Ba
điều đồn đãi về Thiền sư Thích Nhất Hạnh phải kiểm chứng bằng sự thật lịch sử
Bài viết của
blogger Tuấn Khanh
2022.01.24
Thiền sư Thích Nhất
Hạnh trong một phỏng vấn ở Hà Nội hôm 19/3/2005. AP
Vào ngày Thiền sư Nhất Hạnh qua đời, đã có nhiều
cuộc tranh cãi về cuộc đời và hoạt động của ông ở các cộng đồng người Việt
trong và ngoài nước. Vốn là một người chủ trương hòa bình và có những ngôn luận
chống chiến tranh với cả hai chế độ Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam) và Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc), và như hãng tin AP đưa tin, là dù chủ trương kêu gọi các giải pháp hòa
giải, nhưng ông vẫn phải trả giá cho quan điểm riêng của mình.
Sau năm 1975, khi miền Nam sụp đổ, thì sự oán
hận của những người đứng về phía miền Nam VNCH vẫn kéo dài suốt nhiều thập
niên. Nhiều nhân vật được cho làm lợi cho cộng sản hay đứng về phía cộng sản vẫn
bị đưa ra làm đề tài để chỉ trích. Mặc dù không chọn phe, nhưng Thiền sư Thích
Nhất Hạnh vẫn bị coi là “đi đêm” với cộng sản, tương tự như Hòa thượng Thích
Trí Quang – mặc dù sau khi thống nhất địa lý đất nước, nhà nước Cộng sản vẫn có
những đối xử phân biệt khắc nghiệt với cả hai vị này.
Lịch sử hiện đại Việt Nam, đặc biệt qua hai nền
Cộng Hòa, và cuộc chiến tranh Nam-Bắc, chồng chéo muôn điều phức tạp. Để nhận định
đủ và đúng, cần phải có đủ tư liệu và thời gian để quan sát. Tuy vậy, từ khoảng
cuối thế kỷ 20 cho đến nay, những nhận định cá nhân và quan điểm phù hợp với sự
tức giận của đám đông đã chiếm ưu thế, bất chấp các chi tiết không đúng, thậm
chí là tin giả. Dưới đây là ba lời đồn đãi tiêu biểu.
1. Thiền sư Thích
Nhất Hạnh ủng hộ cộng sản, và “đi đêm” với cộng sản
Dĩ nhiên, trong cách nhìn của đám đông ủng hộ
chính quyền VNCH, thì bất luận sự phản ứng nào chống lại, hoặc khác biệt quan
điểm đều dễ dàng bị coi là “việt cộng”. Ngay sau sự ra đi của ông Thích Nhất Hạnh,
đã có một bài viết trên Facebook của một vị linh mục hiện sống tại Mỹ chỉ
trích rất nặng lời. Bài đăng này nhận được nhiều sự ủng hộ của giới chống cộng
và tín hữu công giáo. Tuy nhiên quan điểm chính của bài viết này nhận định ông
Thích Nhất Hạnh là “tay sai của cộng sản” hay “đi đêm với cộng sản” từ những
năm 60, là hoàn toàn phi lý, vì đó là một nhận định không có căn nguyên.
Để chứng minh điều này rất rõ, nhiều ngôn luận
và nhận định của ông Thích Nhất Hạnh về việc bất đồng với chế độ cộng sản có thể
tìm thấy dễ dàng bằng một cú click trên Google. Cụ thể, chẳng hạn trên The New York Review, bài đăng vào năm 1966 đã trích lời
khẳng định của ông Thích Nhất Hạnh về cộng sản, qua bản dịch của Giáo sư Hoàng
Ngọc Tuấn (Úc) như sau: “Chúng tôi biết rất rõ về những sự cấm đoán đối với
Phật giáo ở miền Bắc. Chúng tôi đã nghiên cứu những gì đã xảy ra ở Trung Quốc.
Chúng tôi biết rằng tôn giáo không thể tồn tại trong tinh thần của chủ nghĩa
Marx”. ("We are very well aware of the restrictions on Buddhism in the
North. We have studied what has happened in China. We know there is no place
for spirituality in Marxism”).
Nhiều người vẫn nói là trong khi vị Thiền sư
lên tiếng với báo chí về sự chỉ trích Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam, nhưng lại
không lên tiếng nói gì với chính quyền Hà Nội. Tuy nhiên điều này không đúng,
trong các lần trở về Việt Nam, ông Thích Nhất Hạnh đã nói trực tiếp và thậm chí
vận động chính quyền Hà Nội về những cải cách chính trị, thả tù nhân lương tâm
hay tự do tôn giáo. Những chi tiết này được ghi trong tập 1, bộ Wikileaks do báo người Việt ở Mỹ phát hành.
Có thể xem thêm bài viết của nhà báo Vũ Quí Hạo Nhiên, viết cho người
Việt, hoặc trên trang BBC.
Việc chọn lựa quan điểm thể hiện nhiều tính chất
chính trị hơn trong trong thời cuộc là lựa chọn của ông Thích Nhất Hạnh, và sẽ
nhiều năm nữa với những tư liệu đầy đủ hơn được tiết lộ thì có lẽ cái nhìn về
ông sẽ rõ ràng hơn, định danh đúng hơn. Nhưng ở lúc này, để xác định ông là
“tay sai cộng sản” hay “đi đêm với cộng sản”, hoàn toàn là võ đoán và vô căn cứ.
Việc ghét bỏ dựa trên cách ông chống chính quyền Mỹ, vẫn được xem là khuynh hướng
chung của những người theo chủ nghĩa dân tộc như hai anh em Tổng thống Ngô Đình
Diệm chẳng hạn.
Thiền sư Thích Nhất
Hạnh và Mục sư Martin Luther King ở một họp báo tại Chicago, Mỹ hôm 31/5/1966.
AP
2. Có vợ con nhưng
che giấu
Sự kiện vô căn cứ này được rộ lên sau khi Thiền
sư ra đi. Ai đó đã tung một bức ảnh mơ hồ có ông và một vài phụ nữ, trẻ em, và
nhất định xác quyết đó là gia đình ông. Trong số những người đưa và tung những
tin giả này, có cả một nhân vật từng làm trong Bộ Nội vụ của Tổng thống Ngô
Đình Diệm.
Tuy nhiên, rất nhanh là những ngôn luận này bị
vạch mặt, bởi đó là bức ảnh của gia đình họa sĩ Võ Đình đi thăm ông Thích Nhất
Hạnh và chụp làm kỷ niệm. Chính phu nhân của họa sĩ Võ Đình đã công khai tố cáo rằng bọn lưu manh đã nhặt, cắt
xén và ghép thêm hình vào tấm ảnh gia đình do chính họa sĩ Võ Đình chụp
thầy Nhất Hạnh và các con của họa sĩ Võ Đình. Tiếc thay tiếng nói thật vẫn
đang chìm đắm trong sự loạn lạc của dòng tin thất thiệt.
3. Về tuyên bố Mỹ
bỏ bom chết 300.000 dân Bến Tre
Đây là một trong những ngôn luận chính, dẫn
theo vô số những lời chỉ trích và khẳng định ông Thích Nhất Hạnh là “việt cộng”.
Theo những lời kể lan khắp các tranh mạng thì ông Thích Nhất Hạnh
đã “bịa đặt chuyện Mỹ bỏ bom và giết 300.000 dân” để kêu gọi thế giới chống chiến
tranh Nam-Bắc.
Thế nhưng câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Nguyên văn của câu chuyện được tờ New York
Times đăng tải vào năm 2001, là trong một buổi thuyết pháp ở Mỹ vào ngày 25-9 ở
Riverside Church, New York, khi đọc một bài thơ của mình, ông Thích Nhất Hạnh
có kể là bài thơ ra đời khi ông nghe tin Bến Tre với dân số 300 ngàn người bị
ném bom phá hủy vào năm 1968 khi quân đội Mỹ có tin là khoảng chục lính việt cộng
đang ẩn nấp trong đó. Bất nhẫn hơn vì qua một bản tin của hãng thông tấn AP, một
cấp chỉ huy quân đội Mỹ cho rằng "Đó là sự cần thiết để phá hủy thành phố
này nhằm cứu nó" (It was nesscesay to destroy town to save it) trong bản
tin tường trình chiến sự từ Việt Nam vào đầu năm 1968.
Con số về người dân ở Bến Tre lúc đó, chính
xác chỉ khoảng từ 30.000-35.000 người, nên về số liệu thì ông Thích Nhất Hạnh
đã trích dẫn sai, nhưng nội dung thì hoàn toàn không giống gì với những tin đồn
về “tố cáo” và “phục vụ cho việt cộng” vẫn đang thao túng nhiều nơi.
Trên thực tế, yêu hay ghét thiền sư Thích Nhất
Hạnh là chuyện bình thường. Mọi nhà lãnh đạo tinh thần trên thế giới đều phải
trả giá cho sự độc lập về tư duy của mình. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn bị phía
chủ trương kháng chiến vũ lực chống Trung Quốc nói ông là phản bội. Đức Thánh
Cha Francis vẫn bị nhiều giám mục, linh mục, tín đồ chống đối và ghét bỏ những
cải cách, nhận định của ngài. Nhưng mọi thứ cần đặt trên sự thật. Sự ghét
bỏ đơn thuần không làm nên nền văn minh, và chính sự hiểu biết và quan sát đủ,
mới có thể tạo dựng được phát triển của một dân tộc hay thế giới này.
----------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
VIDEO : Hàng ngàn
người đến tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh #shorts
https://www.youtube.com/watch?v=NS-A5InOhl4
No comments:
Post a Comment