cùng.
Chính trị thì khôn ngoan, tìm đủ mọi cách cho tiềm lực dân tộc không có cơ hội
phát hiện. Tổ chức Phật giáo thì thủ cựu, chia rẽ. Chúng tôi, những người trẻ
tuổi, không có tiền bạc. Không có uy thế, không có một ‘miếng đất để cắm dùi’,
làm sao thực hiện được ước mộng? Sau một thời gian ốm đau tưởng chết, tôi rút về
nằm ở ngôi chùa nhỏ bé và an tĩnh ở Blao [Đà Lạt].” [10]
Đến Hoa Kỳ (1961 –
1963)
Không lâu sau đó, ông cùng những người bạn thành lập
Phương Bối, một chỗ tu tập và sống cuộc đời đạm bạc cách Sài Gòn hơn 180 cây số.
Nơi này chỉ tồn tại được một thời gian thì lại bị chính quyền đàn áp do nghi ngờ
dính líu đến các hoạt động chống chính quyền. Trước tình hình đó, Thích Nhất Hạnh
phải trốn về Sài Gòn để lánh nạn. Năm 1961, vì thời cuộc bức bối, ông sang Hoa
Kỳ nghiên cứu về Phật giáo ở Đại học Princeton rồi giảng dạy tại Đại học
Columbia.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image30.jpg
Quang cảnh hòa thượng
Thích Quảng Đức tự thiêu vào ngày 11/6/1963 tại Sài Gòn để phản đối chiến tranh
và chính sách đàn áp tôn giáo của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ảnh: Malcolm
Browne/ AP.
Mâu thuẫn giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm
lên đến đỉnh điểm vào năm 1963. Phật giáo phản kháng bằng nhiều cuộc biểu tình,
tự thiêu trên đường phố nhằm gây chú ý trước tình trạng đàn áp tôn giáo.
Thích Nhất Hạnh lúc này ở Mỹ cũng bắt đầu bận rộn với
việc vận động cho quyền tự do tôn giáo và chống chiến tranh ở quê nhà. Ông xuất
hiện trên truyền hình, gặp ký giả, dịch các tài liệu về vi phạm nhân quyền ở Việt
Nam, vận động các tổ chức quốc tế và Liên Hiệp Quốc can thiệp vào tình hình bi
đát ở nước nhà.
Dấn thân với các
hoạt động xã hội (1963 – 1966)
Sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát, Thích Nhất
Hạnh trở về Sài Gòn vào tháng 12/1963 theo lời mời của Tổng hội Phật Giáo Việt
Nam.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image27.jpg
Người dân tại bến Bạch
Đằng, Sài Gòn năm 1963. Ảnh: Marv Godner.
“Dọc theo con đường dài từ phi trường Tân Sơn
Nhất về nhà, tôi chứng kiến lại một cách hiện thực tình trạng chậm tiến của xứ
sở này. Những dãy nhà còn lụp xụp ngổn ngang, đầy nhóc những người, những bác
xa phu cong lưng đạp xích lô, mồ hôi nhễ nhại.
Dân nông thôn đã đổ xô lên Sài Gòn quá nhiều.
Chắc chắn là vùng quê ít chỗ có được an ninh. Những hình ảnh đó khiến tôi nao
nao. Việt Nam đang ở trong một giai đoạn lịch sử quyết liệt. Không biết chúng
tôi có thể làm được cái gì để đóng góp vào trong cái hướng đi mới của một dân tộc
vừa thoát khỏi một chế độ độc tài hay không.” [11]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image11.jpg
Thích Nhất Hạnh vào
năm 1966. Ảnh: PVCEB.
“Xã hội chúng tôi đã bị phân hóa quá, bởi vì
chiến tranh […]. Ngày nay quần chúng nghi ngờ mọi thiện chí, mọi hứa hẹn. Chúng
tôi nhận thấy ngoài chất liệu tôn giáo, không còn có chất liệu nào có thể tạo dựng
được đoàn kết tính và xã hội tính.” [12]
“[…] trong hàng chục năm qua, người dân đã
nghe quá nhiều những hứa hẹn cải tiến xã hội nhưng nếp sống cơ cực vẫn hoàn cơ
cực. Thêm vào đó, chiến tranh làm cho ruộng vườn hư nát, làm cho cơ nghiệp sụp
đổ, làm cho an ninh bị đe dọa.
Người dân quê đã bị đánh lừa nhiều lần khiến họ
không còn tin tưởng ở một lời hứa hẹn đường mật nào nữa. Họ đã bị lợi dụng. Và
họ đã sợ hãi phần đông những người cán bộ mà họ tiếp nhận từ trung ương. Họ [những
cán bộ] chẳng làm được việc gì đáng kể. Họ chỉ tuyên truyền qua loa chính
quyền, và được đào tạo cấp bách, non nớt, không hiểu được tâm lý quần chúng,
không có tâm niệm phụng sự, họ nói và làm những điều phật ý nông dân.” [13]
“Người Mỹ đã tin tưởng quá ở mãnh lực đồng tiền
và chính phủ của ông Diệm, đã tin tưởng quá ở sức mạnh bạo lực.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image21.jpg
Một ấp chiến lược
vào năm 1961, nơi các hộ dân đang sống rải rác được tập trung vào một khu vực để
tránh các cuộc tấn công của Việt Cộng. Ảnh: AP.
Ấp chiến lược […] nhắm tới một mục tiêu quân sự
và chính trị chứ không nhắm tới mục tiêu xã hội. Chính vì thế mà những tuyên
truyền về cách mạng xã hội đều không được ai nghe theo. Chúng tôi thấy rõ điều
đó và đã quyết định với nhau rằng một phong trào dựng lại xứ sở cần được đặt
trên một căn bản hoàn toàn khác biệt. Chúng tôi muốn mở một mặt trận chống lại
nghèo đói, ngu dốt, bịnh tật và vô tổ chức.” [14]
“Tương lai đất nước chúng tôi tùy thuộc vào rất
nhiều ở những nỗ lực hiện tại để cải tiến xã hội nông thôn. Chủ quyền độc lập của
xứ sở chúng tôi […] chỉ có thể đảm bảo khi nào chúng tôi có thể đứng vững trên
hai chân của chúng tôi.” [15]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image24.jpg
Thích Nhất Hạnh dạy
trẻ em tập đọc bằng một bài hát về Quán Thế Âm Bồ Tát tại một làng tự nguyện những
năm 1960. Ảnh: PVCEB.
“Chúng tôi đã làm xong một dự án về một tổ chức
đào tạo, những ‘làng tự nguyện’. Những người này [những thanh niên] sẽ
được huấn luyện kỹ lưỡng, có đủ kiến thức về xã hội về tôn giáo và nhất là về
phương pháp thực hiện các dự án chống nghèo đói, bệnh tật, ngu dốt và vô tổ chức.
Họ sẽ hành động không vì lương bổng, quyền
hành mà vì tình thương, ý thức và trách nhiệm và ý thức tự nguyện. Chỉ với chất
liệu tâm lý do chí nguyện đó, họ mới có thể thành công. Mà những người trai trẻ
như thế […] không hiếm ở đất nước này đâu. Tôi dám chắc […] là có hàng vạn hay
hàng chục vạn. Tôi đã gần gũi họ trong những ngày gần đây, và đã thấy trong mắt
họ sáng lên trong niềm tin mới. Chỉ trong mấy tháng nữa chúng tôi khai giảng
trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, và ngôi trường này sẽ là một trường chuyên
nghiệp thông thuộc một viện đại học trẻ trung vừa mới thành lập. Ban giảng huấn
của trường gồm toàn những người trẻ tuổi, tất cả đều nao nức về công việc sắp
thực hiện.” [16]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image31.jpg
Trụ sở đầu tiên của
trường Thanh niên Phụng sự Xã hội tên là Chùa Lá, sau được ông đặt tên là chùa
Pháp Vân. Ảnh: PVCEB.
“Chúng tôi hiện có hai làng thí điểm tại miền
Nam, hai làng tại miền Trung – một tại Khánh Hòa, một tại Thừa Thiên.“ [17]
“Ba tiếng ‘làng tự nguyện’ gợi cho chúng ta
hình ảnh một khu làng mà trong đó dân chúng tự tổ chức lại nếp sống kinh tế,
giáo dục và y tế của họ theo những tiêu chuẩn phát triển cộng đồng.
Họ chấm dứt thái độ tiêu cực và trông chờ, phải
có những người bạn có óc tổ chức, có kiến thức căn bản về sinh hoạt xã hội nông
thôn sống ngay trong xóm làng, làm chất men cho tinh thần tự nguyện phát khởi. Ở
khu làng thí nghiệm này, chúng tôi đã được dân làng chấp nhận [sau một khoảng
thời gian thí nghiệm] như là anh em bà con của họ, cái nhà mà tôi đang ở
đây là một cái nhà bốn gian, ba gian là trường học, một gian là trạm y tế. Tất
cả đều do các nông dân trong làng tạo dựng, với sự có mặt của chúng tôi.” [18]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image26.jpg
Học viên của trường
Thanh niên Phụng sự Xã hội. Ảnh: PVCEB.
“Ban đầu thì phải nghiên cứu về tình trạng
chung của làng về các mặt y tế, giáo dục, kinh tế, xã hội. Rồi tùy theo tình trạng
mà bắt đầu công cuộc cải tiến. Phải đánh thức ước muốn của dân làng dậy bằng những
công tác trình diễn chứng minh. Và tự nhiên dân làng hưởng ứng. Tuy vậy cũng
công tác đầu phải làm ở nhiều làng vốn không phải là những công tác y tế và
giáo dục.
[Về giáo dục], ban đầu, một công tác
viên về làng, và làm quen với vài em bé trong lúc chơi đùa, câu cá, hát hò. Rồi
anh công tác viên đó hỏi thăm về sự học hành của các em, và rốt cuộc là các em
bằng lòng để cho anh dạy cho mà học thay vì đi chơi rong suốt ngày. Họ ngồi dưới
gốc cây, kê một tấm gỗ để viết chữ. Thế rồi chỉ một tuần sau, số học trò tăng
lên mười mấy em.
Khi học trò đông quá mà chỗ học thiếu thốn,
các phụ huynh họp lại để giải quyết vấn đề trường ốc. […] Một buổi họp như thế
cố nhiên đưa đến kết quả là sự quyết định dựng một ngôi trường cho làng. Và người
thì cho tre, người thì cho gỗ, người thì cho gạch, người thì cho công. Vật liệu
không hiếm. Ban đầu chỉ cần là trường bằng tre, tranh và đất thôi. Khi mà dân
làng ý thức được sự cần thiết, thì tự nhiên khả năng của thôn quê để tự cải tiến
trở nên lớn lao. […] Họ không cầu xin của Chính phủ hay của viện trợ một xu
nào.” [19]
Năm 1965, cuộc chiến ở miền Nam ngày càng leo thang.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image16.jpg
Ảnh lính thủy đánh
bộ Mỹ đổ bộ ở Đà Nẵng vào tháng 3/1965. Ảnh: PVCEB.
“Tháng Sáu năm 1965, tôi đã viết một lá thư
cho mục sư Martin Luther King để giải thích vì sao các nhà sư Việt Nam lại tự
thiêu. Tôi nói rằng đó không phải là một vụ tự sát. Để tiếng nói được lắng nghe
trong tình trạng đất nước lúc đó là rất khó khăn. Đôi khi chúng tôi phải tự
thiêu mình để tiếng nói được lắng nghe. Đó là sự từ bi. Đó là hành động của
tình yêu thương và không tuyệt vọng.” [20]
Sự thành công của “làng tự nguyện” đã gây được ấn tượng
với Tổng hội Phật giáo. Tháng 9/1965, tổng hội cho phép thành lập trường như một
phân viện của Viện Đại học Vạn Hạnh. Tuy nhiên, sau lời kêu gọi hòa bình của
Thích Nhất Hạnh vào năm 1966 thì trường bị loại khỏi viện đại học này vì ông bị
cho là thân cộng sản. Mặc dù vậy, trường vẫn tiếp tục phát triển.
“Chúng tôi đã lập được trường Thanh niên Phụng
sự Xã hội đào tạo trên 600 tác viên và hàng ngàn trợ tác viên và cảm tình viên
(làm việc công quả mà không nhận phụ phí), thành lập các làng hoa tiêu và làng
tự nguyện để nâng cao phẩm chất của sự sống ở nông thôn về cả bốn mặt giáo dục,
y tế, kinh tế và tổ chức.
Chúng tôi đã có những công tác tại các xóm
nghèo Mã Lạng Quốc Thanh, Cầu Bông Bàn Cờ, và các lớp trung học miễn phí đêm (bắt
đầu từ năm 1961, của Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn). Chúng tôi bắt đầu lập
làng Tình Thương […] với hơn 100 sinh viên Phật tử. Chúng tôi đã tổ chức những
đoàn sinh viên đi lạc quyên để cứu lụt và cứu đói [vào năm 1964] dọc
theo hai bờ sông Thu Bồn lên đến Thượng Nguồn.”
Đến năm 1966, Thích Nhất Hạnh trở thành một trong những
nhân vật lãnh đạo phong trào Phật giáo trong nước. Ông còn là một trong những
người sáng lập ra Viện Cao đẳng Phật học tại chùa Pháp Hội (sau chuyển thành Viện
Đại học Vạn Hạnh vào năm 1966), [21] nhà xuất bản Lá Bối và Dòng tu Tiếp Hiện
(một dòng tu thể hiện sự dấn thân của Phật giáo vào đời sống).
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image6.jpg
Sáu đệ tử trong
Dòng tu Tiếp Hiện cũng là thành viên của Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội được
Thích Nhất Hạnh truyền giới trước khi ông xuất ngoại vào năm 1966. Ảnh: PVCEB.
Vận động cho hòa
bình (1966 – 1975)
Ngày 12/5/1966, Thích Nhất Hạnh khi ấy 40 tuổi rời
Việt Nam để vận động cho hòa bình tại quê nhà.
“Chiều mai tôi phải đi rồi.” [22]
“Đêm nay, trời sáng tỏ một cách kỳ lạ. Tôi
chưa đi mà đã nhớ nhà rồi. Tôi đi rồi tôi lại về thì có sao đâu. Lòng tôi hơi
xao xuyến một chút, nhưng mà vẫn yên tĩnh. [23]
Tôi tới Hoa Kỳ để kêu gọi chấm dứt thả bom. Thời
điểm đó, nửa triệu quân lính Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam, trong số đó có trên
năm mười ngàn quân nhân đã bị giết hay mất tích trong chiến tranh. Đất đai, rừng
núi, sông ngòi bị tàn phá và ô nhiễm vì các chất độc hóa học.
Khi ấy tôi đã là một giáo thọ và nhà văn được
biết tiếng trong nước. Tôi có ý định ở lại Hoa Kỳ trong ba tháng để kêu gọi chấm
dứt chiến tranh. Nhưng sau ba tháng, tôi được biết là chính quyền Việt nam
không cho phép tôi trở về nước vì tôi đã cả gan lên tiếng kêu gọi hòa bình.”
[24]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image3.jpg
Thích Nhất Hạnh lên
đường sang Mỹ để vận động ngừng chiến tại Việt Nam. Ảnh: PVCEB.
“Chúng tôi bị kẹt giữa hai bên lâm chiến và
chúng tôi buộc phải lên tiếng. Nhưng đa số chúng tôi không có đài phát thanh,
không có đài truyền hình, không có báo chí để nói lên thực trạng. Những ai dám
kêu gọi chống chiến tranh đều bị bắt. Cho nên có những người đã tự thiêu để thu
hút công luận, để công luận không còn thờ ơ trước nỗi đau của đa số dân chúng
không muốn chiến tranh.” [25]
“Chỉ khi đó báo chí mới thấy rằng đa số người
dân Việt Nam không chấp nhận chiến tranh. Đó là lý do vì sao tôi quyết định đi
sang các nước Tây phương để nói cho thế giới biết những đau khổ của đất nước Việt
Nam và dân tộc Việt Nam.” [26]
“Trong năm đầu tiên, tôi đã nằm mơ về đến nhà
gần như mỗi đêm. Tôi đã thấy mình leo lên một ngọn đồi xinh đẹp, rất xanh, rất
hạnh phúc, và đột nhiên tôi thức dậy và thấy mình sống lưu vong. […] Một năm
sau đó thì giấc mơ như thế dừng lại.” [27]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image14.jpg
Thích Nhất Hạnh
dành toàn thời gian để tranh đấu cho hòa bình ở quê nhà từ năm 1966. Ảnh: PVCEB
“Đúng một năm sau khi tôi viết thư cho mục sư
King thì tôi gặp ông ấy ở Chicago. Chúng đã có một cuộc thảo luận về hòa bình,
tự do và cộng đồng. Và chúng tôi đồng ý rằng nếu không có cộng đồng chúng tôi
không thể tiến xa trong cuộc vận động của mình.” [28]
Năm 1967, Martin Luther King đã đề cử Thích Nhất Hạnh
cho Giải Nobel Hòa bình.
“Tôi nhớ lần cuối cùng tôi gặp mục sư King tại
Thụy Sĩ, trong một hội nghị do Hội đồng Thế giới các Giáo hội (World Council
Churches) tổ chức, lấy tên là Pacem in Terris (Hòa bình trên Trái đất). […] Đó
là năm 1968. Mục sư đã mời tôi lên ăn sáng để đàm đạo: vì bận họp báo nên tôi
lên trễ nửa giờ. Ông vẫn cố giữ thức ăn sáng cho nóng. Trong buổi gặp gỡ này,
tôi đã có dịp nói với ông là: các bạn ở Việt Nam rất yểm trợ ông và xem ông như
một vị Bồ Tát sống, ông rất hoan hỷ khi nghe như thế và sau này mỗi khi nghĩ tới
buổi họp mặt ấy, tôi lại thấy hài lòng vì đã nói được với ông câu ấy, bởi vì chỉ
mấy tháng sau ông bị ám sát.” [29]
“Khi tôi nghe về vụ ám sát mục sư King, tôi
không thể tin được. Tôi nghĩ: ‘Người Mỹ đã tạo ra King nhưng không có khả năng
bảo vệ ông ấy’.” [30]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image20.jpg
Thích Nhất Hạnh
cùng mục sư Martin Luther King trong một cuộc họp báo về chiến tranh Việt Nam ở
Chicago vào ngày 31/5/1966. Ảnh: PVCEB.
Thành lập tăng
đoàn ở hải ngoại (những năm 1980 – 2018)
“Sau khi được biết chính phủ Việt Nam Cộng hòa
không muốn tôi trở về Việt Nam, tôi vẫn tiếp tục kêu gọi chấm dứt chiến tranh
Việt Nam tại Hoa Kỳ. Sau đó, tôi đi sang châu Âu, châu Á và châu Úc. Cuối cùng
tôi dừng lại ở Paris và thiết lập một trung tâm tu học để tiếp tục công tác kêu
gọi hòa bình.” [31]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image-15.jpeg
Thích Nhất Hạnh và
tu sinh ở Làng Mai vào năm 1990, lúc đó ông 64 tuổi. Ảnh: Simon Chaput.
Trong khi lưu vong, Thích Nhất Hạnh vẫn liên lạc và
sắp xếp những hoạt động nhân đạo tại Việt Nam và ở các nước khác.
“Chúng tôi đã lập trường Thanh niên Phụng sự
Xã hội (từ 1965 đến 1975), Ủy ban Tái thiết và Phát triển Việt Nam (từ 1971 đến
1975 dưới sự lãnh đạo của hòa thượng Thiện Hòa).
Trong chương trình Máu Chảy Ruột Mềm trên biển
Nam Hải, [chúng tôi] đã điều động vớt được 600 thuyền nhân trên biển
(1976). Tiếp đó là chương trình thầm lặng cứu người bằng ghe đánh cá trên vịnh
Thái Lan […] (1976 – 1978). Chúng tôi đã thành lập Chương trình Cứu trợ xã hội
Hiểu và Thương và hoạt động âm thầm từ năm 1975 tới 2009.” [32]
Và nhiều chương trình nhân đạo khác. Tuy nhiên, ông
không lên tiếng trực tiếp và mạnh mẽ khi chính quyền đàn áp tàn nhẫn đồng môn của
mình ở quê nhà sau năm 1975.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image10.jpg
Thuyền nhân Việt
Nam trên tàu Roland. Con tàu do Thích Nhất Hạnh và môn đồ thuê để vớt những người
Việt Nam trôi dạt ngoài khơi biển Singapore vào năm 1976. Ảnh: PVCEB.
“Trong gần 30 năm hành đạo tại Tây phương, tôi
đã truyền Năm Giới cho hàng trăm ngàn người Âu, Mỹ, Nga, Úc, Trung Hoa, Nhật Bản…
Người nào cũng pháp danh bắt đầu bằng chữ Tâm, thế hệ thứ 43 của phái Lâm Tế và
cũng là thế hệ thứ chín của dòng Liễu Quán.”
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image13.jpg
Thích Nhất Hạnh chủ
trì một buổi lễ truyền đăng công nhận những môn đồ trở thành giảng sư dạy về
thiền định. Ảnh: Simon Chaput.
Trở về Việt Nam
sau 40 năm ở hải ngoại (2005)
Từ thập niên 1990, chính quyền Việt Nam mở cửa với
thế giới. Những thuyền nhân, những người đã ra đi sau năm 1975 được kêu gọi
quay về quê hương đóng góp cho kinh tế. Những nhân vật nổi tiếng được chính quyền
mời về nước để thu hút những người Việt đã bỏ xứ ra đi.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image28.jpg
Thích Nhất Hạnh và
tăng thân Làng Mai thiền hành tại Hồ Gươm vào năm 2005. Ảnh: PVCEB.
“Suốt thời gian bốn mươi năm, chúng tôi đã cố
gắng dàn xếp để trở về Việt Nam. Cuối cùng, tháng Giêng 2005, tôi được phép trở
về quê hương.
Phái đoàn cùng về Việt Nam với tôi gồm hai
trăm người. Tôi muốn trở về Việt Nam như một tăng thân, một tăng thân đích thực
chứ không phải như một tế bào (bị rách ra khỏi cơ thể như lúc ra đi), để trình
bày pháp môn thực tập hiểu biết và thương yêu, bởi vì chúng tôi biết rằng nếu
chúng tôi thực tập vững vàng, tinh tấn và chân thực thì chúng tôi có thể chuyển
hóa sự nghi ngại của chính quyền.” [33]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image29.jpg
Thích Nhất Hạnh
cùng tu sinh đi trên một con đường ở Huế trong lần đầu tiên trở về nước vào năm
2005. Ảnh: PVCEB.
Các hoạt động tu tập của ông trong lần đầu trở về nước
đã gây được ấn tượng với chính quyền nhưng vẫn luôn bị công an Việt Nam giám
sát vô cùng chặt chẽ. Thích Nhất Hạnh cùng môn đồ được phép tổ chức nhiều buổi
nói chuyện công khai với công chúng, bao gồm các đảng viên ở thành phố Hồ Chí
Minh, Thừa Thiên – Huế và Hà Nội.
Nói về chính trị
(2007)
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image15.jpg
Vào tháng 10/2007,
khoảng 10.000 nhà sư Myanmar đã xuống đường để biểu tình phản đối chính quyền
quân sự độc tài ở đất nước này. Các nhà sư trong ảnh đi trong vòng tay của người
dân tại Yangon. Ảnh: AP.
“Trưa ngày 9/10/2007, tạp chí Time có đến vấn
tôi về những biến cố ở Miến Điện và về vấn đề hâm nóng Trái Đất. […] Tôi có nói
các vị xuất gia bên ấy đã can đảm đứng dậy đưa đường chỉ lối cho toàn dân về vấn
đề nhân quyền và dân chủ. Các vị đã tỏ ra xứng đáng là những người lãnh đạo tâm
linh của đất nước.
Tuy đang bị đàn áp, tù đày hoặc giết chóc,
nhưng tâm của họ rất an, vì họ đã làm được việc họ phải làm: Cung cấp cho đất
nước và dân tộc họ vai trò lãnh đạo tâm linh. […] Các tầng lớp dân chúng trong
nước mỗi khi nghĩ đến các vị ấy là thấy lòng mình xúc động. Chính năng lượng của
tình thương và của niềm tin ấy sẽ là động lực nuôi dưỡng hành động của họ để mang
lại nhân quyền và dân chủ cho đất nước họ. Thế giới đang yểm trợ Miến Điện, như
thế giới đã từng yểm trợ cuộc tranh đấu của Phật tử và đồng bào Việt Nam trong
những năm sáu mươi […] Không phải chỉ một Phật tử đứng lên mà toàn thể các Phật
tử cùng đứng lên một lượt. Bây giờ Miến Điện cũng thế. Không phải chỉ một thầy
đứng lên mà tất cả các thầy đều đứng lên. Đây mới thật sự là lãnh đạo tâm
linh.” [34]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image12.jpg
Thích Nhất Hạnh được
đón chào nồng nhiệt trên hầu hết các quốc gia mà ông đặt chân đến. Ảnh Thích Nhất
Hạnh cùng tu sinh tại Indonesia. Ảnh: PVCEB.
“Đất nước và dân tộc không thể không có một
chiều hướng tâm linh. Đời người cũng không thể thiếu vắng một chiều hướng tâm
linh. Thiếu một con đường tâm linh, ta sẽ không có khả năng đối diện với khổ
đau, chuyển hóa khổ đau và hiến tặng được gì cho cuộc đời. Người không có đường
đi là người đi trong bóng tối. Có đường đi rồi, ta sẽ không còn lo sợ.
Tăng thân của tôi và tôi đã thực tập quán chiếu
khổ đau không những cho phe cộng sản hay phe chống cộng mà của cả những người
lính Hoa Kỳ, vì họ đã bị đưa tới một đất nước xa lạ để giết người và bị giết.
Tôi không hận thù bởi vì tôi có hiểu biết về thương yêu. Rất nhiều người trong
chúng tôi đã sống sót được nhờ thực tập hiểu biết và thương yêu đó.
Kinh nghiệm của tôi từ những cuộc chiến tại Việt
Nam đã khiến cho tôi tin tưởng vững chắc rằng bạo lực không thể loại trừ được
khủng bố. Và lắng nghe sâu có sức mạnh hơn bom đạn. Khủng bố sinh ra do tri
giác sai lầm. Quân khủng bố có tri giác sai lầm về họ và về chúng ta. Vì thế
nên họ muốn tiêu diệt chúng ta, trừng phạt chúng ta.
Nếu hiểu được cách tư duy, cũng như cách nhận
thức của họ thì chúng ta có thể giúp họ loại bỏ tri giác sai lầm. Loại trừ tri
giác sai lầm là nền tảng của công cuộc chuyển hóa bạo động, khủng bố và xây dựng
hòa bình.” [35]
Nói về môi trường
và kinh doanh (2007)
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image32.jpg
Thích Nhất Hạnh
cùng tu sinh trên đỉnh núi Vulture Peak linh thiêng của Phật giáo ở Ấn Độ vào
năm 2008. Ảnh: Borje Tobiasson.
“[Về hiểm họa trái đất bị hâm nóng], sẽ
có nhiều những người trong chúng ta chết vì tâm bệnh (vì lo sợ, tuyệt vọng mà
sinh bệnh ngày càng nhiều), trước khi hiểm họa kia đi tới.
Trong buổi giảng [vào tháng 10/2007 tại trường
Đại học San Diego], tôi đã đưa ra phương pháp thực tập mà Đức Thế Tôn chỉ dạy:
Nhìn nhận và chấp nhận sự thật mà đừng trốn tránh nó […]: Tôi thế nào cũng phải
già, phải chết, phải bệnh. […] Tôi không mang theo được gì hết ngoài thân nghiệp,
khẩu nghiệp và ý nghiệp của tôi. Đó là gia tài duy nhất mà tôi có thể mang
theo. Thực tập chấp nhận được như thế, mình sẽ có bình an, mình sẽ có khả năng
sống lành mạnh và từ bi, không còn gây đau khổ cho mình và cho người khác.”
[36]
“Mẹ ta, Trái Đất, Hành tinh xanh, đã từng bị
khốn khổ nhiều lần, đã từng khổ đau vì thầy đàn con dại dột. Chúng ta tàn phá Đất
mẹ như một loài vi trùng tàn phá một cơ thể con người, vì Đất mẹ cũng là một cơ
thể. Nhưng có những loài vi khuẩn rất thân hữu và có ích cho cơ thể con người.
Hàng tỉ con như thế đang có mặt trong ta, nhất là trong hệ thống tiêu hóa,
chúng giúp bảo vệ cơ thể và chế tác những sinh tố mà ta cần đến. Loài người có
thể là những sinh vật có khả năng bảo vệ cơ thể Đất mẹ như thế, nếu loài người
tỉnh thức, biết sống có trách nhiệm và từ bi. Đạo Phật ra đời là để ta học sống
có trách nhiệm và từ bi. Ta phải thấy được tính cách tương tức, đồng sinh cộng
tử giữa ta với Đất mẹ.” [37]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image25.jpg
Thích Nhất Hạnh trồng
cây bồ đề ở Ấn Độ vào năm 2008. Ảnh: PVCEB.
“Đối với vấn đề bảo vệ môi trường cũng thế.
Kinh doanh với tâm từ bi, với ý thức trách nhiệm là điều có thể làm được. Kinh
doanh với tâm từ bi không làm suy yếu khả năng cạnh tranh mà trái lại có thể
gia tăng lợi tức. Ngoài ra ta có thể thêm bạn và hạnh phúc hơn. […] Còn chỉ lo
thu lợi mà làm ảnh hưởng tới môi trường tức là ta không còn từ bi và sẽ gây tàn
hại sinh vật. Nếu biết rằng ta đang tàn hại sinh vật thì lương tâm ta bất an và
sinh ra nội kết. Mặc dầu làm ra nhiều tiền, nhưng lương tâm ngày càng bất an
thì một ngày nào đó ta sẽ không còn hạnh phúc được nữa.” [38]
Tổ chức các “trai
đàn chẩn tế” tại Việt Nam (2007)
Năm 2007, Thích Nhất Hạnh cùng môn đồ được trở về nước
lần thứ hai. Trong chuyến đi này, ông đã tổ chức các buổi cúng cầu siêu quy mô
lớn ở nhiều nơi.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image7.jpg
Đông đảo Phật tử và
công chúng đón tiếp Thích Nhất Hạnh cùng tu sinh tại sân bay Tân Sơn Nhất trong
chuyến về nước năm 2007. Ảnh: PVCEB.
“Những oan ức và khổ đau của hàng triệu người
Việt trong và sau thời gian chiến tranh đã dồn chứa lại, và năng lượng tiêu cực
ấy đã đè nặng lên đời sống của dân tộc trong bao nhiêu thập niên.
Tại các trai đàn chẩn tế, chúng ta đã hết lòng
chế tác năng lượng từ bi, của tha thứ, của bình an để mong chuyển hóa được thứ
năng lượng tiêu cực kia. Ta đã mời những người đã chết, đi bằng hai chân của
chúng ta. Ta đã mời các vị ấy nhìn bằng hai mắt của chúng ta để thấy rằng non
sông cẩm tú vẫn còn đó, và chúng ta nguyện nỗ lực giữ gìn để đừng đánh mất non
sông ấy.” [39]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image23.jpg
Thích Nhất Hạnh
trong lễ truyền Năm Giới tại chùa Bằng trong chuyến về nước vào tháng 5/2008. Ảnh:
PVCEB.
Vụ việc Bát Nhã
(2005 – 2009)
Không lâu sau chuyến về Việt Nam lần thứ ba vào năm
2008, xung đột lớn xảy ra giữa những môn sinh tu tập theo pháp môn Làng Mai và
các môn đồ của chùa Bát Nhã cùng tu tập tại ngôi chùa này ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Chính quyền Việt Nam bị cáo buộc có nhúng tay vào vụ việc.
Sau khi chùa Bát Nhã được mở rộng làm nơi tu tập cho
môn sinh theo pháp môn Làng Mai từ năm 2005 thì đến giữa năm 2008, trụ trì chùa
Bát Nhã không chấp nhận những môn sinh Làng Mai nữa (trước
đó trụ trì đã xin hiến chùa cho thiền sư Thích Nhất Hạnh để truyền dạy pháp môn
Làng Mai tại Việt Nam). [40] Sau khi trụ trì chùa Bát Nhã từ chối các môn sinh
Làng Mai, chính quyền ra quyết định trục xuất 379 tu sinh ra khỏi chùa sau hàng
loạt các vụ bạo động ở đây do đám đông được cho là “người dân” gây ra.
Đến tháng 9/2009, tu viện Bát Nhã bị một nhóm người
đến đập phá. Các môn sinh Làng Mai tin là những người này có sự ủng hộ của công
an. Toàn bộ tăng ni theo pháp môn Làng Mai bị đuổi hết ra khỏi chùa sau nhiều
tháng bị cắt điện và nước. Họ đến
tạm lánh ở chùa Phước Huệ được một thời gian, nhưng sau đó cũng phải
rời khỏi ngôi chùa này. [41]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image5.jpg
Đồ dùng của các tu
sinh theo pháp môn Làng Mai bị ném ra sân của Tu viện Bát Nhã trong sự kiện xảy
ra vào năm 2009. Ảnh: RFA.
Vụ việc này bắt đầu không bao lâu sau Lá thư Làng Mai số 31, đăng vào tháng 2/2008.
[42] Báo Công an Nhân dân cũng sử dụng bức thư này để phỉ báng Làng Mai và Thích Nhất
Hạnh vì cho rằng ông muốn can thiệp quá sâu vào quản lý tôn giáo và
chính trị khi nêu nhiều quan điểm liên quan đến đảng, “công an tôn giáo” và Ban
Tôn giáo Chính phủ. [43]
Trong bức thư gửi tu sinh trong nước vào tháng 12/2009,
Thích Nhất Hạnh đã viết: [44]
“Muốn có dân chủ và nhân quyền người dân phải biết tranh đấu, và cuộc tranh đấu
có thể phải kéo dài trong nhiều thập niên. Chúng ta là những người tu, chúng ta
không có mặt trong những phong trào tranh đấu chính trị mà chỉ tranh đấu trong
phạm vi văn hóa và đạo đức.
Có rất nhiều vị tôn túc trong giáo hội rất muốn
che chở cho các con Bát Nhã của Thầy. Các vị ấy đã cố gắng lên tiếng nhiều lần,
thậm chí đã đưa ra đề nghị bảo lãnh để cho các con có pháp lý tu học, nhưng vì
giáo hội không có giáo quyền thật sự cho nên những đề nghị ấy đã bị Công an và
Ban Tôn Giáo Nhà nước bác bỏ. Đất nước chúng ta chưa thực sự có tự do tôn giáo,
và nhà nước đang quản lý chặt chẽ guồng máy giáo hội, và giáo hội bất lực không
che chở được ngay chính con em của mình.
Xã hội hiện giờ đầy dẫy tệ nạn: tham nhũng, lạm
quyền, ma túy, bạo động, đĩ điếm, gia đình đổ vỡ, tự tử, thác loạn. Chúng ta tu
tập và tổ chức cho người khác tu tập để đối phó, ngăn ngừa và gột sạch những tệ
nạn ấy, và đó là cách thức yêu nước yêu dân của chúng ta. Chúng ta là công dân
của một nước độc lập, có hiến pháp, có luật pháp, chúng ta phải có quyền làm việc
ấy. Không ai có thể tước đoạt quyền công dân ấy của chúng ta.”
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image2.jpg
Thích Nhất Hạnh
trong một bức ảnh chụp tại Làng Mai vào năm 2009. Ảnh: PVCEB.
Đầu năm 2010, trong một bài viết, Thích Nhất Hạnh đã gọi vụ việc
ở chùa Bát Nhã là một “công án thiền”. Những nhận định của ông trong bài viết
này cũng phản ánh về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam: [45]
“Tại sao mình chỉ muốn tu thôi mà người ta
không cho mình tu? Tại sao các bậc tôn túc muốn che chở bảo lãnh cho mình tu mà
nhà nước lại không cho bảo lãnh? Mình có biết chính trị là cái gì đâu và chẳng
tha thiết gì tới chuyện chính trị, tại sao người ta cứ nói là mình làm chính trị
và tại sao cứ nói Bát Nhã là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia? Tại sao phải
giải tán cho được Bát Nhã dù phải áp dụng những biện pháp như thuê côn đồ, vu
khống, lừa gạt, đánh đập, đe dọa? Tại sao họ là những người đáng bậc cha chú
mình mà họ nỡ làm như thế đối với mình? Nếu nhà nước không cho mình tu chung
như một Tăng thân nữa mà bắt mình phải mỗi người đi một ngả thì làm sao trong
tương lai mình có thể có lại một Tăng thân? Tại sao ở các nước khác người ta có
tự do để thực tập pháp môn, còn ở đây thì không? Những câu hỏi như thế dồn dập
đi tới.”
Đặt mình thuộc hàng giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo
Việt Nam, ông lên tiếng:
“Nhưng tại sao mình [những giáo phẩm của
Giáo hội Phật giáo Việt Nam] bất lực không che chở được cho họ? Tại sao
mình phải sống và hành xử như một nhân viên của chính quyền? Tách rời chính trị
khỏi tôn giáo, giấc mơ này đến bao giờ mới thực hiện được? Trong thời Thực dân,
trong thời ông Diệm và ông Thiệu, tuy hành đạo có khó khăn thật đấy, nhưng người
tu cũng không bị kiểm soát gắt gao quá đáng như trong hiện tại. Người ta chỉ muốn
có một đạo Phật của tín mộ, của thờ cúng, người ta không muốn có một đạo Phật
có khả năng lãnh đạo tinh thần và văn hóa đạo đức cho quốc dân. Một đạo Phật thật
sự có uy quyền lãnh đạo tinh thần, người ta rất sợ. Người ta chỉ chấp nhận được
một tổ chức Giáo Hội mà người ta có thể kiểm soát được, sai xử được.”
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image37.jpg
Thích Nhất Hạnh có
sức ảnh hưởng lớn đối với công chúng ở nhiều đất nước. Thích Nhất Hạnh cùng tu
sinh tổ chức thiền định tại quảng trường Trafalgar, Anh Quốc, vào ngày
31/3/2012. Ảnh: PVCEB.
Di nguyện về tang
lễ (2012)
Năm 2012, trong buổi tụ họp nhân ngày sinh của mình
tại Làng Mai, Thích Nhất Hạnh nói với môn đồ về việc chôn cất ông sau khi qua đời:
“Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một
ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay
quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền.
Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ
hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy
không phải là cái nắm tro đó. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao?
Thầy nhiều hơn cái nắm tro đó. Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang
có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ
quen biết đều có Thầy.
Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền tọa, có pháp
đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy. Không được nhốt Thầy,
bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy
không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích.” [46]
Nói về chia rẽ Hàn
Quốc – Triều Tiên (2014)
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image22.jpg
Thích Nhất Hạnh trò
chuyện trên một chương trình truyền hình ở Seoul vào ngày 13/5/2014. Ảnh:
Yonhap.
Năm 2013, Thích Nhất Hạnh đến Hàn Quốc. Tại đây, ông đã chia sẻ suy nghĩ của
mình về xung đột ở hai miền đất nước này. [47]
“Vũ khí hạt nhân cản trở mối quan hệ tốt đẹp
giữa miền Nam và miền Bắc. Nó cho thấy sự sợ hãi, giận dữ và nghi ngờ trong
chúng ta. Chúng ta sẽ không chế ra vũ khí hạt nhân nếu chúng ta không sợ hãi và
giận dữ.
Để giữ hòa bình, điều đơn giản không phải là gỡ
bỏ vũ khí hạt nhân mà là loại bỏ sự sợ hãi, giận dữ và nghi ngờ trong chúng ta.
Nếu chúng ta có thể giảm chúng đi thì hòa hợp là một điều dễ dàng.”
Theo ông, chìa khóa cho sự hòa giải thù hận là lắng
nghe với tâm từ bi.
“Lắng nghe với tâm từ bi làm cho các bên đau
khổ ít đi. Nếu chúng ta nhận ra rằng họ cũng như mình thì chúng ta không còn giận
nữa.
Nếu bạn là chính trị gia, bạn có thể sẽ muốn học
cách thương lượng trong Phật giáo. Đạo Phật có những chỉ dẫn rất rõ ràng và cụ
thể về truyền thông phục hồi và việc mang sự hòa giải trở lại.”
Sức khỏe suy yếu
(2014 – 2018)
Tháng 11/2014, sức khỏe của ông đã suy yếu. Ông trải
qua một cơn xuất huyết não nặng, phải điều trị tại bệnh viện ở Pháp trong nhiều
tháng. Đến tháng 4/2015, ông trở lại Làng Mai và sức khỏe hồi phục khá tốt.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image35.jpg
Thích Nhất Hạnh
cùng tăng thân Làng Mai vào mùa hè năm 2014. Ảnh: PVCEB.
Năm 2015, ông gửi thư đến Liên Hiệp Quốc chia sẻ về vấn đề biến đổi
khí hậu. [48]
“Chúng ta phải tiêu thụ như thế nào để nuôi dưỡng
lòng từ bi trong ta. Hiện nay nhiều người trong chúng ta đang tiêu thụ một cách
rất bạo động. Những khu rừng đang bị tàn phá để làm đồng cỏ nuôi gia súc lấy thịt
hay để trồng ngũ cốc làm rượu, trong khi hàng triệu người trên thế giới đang chết
đói. Nếu ta giảm ăn thịt và uống rượu xuống 50% thì đó là một hành động thương
yêu, thương yêu chính mình, thương yêu Trái Đất và những loài khác.
Những thế kỷ của chủ nghĩa cá nhân và cạnh
tranh đã gây ra sự tàn phá và chia cách rất lớn. Chúng ta cần tái lập sự truyền
thông thật sự với chính mình, với đất Mẹ và với những chủng loại khác trên hành
tinh này với tư cách là những đứa con cùng chung một mẹ. Chúng ta cần phát minh
ra nhiều kỹ thuật tân tiến hơn để bảo vệ hành tinh này. Chúng ta cần những cộng
đồng thật sự và cần sự hợp tác với nhau.”
Trở về tổ đình Từ
Hiếu và qua đời (2018 – 2022)
Ngày 29/8/2017, Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam kể từ
lần thăm gần nhất năm 2008. Lúc này, ông đã 91 tuổi và sức khỏe đã suy yếu rất
nhiều.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image9.jpg
Thích Nhất Hạnh
trong chuyến đi về nước vào năm 2017. Ảnh: Báo Giác Ngộ.
Trong lần trở về vào năm 2018, ông đã xin ở lại chùa
Từ Hiếu, ngôi chùa mà ông đã xuất gia vào năm 16 tuổi, cho đến lúc qua đời.
“Tôi đã quyết định trở về Việt Nam để được sống
nơi đất Tổ, có mặt cùng chư huynh đệ và con cháu của Tổ đình cho đến ngày tôi
chuyển bỏ hóa thân này.” [49]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image17.jpg
Thích Nhất Hạnh gặp
các huynh đệ của mình trong chuyến về nước vào tháng 10/2018 và quyết ở lại cho
đến khi qua đời. Ảnh: AFP.
Giữa tháng 9/2020, sức khỏe của thiền sư Nhất Hạnh suy yếu nặng. Trong bối cảnh hạn chế nhập cảnh do
dịch bệnh COVID-19, chính quyền Việt Nam đã ưu tiên cho các đại đệ tử của ông
được nhập cảnh vào Việt Nam để chuẩn bị hậu sự cho ông. [50]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/01/image18.jpg
Thích Nhất Hạnh
cùng Dalai Lama trong một bức ảnh chụp vào năm 2006. Ảnh: Bhuvan Lall.
Cho đến nay, Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn
sách, truyền pháp môn Làng Mai ra khắp thế giới. Ông là một trong số ít người
Việt Nam có ảnh hưởng đối với quốc tế. Khi nói đến Phật giáo trên thế giới,
danh tiếng và tầm hưởng của Thích Nhất Hạnh chỉ đứng sau Dalai Lama. Nhưng đến
nay, chính quyền Việt Nam vẫn chưa cho phép pháp môn Làng Mai của ông được truyền
dạy ở trong nước.
Vào lúc 0 giờ, ngày 22/01/2022, thiền sư Thích Nhất
Hạnh qua đời tại tổ đình Từ Hiếu, tỉnh Thừa Thiên – Huế, khép lại cuộc đời đầy
sống động khi mùa xuân đang đến rất gần, như pháp tự mà ông được đặt: “Phùng
Xuân”.
Chú thích
1. San Francisco Chronicle. (1997,
October 12). Stop Running, Start Being. https://www.newspapers.com/image/462657065/?terms=Thich%20Nhat%20Hanh&match=1
2. OPRAH. (2010, March). Oprah Talks
to Thich Nhat Hanh. OPRAH. https://www.oprah.com/spirit/oprah-talks-to-thich-nhat-hanh/2
3. Thích Nhất Hạnh. (n.d.). Quyền lực
đích thực, trang 35. Thư Viện Hoa Sen. https://thuvienhoasen.org/images/file/ltSSv51G0QgQALcT/quyen-luc-dich-thuc.pdf
4. Xem [1]
5. Trích Pháp thoại của Thích Nhất Hạnh,
ngày 3/3/1996 tại thiền đường Nến Hồng, (Luật Khoa thay từ “Thầy” trong nguyên
văn thành “tôi” để phù hợp với bài viết).
6. Thích Nhất Hạnh. (2016). Tay thầy
trong tay con, trang 95. NXB Lao động, (Luật Khoa thay từ “chúng ta” trong
nguyên văn thành “chúng tôi” để phù hợp với bài viết).
7. Philip Taylor. (2007). Modernity
and Re-enchantment Religion in Post-revolutionary Vietnam, trang 299.
ISEAS.
8. Plum Village. (n.d.). The Life
Story of Thich Nhat Hanh. https://plumvillage.org/about/thich-nhat-hanh/biography/
9. Thích Nhất Hạnh. Nẻo về của ý,
trang 6. Thư Viện Hoa Sen. https://thuvienhoasen.org/images/file/zO41v51G0QgQAIxA/neo-ve-cua-y.pdf,
(Luật Khoa thay thế từ “chúng ta” trong nguyên văn thành “chúng tôi” để phù hợp
với bài viết).
10. Xem [6]
11. Xem [9], trang 115.
12. Xem [9], trang 123.
13. Xem [9], trang 121.
14. Xem [9], trang 122 và 123.
15. Xem [9], trang 119.
16. Xem [9], trang 124.
17. Xem [9], trang 123
18. Xem [9], trang 113.
19. Xem [9], trang 123.
20. Xem [2], trang 4.
21. Cư sĩ Cao Hữu Đính (1917 – 1991), https://vnbet.vn/chu-ton-thien-duc-cu-si-huu-cong-phat-giao-thuan-hoa-tap-2/cu-si-cao-huu-dinh-1917-–-1991-phap-danh–tam-nguyen-3876.html
22. Xem [6], trang 171.
23. Xem [6], trang 165.
24. Xem [3], trang 108.
25. Xem [3], trang 209.
26. Xem [3], trang 109.
27. Xem [2], trang 4
28. Xem [2], trang 4.
29. Xem [6], trang 22, (Luật Khoa
đã thay đổi từ “thầy” thành “tôi” để phù hợp với nội dung của bài viết).
30. Xem [2], trang 5.
31. Xem [3], trang 210.
32. Xem [6], trang 44 và 45.
33. Xem [3], trang 210.
34. Xem [6], trang 50 và 51.
35. Xem [3], trang 102.
36. Xem [6], trang 57.
37. Xem [6], trang 59.
38. Xem [3], trang 176.
39. Xem [6], trang 166.
40. BBC News Tiếng Việt. (2009, July 4).
Căng thẳng tại Tu viện Bát Nhã. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2009/07/090704_batnha_tension
41. Sài Gòn Giải Phóng. (2010, January
12). Bát Nhã bình yên. https://www.sggp.org.vn/bat-nha-binh-yen-185953.html
42. Làng Mai. (2008). Lá thư Làng Mai
số 31. Làng Mai. http://langmai.org/wp-content/uploads/2017/09/LaThuLangMai31-2008.pdf
43. Báo Công an Nhân dân. (2009, October
19). Sự thật về Tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc). https://web.archive.org/web/20220122034304/https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Su-that-ve-Tu-vien-Bat-Nha-%28Bao-Loc%29-i152099/
44. RFA. (2009, December 30). Thư Thiền
sư Thích Nhất Hạnh gửi tu sinh Bát Nhã. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/ReadersOpinions/Nhat-hanh-letter-to-prajna-monks-12302009120955.html
45. Làng Mai. (2010). Bát Nhã là một
công án thiền. https://langmai.org/tang-kinh-cac/bai-viet/thay-nhat-hanh-len-tieng-bat-nha-la-mot-cong-an-thien/
46. Làng Mai. (2012). Thông Bạch Ngày
Tiếp Nối 2012. https://langmai.org/cong-tam-quan/thong-bach/thong-bach-ngay-tiep-noi-11-10-2012/
47. The Korean Times. (2013, May 14). Nhat
Hanh shares secrets to peaceful mind. http://www.koreatimes.co.kr/www/news/culture/2013/05/293_135674.html
48. Làng Mai. (2015). Thông điệp của
Thiền sư Thích Nhất Hạnh gửi đến Liên Hiệp Quốc. https://langmai.org/cong-tam-quan/thong-bach/thong-diep-cua-thien-su-thich-nhat-hanh-goi-den-lien-hiep-quoc-ve-van-de-bien-doi-khi-hau/
49. Tuổi Trẻ. (2018, October 30). Thiền
sư Thích Nhất Hạnh: “Về nước để được sống nơi đất Tổ.” https://tuoitre.vn/thien-su-thich-nhat-hanh-ve-nuoc-de-duoc-song-noi-dat-to-2018103018402829.htm
50. VOA. (2020, September 17). Thiền
sư Thích Nhất Hạnh suy yếu, đại đệ tử được phép về thăm. https://www.voatiengviet.com/a/thi%E1%BB%81n-s%C6%B0-th%C3%ADch-nh%E1%BA%A5t-h%E1%BA%A1nh-suy-y%E1%BA%BFu-%C4%91%E1%BA%A1i-%C4%91%E1%BB%87-t%E1%BB%AD-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-ph%C3%A9p-v%E1%BB%81-th%C4%83m/5586334.html
No comments:
Post a Comment