Friday, 14 January 2022

‘CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM’ của NGÔ ĐÌNH NHU : CÁI NHÌN TINH TẾ và SẮC BÉN về HIỂM HỌA TRUNG HOA (Lê Thiên)

 



Chính đề Việt Nam của Ngô Đình Nhu: Cái nhìn tinh tế và sắc bén về hiểm họa Trung Hoa (Phần 1)  

Lê Thiên

10/01/2022

https://baotiengdan.com/2022/01/10/chinh-de-viet-nam-cua-ngo-dinh-nhu-cai-nhin-tinh-te-va-sac-ben-ve-hiem-hoa-trung-hoa-phan-1/

 

Vào những ngày cuối năm 2021, trang Tiếng Dân có loạt bài đăng nhiều kỳ dưới nhan đề: Biết thêm từ ‘Chính đề Việt Nam’, gồm 8 phần, của tác giả, giáo sư Nguyễn Đình Cống.

 

Mở đầu loạt bài về Chính Đề Việt Nam, GS Nguyễn Đình Cống xác nhận: “Tôi được biết về ‘Chính đề Việt Nam’ từ rất lâu, nhưng chỉ mới ở dạng các bài giới thiệu hoặc tóm tắt. Gần đây mới có dịp nghiên cứu toàn văn”.

 

GS Cống cho biết: “Trong những bài giới thiệu, tôi quan tâm nhiều đến bài của GS Tôn Thất Thiện (sinh năm 1924), viết năm 2009 với tựa đề Một Viên Ngọc Quý Trong Kho Tàng Tư Tưởng, Một Đóng Góp Lớn Về Soi Sáng Vấn Đề Phát Triển”.

 

Theo GS Nguyễn Đình Cống, “GS Thiện là một học giả chuyên nghiên cứu vấn đề phát triển các quốc gia chậm tiến, ông cho rằng ‘Chính đề Việt Nam sẽ được coi như là một tác phẩm hết sức độc đáo, một đóng góp lớn, một viên ngọc quý trong kho tàng tư tưởng của nhân loại…, là tài liệu xuất sắc nhứt mà ông đã được đọc trong suốt thời gian gần 70 năm qua’”.

 

Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng các nhận định cùng những luận bàn của GS Nguyễn Đình Cống về tác phẩm Chính Đề Việt Nam. Ở đây, chỉ xin đưa ra cái nhìn thô thiển về một vài điểm trong cuốn Chính Đề Việt Nam mà chúng tôi đang có trong tay. Sự thật, suốt hơn 350 trang sách Chính Đề Việt Nam, mỗi trang, mỗi dòng, mỗi đoạn, mỗi chương đều hàm chứa tư tưởng sâu sắc, luận cứ sắc bén tỏ rõ sự nhìn xa, thấy rộng của tác giả Ngô Đình Nhu. Chúng tôi hoàn toàn không có khả năng đi sâu vào mọi ngõ ngách của các vấn đề quốc sự mà tác giả Chính Đề Việt Nam đã đưa ra như những lời tiên tri.

 

Như ghi rõ ở trang bìa, cuốn Chính Đề Việt Nam (Chính Đề Việt Nam) là “tài liệu nghiên cứu dành cho cán bộ quốc gia”. Do đó, nó bao gồm nhiều đề tài về lãnh đạo vừa sâu, vừa rộng. Chúng tôi chỉ tỏ bày ở đây vài suy nghĩ thô thiển về viễn kiến của tác giả Chính Đề Việt Nam trước hiểm họa xâm lăng của Trung Hoa đối với Việt Nam, thông qua chính thể độc tài Cộng sản đang gây nhiễu loạn trên quê hương chúng ta kéo dài suốt hai phần ba thế kỷ, bắt đầu ở Miền Bắc từ thập niên 1950 rồi ập vào Miền Nam kể từ ngày 30/4/1975.

 

“Chính Đề Việt Nam”, tên gọi quyển sách không nhằm nói lên ý nghĩa về tam đoạn luận gồm tiền đề, chính đề và kết luận. Xuyên qua lời giới thiệu chính thức ở đầu quyển sách, chúng tôi suy rằng, CHÍNH ĐỀ có nghĩa là ĐỀ CƯƠNG CHÍNH TRỊ. Theo định nghĩa, đề cương là bản ghi những điểm cốt yếu về một vấn đề hay một dự án nào (Đại Từ Điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên, 1998). Lời Giới thiệu ở đầu cuốn Chính Đề Việt Nam – “tài liệu nghiên cứu dành cho cán bộ quốc gia” nói lên ý nghĩa đề cương chính trị Việt Nam vậy.

 

Cuốn Chính Đề Việt Nam gồm hơn 350 trang. Chúng tôi chỉ chọn ra vài điểm tâm đắc nhất, kèm theo đó là những chứng liệu cụ thể như một cách “mách có chứng” để người đọc tùy nghi thẩm định đúng-sai.

 

1. Chính đề Việt Nam: Viễn kiến về hiểm họa Trung Hoa

 

Bối cảnh lịch sử: Hội nghị Genève 1954

Chúng ta biết, Hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc ngày 26/4/1954, và kết thúc ngày 21/6/1954 với sự tham dự của 9 phái đoàn gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Cộng, Quốc gia Việt Nam, Cộng sản Việt Nam, Lào, Campuchia.

 

Riêng phái đoàn Trung Cộng do Chu Ân Lai (Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng) dẫn đầu là lực lượng đông đảo hùng hậu nhất: 200 người! (Xem quyển “Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954”)[1]. Qua quyển sách về họ Chu này, người ta còn thấy phái đoàn Trung Cộng hoàn toàn chế ngự và thống lĩnh phái đoàn Cộng sản Bắc Việt của Phạm Văn Đồng. Để rồi, cuối cùng, người quyết định tuyến phân ranh (vĩ tuyến 17) là Chu Ân Lai và Pháp, chứ không phải Phạm Văn Đồng.

 

Điều ấy đủ bộc lộ cái nham hiểm của Tàu Cộng và sự lệ thuộc hèn hạ của Cộng sản Bắc Việt vào người “đàn anh nước lớn” của họ như thế nào. Chưa kể việc Phạm Văn Đồng hạ bút ký Hiệp định, nghiễm nhiên dâng phần đất phía nam vĩ tuyến 17 cho Pháp và đặt phần đất bắc vĩ tuyến 17 vào sự kềm chế và lũng đoạn của Trung Cộng, dọn đường cho những mưu toan xâm lược của bọn bành trướng Bắc Kinh thôn tính nước ta sau này!

 

Phía Quốc gia Việt Nam do Ngoại trưởng Nguyễn Quốc Định làm trưởng đoàn, sau đó được thay thế bởi Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ.

 

Ngày 16/6/1954, Chí sĩ Ngô Đình Diệm chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng Quốc gia Việt Nam và chính thức đảm nhiệm vai trò Thủ tướng ngày 7/7/1954.

 

Tại Hội nghị Genève, ngoại trưởng Trần Văn Đỗ nhân danh chính phủ quốc gia Việt Nam tuyên bố, “đoàn đại biểu quốc gia Việt Nam dứt khoát từ chối ký vào bất kỳ hiệp định đình chiến nào dẫn tới Việt Nam phân trị” (sđd).

 

Như vậy là Quốc Gia Việt Nam, (sau đó là Việt Nam Cộng Hòa) chưa hề nhìn nhận Hiệp định Genève về Đông Dương nói chung và về Việt Nam nói riêng do các cuờng quốc, đặc biệt là Liên Xô, Trung Cộng và Pháp với Cộng sản Bắc Việt cùng âm mưu áp đặt, chia để trị.

 

Hội nghị Genève mở cửa cho Trung Cộng xâm nhập Việt Nam

Duyệt lại tình hình đất nước từ Hiệp định Genève năm 1954, tác giả Tùng Phong dành một đoạn dài trong quyển sách để phân tích tiến trình can thiệp của Trung Cộng vào việc phân chia lãnh thổ và chiến tranh Việt Nam với âm mưu tranh thủ phần lợi cho chủ nghĩa bành trướng của họ.

 

Trước khi đi vào phân tích, Ngô Đình Nhu, nhà chánh trị lão luyện của Miền Nam Việt Nam, cảnh cáo: “Đối với dân tộc Việt Nam, Trung Hoa của Mao Trạch Đông, cũng như Trung Hoa của các triều đại Nguyên, Tống, Minh là một đe dọa truyền kiếp – (trang 202).

 

Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu chỉ thẳng rằng, chính thể Cộng sản miền Bắc lúc bấy giờ dưới danh nghĩa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã tạo cơ sở cho Trung Cộng thiết lập mối đe dọa của họ trực tiếp và công khai nhắm vào Việt Nam.

 

Theo tác giả Chính Đề Việt Nam, việc nhà cầm quyền CSVN ngửa tay nhận viện trợ của Trung Cộng làm gia tăng “sự chi phối của Trung Hoa, và sau lưng sự chi phối [là] sự đe dọa xâm lăng của Trung Hoa mà chúng ta đã biết là vô cùng nặng nề, một cách liên tục cho chúng ta trong hơn tám trăm năm, tạm thời đình chỉ trong gần một thế kỷ Pháp thuộc, [nay] đã bắt đầu hoạt động trở lại dưới các hình thức viện trợ và cố vấn quân sự cho quân đội của Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam…” (trang 204).

 

Nhắc lại biến cố Hội nghị Genève năm 1954, Tùng Phong cho biết, tham dự hội nghị này, Trung Cộng đạt 3 điều lợi, mà điều lợi thứ hai của họ lại là hiểm họa to lớn cho Việt Nam.

Điều lợi thứ hai đó là gì? Tác giả Chính Đề Việt Nam xác quyết: “Điều lợi thứ nhì cho Trung Cộng là một thắng lợi về ranh giới và lãnh thổ”.

 

Theo Chính Đề Việt Nam, khi Hội nghị Genève đặt vấn đề phân chia lãnh thổ Việt Nam thành hai miền, CSVN ban đầu “yêu sách lấy vĩ tuyến 13 làm ranh giới,” vì họ muốn thâu tóm luôn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… vào miền Bắc. Còn Pháp thì đòi vĩ tuyến 18. Nhưng, “dưới áp lực của Trung Cộng, ranh giới đã lui lại đến vĩ tuyến 17… Những tham vọng đất đai của Trung Cộng đối với Việt Nam đã thỏa mãn” (trang 207). Tùng Phong giải thích: “…vùng đất thiết yếu cho nước Tàu là các vùng hai bên sông Nhị Hà, con đường tháo ra biển, thiên nhiên của vùng Tây Nam Trung Hoa”.

 

Tác giả Chính Đề Việt Nam quả quyết, “việc ấn định ranh giới ở vĩ tuyến 17, vừa xác nhận tham vọng đất đai, bất di bất dịch của Tàu đối với Việt Nam, vừa chứng minh sự lệ thuộc của chính phủ Bắc Việt đối với Trung Cộng”. (209).

 

Hiểm họa Trung Hoa: hiểm họa muôn thuở

Ở trang đầu quyển Chính Đề Việt Nam khi đề cập đến Bối Cảnh Của Vấn Đề, ông Ngô Đình Nhu cảnh báo: “Lúc nào các quốc gia nhỏ cũng phải bị chi phối bởi những trận phong ba bão táp vô trách nhiệm do các nước lớn gây ra. Và lúc nào cũng sống dưới sự đe dọa liên tục của một cuộc ngoại xâm” – (trang 8).

 

Việt Nam không thoát khỏi số phận ấy, “hết phải chống Bắc, rồi phải chống Tây, rồi lại phải chống Bắc”. Rõ ràng tác giả cố ý nhấn mạnh tới hiểm họa xâm lăng từ phương bắc, một nước láng giềng mà CSVN hết lời tung hô là nước “anh em môi liền môi, răng liền răng, thắm thiết tình đồng chí” với Việt Nam.

 

Ở phần II và III cuốn Chính Đề Việt Nam, khi bàn về Vị Trí Của Việt Nam và Điều Kiện Nội Bộ, tác giả chỉ rõ hơn chế độ Cộng sản VN là thủ phạm tạo điều kiện như thế nào cho việc bành trướng hiểm họa Trung Quốc đối với Việt Nam.

 

Ông Ngô Đình Nhu nêu lên mấy câu hỏi: “Trung Cộng giúp khí giới, kỹ thuật và phương tiện cho Việt Nam [Cộng sản] chiến thắng vì Trung Cộng thân Việt Nam hơn là bài Mỹ hay là bài Mỹ hơn thân Việt Nam? Và khi viện trợ như vậy, Trung Cộng xem Việt Nam là đồng chí Cộng Sản hay là một phần đất cũ xưa kia, và nay sắp sửa được gồm thâu vào lãnh thổ của họ?” – (trang 148).

 

Ôn lại lịch sử ngàn năm đô hộ giặc Tàu, Ông Ngô Đình Nhu sáng suốt nhận ra rằng, “Từ sau năm 972, sau khi nhìn nhận độc lập của Việt Nam rồi, lúc nào Trung Hoa cũng nghĩ rằng đã mất một phần lãnh thổ quốc gia, và lúc nào cũng khai thác mọi cơ hội đưa đến, để thâu hồi phần đất mà Trung Hoa xem là của họ” –  (trang 165).

 

Tác giả nhận dịnh tiếp: “Trung Hoa, suốt một ngàn năm lịch sử, lúc nào cũng muốn lấy lại mảnh đất mà Trung Hoa coi như bị tạm mất”. (Chính Đề Việt Nam, trang 165). Ông NĐN nêu lên bằng chứng sử sách: “Trung Hoa đã bảy lần toan chím lại nước Việt Nam. Hai lần do nhà Tống chủ trương, ba lần nhà Nguyên, một lần nhà Minh và một lần nhà Thanh”. Rồi ông nhận định: “Một hành động liên tục như vậy, nhất định có nghĩa là tất cả các triều đại Trung Hoa đều theo đuổi một chính sách, đặt lại nền thống trị trên lãnh thổ Việt Nam” – (trang 165).

 

Từ chứng cớ lịch sử nêu trên, Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu cảnh báo về tham vọng chính trị của Trung Cộng: “Đã như vậy thì, ngay bây giờ, ý định của Trung Cộng vẫn là muốn thôn tính, nếu không phải hết nước Việt Nam, thì ít ra cũng Bắc phần”. (Chính Đề Việt Nam, 166).

______

 

[1] Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 là bản dịch cuốn sách “Chu Ân Lai Dữ Nhật Nội Ngoã Hội Nghị”, nhà xuất bàn Trung Cộng Đảng Sử Xuất Bản Xá, 2005, tác giả là Tiền Giang, dịch giả là Dương Danh Dy.

(Còn tiếp)

 

                                                          ***

 

Chính đề Việt Nam của Ngô Đình Nhu: Cái nhìn tinh tế và sắc bén về hiểm họa Trung Hoa (Phần 2)

Lê Thiên

11/01/2022

https://baotiengdan.com/2022/01/11/chinh-de-viet-nam-cua-ngo-dinh-nhu-cai-nhin-tinh-te-va-sac-ben-ve-hiem-hoa-trung-hoa-phan-2/

 

II. Tâm lý “thuộc quốc” và não trạng “đảng thuộc” của CSVN

 

Đảng CSVN lệ thuộc Đảng CS Trung Hoa… dẫn tới tâm lý “thuộc quốc”

Tác giả Chính Đề Việt Nam lại nhận xét: “Họa xâm lăng của Trung Hoa đè nặng vào đời sống của dân tộc chúng ta, đến nỗi tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta đều bị ám ảnh bởi sự đe dọa đó (trang 167). “Và do đó mà lịch sử ngoại giao của chúng ta lúc nào cũng bị chi phối bởi một tâm lý thuộc quốc” – (trang 166).

 

Tâm lý “thuộc quốc” này bám sát và không ngừng ám ảnh các nhà lãnh đạo Việt Nam, cho dù mỗi thời kỳ lịch sử mỗi khác. Các vua chúa thời xưa thì chấp nhận triều cống cho bắc phương những phẩm vật quý giá, như vàng bạc, trân châu, lụa là, gấm vóc… nhưng tuyệt đối giữ vững từng thước đất của lãnh thổ quốc gia. Bên cạnh đó, vì vấn đề ngoại giao chỉ giới hạn trong phạm vi giữa bên xâm lược và bên bị xâm lược, cho nên, như là một cách vừa giải tỏa ức chế vừa tạo thêm đất sống cho dân, cho nước, các vua chúa thời xưa đã nghĩ tới việc mở rộng bờ cõi về hướng Nam.

 

Đến thế kỷ 20 và thế kỷ 21, vấn đề ngoại giao được mở rộng, tính quốc tế được phát huy, tâm lý thuộc quốc tưởng đã giảm xuống, không còn là nỗi ám ảnh cho các nhà lãnh đạo Việt Nam nữa. Nhưng, tiếc thay, tâm lý thuộc quốc vẫn bám lấy nhà cầm quyền CSVN. Rồi cùng với nỗi ám ảnh bởi tâm lý thuộc quốc, các thế hệ Cộng sản nắm quyền cai trị không thoát ra nổi cái mặc cảm “đảng thuộc” mà Hồ Chí Minh, đảng trưởng của họ đã là kẻ vướng mắc trước tiên (cụ thể nhất là trong CCRĐ với vụ xử tử Bà Nguyễn Thị Năm Cát Hanh Long như sẽ trình bày bên dưới).

 

Nhà cầm quyền CSVN từ trước tới nay luôn coi Liên Xô là anh cả, Trung Cộng là vĩ đại, cung kính gọi Lênin, Stalin và Mao Trạch Đông là “Người”, là “Đồng chí vĩ đại” (viết hoa) – Đồng chí Lênin vĩ đại, Đồng chí Stalin vĩ đại, Đồng chí Mao Trạch Đông vĩ đại! Tôn những tên đồ tể này lên bậc thần thánh… Đám lãnh đạo CSVN sẵn sàng làm mọi thứ mà những ác quỉ này truyền dạy mà vài bằng chứng cụ thể xin được nêu dưới đây.

 

* Hồ Chí Minh nhân danh “đa số” xử tử người đàn bà ân nhân

Chúng ta còn nhớ vào đầu thập niên 1950, Hồ Chí Minh nhận lệnh của Stalin và Mao Trạch Đông, phát động chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ) ở miền Bắc VN theo mô hình Trung Cộng, giết hại hàng vạn người Việt vô tội, trong số đó có bà Nguyễn Thị Năm (còn có tên là Cát Thanh Long) là nạn nhân bị giết đầu tiên.

 

Bà Năm là người có công che giấu, nuôi ăn, giúp đỡ các ông lớn nhất của đảng CS lúc bấy giờ như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị v.v… Bà còn đóng góp hàng trăm lượng vàng vào quỹ Tuần Lễ Vàng cho Hồ Chí Minh.

 

Nhưng rồi bà Năm lại là người đầu tiên bị xử tử hình để làm “mẫu” cho công cuộc CCRĐ “long trời lở đất”! Sự giết hại dã man ấy tất nhiên đã làm hài lòng cả người “anh” Mao Trạch Đông vĩ đại lẫn quan thầy Stalin đại ác!

 

Hồi đó, Lã Quý Ba, viên đại sứ Trung Cộng kiêm nhiệm “Tổng Cố vấn” (tức Thái thú hay còn gọi là Toàn quyền) tại Việt Nam, muốn rằng phía Việt Nam phải biểu thị lòng trung thành đối với Trung Quốc bằng một hành động cụ thể, điển hình qua CCRĐ. Thế là Lã Quý Ba thúc ép Hồ Chí Minh và Đảng CSVN phải mạnh tay trong chiến dịch đấu tố CCRĐ. Y truyền Hồ Chí Minh phải đưa bà Nguyễn Thị Năm ra làm vật hy sinh.

 

Trong hồi ký “Những Kỷ Niệm Về Bác Hồ”, ông Hoàng Tùng, cựu Ủy viên Bộ Chính Trị CSVN, kể lại: “Họp Bộ chính trị Bác [ông HCM] nói: ‘Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy cũng giúp đỡ cho cách mạng. Người Pháp nói không nên đánh đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa’. Sau khi cố vấn Trung Quốc Lã Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: ‘Thôi tôi theo đa số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải’Và họ cứ thế làm”.

 

Nghĩa là cứ nổ súng bắn hạ bà Nguyễn Thị Năm. HCM tự rửa tay, một hành động rửa tay đầy gian dối xảo quyệt – giết chết một người đàn bà vô tội… đã từng “bỏ vàng nuôi đảng”, chỉ để “làm vui lòng một lời ĐỀ NGHỊ”! Một “vĩ nhân” của thế giới, một “lãnh tụ thiên tài” lẽ nào lại mang cái tâm ác độc và cái óc xuẫn động đến như vậy? Tại sao cái tội sát nhân này không bị truy tố, không bị trừng trị?

 

Ông Nguyễn Minh Cần (cựu phó Bí thư Thành Ủy Hà Nội) và một số nhân vật khác cho rằng, lời kể của ông Hoàng Tùng mang tính chất huyền thoại nhằm chạy tội cho ông Hồ. Bởi vì thời ấy, trong chế độ CS, không hề có chuyện “thiểu số phục tùng đa số”. Vả lại, vào thời kỳ đó ông HCM quyền uy tột đỉnh trong Đảng, thì cái đa số nào có thể vượt qua quyền lực của ông Hồ, khiến ông Hồ cúi đầu chấp nhận y án để xử tử người phụ nữ có công lớn với ông Hồ và Đảng của ông?

 

Nhưng cũng có thể ông Hoàng Tùng đã kể đúng sự thật. Sự thật đó là, chỉ sau khi ông La Quý Ba thúc ép ông Hồ, đưa ông Hồ vào thế chẳng đặng đừng với đàn anh Trung Cộng, Hồ mới phân trần “Thôi tôi theo đa số!” Cái đa số đó là đa số Tàu Cộng đang bao vây ông Hồ, chứ chẳng có đa số nào từ phía người Việt Nam có khả năng lay chuyển ông Hồ đến nỗi ông phải cúi đầu phục tùng, làm một việc mà ông “cho là không phải”. Ông Hồ trưng dẫn câu nói của người Pháp: “không nên đánh đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa”. Ông Hồ quả thật không đánh bà Năm “bằng một cành hoa”, nhưng lại nả đạn vào đầu bà ấy khiến bà chết tức tưởi, quằn quại trên vũng máu!

 

“Gương đạo đức sáng ngời của Hồ Chủ Tịch” đấy: Thà làm tên đồ tể sát nhân gian ác với dân nước mình, hơn là làm phật lòng người đàn anh nước lớn, dù việc làm phật lòng ấy hoàn toàn là việc thuộc nội bộ nước mình, chẳng liên can, đụng chạm gì tới cái ông Trung Quốc kia!

 

* Đồng chí Mao Trạch Đông không thể sai được!

Tưởng cũng nên nói thêm một nét khác về tâm lý thuộc quốc (mà ông Ngô Đình Nhu đã chỉ ra) cũng như cái não trạng đảng thuộc nơi con người Hồ Chí Minh qua mấy lời ông Hồ tuyên bố tại Đại hội lần 2 đảng Cộng Sản Đông Dương (đổi tên thành Đảng Lao Động VN) trong chiến khu rừng núi Tuyên Quang ngày 19-2-1951 như sau: “Về lý luận, đảng Lao Động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin… lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam… Tôi không có tư tưởng ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin”. (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho mẹ và Quốc hội, Nxb. Văn Nghệ, California, 1995, trang 150 – 152.) Chẳng những thế, cũng trong Đại hội này, Hồ Chí Minh còn nhiều lần tuyên bố: “Ai có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể sai được”. (Nguyễn Minh Cần, Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế, 2001, trang 63).

 

Cái ngu của nhà cầm quyền CSVN đã được ông Ngô Đình Nhu vạch ra từ 60 năm về trước, chứ không phải đợi khi chủ nghĩa Cộng sản giẫy chết nó mới lòi ra. Theo tác giả Chính Đề Việt Nam, trong khi Nga Xô “sử dụng thuyết Cộng sản như một lợi khí” để đối đầu với sức mạnh của Âu châu và khi Mao Trạch Đông của Trung Cộng cho rằng chủ nghĩa Mác xít “không đẹp, cũng không thần diệu. Nó chỉ ích lợi”, thì nhà cầm quyền CSVN lại tôn chủ nghĩa ấy “lên hàng một chân lý… mặc nhiên tự hạ mình xuống thấp hon một bậc đối với các lãnh tụ Cộng sản quốc tế và tự biến mình thành một thứ nô lệ… để cho người sử dụng”. (Chính Đề Việt Nam trang 153).

 

Những tên CSVN tay sai Tàu – Nga ấy chẳng những tự biến mình thành một thứ nô lệ hèn nhát đáng nguyền rủa, mà còn mang cái dã tâm đưa cả dân tộc Việt Nam làm nô lệ cho “đàn anh nước lớn” Trung Cộng. Những hành động bắt bớ người dân yêu nước dám bày tỏ lòng yêu nước của mình trên các trang báo, các trang web trong thời gian gần đây là những bằng chứng hiển nhiên mà toàn dân trong nước đều thấy và biết.

 

Điều bất hạnh cho dân tộc Việt Nam ngày nay là tập đoàn cai trị nước ta không chỉ dùng phẩm vật để triều cống như thời xưa, mà còn mang cả lãnh thổ, lãnh hải và thậm chí cả sinh mạng người dân mà dâng nạp, triều cống! Họ không mở mang bờ cõi được như các vua thời xưa, nhưng lại hèn hạ vâng lệnh quan thầy, mang dùi cui, mã tấu và nhà tù ra đàn áp người dân trong nước, chỉ vì những người dân này dám nói lên tiếng nói của lương tri, chống mọi mưu đồ xâm lược của Trung Quốc!

 

Mặt khác, thời xưa các triều đại vua chúa Việt Nam coi việc triều cống phẩm vật cho phương bắc là kế hoãn binh, thì ngày nhà cầm quyền CS Việt Nam lấy đất, lấy đảo làm vật triều cống, để làm kế lâu dài cho quyền “đảng trị”, đặt ách thống trị độc tài chuyên chính lên đầu lên cổ dân tộc Việt Nam. Chính vì tha thiết với chủ nghĩa vô sản chuyên chính, coi nó như là một chân lý, một lý tưởng cần bám lấy mà triều đình nhà Cộng tại Việt Nam bán rẻ đất nước của Tổ tiên cho ngoại bang.

(Còn tiếp)

 

                                                             ***

 

Chính đề Việt Nam của Ngô Đình Nhu: Cái nhìn tinh tế và sắc bén về hiểm họa Trung Hoa (Phần 3)

Lê Thiên

12/01/2022

https://baotiengdan.com/2022/01/12/chinh-de-viet-nam-cua-ngo-dinh-nhu-cai-nhin-tinh-te-va-sac-ben-ve-hiem-hoa-trung-hoa-phan-3/

 

III. Chuyên chế độc tài là lợi khí cho giặc ngoại xâm

 

Phát huy ý chí quật cường chống chủ nghĩa chuyên chế

Biện pháp nào có thể sử dụng để cuộc chiến đấu chống ngoại xâm được hữu hiệu? Trong Chính Đề Việt Nam, tác giả Tùng Phong chỉ rõ: “Biện pháp cần thiết nhất, hữu hiệu nhất và hoàn toàn thuộc chủ động của chúng ta, là nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân dân, và phát huy ý thức quốc gia và dân tộc” – (Trang170).

 

Tác giả triển khai quan điểm của mình: “Nếu ý thức quốc gia và dân tộc được ăn sâu vào tâm não của toàn dân, và độc lập, tự do được mọi người mến chuộng, thì các cường quốc xâm lăng, dù có đánh tan được tất cả đạo quân của chúng ta và có thắng chúng ta trong cuộc ngoại giao đi nữa, cũng không làm sao diệt được ý chí quật cường của cả một dân tộc” – (Trang 170).

 

Trong khi bày tỏ niềm lạc quan đối với ý chí quật cường của toàn dân Việt Nam, ông Ngô Đình Nhu thoáng một chút ưu tư, lo ngại về vai trò lãnh đạo quốc gia. Ông viết: “Ý chí quật cường đó đến cao độ, mà không người lãnh đạo thì cũng không làm gì được đối với kẻ xâm lăng” – (Trang 170).

 

Tác giả viết tiếp: “… Một nước nhỏ như chúng ta, họa xâm lăng là một đe dọa thường xuyên… Sự thể đã như vậy, thì đương nhiên một chính thể chuyên chế và độc tài không làm sao đủ điều kiện để bảo vệ quốc gia chống ngoại xâm được” – (Trang 170).

 

Về cái lý do khiến cho chính thể chuyên chế và độc tài không đủ điều kiện để bảo vệ quốc gia chống ngoại xâm, Tùng Phong minh giải: “Bởi vì bản chất của một chính thể chuyên chế và độc tài là tiêu diệt tận gốc rễ tinh thần tự do và độc lập trong tâm não của mọi người, để biến mọi người thành động cơ không có ý chí, dễ điều khiển, dễ đặt để, và dễ sử dụng như một khí cụ” – (Trang 171).

 

Tác giả Chính Đề Việt Nam cũng chỉ rõ động cơ chính thúc đẩy nhà cầm quyền độc đảng, độc tài, tiêu diệt tận gốc rễ tinh thần tự do và độc lập của người dân là để “giữ độc quyền lãnh đạo quốc gia cho một người hay một số rất ít người, để cho sự thấu triệt các vấn đề căn bản của quốc gia trở thành, trong tay họ, những lợi khí sắc bén, để củng cố địa vị của nhà cầm quyền” – (Trang 171). Việc nhà cầm quyền CSVN đối xử thô bạo với các trí thức trong nước và với những người dám đứng lên nói tiếng nói bảo vệ quyền làm người, đã chứng minh điều đó.

 

Tác giả Tùng Phong – Ngô Đình Nhu luôn luôn ưu tư và nhấn mạnh về mối nguy mà quốc gia dân tộc sẽ phải gánh chịu trước nạn ngoại xâm do chính thể chuyên chế và độc tài CSVN gây ra. Ông viết: “Giả sử mà chính thể chuyên chế và độc tài chưa tiêu diệt được hẳn tinh thần tự do và độc lập trong ý thức của mọi người, thì, tự nó, một chính thể chuyên chế hay độc tài cũng là một lợi khí cho kẻ ngoại xâm” – (Trang 171).

 

Tác giả minh giải: “Bởi vì dưới một chế độ như vậy, nhân dân bị áp bức, sẽ đâm ra oán ghét người lãnh đạo họ, và hướng về bất cứ ai đánh đổ người họ oán ghét…” – (Trang 171).

 

Theo những lý lẽ trên, chính thể chuyên chế và độc tài không thể tồn tại trên đất nước chúng ta. Nhưng chọn chính thể nào để thay thế chính thể xấu xa ấy? Theo Chính Đề Việt Nam, một “chính thể thích nghi cho dân tộc chúng ta không phải định đoạt do một sự lựa chọn căn cứ trên những lý thuyết chính trị, hay là những nguyên nhân triết lý, mà sẽ được qui định một cách rõ rệt bởi hoàn cảnh địa dư và lịch sử của chúng ta, cùng với trình độ phát triển của dân tộc” – (Trang 172).

 

Tác giả Tùng Phong nhấn mạnh, hiện tại có thể chúng ta chưa hình dung được rõ ràng chính thể đó sẽ như thế nào, nhưng dứt khoát “chính thể đó không thể là một chính thể chuyên chính hay độc tài được” – (Trang 172). Như vậy, theo tác giả Chính Đề Việt Nam, chỉ có một giải pháp duy nhất cứu vãn đất nước thoát nạn ngoại xâm từ phương bắc là triệt tiêu chế độ độc tài chuyên chính, thay thế bằng một chính thể tự do, dân chủ, thì người dân Việt Nam mới có điều kiện tập hợp thành một khối quần chúng yêu nước thống nhất vững mạnh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương.

 

Giả định của gần 50 năm về trước nay trở thành khẳng định

Cuốn Chính Đề Việt Nam tiên báo: “Giả sử, sự thống nhất do Bắc Việt thực hiện, thì với sự chi phối nặng nề của Trung Cộng đối với Bắc Việt, sự phát triển dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ không thực hiện được…” (Trang 171), bởi vì căn cứ vào lịch sử một ngàn năm bắc thuộc, ta có thể dự đoán chính phủ Bắc Việt – và hậu thân của nó là chính phủ CHXHCN Việt Nam – lệ thuộc Tàu trên mọi phương diện. Dân tộc Việt Nam lại bị “tròng vào cổ cái ách nô lệ mà tổ tiên chúng ta, trong một ngàn năm đã đổ nhiều xương máu để loại trừ” – (Trang 209).

 

Dường như ông cố vấn Ngô Đình Nhu không ngừng bị ám ảnh bởi cái viễn tượng về sự mất Miền Nam VN vào tay CSVN và về một nước Việt Nam “thống nhất” do CSVN thực hiện, khiến cho Trung Cộng có cơ hội thôn tính Việt Nam. Cho nên nơi trang 212, tác giả nhắc lại viễn kiến của mình: “Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian”.

 

Theo tác giả, bao lâu Miền Nam Việt Nam còn tồn tại, bấy lâu cả hai miền Nam Bắc còn được lợi thế trước Trung Cộng. Ông viết: “Trong hoàn cảnh hiện tại [thời kỳ trước 1963], sự tồn tại của Nam Việt Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các nhà lãnh đạo Cộng sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc”.

 

Rồi ông lại cảnh báo: “Nhưng ngày nào họ [các nhà lãnh đạo Cộng sản Bắc Việt] vẫn tiếp tục ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng, thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Sô” – (Trang 212).

 

Từ viễn kiến trên, Tùng Phong – Ngô Đình Nhu xác quyết: “Sự mất còn của miền Nam ngày nay lại trở thành một sự kiện quyết liệt, sự mất còn trong tương lai của dân tộc”.

 

Nên ông thiết tha kêu gọi: “Tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này [đầu thập niên 1960] phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách thống trị một lần nữa” – (Trang 212).

 

Mộng không thành

Tiếc thay! Cái tâm huyết của ông Ngô Đình Nhu bị chôn vùi khi ông và bào huynh của ông, Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm, bị sát hại dã man ngày 1/11/1963! Hoài bão của ông và những người đồng tâm huyết với ông cũng tiêu tan ngay sau đó.

 

Ngày 1974, Trung Cộng đem quân tàn sát 74 chiến sĩ Hải quân VNCH rồi xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chưa đầy bốn năm (1979) sau ngày 30/4/1975 (ngày Cộng sản Miền Bắc cưỡng đoạt miền Nam), Trung Cộng xua quân thực hiện “chính sách chiến tranh xâm lăng”, đánh thẳng vào Việt Nam dưới danh nghĩa ngạo mạn “dạy cho Việt Nam một bài học”. Rồi năm 1988, Tàu cộng lại xua quân đánh lấy một phần của quần đảo Trường Sa mà Quân đội CSVN đang trấn thủ, khiến nhiều chiến sĩ Hải quân CSVN hy sinh.

 

Kể từ năm 1979, có một thời gian ngắn, CSVN ồn ào cái khẩu hiệu “chống bọn bá quyền bành trướng Bắc Kinh xâm lược”. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, nhà cầm quyền CSVN lại ôm chân Trung Cộng, lại “anh anh em em răng liền răng, môi liền môi” tạo cơ hội cho Tàu Cộng tiếp tục chiếm đất, chiếm biển của Việt Nam khi lãnh đạo CSVN mang từ Trung Quốc về Việt Nam những mảnh vụn của mấy cái bánh vẽ “made in China”: 16 chữ vàng và 4 tốt!

 

(Còn tiếp)

 

                                                          ***

 

Chính đề Việt Nam của Ngô Đình Nhu: Cái nhìn tinh tế và sắc bén về hiểm họa Trung Hoa (Phần 4)

Lê Thiên

13/01/2022

https://baotiengdan.com/2022/01/13/chinh-de-viet-nam-cua-ngo-dinh-nhu-cai-nhin-tinh-te-va-sac-ben-ve-hiem-hoa-trung-hoa-phan-4/

 

VI. Những sự kiện xác minh cái nhìn tinh tế của Chính Đề Việt Nam

 

Chuyện dài hải đảo Việt Nam

 

* Công hàm 1958, một thứ ơn đền nghĩa trả nhục nhã!

Bốn năm sau Hiệp định Genève, Hồ Chí Minh và tập đoàn CSVN đã đền ơn viện trợ và công lao của Trung Cộng bằng một văn kiện bán nước vô cùng nhục nhã cho dân tộc Việt Nam. Đó là bản Công hàm 1958 do Phạm Văn Đồng ký.

 

Ngày 4/9/1958 Trung Cộng đưa ra Bản Tuyên Bố khẳng định, Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc thì hai hôm sau, ngày 6/9/1958, tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN, đưa ra bài tường thuật rất chi tiết về Bản Tuyên Bố ấy và nói rõ như một lời tuyên bố chính thức của Cơ quan Đảng Ủy cấp cao nhất CSVN, rằng “kích thước lãnh hải của nước Cộng Hoà Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý và điều này được áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của phía Trung Hoa, bao gồm tất cả các quần đảo trên biển Nam Trung Hoa”.

 

Chỉ 10 ngày sau phát súng lệnh của Trung Cộng và 8 ngày sau khi báo Nhân Dân dọn đường, thì ngày 14/9/1958, Phạm Văn Đồng ký Công hàm bày tỏ sự quy phục của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo đối với quyết định của Trung Cộng. Tập đoàn CSVN công khai khước từ chủ quyền của Việt Nam trên hai hải đảo ấy, một chủ quyền mà sử sách đã khẳng định từ hàng trăm năm về trước, và bao thế hệ đã đổ cả máu ra để bảo vệ.

 

CSVN bưng bít Công hàm ấy ngót 2 thập niên, cho đến năm 1977, khi bị lộ, Phạm Văn Đồng chỉ lên tiếng chống chế ỡm ờ và vô trách nhiệm: “Đó là thời kỳ chiến tranh, nên phải nói như vậy”.

 

Công hàm 1958 đâu phải là lời nói [“nói như vậy”] như Phạm Văn Đồng phân bua, cũng không phải là một “bức thư” trao đổi riêng tư như nhà ngoại giao CS “lão thành” Lưu Văn Lợi biện hộ.

 

Nó là một văn kiện chính thức mang tính quốc gia với giá trị thuộc tầm vóc quốc tế mà Trung Cộng luôn dùng nó làm bằng chứng, một văn kiện đã được “thăm dò” rất chu đáo từ năm 1956 qua lời tuyên bố của Thứ trưởng ngoại giao (VNDCCH) Ung Văn Khiêm khi tiếp ông Li Zhimin, xử lý thường vụ Toà Ðại Sứ Trung Cộng tại Việt Nam, rằng “theo những dữ kiện của Việt Nam (?), hai quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là một bộ phận lịch sử của lãnh thổ Trung Quốc”.

 

Ông Lê Lộc, quyền Vụ trưởng Á châu Sự vụ thuộc Bộ Ngoại giao VNDCCH, cũng có mặt chứng kiến lời tuyên bố của Ung Văn Khiêm, đã cung cấp thêm lời xác nhận rằng “xét về mặt lịch sử thì các quần đảo này đã hoàn toàn thuộc về Trung Quốc từ thời nhà Tống” (!?)

 

Tính chất lưu manh của Trung Cộng được bộc lộ ở đây: Họ tìm cách trói buộc lời phát biểu của hai “đồng chí” Khiêm và Lộc thành một cam kết giấy trắng mực đen từ phía nhà cầm quyền CSVN. Công hàm 1958 tạo cơ sở pháp lý cho Trung Cộng đạt mục tiêu đánh cướp cả quần đảo Hoàng Sa năm 1974 lẫn mấy đảo của quần đảo Trường Sa hồi năm 1988!

 

Chưa hết! Công hàm 1958 còn được CSVN xác lập bằng một văn kiện khác – đó là bản Tuyên bố năm 1965 như ông Lưu Văn Lợi tiết lộ sau đây.

 

* Lưu Văn Lợi tuyên dương tình đồng chí anh em

Lưu Văn Lợi là một nhà ngoại giao kỳ cựu của CSVN, từng tham gia hòa đàm Paris với tư cách trợ lý của Lê Đức Thọ và Xuân Thủy (1972-1973), sau đó là Trợ lý Bộ Ngoại giao CSVN, rồi Trưởng ban Biên giới của Hội đồng Bộ trưởng (1978-1989).

 

Trong quyển sách nhan đề “CUỘC TRANH CHẤP VIỆT-TRUNG VỀ HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA” do Nhà xuất bản CÔNG AN NHÂN DÂN xuất bản năm 1995 (Chương V), ông Lợi thú nhận: “Việc nói Tây Sa là của Trung Quốc trong bản tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1965 … hay câu nói của thứ trưởng ngoại giao Ung Văn Khiêm về Tây Sa là có thật”.

 

Liền sau lời thú nhận “là có thật” này, ông Lợi lại biện minh rằng, “đó không phải là lời tuyên bố từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, càng không phải là từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa”. Nhưng ông Lợi chẳng đưa ra một luận chứng nào có giá trị để bảo vệ ý kiến của ông ta. Ông ấy chỉ xoay quanh cái trục “tình đồng chí và nghĩa vụ quốc tế” của CSVN đối với CS Trung Quốc, cho rằng “mối quan hệ giữa nhân dân hai nước ‘vừa là đồng chí vừa là anh em’, trong ý nghĩa ‘Trung-Việt nhất gia’ (Trung Quốc- Việt Nam, anh em một nhà), do đó coi bản công hàm đó là biểu hiện của tình hữu nghị Trung-Việt”.

 

Dù cố gắng biện minh cách nào, kể cả dùng chữ “bức thư” thay cho tên gọi của văn kiện là CÔNG HÀM, Lưu Văn Lợi cũng để lộ cái ý đền ơn trả nghĩa viện trợ mà ông Ngô Đình Nhu đã soi thấu suốt từ 50 năm về trước.

 

Ông Lợi viết: “Việt Nam lại là một nước xã hội chủ nghĩa, một nước láng giềng anh em, ‘núi liền núi, sông liền sông’ với Trung Quốc. Trong tình hình đó, Trung Quốc trở thành đồng minh trên thực tế của Việt Nam về chính trị, tinh thần và vật chất. Họ đã gửi sang Việt Nam vũ khí, đạn dược, lương thực, xe cộ và dành con đường quá cảnh cho hàng viện trợ của Liên Xô và Đông Âu và các nước khác. Người Việt Nam và Trung Quốc coi quan hệ giữa hai nước như “môi với răng”.

 

Từ lý luận “môi-răng” trên đây, Lưu Văn Lợi kết luận rằng, cả Công hàm 1958 lẫn các lời tuyên bố cùng các văn kiện sau đó của phía CSVN với Trung Cộng chính là một biểu hiện của “tình đoàn kết quốc tế,”  “bổn phận ơn đền nghĩa trả” của Việt Nam đối với người đồng-chí-anh-em-răng-môi mà CSVN phải thực thi!

 

Mặc dù quanh co bao biện cho phe đảng, Lưu Văn Lợi cũng đã phải nhìn nhận rằng Việt Nam Cộng Hòa đã “kiên quyết bảo vệ hai quần đảo chống lại những hành động và ý đồ xâm chiếm của Bắc Kinh”. Đồng thời Lưu Văn Lợi cũng không quên tuyên dương “Chính phủ Việt Nam cộng hoà đã bảo vệ lợi ích và chủ quyền của mình tại các hội nghị và tổ chức quốc tế”.

 

Sự công nhận quá muộn màng ấy của một cá nhân Lưu Văn Lợi hồi năm 1995 chẳng nói lên được gì, bởi vì từ 20 năm trước đó, năm 1974, tập đoàn CSVN tại Hà Nội chẳng những không có một lời phản kháng mà còn ngầm tán dương, cổ xúy Trung Cộng tàn sát Hải quân VNCH để cướp đoạt Hoàng Sa.

 

* Nguyễn Mạnh Cầm ca ngợi nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị

Trước ông Lưu Văn Lợi, ngày 2 tháng 12 năm 1992, ông Nguyễn Mạnh Cầm, Bộ trưởng Ngoại giao CSVN, nhân buổi họp báo tại Hà Nội, cũng đưa ra những lý luận quái gở mà Thông tấn xã CS Việt Nam đã đăng tải ngày 3 tháng 12 năm 1992: “Các nhà lãnh đạo của ta lúc trước xác nhận về Hoàng Sa và Trường Sa [thuộc về Trung Cộng] như vậy là do theo hiệp định Genève năm 1954 về vấn đề Đông Dương thì tất cả lãnh thổ từ vĩ tuyến thứ 17 trở vào Nam là thuộc chính quyền miền Nam, kể cả hai quần đảo này”.

 

Đem Hiệp định Genève để biện hộ tức là tự tố cáo mình vậy. Cộng sản VN từng rêu rao rằng, Hiệp Định Genève tạm chia hai miền Nam Bắc, chứ đâu biến Việt Nam thành hai quốc gia tách biệt nhau. Hồ Chí Minh cũng luôn mồm “Nước Việt Nam là một”.

 

Không dùng khẩu hiệu đó, không lợi dụng danh nghĩa đó, HCM và tập đoàn CSVN có lôi kéo được người Việt nào theo họ không? Vì trót nghe lời tuyên truyền đường mật đầy xảo quyệt của Hồ Chí Minh và CS Bắc Việt, một số “nhân sĩ, trí thức” Miền Nam Việt Nam đi theo CS, để rồi sau này ân hận thì đã muộn (như Nguyễn Hộ, Trương Như Tảng, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu, Hồ Hiếu, Lê Đình Mạnh…)

 

Ông Cầm còn biện bạch: “Thêm vào đó, vào lúc ấy Việt Nam phải tập trung hết mọi lực lượng vào cuộc chiến chống Mỹ nên cần bạn bè khắp nơi. Tình hữu nghị Việt-Trung đang thắm thiết và hai nước hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. Việt Nam xem Trung Quốc là một nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị. Trong tinh thần đấy thì do tình thế cấp bách, quan điểm của lãnh đạo ta là cần thiết vì nó phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc”.

 

Lại nại tới “tình hữu nghị thắm thiết”, nại tới “nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị”. Không còn cách nào, phẩm vật nào khác để đáp lại “tình hữu nghị thắm thiết” ấy sao? Không còn cách nào, phẩm vật nào khác để tạ lễ “nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị” ấy sao? Thì ra “người anh em Trung Quốc” không cần phẩm vật nào khác ngoài lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam. Ý đồ ấy ông Ngô Đình Nhu đã thấu suốt và đã báo động từ lâu.

 

Mang lãnh thổ và lãnh hải của Tổ quốc để dâng cúng như là món nợ ơn nghĩa phải đền trả, và tệ hơn nữa, như bảo chứng của “tình hữu nghị thắm thiết” đã là một hành vi phản quốc khó tha thứ. Lại còn cho rằng hành động ấy “theo quan điểm của lãnh đạo ta là cần thiết vì nó phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc” thì cái tội phản quốc của tập đoàn CSVN đáng phải nhân lên gấp bội!

 

Lời biện minh ấy làm nổi bật sự mâu thuẫn cả trong suy nghĩ lẫn trong hành động của CS Bắc Việt thời đó: Âm mưu trao bán biển đảo của Việt Nam cho Tàu Cộng chỉ với ý đồ nhận được vũ khí cùng các loại quân trang quân dụng từ Trung Cộng hầu đánh cướp các phần lãnh thổ khác ở Miền Nam Việt Nam!

 

Ông Nguyễn Mạnh Cầm còn đưa ra một lý luận khác khá hồ đồ. Ông nói: “Đặc biệt, việc này [việc Công hàm 1958 nhìn nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Cộng] còn nhắm vào nhu cầu cấp thiết lúc đó là ngăn ngừa đế quốc Mỹ không sử dụng các quần đảo đó để tấn công chúng ta. Việc lãnh đạo ta tạm công nhận như thế với Trung Quốc không có can hệ gì đến chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cả”. Tạm công nhận ư? Giờ đã lấy lại được chưa?

 

Về Công hàm 1958, Nguyễn Mạnh Cầm còn lớn tiếng ngụy biện: “Lãnh đạo ta tạm công nhận như thế!”

 

Xin lỗi! Đâu thấy có chữ “tạm” hay hàm ý “tạm” nào trong nội dung Công hàm 1958? Nói thế là nói láo, nói bừa, lấp liếm để chạy tội! Đểu cáng thật! Nhưng một điều mà ai cũng đọc thấy trong lập luận của Nguyễn Mạnh Cầm, đó là mọi quyết định đều do “lãnh đạo ta” (tập thể lãnh đạo CSVN), chứ chẳng có ông Đồng, ông Khiêm hay ông Lộc nào chịu trách nhiệm ngoài cái tập đoàn đảng trị là Đảng CSVN!

 

* Lê Công Phụng trải thảm đỏ… biên giới – thước sông, tấc đất

Ông Lê Công Phụng, người trước đây trực tiếp đàm phán với Trung Quốc về biên giới, lãnh thổ và lãnh hải, sau đó là Đại sứ CSVN tại Mỹ, đã có một kiểu trả lời khá hợm hĩnh với nhà báo Lý Kiến Trúc (chủ nhiệm tạp chí Văn Hóa, từ quận Cam, California). Ngày 25-9-2008, ông Lý Kiến Trúc trả lời đài RFA, dẫn lời đại sứ Lê Công Phụng, nói về vấn đề lãnh hải giữa Việt Nam với Trung Quốc, như sau:

 

“… Việt Nam có đủ chứng cứ, cơ sở pháp lý, và căn cứ lịch sử để khẳng định Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam… Nhưng mà cũng có thấy một điều là đất nước mình bên cạnh Trung Quốc. Ông cha đặt mình ở đấy thì mình phải ở đấy. Sống bên cạnh nước lớn thì phải biết cách sống”.

 

Phụng nói thêm: “Cha ông chúng ta đánh cho phong kiến Trung Quốc thua, mình còn phải cấp gạo, cấp lương thực, cấp vàng, cấp ngựa cấp xe cho chúng đi về, phải trải thảm đỏ cho chúng đi về. Đấy là kinh nghiệm của ông cha sống bên cạnh xứ láng giềng lớn, thì mình cũng phải học theo các cụ”.

 

Lê Công Phụng viện lý do lịch sử cha ông chúng ta đã trải thảm đỏ (?) cho bại quân xâm lược phương bắc đi về, để từ đó biện minh cho việc tập đoàn CSVN “trải thảm đỏ” rước giặc phương bắc xâm lấn bờ cõi nước ta, đột nhập và cướp đoạt ngôi nhà mà tổ tiên ta đã gầy dựng và gìn giữ bằng xương máu. Biểu thị lòng yêu nước bằng cách đó sao?

 

Hành động của CSVN ngày nay chứng minh lời báo động của ông Ngô Đình Nhu về cái họa tập đoàn CSVN xây bệ tiến cho Trung Cộng xâm lược Việt Nam là lời cảnh báo xác thực.

Trả lời phỏng vấn đài RFA ngày 25/9/2008, nhà báo Lý Kiến Trúc thuật lại lời ông Lê Công Phụng: “Liên quan đến các điểm cao, tôi cũng muốn nói với các vị rằng là năm 1979 Trung Quốc tấn công Việt Nam kết thúc thì cơ bản là Trung Quốc rút về đường biên giới cũ. Trung Quốc giữ lại, chiếm đất của Việt Nam khoảng độ 27 điểm, trong đó hầu hết là các điểm cao… cuối cùng còn lại 6 điểm cao… chúng ta đưa đường biên giới chạy lên giữa các điểm cao đó”.

 

Vừa bảo rằng “cơ bản là Trung Quốc rút về đường biên giới cũ,” sau đó lại bảo rằng Trung Cộng còn chiếm giữ 27 điểm, và xuống còn 6 điểm! Nếu Trung Cộng không giữ hết 27 điểm họ đã đã đánh chiếm năm 1979, thì ít ra họ cũng còn bám trụ ở 6 điểm! Như vậy quân Trung Cộng thắng chứ đâu bại hay hòa đối với Việt Nam!

 

Đố dân mình có ai biết diện tích của 6 điểm ấy là bao nhiêu? Vâng! Trung Cộng đã liếm đất biên giới của ta và thè dài cái “lưỡi bò” liếm trọn vùng lãnh hải của ta. Nhưng chúng chưa hài lòng. Đất đai nội địa của ta, chúng cũng dòm ngó! Vụ dự án Bauxite Tây Nguyên nằm trong ý đồ ấy! Thế nhưng, mặc kệ mọi lời phản kháng hay góp ý từ nhiều giới, nhiều thành phần người dân trong nước, CSVN vẫn trước sau như một, tiến hành dự án này và để cho Trung Cộng đưa người của họ ồ ạt xâm chiếm.

 

Chúng ta không quên lời nhắc nhở của Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm rằng, cao nguyên là vị trí chiến lược then chốt quan trọng nhất nước, ai chiếm được Tây Nguyên, là chiếm được cả nước Việt Nam!

 

* Trần Quang Cơ – Một lời nhìn nhận muộn màng

Nhân thuật lại việc Tổng Bí thư CSVN Đỗ Mười và Thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt thăm chính thức CHND Trung Hoa ngày 5 đến 10/11/1991 “để hoàn thành việc bình thường hoá mối quan hệ bị trục trặc lớn từ tháng 2/79”, trong cuốn “Hồi Ức và Suy Nghĩ” (viết xong ngày 23.1.2001, hoàn chỉnh ngày 22.05.2003) ở cuối chương 18, cựu Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Trần Quang Cơ đã cay đắng kể lại: “Trong khi lãnh đạo ta ôm kỳ vọng cùng Trung Quốc ‘bảo vệ CNXH chống đế quốc’ thì họ đã xác định quan hệ với ta là “thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đấu’ (thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, đấu tranh nhưng không đánh nhau)”.

 

Một phần nào tương tự cái nhìn của tác giả cuốn Chính Đề Việt Nam từ 50 năm về trước, ông Trần Quang Cơ cũng mạnh mẽ tố cáo mưu đồ lấn chiến của Trung Cộng: “Trung Quốc nói thế, song luôn luôn lấy thế nước lớn để lấn chiếm lãnh thổ lãnh hải ta, và hiểm độc nhất là không ngừng tác động vào nội bộ ta”.[1]

 

Ông nhấn mạnh: “Trước mắt cũng như trong tương lai dự báo được, Trung Quốc là nguồn xuất xứ chính của những thách thức đe doạ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như đối với an ninh và phát triển của Việt Nam”.

 

Ông Cơ còn quả quyết: “Những thách thức đe doạ trên nhiều mặt của Trung Quốc đối với ta đều đang là những vấn đề hiện thực, đang xảy ra và ta đang phải xử lý, khác với những thách thức đe doạ của các đối tượng khác, kể cả Mỹ, có phần nào còn là giả định và dự phòng”. (Trần Quang Cơ: Hồi Ức và Suy Nghĩ – Phụ lục – NHỮNG THÁCH THỨC…).

 

Cuối cùng, ông Trần Quang Cơ cảnh báo tập đoàn CSVN: “Sức ép của Trung Quốc đối với ta sẽ phát triển thuận chiều với sự phát triển các mặt của Trung Quốc”.

 

Ông Cơ nhắc khéo họ: “Thế giới cũng như các nước khu vực đều coi Mỹ là đối trọng có hiệu quả nhất trong việc kiềm chế Trung Quốc. Cũng vì thế Trung Quốc rất không muốn Mỹ cải thiện quan hệ và đi tới bình thường hoá quan hệ với Việt Nam”.

 

Lời tiên đoán và cảnh báo trước của ông cố vấn Ngô Đình Nhu, tác giả cuốn Chính Đề Việt Nam đã được chính những “nhân vật có tai mắt” của chế độ CSVN xác minh. Tiếc thay! Do bị đè nặng bởi sức ép của tâm lý “quốc thuộc”, cộng với mặc cảm “đảng thuộc” đối với Trung Cộng, người CSVN mất hết ý thức và khả năng lựa chọn, hầu bảo vệ lợi ích và lãnh thổ của dân tộc trước một kẻ thù hung hãn và đầy mưu lược đang từng ngày, từng giờ âm mưu thôn tính đất nước Việt Nam mà chúng đã dòm ngó và manh nha cướp đoạt từ hàng ngàn năm qua!

 

______

 

[1] Khi lên tiếng cảnh báo Trung Cộng là hiểm họa to lớn và triền miên đối với nước ta, từ lãnh hải tới biên giới và nội địa (2001), ông Trần Quang Cơ đã rời khỏi BCH TƯ Đảng CSVN vào cuối Tháng 11/1993.

(Còn tiếp)

 

                                                               ***

 

Chính đề Việt Nam của Ngô Đình Nhu: Cái nhìn tinh tế và sắc bén về hiểm họa Trung Hoa (Phần cuối)

Lê Thiên

14/01/2022

https://baotiengdan.com/2022/01/14/chinh-de-viet-nam-cua-ngo-dinh-nhu-cai-nhin-tinh-te-va-sac-ben-ve-hiem-hoa-trung-hoa-phan-cuoi/  

 

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4

 

                                                               *

 

V. Ông Ngô Đình Nhu, trí thức yêu nước nhìn xa thấy rộng

 

CSVN phò Tàu và lệ thuộc Trung Cộng thế nào?

Chúng ta có thể nêu ra đây 3 bằng chứng cụ thể về não trạng đảng đối với Trung Cộng:

Thứ nhất – một website của Bộ Thương mại, nay là Bộ Công thương, mang tên miền nhà nước Việt Nam, gov.vn, đã để cho phía Trung Quốc sử dụng đưa thông tin khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc!

 

Thứ hai – báo điện tử “Đảng Cộng sản Việt Nam” với tâm ý tán dương TC đã sốt sắng đăng lại bài báo Trung Quốc đưa tin chi tiết về hoạt động của hải quân Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đánh chiếm từ năm 1974.

 

Thứ ba – CSVN liên tục dùng bạo lực sách nhiễu đàn áp người dân yêu nước đấu tranh đòi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam, mà mục đích của hành động đàn áp là nhằm chứng tỏ CSVN là đầy tớ trung thành của Cộng sản Trung Quốc.

 

Trong một bài báo phân tích về các sự kiện trên, nhà văn Phạm Đình Trọng kêu gọi: “Ở liền kề với nhà nước Trung Quốc khổng lồ, luôn lăm le lấn đất, thôn tính lân bang thì ý chí độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta càng phải mãnh liệt, sắt đá”.[1]

 

Lời kêu gọi trên phản ảnh phần nào tư tưởng mà ông Ngô Đình Nhu đã tỏ bày từ nửa thế kỷ qua. Ông Ngô Đình Nhu trình bày mạch lạc hơn các ý tưởng của ông về cả ý chí tự do lẫn ý chí độc lập của dân tộc như là hai yếu tố thiết yếu nhất cần tồn tại song song với nhau thì mới mong chống được giặc ngoại xâm. (Chính thể độc tài làm lợi khí cho giặc ngoại xâm).

 

Một khi độc tài đảng trị bóp chết ý chí độc lập, tự do của dân tộc, thì tinh thần đoàn kết quốc gia cũng bị thủ tiêu, sức mạnh quật cường của toàn dân ắt suy yếu và tất nhiên, một lân bang nhỏ bé và yếu kém về nhiều mặt như Việt Nam sẽ là mồi ngon cho sự thôn tính của nước lớn Trung Cộng.

 

Bởi lẽ, như Dương Danh Dy, nhà ngoại giao CSVN từng làm việc ở Trung Quốc từ năm 1962, cay đắng nhận xét khi trả lời phỏng vấn ngày 05/10/2009 của đài BBC nhân kỷ niệm 60 năm quốc khánh Trung Cộng: “Không biết Khổng Tử xưa kia có chủ trương bá quyền hay không, nhưng những kẻ hiện nay đang rêu rao “tứ hải giai huynh đệ” của Khổng Tử thì thực tế cho thấy họ luôn luôn thè chiếc lưỡi rắn độc để mổ vào huynh đệ khi có cơ hội và tìm mọi cách nuốt cho trôi tứ hải vào cái bụng tham lam vô đáy của mình. Có lẽ đấy là chủ nghĩa khuyển Nho vô sỉ (Cynisme) mà thực chất là đường lối bạo Tần, chứ chắc gì đã bắt nguồn từ nhân nghĩa gốc của Khổng Mạnh”.

 

Viễn ảnh Việt Nam nô lệ Bắc phương

Ông Cố vấn của Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa cũng đã luận cổ suy kim, nhưng với một ưu tư khác, đó là “ký ức của những thời thống trị tàn khốc của Tàu đối với chúng ta còn ghi trong mỗi trang lịch sử của dân tộc và trong mỗi tế bào của thân thể ta” – (Trang 212).

 

Từ nỗi ưu tư khắc khoải ấy, ông Ngô Đình Nhu nhìn vào cái viễn ảnh đau thương cho đất nước Việt Nam. Ông nhận rõ “các nhà lãnh đạo miền Bắc [tức tập đoàn CSVN ngày nay], khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta, mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc” – (Trang 212).

 

Như vậy, nếu hành động xâm lược của Trung Cộng là điều “đất không dung, trời không tha,” thì hành động tiếp tay của CSVN cho sự bành trướng ấy là tội tày trời, càng không thể dung thứ!

 

Lời tâm huyết của Tùng Phong – Ngô Đình Nhu, một số người khi đọc nó vào thời kỳ cả trước lẫn sau năm 1975 có thể la toáng lên rằng đó là biểu lộ tâm lý chống Cộng cực đoan hoàn toàn phát xuất từ tưởng tượng, rồi đặt điều gán ghép quá đáng cho đối phương! Giờ đọc kỹ lại Chính Đề Việt Nam và đối chiếu nhận xét của tác giả Chính Đề Việt Nam vớxi những thực tại đau lòng ngày nay trên quê hương VN, chắc chắn người đọc sẽ nhìn nhận Chính Đề Việt Nam là lời tiên tri đầy tâm huyết: Lời tiên tri ấy nay đã được chứng thực là hoàn toàn chính xác.

 

Về hậu quả của sự lệ thuộc mà nhà cầm quyền CSVN đã lựa chọn đối với Trung Cộng, Tùng Phong viết: “Sự quy phục thuyết Cộng sản sẽ đương nhiên biến sự đe dọa, thống trị của nước Tàu đối với Việt Nam, thành thực tế” – (Trang 261). Thực tế đó chính là việc CSVN tán trợ, kích thích, tạo điều kiện cho mục tiêu xâm lăng của Tàu chóng thành tựu.

 

Mọi cuộc xâm lăng của Tàu nhằm vào đất nước Việt Nam từ cổ chí kim đều là phi nghĩa, là tội ác. Nhưng bằng những văn kiện chính thức, nhà cầm quyền CSVN tự nguyện khoác cho Trung Cộng cái áo “chính nghĩa” trong hành động chiếm đảo, biển, cướp đất ngang ngược của ngoại bang và đó chẳng phải là hành động mãi quốc cầu vinh đê tiện đó sao?! Nếu có phải phản kháng, thì cũng chỉ lên tiếng chiếu lệ bằng công thức soạn sẵn cho người phát ngôn đọc như két, như vẹt[2].

 

KẾT LUẬN

 

Trong phần Kết Luận của quyển Chính Đề Việt Nam, tác giả Tùng Phong nêu lên nguyên tắc TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ để nhắc nhở CSVN phải biết lúc nào họ có thể trụ vào lý thuyết Cộng sản, lúc nào họ cần phải buông bỏ nó, bởi vì “Sự [CSVN] trụ đóng vào lý thuyết Cộng Sản sẽ không làm giải quyết được công cuộc phát triển cho dân tộc, mà lại còn mở cửa đưa các thế hệ sau này vào một đời sống vô cùng đen tối không lối thoát” – (Trang 354).

 

Tác giả Chính Đề Việt Nam cũng cảnh cáo: “Nếu chúng ta gắn liền số mạng của dân tộc Việt Nam vào với số mạng của Trung Cộng, thì hành động đó có nghĩa là chúng ta sẽ từ bỏ công cuộc phát triển đang cần thiết cho sự sống còn của dân tộc” – (Trang 355) .

 

Một cảnh cáo cuối cùng và then chốt mà Chính Đề Việt Nam nhấn mạnh, đó là: “Nếu chúng ta [người Việt Nam] không thức tỉnh thì một trong những nạn nhân đầu tiên của sự bành trướng [Trung Hoa] sẽ là chúng ta” – (Trang 355).

 

Tác giả Chính Đề Việt Nam kêu lên: “Chỉ tưởng tượng đến viễn tượng đó cũng đủ cho chúng ta khủng khiếp!” – (Trang 355).

 

Vâng! Khủng khiếp và đau lòng lắm, uất hận lắm trước những gì đang xảy ra và sẽ tiếp tục xảy ra cho quê hương Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam, do sự cấu kết mờ ám giữa Cộng sản Việt và Cộng sản Tàu xé nát thân thể Việt Nam yêu dấu của chúng ta.

 

Do vậy, người dân Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn mà Chính Đề Việt Nam đã đề nghị cách đây 60 năm: Nhanh chóng lựa chọn một chính thể, cho dầu có thể chúng ta chưa hình dung nó sẽ như thế nào, nhưng dứt khoát “chính thể đó không thể là một chính thể chuyên chính hay độc tài” hoặc là một chính thể vệ tinh của Tàu Cộng.

 

______

 

[1] Phạm Đình Trọng: Thời nghịch lý. Talawas Blog, ngày 30/9/2009.

 

[2] Trung Cộng có “ăn hiếp” Việt Nam hay không trong thời gian qua và ăn hiếp thế nào, quý độc giả từng theo dõi tin tức trong nước có lẽ ai cũng đã rõ, xin không bàn ở đây. Thiết tưởng cũng chẳng cần nêu ra đây những điều ai cũng biết như vụ diễn tập quân sự, những “tàu lạ” ngang nhiên uy hiếp ngư dân VN, vu “lính Trung Quốc ném đá vào công nhân VN ở vùng biên giới Việt-Trung”; chuyện “tàu lửa Trung Quốc chở hàng đi thẳng vào trung tâm Thủ đô Hà Nội” trong khi hơn 6000 xe tải chở hàng từ VN sang Trung Quốc bị chặn lại nơi biên giới… Ấy là chưa kể chuyện đạo quân gián điệp hùng hậu của Trung Cộng đội lốt công nhân, khoác áo Hoa kiều, mua nhà chiếm đất, tràn ngập các thành phố lớn nhỏ toàn cõi Việt Nam…





No comments:

Post a Comment

View My Stats