Friday, 10 December 2021

VIETRISE ĐỘC HÀNH TRÊN CON ĐƯỜNG HOÀN THIỆN LÝ TƯỞNG KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG (Trà Nhiên / Người Việt)

 


VietRISE độc hành trên con đường hoàn thiện lý tưởng kết nối cộng đồng

Trà Nhiên/Người Việt

December 10, 2021

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/vietrise-doc-hanh-tren-con-duong-hoan-thien-ly-tuong-ket-noi-cong-dong/

 

GARDEN GROVE, California (NV) – Năm bạn trẻ, mỗi người mỗi vẻ, nhưng mang trong mình một lý tưởng chung là phục vụ cộng đồng gốc Việt, cùng nối kết các sắc dân thiểu số và tranh đấu cho công lý.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/12/DP-PV-Viet-Rise-1-1536x1152.jpg

Các thành viên của VietRISE, hàng đứng từ trái, theo chiều kim đồng hồ: Cô Indigo Vũ, cô Tracy La, cô Allison Võ, anh Vincent Trần, và cô Lena Trần. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

 

Đó là câu chuyện của tổ chức VietRISE, do năm thành viên trong độ tuổi đôi mươi cùng quản trị, gồm: Cô Tracy La, giám đốc điều hành; cô Allison Võ, điều phối viên tổ chức thanh niên; anh Vincent Trần, điều phối viên kết nối cộng đồng; cô Lena Trần, điều phối viên cộng đồng; và cô Indigo Vũ, điều phối viên sự kiện.

 

Mục tiêu của VietRISE là đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng và gia tăng sức mạnh cho thành phần lao động gốc Việt tại Orange County, quận hạt có nhiều người Việt nhất hải ngoại, trong đó có vùng Little Saigon. 

 

Dù mới hoạt động được ba năm, VietRISE tương tác với hơn 10,000 cư dân và luôn năng nổ hỗ trợ các hoạt động cộng đồng, như hội thảo về lịch sử người Việt, chiến dịch vận động cho công lý và nhân quyền, bảo vệ dân nhập cư, chính trị địa phương, cũng như các chính sách có lợi cho người dân như chương trình nhà ở, và quỹ cứu trợ cư dân bị dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng.

 

Riêng quỹ cứu trợ dịch bệnh “OC COVID-19 Community Response Team” dùng $450,000 giúp người dân không có giấy tờ hợp lệ vượt qua thời kỳ khó khăn.

 

Vừa rồi VietRISE tham gia hỗ trợ các vị cao niên và vận động người dân ủng hộ đạo luật “Rent Control” ở Santa Ana, theo đó chủ nhà không được tăng tiền nhà quá 3% mỗi năm.

Đạo luật thông qua một cách thành công mặc dù gặp phải không ít trở ngại của phía phản đối.

 

Trước đó, các thiện nguyện viên của VietRISE cũng tổ chức kêu gọi và tham gia biểu tình chống việc trục xuất người Việt tị nạn.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/12/DP-PV-Viet-Rise-4-1536x1152.jpg

Cô Lena Trần (trái) và cô Allison Võ trước những tấm poster sự kiện cộng đồng và chiến dịch xã hội mà họa sĩ phỏng tác theo hình thành viên VietRISE. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

 

Ý tưởng lớn gặp nhau

 

“Năm 2014, lúc 19 tuổi, tôi đến sống ở Orange County và luôn muốn sinh hoạt trong cộng đồng Little Saigon. Tôi cũng làm thiện nguyện cho chiến dịch tranh cử và thấy các vị cao niên có vẻ thất vọng với dân cử vì họ hứa nhiều mà làm chẳng bao nhiêu,” cô Tracy La kể lại.

 

Từ lúc ấy cô nung nấu ý tưởng lập một tổ chức bất vụ lợi.

 

Năm 2018, VietRISE “ra đời.”

 

“Chúng tôi muốn ‘xây’ một diễn đàn để đào tạo kỹ năng lãnh đạo, khích lệ thanh thiếu niên tạo thay đổi tích cực cho một xã hội công bằng,” cô Tracy tâm sự.

 

Nữ giám đốc trẻ này tốt nghiệp ngành khoa học chính trị đại học UC Irvine, và hiện làm toàn thời gian tại tổ chức “tuy nhỏ mà có võ” này.

 

Các thành viên khác biết nhau từ những lần sinh hoạt cộng đồng rồi từ từ gia nhập nhóm vì tìm đúng chỗ, đúng người, đúng thời điểm.

 

Cô Lena, vừa tốt nghiệp ngành khoa học tâm lý đại học UCI, tâm sự rằng cô thử tham gia các hoạt động cộng đồng trong lĩnh vực chính trị lần đầu năm 2018.

 

“Trước giờ tôi cũng hơi lưỡng lự khi tham gia các hoạt động liên quan đến chính trường vì các chính trị gia luôn ‘đấu đá’ nhau, nhưng tôi có lòng tin đối với cộng đồng Việt Nam và muốn thấy cộng đồng mình phát triển,” cô Lena nói.

 

Cô tiếp: “Tôi quý những con người ở Little Saigon là vì tôi sinh ra ở Đức, nơi không có nhiều người Việt. Tôi còn có đam mê với việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho các vị cao niên và đó là lý do chúng tôi kết hợp lại và bắt đầu hành trình kết nối cộng đồng.”

 

Cô Lena gặp anh Vincent ở hội thanh niên vài năm trước và cùng nhau xông pha với nhiều hoạt động của VietRISE đến ngày nay.

 

Anh Vincent tốt nghiệp ngành khoa học chính trị đại học UC Berkeley, chuyên lo mảng lịch sử và chính sách để giúp VietRISE nắm vững kiến thức về thủ tục hỗ trợ cho các sự kiện xã hội.

 

Với nhiệt huyết tuổi trẻ, năm thành viên của VietRISE hăng say vì lý tưởng cao đẹp nên có lúc làm việc ngoài giờ, đôi khi làm 40 đến 50 tiếng một tuần mà vẫn còn “tham công tiếc việc.”

 

Vì là một tổ chức tương đối “non nớt,” VietRISE cũng không tránh khỏi những hoài nghi, định kiến của các hội đoàn khác, khiến các bạn trẻ có lúc kiệt sức và mơ hồ về con đường họ đang đi.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/12/DP-PV-Viet-Rise-6-1536x1152.jpg

Các bạn trẻ luôn tận tâm tận tình với các sự kiện xã hội cộng đồng nên có khi làm việc 40-50 tiếng một tuần. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

 

VietRISE độc hành với lý tưởng riêng

 

“Mỗi khi cảm thấy hơi ngờ vực về bản thân, không biết liệu những việc tôi làm có thực sự tốt cho cộng đồng, tôi đều nghĩ về phong trào ‘Tự Lực Văn Đoàn,’ mà tôi được học qua thời sinh viên,” anh Vincent nhớ lại.

“Tự Lực Văn Đoàn” là phong trào cách tân văn học mang tính hội đoàn của các bậc thi nhân tạo nên một trường phái thơ văn mới những năm đầu thập niên 1930.

“’Tự Lực Văn Đoàn’ dùng văn thơ để thay đổi, khai sáng suy nghĩ của người dân về đời sống và chính trị lúc bấy giờ. Lý tưởng mới của họ gặp nhiều khó khăn và bị chèn ép vì họ còn quá trẻ tuổi cũng bằng độ tuổi của chúng tôi hiện giờ,” anh Vincent nói thêm.

 

Anh tiếp: “Nhiều vị cao niên có kinh nghiệm lão làng trong cộng đồng có định kiến với chúng tôi kiểu như các cô cậu ấy trẻ tuổi quá có biết gì không mà hoạt động xã hội. Cho nên, nghĩ về ‘Tự Lực Văn Đoàn’ động viên tôi rất nhiều vì VietRISE cũng cùng cảnh ngộ.”

 

“Chúng tôi hợp lại để thay đổi điều cần thay đổi. Tôi nghĩ lý tưởng chúng tôi theo đuổi tạo sức ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng, mặc dù kết quả không thể hiện rõ thời điểm này. Ví dụ như đạo luật ‘Rent Control’ ở Santa Ana hồi đầu tôi không dám chắc sẽ thành công nhưng kết quả ngoài sức mong đợi,” anh cười nói.

 

Các bạn trẻ VietRISE đang đơn thân độc mã với lý tưởng riêng. Tuy còn mới mẻ nên không tránh khỏi dư luận dèm pha nhưng phải đi thì mới thành đường, phải làm thì mới có tiền lệ.

Và, cô Tracy cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi đang tạo nên phong trào. Chính chúng ta cùng chịu trách nhiệm cho tương lai.”


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/12/DP-PV-Viet-Rise-3-1536x1152.jpg

Các thành viên VietRISE trước văn phòng ở thành phố Garden Grove. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

 

“Có những niềm riêng”

 

Cô Indigo Võ, một thành viên hoạt động sôi nổi ở các cuộc vận động, chia sẻ rằng cô và mẹ từng có bất đồng quan điểm chính trị.

 

“Hồi nhỏ tôi thường không vui khi mẹ có quan điểm khác với mình nhưng tôi chưa từng hỏi bà vì sao mà chỉ thường im lặng rồi đi chỗ khác. Kể từ khi làm với VietRISE và trò chuyện với các vị cao niên nên tôi hiểu hơn về cách suy nghĩ và lập trường của mỗi người,” cô bày tỏ.

 

“Tôi ngồi lại nói chuyện với mẹ để hiểu rõ hơn vì sao bà lại chọn quan điểm chính trị khác với mình và cùng nhau thảo luận. Sau nhiều lần nói chuyện chúng tôi dần hiểu ra ai cũng có chính kiến riêng và nên tôn trọng suy nghĩ của nhau. Một số lần, tôi cũng làm bà thay đổi vài quan điểm,” cô Indigo giải thích.

 

Cô Indigo tốt nghiệp ngành giáo dục tiếng Anh đại học Cal State Long Beach và có chứng chỉ dạy học tại California.

 

Các thành viên trong VietRISE cũng có lúc bất đồng quan điểm nhưng theo lời cô Indigo, họ luôn đoàn kết vì biết lắng nghe và nghĩ cho giá trị mà tổ chức hướng đến đó là phục vụ cộng đồng người Việt và sắc dân thiểu số ở Little Saigon và Orange County.

 

Làm việc cho tổ chức bất vụ lợi cũng mang nhiều nỗi niềm riêng.

 

Anh Vincent tâm sự rằng cha mẹ ủng hộ quyết định của con trai nhưng một số người họ hàng lại không.

 

“Cậu dì, hay cô chú tôi không nghĩ làm việc cho VietRISE là một công việc thực thụ nên tôi cũng hơi khổ tâm mỗi lần họp mặt gia đình,” anh Vincent cười kể.

 

Sinh hoạt trong cộng đồng đôi lúc cũng gặp nhiều chuyện thú vị, đơn cử như người dân nhờ thành viên VietRISE sửa mái nhà, hay cho họ nước uống hoặc đồ ăn vặt mỗi khi phải gõ cửa từng nhà vận động xin chữ ký cho các chiến dịch.

 

Được biết, mỗi năm VietRISE trò chuyện với hàng ngàn người dân và gõ cửa khoảng 6,000 căn nhà.

 

Vì vướng phải nhiều hạn chế do dịch bệnh COVID-19 nên năm vừa rồi, các thiện nguyện viên của tổ chức không có cơ hội đến từng nhà nhưng họ luôn xông xáo nhắn tin, gọi điện thoại giao lưu và vận động cư dân cho các hoạt động hay sự kiện xã hội đáng quan tâm.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/12/DP-PV-Viet-Rise-2-1536x1152.jpg

Tuy luôn “hợp cạ” trong phong cách làm việc, đôi lúc các bạn trẻ cũng bất đồng quan điểm. Cuối cùng họ luôn nhanh chóng giải quyết vì các thành viên luôn lắng nghe và tôn trọng nhau. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

 

VietRISE đang “bay cao” với tầm nhìn xa

 

VietRISE còn có tổ chức thanh niên chuyên hướng dẫn kỹ năng quản trị, làm việc nhóm, lãnh đạo cộng đồng…qua các hội thảo thu hút nhiều học sinh trung học.

 

Là điều phối viên của các bạn học sinh, cô Allison nhận xét: “VietRISE có nền tảng giới trẻ mạnh và họ thường tham gia các khóa lãnh đạo nên tương lai các bạn ấy sẽ tiến xa trong việc tranh đấu cho một xã hội bình đẳng hơn. Và điều đó càng đề cao mục tiêu của tổ chức là ‘xây dựng’ cộng đồng vì nhân quyền, nhà ở cho người dân, và quyền lợi của dân nhập cư.”

 

Cô Allison tốt nghiệp ngành xã hội học và dân tộc học đại học UC San Diego.

 

Cô cũng kể lại ký ức lúc nhỏ khi cô thấy nhiều trường hợp bị kỳ thị chủng tộc và thường chia sẻ suy nghĩ với cha cô.

 

“Sau này khi tôi tham gia các hoạt động của tổ chức như biểu tình, phong trào ngăn trục xuất di dân, gõ cửa vận động người dân đi bầu…cha tôi nói rằng ông nghĩ có rất nhiều người đang tìm và đang đợi VietRISE,” cô cảm động cho hay.

 

Cô Allison chia sẻ thêm là cô mong mọi người nghĩ đến VietRISE như một “không gian” để nêu ý kiến, bày tỏ quan điểm cá nhân, và là một nơi lý tưởng mà ai cũng hướng đến.

 

“Không chỉ năm người chúng tôi mà mong rằng những tổ chức và hội đoàn làm việc cùng nhau giúp đỡ và phát triển lợi ích cộng đồng để người dân được sống trong hòa bình, không phải lo lắng nhà ở hay việc làm bấp bênh, hoặc bị kỳ thị,” cô thêm.

 

Nói về tương lai, cô Lena mong rằng “các tổ chức như VietRISE sẽ không cần thiết nữa vì cộng đồng đủ sức bảo vệ quyền lợi cho cư dân.”

 

Tiếp lời cô Lena, anh Vincent hy vọng “có thể phục vụ và đóng góp cho cộng đồng Việt Nam càng lâu càng tốt. Tôi mong rằng cộng đồng sẽ luôn có tiếng nói đại diện để tranh đấu cho những bất công.”

 

Như chợt nhớ ra điều gì, anh Vincent vội vàng chỉ vào tấm bảng logo của VietRISE và giải thích rằng anh mong cộng đồng đoàn kết như thế.

 

Logo của VietRISE lấy cảm hứng từ truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên,” kết hợp họa tiết núi và biển với ngụ ý đoàn kết khi tập hợp hết 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/12/DP-PV-Viet-Rise-5-1536x1159.jpg

Cô Allison Võ (trái) và cô Tracy La trong một sự kiện cộng đồng trước logo VietRISE, ngụ ý về sự đoàn kết. (Hình: Facebook VietRISE)

 

Ngẫm nghĩ một chút, cô Tracy cho biết muốn đạo luật “Rent Control” được chấp thuận ở các thành phố khác như Westminster, Garden Grove… để cuộc sống cư dân được dễ dàng hơn.

 

“Tôi mong rằng có nhiều tổ chức như chúng tôi ở khắp mọi nơi để sứ mệnh và tầm nhìn của VietRISE sẽ luôn lan tỏa. Chúng tôi sẽ luôn ở đây và sát cánh cùng cộng đồng,” nữ giám đốc VietRISE tâm sự. [đ.d.]


Liên lạc tác giả: nguyen.nhien@nguoi-viet.com




No comments:

Post a Comment

View My Stats