Biết
thêm từ “Chính đề Việt Nam” (Phần 1)
Nguyễn
Đình Cống
30/12/2021
https://baotiengdan.com/2021/12/30/biet-them-tu-chinh-de-viet-nam-phan-1/
1-Giới thiệu
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/1-23-696x928.jpg
Ảnh bìa sách “Chính
Đề Việt Nam” – Tùng Phong
Sách “Chính đề Việt Nam”, tác giả Tùng Phong –
Ngô Đình Nhu (có thông tin nói tác giả là ông Lê Văn Đồng), một
người có vai trò quan trọng trong chính quyền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1963.
Sách được hoàn thành vào năm 1962 với sự thảo
luận, đóng góp ý kiến của một số nhà chính trị và nhà khoa học. Sách chưa kịp
in thì xảy ra chính biến tháng 11/1963, lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Năm 1964
sách được in ra tại Sài Gòn, nhưng chỉ lưu hành giới hạn trong các cán bộ lãnh đạo.
Năm 1988, sách được in lại tại Nhà Xuất Bản Hùng Vương – Los Angeles – Mỹ.
Theo lời Nhà Xuất bản thì “Sách mở đầu
bằng một lời vắn tắt của một đại văn hào Nhật Bản, Đức Phú Tô Phong, nói rằng:
‘Một dân tộc hùng cường là một dân tộc giàu chiến sĩ vô danh’. Phải chăng tác
giả muốn ngụ ý rằng dân tộc VN cũng là một dân tộc hùng cường vì VN cũng giàu
chiến sĩ vô danh”.
Tôi được biết về “Chính đề Việt Nam” từ rất
lâu, nhưng chỉ mới ở dạng các bài giới thiệu hoặc tóm tắt. Gần đây mới có dịp
nghiên cứu toàn văn. Hiện nay sách có thể tìm thấy tại Việt Nam Thư quán.
Trong những bài giới thiệu, tôi quan tâm nhiều
đến bài của GS Tôn Thất Thiện (sinh năm 1924), viết năm 2009 với tựa đề “MỘT VIÊN NGỌC QUÝ TRONG KHO TÀNG TƯ TƯỞNG, MỘT ĐÓNG GÓP LỚN VỀ
SOI SÁNG VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN”. GS Thiện là một học giả chuyên
nghiên cứu vấn đề phát triển các quốc gia chậm tiến, ông cho rằng “Chính đề
Việt Nam sẽ được coi như là một tác phẩm hết sức độc đáo, một đóng góp lớn,
một viên ngọc quý trong kho tàng tư tưởng của nhân loại…, là tài liệu
xuất sắc nhứt mà ông đã được đọc trong suốt thời gian gần 70 năm qua”.
Sách được viết trong thời kỳ chiến tranh lạnh
với thế giới được chia thành hai phe (hai khối). Tạm gọi là A và B. Phe A tự
cho mình theo đường lối XHCN, yêu hòa bình, chống áp bức bóc lột, chống xâm lược,
gọi phe B là bọn tư bản, đế quốc, gây chiến, xâm lược. B tự cho là khối Thế giới
Tự do, nơi người dân có dân chủ, nhân quyền, phát triển xã hội theo Kinh tế thị
trường, họ gọi A là khối Thế giới Cộng sản, nơi sử dụng bàn tay sắt của chuyên
chính vô sản để tước đoạt quyền tự do cá nhân và xóa bỏ tư sản.
Đứng đầu phe A là những người như Stalin, Mao
Trạch Đông mà bên A ngợi ca là lãnh tụ thiên tài, còn B gọi là những tên độc
tài khát máu. B không có người đứng đầu rõ ràng, chỉ có những người đóng vai
trò rất quan trọng, đó là các Tổng thống Mỹ được bầu theo nhiệm kỳ.
Ngoài hai khối A và B thì một số nước họp với
nhau thành “Thế giới thứ ba” gồm vài chục nước, mà chủ yếu là những nước thuộc
địa cũ, chậm phát triển.
Ở Việt Nam, sau năm 1954 đất nước tạm chia
hai, là hình ảnh thu nhỏ của A, B trên thế giới. Thông thường gọi là Hai miền,
Bắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nam với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Gắn với chính
trị thì A gọi chính quyền Miền Nam là Ngụy quyền; còn B tự xưng là phe Quốc
gia, gọi Miền Bắc là Phe Cộng sản (CS).
Sau khi chia hai đất nước thì có sự tập kết.
Quân đội và người làm việc cho bên nào thì về bên đó. Riêng dân thường thì có sự
di cư từ Bắc vào Nam mà hình như không có theo chiều ngược lại. Năm 1955 có
phong trào “Chống cưỡng ép di cư” ở toàn Miền Bắc. Ngoài ra, có một số đông
theo Cộng sản nhưng được tổ chức cài đặt ở lại Miền Nam để dùng sau này. Hình
như cũng có một số ít theo Quốc gia trốn lại Miền Bắc, nhưng nhanh chóng bị vô
hiệu hóa.
Miền Bắc lo thiết lập thời kỳ quá độ lên CNXH
với cải cách ruộng đất, hợp tác xã nông nghiệp, cải tạo Công thương nghiệp,
thành lập các nông trường, làm một số công trình, nhà máy, mở mang trường học.
Những việc về kinh tế như cải cách, hợp tác, cải tạo v.v… chủ yếu là thất bại
do làm trái quy luật tự nhiên chứ không bị một sự phản khàng nào đáng kể của
“thế lực thù địch”. Về chính trị có nổi lên nhóm Nhân văn đòi tự do dân chủ,
nhưng bị đàn áp ngay. Tuy có một số toán biệt kích từ Nam ra quấy phá và một
vài phản ứng lẻ tẻ ở một số nơi, nhưng tất cả đều bị tiêu diệt nhanh chóng. Đồng
thời với việc đưa Miền Bắc theo XHCN là tiến hành các công việc cần thiết để tiến
tới “giải phóng Miền Nam”, thống nhất đất nước. Ý đồ Tổng tuyển cử vào năm 1956
đã không thành.
Hồ Chí Minh
cho rằng, đã có chủ nghĩa Mác – Lê soi sáng, có Stalin và Mao Trạch Đông vạch
đường, nên ông và Đảng của ông không cần sáng tạo gì thêm, xem Mác – Lê là kim
chỉ nam, là đuốc soi đường, chỉ tìm cách thực hiện nó cho phù hợp với hoàn cảnh
và nhận sự viện trợ của phe XHCN, mà chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc.
Về phía Miền Nam, sau khi
đưa tiễn đội quân của Pháp ra khỏi đất nước và dẹp tan được các giáo phái chống
đối, Ngô Đình Diệm muốn xây dựng một Miền Nam thành hình mẫu của Thế giới Tự
do, ngăn cản sự bành trướng của khối CS. Nhưng công việc này bị cản trở bởi lực
lượng CS nằm vùng và của Miền Bắc với quyết tâm đánh đổ chế độ Ngô Đình Diệm.
Tình thế đó làm cho ông Diệm càng quyết tâm chống Cộng. Trong lúc Miền Bắc dựa
vào Liên Xô và Trung Quốc thì ông Diệm phải dựa vào khối Thế giới Tự do mà chủ
yếu là Mỹ. Trong hoàn cảnh này, Tùng Phong cùng các cộng sự nghiên cứu và viết
ra Chính đề Việt Nam.
Không thấy rõ vai trò ông Ngô Đình Diệm trong
việc nghiên cứu này, mặc dù Tùng Phong là người thân thiết với ông.
Đọc Chính đề Việt Nam tôi cảm phục Tùng Phong
đã thể hiện lòng yêu nước Việt, thương dân tộc Việt, muốn tìm con đường đúng đắn
để chấn hưng, để phát triển, đồng thời ông có những nhận định sáng suốt. Tuy vậy,
tôi không hoàn toàn nhất trí với mọi ý kiến của ông, không đề lên quá cao sách
của ông (như GS Thiện) mà sẽ có những ý kiến phản biện.
Tôi sẽ trình bày các loại ý kiến sau: Một
là, những ý của Tùng Phong mà tôi thấy bình thường thì chỉ thuật lại mà
không có nhận xét gì, phần lớn là loại này. Hai là, những điều trước đây
tôi chưa biết, chưa nghĩ tới, nay nhờ Tùng Phong mà biết được, tôi ghi chú bằng
chữ (ý mới, mới đối với tôi nhưng chắc sẽ không mới với một số người khác). Ba
là, những ý kiến tương đối khác lạ với suy nghĩ bình thường của nhiều người,
tôi cũng đã nghĩ tới, một số đã viết ra, nay thấy Tùng Phong đề cập, mới biết rằng
mình cũng chỉ là một trong những người đồng thời nghĩ ra vấn đề đó, được ghi chữ
(trùng ý). Bốn là, một số ý của Tùng Phong mà tôi chưa tán thành. Những
điều này cần được suy nghĩ và chiêm nghiệm kỹ hơn, được ghi chữ (phản biện).
Tôi sẽ lần lượt theo nội dung sách mà trình bày các ý kiến. Viết ra những điều
như thế với mong ước được trao đổi với những ai quan tâm để có thể hoàn thiện
được tư tưởng và may ra có thể đóng góp được gì đó cho cộng đồng.
Viết bài này cũng gần như tôi tóm tắt sách
“Chính đề VN”.
Ghi chú: Để phân biệt với câu văn
do tôi viết ra, mọi câu trích dẫn của Tùng Phong hoặc của người khác đều được
in nghiêng và đặt trong dấu ngoặc kép “…”. Thỉnh thoảng tôi có chen
vào vài điều bình luận để trình bày ý kiến cá nhân, ngoài những nhận xét hoặc
phản biện đã viết.
(Còn tiếp)
***
Biết thêm từ “Chính đề Việt Nam” (Phần 2)
Nguyễn
Đình Cống
31/12/2021
https://baotiengdan.com/2021/12/31/biet-them-tu-chinh-de-viet-nam-phan-2/
2- Bối cảnh của vấn
đề
Mở đầu sách là những trình bày về: Vị trí của
VN trong thế giới hiện tại (1962), hình ảnh lịch sử của cộng đồng, Quốc gia, Cộng
sản và sự phân chia lãnh thổ, Đường lối phát triển của dân tộc.
Tùng Phong chia cộng đồng làm hai phần: Thiểu
số và đa số (trùng ý) và gán cho thiểu số làm lãnh đạo và đa số được lãnh đạo.
Điều này chỉ đúng một phần vì có những cộng đồng mà thiểu số là thống trị, độc
tài, còn đa số là bị trị. (Phản biện). Từ đây trở xuống tôi chỉ gọi họ là Thiểu
số và Đa số, chỉ khi nào cần nhấn mạnh mới kèm thêm định ngữ lãnh đạo hoặc thống
trị và bị trị).
Tùng Phong nhận định, “VN là nước nhỏ về
dân số, về lãnh thổ, kinh tế kém phát triển và không có đóng góp gì đáng kể vào
văn minh nhân loại. Chúng ta bị chi phối bởi sự vô trách nhiệm của các nước lớn,
luôn bị đe dọa nạn ngoại xâm”. Tôi chỉ tán thành một phần vì cho rằng VN
không thuộc loại dân số ít (không những bây giờ, năm 2022 mà cả vào thời năm
1962), lãnh thổ không đến nỗi bé, hơn nữa có vị trí địa lý khá tốt. VN không có
đóng góp gì vào văn minh nhân loại vì kém phát triển, vì yếu, chứ không phải vì
nước nhỏ, VN luôn bị đe dọa nạn ngoại xâm chủ yếu là từ dã tâm của Đại Hán chứ
không còn từ phương Tây. Bị chi phối bởi sự vô trách nhiệm cùa các nước lớn
cũng vì ta yếu kém chứ không thể đổ lỗi cho ai được. (Một số người Việt tự hào
là đóng góp lớn cho nhân loại bằng cách mạng giải phóng thuộc địa, lập chính
quyền công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Xin chưa bàn đến điều này đúng sai đến
đâu).
Tôi tán thành với Tùng Phong rằng, sự yếu kém
của cộng đồng do thiểu số lãnh đạo kém phẩm chất là chủ yếu (trùng ý). Nguyễn
Trãi viết: “Như nước Đại Việt ta…Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau mà hào
kiệt đời nào cũng có”. Mạnh là khi hào kiệt được trọng dụng, lúc đó dân tộc
sẽ đoàn kết, mạnh lên, yếu là khi hào kiệt bị thiểu số thống trị loại bỏ, dân tộc
sẽ bị phân tán và có nguy cơ tan rã. Tùng Phong đã viết rất đúng rằng, thiểu số lãnh đạo cần
có được NHÂN, DŨNG, LƯỢC và thấu triệt được vấn đề của cộng đồng. Từ đó mới chọn
được đường lối đúng.
Đa số, dù được lãnh đạo hoặc bị trị, là những
người dân, lý do sống là vì cá nhân, nhưng điều kiện sống là thuộc cộng đồng (ý
mới). Hai điều này thường phù hợp nhưng nhiều khi xảy ra mâu thuẫn, lúc này người
dân phải chấp nhận một sự hy sinh nào đó. Vậy đa số cũng cần phải thấu triệt được
vấn đề của cộng đồng. Thiểu số có nhiệm vụ giúp đa số làm việc này (đó là nâng
cao dân trí, chấn hưng dân khí).
Giữa thống trị và bị trị thường xuyên có mâu
thuẫn. Giữa lãnh đạo và được lãnh đạo cũng có những lúc phát sinh mâu thuẫn, đó
là mâu thuẫn chủ yếu trong cộng đồng. Để giải quyết mâu thuẫn thì thiểu số lãnh
đạo cần phải; 1- Tôn trọng tinh thần dân chủ, là một lợi khí sắc bén, 2- Phát
huy sự hiểu biết của đa số đối với vấn đề cần giải quyết của quốc gia để củng cố
tinh thần dân tộc.
Khi đất nước bị chia cắt, sự tranh giành ảnh
hưởng giữa phe Quốc gia và phe Cộng sản đã làm tan rã dân tộc. Chống Cộng mà chỉ
nhằm vào việc loại bỏ cá nhân và tổ chức, dù có quyết liệt đến đâu cũng chỉ là
chống một cách tiêu cực. Cần vạch ra rằng, CS chỉ là một lý thuyết tranh đấu
ngoại lai, nó sẽ đưa dân tộc vào con đường đen tối. Chống Cộng tích cực phải
trên cơ sở thực trạng của Quốc gia và có giải pháp để thay thế.
Bình luận: Ai cũng nói rất giỏi về
việc đánh giá đúng thực trạng, về vấn đề cần giải quyết, nhưng nói thì dễ, làm
được rất khó vì bị chi phối bởi chủ nghĩa này, học thuyết kia, lãnh đạo nọ. Vậy
để có một đánh giá tương đối đúng về thực trạng, có thể tin được, cần phải có sự
điều tra toàn diện của một tổ chức trung lập, một cách khách quan, trung thực,
không bị chi phối bởi bất kỳ học thuyết, chủ nghĩa hoặc sự lãnh đạo nào cả
(ngưng bình luận).
Phần cuối của mục “Bối cảnh…”, Tùng Phong viết
về vai trò cá nhân, rằng ông luôn đứng ở vị trí lịch sử để nhìn tất cả các vấn
đề mà không bao giờ đứng ở vị trí tôn giáo. Ông còn đưa ra và giải thích cách
hành văn trong quyển sách, chủ yếu dùng nhiều danh từ hơn động từ, nhằm diễn tả
rõ, hết, các tư tưởng một cách bao quát, vững chắc (ý mới).
3- Phần I: Nhận định
về thế giới
Từ giữa thế kỷ 20, về chính trị thế giới chia
thành hai phe như đã mô tả ở trên, mỗi phe có cách lãnh đạo riêng.
Về văn hóa, thế giới lại chia ra 5 vùng. Một
là vùng Âu – Mỹ, chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy La. Hai là vùng Arập, Trung
Đông, chịu ảnh hưởng của đạo Hồi. Ba là vùng Đông Á chịu ảnh hưởng văn hóa
Trung Hoa cổ đại. Bốn là vùng Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Năm là
vùng châu Phi.
Về khoa học kỹ thuật thì khác. Nền khoa học kỹ
thuật và văn minh phương Tây đã chinh phục toàn bộ.
Tùng Phong đi đến nhận xét: “Vì vậy cho nên
ngày nay trên thế giới vấn đề Tây phương hóa (TPH) là một vấn đề thiết yếu cho
các quốc gia muốn tồn tại, mặc dầu TPH theo kiểu khối tự do hay TPH theo kiểu
khối CS. Và đó cũng là vấn đề thiết yếu cho nước VN”.
Bình luận: Cách nhìn của Tùng
Phong có phần đúng nhưng quá thiên lệch về khoa học kỹ thuật, khác với cách
nhìn của sách “Tại sao các quốc gia thất bại”, cho rằng sự phát triển của một
quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào thể chế kinh tế và thể chế chính trị (ngưng bình
luận).
Về CS: Tùng Phong nhận đình rằng, CS ở Tây
phương, ở Nga Xô và ở châu Á là khác nhau. “Ở Tây phương, thuyết CS là một
phương thuốc được đề nghị để chữa căn bệnh cho xã hội trong một giai đoạn phát
triển cam go, về sau các nhà lãnh đạo của họ lại tìm được phương thuốc khác (và
họ đã loại bỏ CS)… Nga Xô chỉ xem thuyết CS là một phương tiện và chỉ có giá
trị là một phương tiện… Nhưng sang châu Á thuyết CS chỉ còn là một phương tiện
để đánh kẻ xâm lăng và một phương hướng phát triển… Một số lãnh tụ CS châu Á
hoàn toàn lầm lẫn khi họ say mê mà tôn thờ thuyết CS như là một chân lý… Mao Trạch
Đông đã nhìn thấy rõ các điểm trên đây. Sự khác biệt giữa các phương pháp CS ở
Nga và Tàu là một bằng cớ”.
***
Biết
thêm từ “Chính đề Việt Nam” (Phần 3)
Nguyễn
Đình Cống
01/01/2022
https://baotiengdan.com/2022/01/01/biet-them-tu-chinh-de-viet-nam-phan-3/
4- Phần II (A): Vị
trí của VN trong khung cảnh thế giới trình bày ở phần trước
Tùng Phong đưa ra 4 điểm:
1- VN là nước nhỏ kém mở mang.
2- Theo truyền thống văn hóa, VN thuộc xã hội
Đông Á.
3- VN thuộc khối các nước châu Á vừa thoát khỏi
ách thực dân, đế quốc.
4- VN đang cần Tây phương hóa để bảo vệ độc lập,
phát triển kinh tế, hầu xây dựng hạnh phúc cho nhân dân.
Về điểm 1: Là nước nhỏ kém mở mang
nên lâm vào tình trạng: 1- Thiếu kỹ thuật, 2- Lợi tức quốc gia kém, 3- Mức sống
nhân dân thấp, 4- Việc mưu sinh chiếm hết nhiều thời gian, 5- Sự sáng tác kém
giá trị và không có đóng góp gì cho văn minh thế giới. Những điều này tạo nên
vòng luẩn quẩn. Phải tìm cách phá bỏ vòng đó.
Về điểm 2: VN thuộc xã hội Đông Á.
Vì lý do địa lý và lịch sử nên TPH sẽ gặp trở ngại. Phải nhận rằng TPH không
làm mất bản chất dân tộc.
Về điểm 3: VN vừa thoát khỏi ách
thực dân, đế quốc. Họ có hai loại. Đế quốc kiểu Anh nghĩ tới ngày trả lại độc lập
cho bản xứ nên quan tâm đào tạo người thay thế. Đế quốc kiểu Pháp, Hà Lan, Bỉ
không nghĩ như thế, không làm thế. VN đã phải chịu tai họa đó. Vì vậy sau khi
giành độc lập, người Việt, trừ một số rất ít đã tự học hỏi để chế ngự ngành hoạt
động của mình, còn số đông là những người mang nặng các khuyết điểm như kiến thức
rời rạc, kém khả năng tổng hợp, tâm lý vô trách nhiệm, chỉ quen làm tay sai,
quan liêu.
Vì bị làm thuộc địa, rồi đấu tranh giành độc lập
nên VN lâm vào cảnh “Lãnh đạo quốc gia bị gián đoạn”. Khi lãnh đạo QG được liên
tục do chuyển giao trong hòa bình thì mới có thể gìn giữ, nối tiếp những bí mật,
những truyền thống tốt đẹp, rất cần để phát triển (ý mới). “Chế độ độc tài
hay quân chủ chuyên chế hoàn toàn bất lực trong việc bảo đảm một sự lãnh đạo QG
liên tục”.
Về vấn đề tình trạng bị gián đoạn hoặc liên tục
của lãnh đạo quốc gia, Tùng Phong đã viết khá dài những nhận định chung, tình
trạng của VN và của một số nước như Anh, Nga, và đặc biệt là Nhật, Thái Lan,
Trung Quốc.
Khi thay đổi đường lối lãnh đạo quốc gia (chúng
ta gọi là đổi mới tư duy), Tùng Phong cho rằng “Người lãnh đạo (LĐ) phải
thay đổi tư tưởng hay là phải thay đổi người LĐ. Kinh nghiệm chỉ ra rằng không
bao giờ người LĐ thay đổi tư tưởng trong lúc đang ở trong không khí hành động,
bởi một lẽ rất dễ hiểu là họ phải mất rất nhiều thì giờ nghiền ngẫm mới đi đến
triết lý chính trị mà họ chủ trương… Vì vậy, cho nên yêu cầu một người LĐ thay
đổi tư tưởng khi đang hành động là một việc không bao giờ thực hiện được… Như vậy
chỉ còn cách là thay đổi người LĐ” – (Trùng ý).
Bình luận: Tôi cũng từng nghĩ như
Tùng Phong, không thể yêu cầu người LĐ thay đổi tư tưởng. Với mỗi người “đổi mới
tư duy” là do họ, sau khi tiếp nhận những tư tưởng mới, tự biết mình đang lạc hậu,
tự mình thay đổi, chứ không ai thay đổi được họ. Với tổ chức thì “đổi mới tư
duy” là dùng người có tư duy mới thay cho người có tư duy cũ, không nên tin vào
lời nói của một số người rằng “Tôi xin hứa sẽ đổi mới tư duy”.
Tuy vậy, tôi cũng nhận thấy một số trường hợp
rất đặc biệt là người LĐ, do một tác động đột xuất và mạnh mẽ nào đó mà “NGỘ”
ra được những sai lầm của triết lý đang theo đuổi. Phải chăng ông Trường Chinh
trước Đại hội 6 của Đảng CSVN là một thí dụ. Thế rồi Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười
đã triệt hạ Trần Độ và Trần Xuân Bách. Phải chăng đất nước đang gặp vận Thiên Địa-Bỉ.
(Ngưng bình luận).
Vì người LĐ quốc gia không thỏa mãn được những
yêu cầu cấp thiết của cộng đồng nên đẩy xã hội đến tan rã. Đó là một trạng thái
khắc nghiệt.
Về điểm 4: VN cần Tây phương
hóa để phát triển dân tộc
Tùng Phong đã điểm qua sự TPH của Nhật, Nga. Về
Ấn Độ, một thời gian Ghandi bài xích Tây phương, nhưng rồi họ cũng tiến hành
TPH để phát triển.
Tùng Phong đi đến kết luận: “Công cuộc phát
triển dân tộc chúng ta bằng cách TPH là một sự kiện lịch sử dĩ nhiên, không thể
tránh được, và ngoài công cuộc phát triển ấy ra, dân tộc chúng ta không còn một
lối thoát thứ hai… Tất cả mọi người VN chúng ta đều phải quả quyết tin rằng
chúng ta cần phải dốc hết nổ lực để thực hiện công cuộc phát triển dân tộc, bằng
cách TPH xã hội chúng ta một cách toàn diện mà không do dự”. Tùng Phong còn
cho rằng, TPH phải toàn diện vì TPH có giới hạn nhất định sẽ thất bại.
Bình luận: Kết luận như vậy có phần
cực đoan, nhất là về hình thức. Khi nói “Tây Phương” thì ngụ ý nhiều đến con
người hơn là địa lý. TPH có nghĩa là học và làm theo người Tây phương. Đức Phật
có dạy “Y PHÁP BẤT Y NHÂN” có nghĩa là học theo PHÁP chứ không theo NGƯỜI. Cách
nói “Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa” hơi dài mà cũng chưa bao quát, phải chăng gọi
ngắn gọn là “Hiện đại hóa” là tạm ổn vì trong đó bao gồm nhiều lĩnh vực.
Cho rằng không có lối thoát thứ hai và TPH có giới hạn nhất định sẽ thất bại
cũng là vội vàng. Mà nhấn mạnh TPH thì còn phải tìm cách tháo gỡ đặc điểm của
xã hội Đông Á, có nền văn hóa đặc thù – (Ngưng BL).
Tùng Phong có đưa ra những lập luận để chứng
minh rằng, đã TPH thì phải toàn diện, ở mức đủ cao, tuy vậy những chứng minh đó
chưa hoàn toàn chặt chẽ.
Tùng Phong đưa ra ví dụ về nước Nga, trước đây
tuy Nga có TPH được phần nào về khoa học kỹ thuật nhưng không toàn diện nên may
nhờ có dân đông mới trụ vững. Mãi sau này Nga mới hiểu được để TPH toàn diện, đặc
biệt là khả năng sáng tạo. Ông viết: “Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ thu nhập
được kỹ thuật mới của Tây phương là đủ bảo vệ nền văn minh cũ”. Không phải
như vậy, mà: “Nếu chúng ta thâu nhập một kỹ thuật mới của Tây phương
thì chúng ta phải thâu nhập toàn bộ kỹ thuật của họ”. Đầu tiên là khả
năng sáng tạo kỹ thuật.
Tây phương hóa đến mức độ đủ cao là thiết yếu,
nhưng vô cùng khó khăn, “nó đòi hỏi ở toàn dân những nỗ lực lớn lao và những
hy sinh nặng nề”.
Về độc lập dân tộc: Đã có nhiều hy sinh để giành độc lập, nhưng theo Tùng Phong thì: “Độc
lập không phải là mục đích cuối cùng mà chỉ là một điều kiện khẩn thiết… để có
thể phát triển được dân tộc” – (ý trùng). Mà phát triển dân tộc không
gì hơn là TPH. Ông nhận xét rằng, một số dân Việt tập hợp lại dưới cờ Cộng sản
chính là vì độc lập dân tộc và đặt câu hỏi: “Khi bước sang giai đoạn phát
triển dân tộc, sự quy tụ dưới cờ CS có phải là một hành động lợi ích cho dân tộc
không?”
Bình luận: ĐCSVN lãnh đạo toàn dân
đấu tranh để được độc lập và thống nhất phải chăng là để đem học thuyết của họ
áp đặt lên toàn bộ dân tộc, việc họ nói vì tự do và hạnh phúc của nhân dân chỉ
là để tuyên truyền – (Ngưng bình luận).
Tùng Phong nêu vấn đề: “Nếu chúng ta phải
thực hiện cuộc TPH toàn diện và đến mức độ cao thì liệu bản chất dân tộc chúng
ta có tồn tại nữa không? Và nếu sau cuộc TPH mà bản chất dân tộc bị mất thì nó
có đáng để chúng ta theo đuổi… và như vậy thì chúng ta TPH để bảo vệ cái gì?”
Nêu ra như thế rồi, ông lần lượt chứng minh là
TPH chủ động không thể làm mất bản sắc dân tộc. Còn nếu bị ép buộc TPH thì có
thể mất cả bản sắc dân tộc mà có nguy cơ mất cả độc lập.
***
Biết thêm từ “Chính đề Việt Nam” (Phần 4)
Nguyễn
Đình Cống
02/01/2022
https://baotiengdan.com/2022/01/02/biet-them-tu-chinh-de-viet-nam-phan-4/
5- Phần II (B): Một
ví dụ lịch sử
Ngày xưa các nước nằm trong đế quốc La Mã đều
bị La Mã hóa trên mọi lĩnh vực, trừ tôn giáo và những phần văn hóa sáng tạo.
Ngày nay các dân tộc ở châu Âu đều sống trong một nền văn minh kỹ thuật chung
nhưng tất cả sáng tạo trong mọi ngành của mỗi dân tộc đều khác, văn hóa Nga Xô
vẫn mang tính dân tộc Nga. Sau hơn một trăm năm TPH dân tộc Nhật vẫn giữ nguyên
văn hóa của họ.
Để làm chủ được TPH phải chế ngự được khả năng
sáng tạo, nó bắt nguồn từ nền văn minh với hai trụ cột cơ bản là chính xác về
lý trí, ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức. Tùng Phong đề lên rất cao hoạt động
của lý trí, nó được khởi sắc từ thời kỳ Phục Hưng. Phải dựa trên lý trí mới có
thể suy luận chính xác. Ông phê phán các suy nghĩ của người phương Đông có phần
dựa vào trực giác nên dễ bị mơ hồ.
Chính xác về lý trí, ngăn nắp và minh bạch
trong tổ chức không phải chỉ trong khoa học kỹ thuật mà phải là từ mọi việc nhỏ
nhặt của đời sống. TPH không phải chỉ của một nhóm người mà phải là của toàn
dân tộc, do đó phải chú ý đến nông thôn, dồn vào đó sức lực cần thiết.
Mục đích của TPH là để phát triển dân tộc. Tôn
giáo ảnh hưởng lớn đến phát triển dân tộc nhưng không ảnh hưởng đến TPH.
Tùng Phong viết: “Ít hay nhiều, công
cuộc phát triển dân tộc sẽ diễn ra trong không khí khổ hạnh cho mọi người…
Trong trường hợp như vậy cố nhiên là tín đồ của các giáo lý, thuộc loại thứ nhất,
sẵn sàng tham gia một công cuộc phát triển dân tộc”. Ông đã dẫn ra và
phân tích những trường hợp khác nhau của nước Nhật, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ,
Trung Hoa để nói lên những thuận lợi và khó khăn giữa tôn giáo và TPH.
6- Phần II (C):
Phát triển dân tộc và tôn giáo ở VN
Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Hoa với Tam
Giáo: Nho, Lão, Phật. Đạo Phật tuy có quan tâm đến “Nhập Thế” nhằm giúp chúng
sinh, nhưng chủ yếu là “Xuất Thế” để tìm sự cứu rỗi cho bản thân. Tùng Phong
cho rằng: “Nhưng rồi thiểu số tín đồ Thiên Chúa Giáo sẽ đóng góp một tham gia
tích cực vào công cuộc phát triển dân tộc”.
Tùng Phong nêu ra hai cơ hội phát triển dân tộc
(và đã dài dòng thuyết minh thế nào là cơ hội và điều kiện).
Cơ hội thứ nhất là vào khoảng những năm 30 thế
kỷ 19, lúc mà giữa các cường quốc Phương tây có mâu thuẫn lớn. Nhật Bản lợi dụng
được cơ hội này, còn VN, vì các lãnh đạo đất nước tự xem là thuộc quốc của
Trung Hoa nên đã bỏ lỡ và đẩy dân tộc vào đường nô lệ.
Cơ hội thứ hai là sau sự xuất hiện của Nga Xô
theo chủ nghĩa Mác. Ban đầu Mác cũng hấp dẫn được các đảng CS châu Âu, họ tưởng
rằng CS là một phương thuốc chữa được căn bệnh xã hội. Nhưng rồi nhiều nước
châu Âu tìm ra phương thuốc khác, hữu hiệu hơn. Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa
Nga Xô và phương Tây tác động đến các nước thuộc địa. Nga giúp họ đấu tranh còn
phương Tây tìm cách trả độc lập cho họ và giúp họ phát triển. Ấn Độ đã không
theo Nga. Trung Quốc, tuy bề ngoài là CS nhưng có phần chống lại Nga. Việt Nam
đã không lợi dụng được mâu thuẫn giữa Nga và Tây phương để phát triển mà lại lọt
vào vòng mâu thuẫn đó.
Tùng Phong cho rằng, lãnh đạo Nga Xô (và kể cả
Mao Trạch Đông) chỉ xem lý thuyết CS như là một lợi khí để chiến đấu với Tây
phương. Ông dẫn câu của Mao: “Sở dĩ chúng ta nghiên cứu thuyết của Các Mác
không phải vì nó tốt đẹp gì, cũng không phải nó chứa đựng một phép thần diệu để
trừ ma quỷ. Nó không đẹp, cũng không thần diệu. Nó chỉ ích lợi” – (ý mới).
Thế mà lãnh đạo CS Bắc Việt lại tôn lên thành giáo lý, họ say mê thuyết CS, cho
rằng nó là chân lý tuyệt đối (trùng ý).
Tùng Phong nhận xét: “Đưa một phương tiện
chiến đấu của người ta làm chân lý của mình là mặc nhiên hạ mình xuống thấp hơn
một bậc đối với các lãnh tụ CS quốc tế và tự biến mình thành nô lệ tri thức cho
người sử dụng. Vì vậy cho nên trong những hành động chính trị của các nhà lãnh
đạo phía Bắc lý thuyết CS được để lên trên quyền lợi của dân tộc… Do các lý lẽ
trên đây có thể quả quyết rằng các nhà lãnh đạo phương Bắc vẫn chưa nhận thức
nguy cơ đang đe dọa dân tộc, và những ngày đen tối của chúng ta vẫn còn tiếp tục”.
Và rồi cơ hội thứ hai cũng sẽ bị bỏ qua.
Bình luận: Kết thúc đại chiến 2 là một cơ hội
lớn. Hồ Chí Minh và Việt Minh đã lợi dụng được cơ hội này, nhưng chủ yếu là để
giành chính quyền cho CS chứ không phải vì lợi ích cho sự phát triển lâu dài của
dân tộc. Liên Xô sụp đổ cũng là một cơ hội, nhưng Trần Độ, Trần Xuân Bách, những
người muốn từ bỏ CS đã bị Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười nhanh chóng loại bỏ. Phải
chăng số mệnh của dân tộc xui ra như thế, vận nước còn trong thời bỉ cực.
7- Phần II (D): Chỉnh
đốn nội bộ
Đó là nội bộ của hai bên kình địch nhau là
phương Tây và Nga Xô. Với phương Tây, họ phát hiện ra rằng mâu thuẫn giữa các
nước làm họ bị suy yếu trong việc chống CS, vì thế họ đã tìm cách thỏa hiệp để
tạo ra Liên minh châu Âu. Nga Xô phải đồng thời xử lý hai mối quan hệ, với Tây
phương và với các nước theo CS. Dân chúng càng ngày càng tỏ ra thích Tây
phương, lãnh đạo đề ra đường lối “Chung sống hòa bình” để ve vãn.
Bình luận: Vào năm 1962 Tùng Phong chưa có được
dự đoán việc Liên Xô sẽ tan rã, chỉ mãi sau này Brzezinski mới dự đoán được
chuyện đó.
8- Phần III (A):
Điều kiện nội bộ
Phần này trình bày về nội bộ của Việt Nam và
quan hệ với các nước Đông Á.
Với Trung Quốc và các nước, Tùng Phong nhận định
(trích từng đoạn ghép lại): “Suốt gần một ngàn năm lịch sử, Trung Hoa lúc
nào cũng muốn xâm chiếm VN, lấy lại phần đất mà họ coi như bị tạm mất… Ngay bây
giờ ý định của Trung Cộng vẫn là muốn thôn tính, nếu không phải
toàn bộ VN thì ít ra cũng là Bắc phần… Họa xâm lăng đe dọa chúng ta đến nỗi,
trong suốt ngàn năm lịch sử từ ngày lập quốc, trở thành một ám ảnh cho tất cả
lãnh đạo của chúng ta. Và do đó mà lịch sử ngoại giao của chúng ta lúc nào cũng
bị chi phối bởi tâm lý thuộc quốc… Vì vậy cho nên chống ngoại xâm là một yếu tố
quan trọng trong chính trị của VN… Để chống xâm lăng chúng ta có những
biện pháp quân sự và ngoại giao. Nhưng hơn cả, về phương diện hữu hiệu và chủ động
là nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân dân, phát huy ý thức quốc gia
và dân tộc, mở rộng khuôn khổ giới lãnh đạo để cho vấn đề lãnh đạo quốc gia được
nhiều người thấu triệt… Đương nhiên một chính thể chuyên chế và độc tài không
làm sao đủ điều kiện bảo vệ Quốc gia chống ngoại xâm được. Bởi vì bản chất của
nó là tiêu diệt tận gốc rễ tinh thần tự do và độc lập trong tâm não của mọi người,
để biến mỗi người thành một cái máy hoàn toàn không có ý chí, dễ điều khiển, dễ
đặt để và dễ sử dụng. Bản chất của một chính thể chuyên chế và độc tài là giữ độc
quyền lãnh đạo quốc gia cho một hay một số rất ít người, để cho sự thấu triệt
các vấn đề căn bản của Quốc gia trở thành, trong tay họ, những lợi khí sắc bén,
để củng cố địa vị của người cầm quyền… Một chính thể chuyên chế hay độc tài là
một lợi khí cho kẻ ngọai xâm”.
Bình luận: Nhiều người Việt rất lo ngại hiểm họa bị Trung Cộng
xâm chiếm. Tùng Phong thấy rõ hiểm họa đó và nhiều lần viết trong sách này.
Thế nhưng nhiều lãnh đạo CS không thấy mà còn đàn áp những người con ưu tú của
dân tộc khi thể hiện thái độ chống dã tâm của Trung Cộng. Về chuyên
chế và độc tài, ông phản đối nó, nhưng có nhiều thông tin cho rằng chính thể của
ông là “gia đình trị”, chuyên chế, độc tài. Không biết sự thật đến đâu. Về tự
do, ông quan tâm đến tự do của nhân dân, tự do cho mọi người. Hồ Chí Minh nói
“Không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhưng chủ yếu là cho Quốc gia. Mà tự do
cho Quốc gia phải chăng là tự do cho những người lãnh đạo. Câu “Một chính thể
chuyên chế hay độc tài là một lợi khí cho kẻ ngoại xâm” là một ý mới (ngưng
bình luận).
VN có lịch sử Nam tiến, ngoài ý đồ mở mang bờ
cõi thì cũng vì áp lực của Trung Hoa. Tùng Phong viết: “Nếu, đối với Trung
Hoa chúng ta là thuộc quốc thì đối với các nước chung quanh, chúng ta lại muốn
họ là thuộc quốc….” Rồi ông kể lại tương đối chi tiết các giai đoạn của
việc Nam tiến và kể ra các hậu quả (mà nhiều người đã biết).
No comments:
Post a Comment