Trung
Quốc gia nhập WTO : 20 năm sau Phương Tây mới sáng mắt !
Thụy
My -
RFI
Đăng ngày: 09/12/2021 - 16:25
Hai mươi năm sau khi được gia nhập Tổ chức Thương mại
Thế giới (WTO), Trung Quốc đã thay đổi nhanh chóng như thế nào. Đó là chủ đề
chiếm năm kỳ báo của Le Monde, với bài đầu tiên đăng hôm nay và tựa
trang nhất « Hai mươi năm đã đẩy vọt Trung Quốc ». Tương
tự, Les Echos chạy tựa trên nền đỏ « Hai mươi năm
đã thay đổi Trung Quốc » và dành hai trang khổ lớn để phân
tích « Thương mại : Trung Quốc đã lừa gạt chúng ta ra
sao ».
https://s.rfi.fr/media/display/79909f62-5902-11ec-b82f-005056a97e36/w:1024/p:16x9/dongco_01.webp
Khách tham quan xem
các cơ phận máy bay trưng bày tại Triển lãm Hàng không Bắc Kinh. Ảnh tư liệu chụp
ngày 04/04/2018. AP - Andy Wong
Lo ngại « chó
sói » phương Tây, nay Trung Quốc là « chiến binh sói »
Le Monde ghi nhận, là quốc
gia nằm trong số những nước nghèo nhất cách đây nửa thế kỷ, Trung Quốc nay sắp
sửa vượt qua Hoa Kỳ. Phương Tây ngỡ rằng việc mở cửa Hoa lục sẽ đi kèm với dân
chủ hóa, nhưng đã lầm lẫn lớn.
Đúng 20 năm về trước, ngày 11/12/2021, Trung
Quốc trở nên thành viên thứ 143 của WTO. Thay vì kỷ niệm sự kiện này, tổng thống
Mỹ Joe Biden tổ chức trong hai ngày 09 và 10/12 hội nghị thượng đỉnh các nền
dân chủ, được coi là « chống Trung Quốc ».
Vào đầu thế kỷ 21, tổng sản phẩm nội địa (GDP)
tính trên đầu người của Trung Quốc chưa đến 1.000 đô la, kém Mỹ đến 36 lần,
nhưng nay đã tăng lên 10.500 đô la, khoảng cách chỉ còn 6 lần. Một so sánh
khác : trọng lượng kinh tế Trung Quốc từ tương đương với Pháp nay đã bằng
toàn khu vực đồng euro. Năm 2020, có đến 124 công ty Trung Quốc nằm trong số
500 tập đoàn hàng đầu thế giới, nhiều hơn cả Bắc Mỹ (121). Hai mươi năm trước,
không ai hình dung được sự tăng tốc chưa từng thấy này, nhưng dân chủ tại Hoa lục
vẫn chỉ trong mơ.
Hồi cuối 1997, những công ty quốc doanh thuộc
các lãnh vực cho là bị đe dọa nhiều nhất và các vùng nghèo nhất đã kiến nghị Bắc
Kinh hoãn lại tiến trình gia nhập hơn một chục năm. Và sau vụ NATO oanh tạc đại
sứ quán Trung Quốc ở Serbia năm 1999, thủ tướng Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) từng bị
chỉ trích là « phản bội » vì không ngưng thương lượng với Washington.
Nếu không có sự kiên quyết của nhà cải cách này và của chủ tịch Giang Trạch Dân
(Jiang Zemin) thì Bắc Kinh khó thể hoàn tất tiến trình.
Đối với nhiều người cộng sản và nhà trí thức
Hoa lục, gia nhập WTO là mở cửa cho « những con sói đang rình rập ».
Ngày nay, chiếc búa gõ của chủ tịch phiên họp người Qatar thời đó và cây bút do
bộ trưởng Thương Mại Thạch Quảng Sinh (Shi Guangsheng) sử dụng được trưng bày
trang trọng tại Bảo tàng Quốc gia Bắc Kinh, bên cạnh những bảo vật của đảng Cộng
Sản. Kinh tế gia David Goldman nhận xét : « Đặng Tiểu Bình đã
biến nông dân Trung Quốc thành công nhân, và Tập Cận Bình biến con cái công
nhân thành kỹ sư ».
Lên nắm quyền từ cuối 2012, Tập Cận Bình không
ngừng ca ngợi toàn cầu hóa, nhưng dần dà đóng cửa Hoa lục. « Con đường tơ
lụa mới » được lăng-xê từ 2013 đánh dấu một bước ngoặt với các thỏa thuận
song phương mù mờ và mất quân bình. Hố ngăn cách ngày càng sâu : Obama
« xoay trục sang châu Á », Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu từ chối công
nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, trừng phạt của chính quyền Donald
Trump, trả đũa của Bắc Kinh với Mỹ, Úc và mới đây là Litva cho thấy chủ nghĩa
đa phương đã lỗi thời. Nếu 20 năm trước, Bắc Kinh lo ngại sẽ là mồi ngon cho những
« con sói phương Tây » thì nay chính Trung Quốc bị coi là những
« chiến binh sói ».
Hai mươi năm Bắc
Kinh thủ lợi từ thương mại quốc tế
Trong bài xã luận « Trung Quốc :
Bài học từ những sai lầm của chúng ta », Les Echos nhận định, do
phương Tây 20 năm trước ngây thơ, nay thì cay đắng nhận ra đang ở thế thủ trước
Bắc Kinh. Hai mươi năm tham gia vào WTO là 20 năm Trung Quốc thủ lợi, bị tố cáo
vi phạm những quy định thương mại quốc tế.
Bắc Kinh làm mọi cách để tài trợ cho kỹ nghệ
quốc doanh, ngăn cản một số công ty đầu tư vào Hoa lục hay bắt buộc họ chuyển
giao công nghệ, tiết kiệm được nhiều thập kỷ nghiên cứu. Là người bắt chước,
nay Trung Quốc dẫn đầu trong nhiều lãnh vực, từ hỏa tiễn siêu thanh, thuốc trị
ung thư cho đến siêu máy tính, bình điện. Sai lầm lớn của phương Tây là không
đưa ra những quy định ràng buộc nhiều. Bruxelles đã đưa ra những công cụ mới để
trả đũa, nhưng các biện pháp tự vệ này chưa đủ để tái lập sức mạnh châu Âu, và
theo tờ báo, phòng vệ không thể thay thế được tiến công.
Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc
từ 2000 đến 2020 từ 84 tỉ vọt lên 255 tỉ đô la, còn Liên Hiệp Châu Âu (EU) từ
50 lên 180 tỉ. Sản xuất của Âu, Mỹ không tăng lên trên lãnh thổ mình mà tại Hoa
lục, quá trình phi công nghiệp hóa khiến người lao động bị thiệt thòi. Các tập
đoàn đa quốc gia cũng phải chịu một phần trách nhiệm vì chỉ nhìn thấy cái lợi
trước mắt : giá nhân công rẻ, thị trường 1 tỉ người, tuy nhiên nếu họ không
chấp nhận chuyển giao công nghệ thì công ty cạnh tranh cũng sẽ làm. Thế nên
ngày nay tàu cao tốc Trung Quốc giống hệt tàu Đức.
Bắc Kinh tận dụng tối đa những lỗ hổng trong
quy định của WTO. Chẳng hạn Trung Quốc tiếp tục áp thuế hải quan 25% chứ không
phải 10% như trong thỏa thuận gia nhập, đối với phụ tùng xe hơi nếu chiếm ít nhất
60% chiếc xe. Canada, EU và Hoa Kỳ đã kiện lên WTO, và năm 2008 Bắc Kinh đã rút
lại biện pháp nhằm ưu đãi cho kỹ nghệ Hoa lục. Nhưng đã quá muộn, hầu hết các
nhà sản xuất thiết bị đã di dời sang Trung Quốc. Hoặc pin mặt trời, công nghệ của
Mỹ và được Đức hoàn thiện. Bắc Kinh trợ giá ồ ạt cho doanh nghiệp trong nước
thông qua nhiều kênh như cho vay ưu đãi, ưu tiên cấp đất…nhấn chìm sản phẩm Âu
Mỹ. Khi EU kiện chống phá giá năm 2012, cũng đã quá muộn : ngành kỹ nghệ
này ở châu Âu đã biến mất. Dưới thời Tập Cận Bình, Nhà nước lại càng siết chặt
nền kinh tế, Trung Quốc rời xa quỹ đạo dự kiến cách đây 20 năm.
Trí thức Pháp kêu
gọi tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh
Trên lãnh vực nhân quyền, mục Diễn đàn của Le
Figaro đăng lời kêu gọi của giới trí thức « Cần phải tẩy
chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh ! ». Bài viết với chữ ký
của 26 giảng viên đại học, nhà văn tên tuổi yêu cầu chính quyền Pháp không đưa
các vận động viên tham dự sự kiện của « một Nhà nước toàn trị dùng
thể thao làm công cụ ».
Bản kiến nghị tố cáo Ủy ban Thế vận Quốc tế
(CIO) đã làm ngơ trước vấn đề khí hậu, quyết định cho tổ chức tranh tài tại một
trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, qua cuộc bỏ phiếu giả tạo hồi tháng
7/2015. Cùng lúc đó, bộ máy an ninh Trung Quốc tung ra chiến dịch
« 7.09 », bắt bớ hàng trăm luật sư nhân quyền. Và nay « chủ tịch
trọn đời » Tập Cận Bình lại càng giám sát chặt chẽ người dân, tẩy não bằng
dân tộc chủ nghĩa. Ngược với tinh thần Olympic, chế độ Bắc Kinh không hề dân chủ
hóa sau Thế vận hội 2008 - đã che khuất vụ đàn áp Tây Tạng khiến 209 người chết
trong cùng năm – và nay tiếp tục đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông.
Cánh tả cũng như cánh hữu Pháp cần mở mắt trước
thực tế Bắc Kinh đang đe dọa Đài Loan, hà hiếp các nước láng giềng, gia tăng áp
lực nhằm xâm chiếm các đảo trên Biển Đông. Chế độ độc tài Trung Quốc là mối đe
dọa trực tiếp cho hòa bình thế giới, và cũng như Đức quốc xã năm 1936, Liên Xô
năm 1980, đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn sử dụng Thế vận hội làm vũ khí để tự ca
ngợi và răn đe địa chính trị. Việc Hoa Kỳ tẩy chay ngoại giao là bước đầu tiên.
Tập Cận Bình và chủ tịch Ủy ban Thế vận Thomas
Bach cùng song ca bài « không nên lẫn lộn thể thao với chính trị »,
nhưng thể thao cũng như tất cả lãnh vực khác cho các Nhà nước toàn trị đều bị
chính trị hóa. Mới đây, tay vợt Bành Súy (Peng Shuai) mất tích sau khi tố cáo cựu
thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) đã cưỡng hiếp. Nhóm trí thức đề nghị các
vận động viên không tham gia một Olympic mà nước chủ nhà đã có nhiều tai tiếng
doping, và các viên chức Pháp cũng như châu Âu không gởi phái đoàn đến Bắc
Kinh.
Cuba : Máy
rút tiền « Made in China » gây nhiều trở ngại trong mùa dịch
Tại một nước cộng sản khác là Cuba, cuộc
« cách mạng máy rút tiền tự động » đã không diễn ra. Dù chính phủ
khuyến khích người dân sử dụng thay vì chen chúc ở ngân hàng trong mùa dịch, những
chiếc máy do Trung Quốc sản xuất bị hư hỏng hàng loạt.
Le Figaro cho biết trong số
524 Cajero tức máy rút tiền (ATM theo tiếng Anh, DAB theo tiếng Pháp) ở thủ đô
La Habana, 136 máy không còn hoạt động được, 80 máy ngày nào cũng bị trục trặc,
và trên 260 máy khác ở xa trụ sở ngân hàng không được dùng đến. Những chiếc máy
« made in China » có chất lượng tệ hại, và phụ tùng thay thế lại thiếu.
Chưa kể các vụ cúp điện khi khách hàng vừa đưa thẻ vào, và các ATM hiếm khi được
nạp tiền đầy đủ. Người dân rất tức giận trước các ATM chỉ để làm cảnh, đặc biệt
là người về hưu bị buộc phải rút lương hưu bằng thẻ. Và họa vô đơn chí : mạng
lưới Visa tại Cuba bị « pan » trong suốt tháng 11, chẳng hiểu vì sao.
Nga : Dân chủ
chỉ còn là kỷ niệm
Còn tại Nga, « dân chủ chỉ còn là
kỷ niệm xa vời » - La Croix ngậm ngùi. Trên các đường phố
Matxcơva mùa đông 2011, có đến 100.000 người biểu tình chống ông chủ điện
Kremlin và đảng của ông vì gian lận bầu cử. Mười năm sau, khi Nga vắng bóng tại
« thượng đỉnh dân chủ » do Washington tổ chức, đa số người dân Nga chỉ
mang tâm trạng dửng dưng hay hoài nhớ.
« Oukhodi ! » (Hãy ra đi !) câu khẩu hiệu được hô vang trong làn sóng biểu tình
thời đó đã chìm vào quá khứ. Đa số các khuôn mặt của ban tổ chức gồm đủ mọi
khuynh hướng chính trị, đã phải đi lưu vong. Boris Nemtsov bị ám sát năm 2015
ngay dưới chân điện Kremlin, kẻ sát nhân chưa bao giờ được tìm thấy ; và năm
nay, lãnh tụ đối lập Alexei Navalny từ Đức trở về nước sau khi bị đầu độc suýt
chết, lập tức bị tống vào tù.
Những tháng gần đây, làn sóng trấn áp tăng
nhanh, nhắm vào các nhà báo, chính khách, các tổ chức phi chính phủ. Bị truyền
thông nhà nước làm ngơ, dịp kỷ niệm phong trào biểu tình 2011-2012 chỉ được báo
chí độc lập nhắc đến. Đa số những người trẻ từng tham gia giờ đã học được cách
sống không còn quan tâm đến chính trị.
Nỗi ám ảnh Ukraina
của Putin
Về quân sự, Le Monde phân tích
« Ám ảnh Ukraina của Putin ». Tờ báo ghi nhận, cuộc đối thoại giữa
hai tổng thống Joe Biden và Vladimir Putin hôm 07/12 trùng hợp với kỷ niệm 30
năm Liên Xô sụp đổ, và trong cả hai sự kiện, Ukraina đóng vai trò trung tâm.
Hôm 07/12/1991, ba nhà lãnh đạo Boris Eltsine,
Leonid Kravtchouk, Stanislav Chouchkievitch của ba nước cộng hòa Nga, Ukraina,
Belarus – về mặt chính thức vẫn còn là thành viên của Liên Xô – đã cùng đi săn,
và hôm sau họ ký một văn bản khai tử Liên bang Xô viết. Sau đó họ gọi điện
thông báo việc đã rồi cho tổng thống Mỹ George Bush và chủ tịch Liên Xô Mikhail
Gorbatchev. Ba tuần sau đó ông Gorbatchev đành phải tuyên bố hồi kết của Liên
Xô.
Kravtchouk, lãnh đạo Ukraina đóng vai trò quan
trọng không kém Eltsine. Một tuần trước đó ông đã tổ chức trưng cầu dân ý về
Ukraina độc lập, và được trên 80% ủng hộ. Sự kiện này mang tính quyết định :
không có Ukraina, không thể có Liên bang Xô viết.
Ba mươi năm sau, Putin vẫn không thể chấp nhận
được « thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20 », theo ông.
Trả đũa lại « Cách mạng màu cam », Vladimir Putin xâm chiếm Crimée và
can thiệp vào Donbass năm 2014. Nhưng nay Ukraina đã chuyên nghiệp hóa quân đội,
mua máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ, người dân được đi lại tự do trong
không gian Schengen và đại đa số mong muốn Ukraina được gia nhập NATO. Đây là lằn
ranh đỏ được Kremlin cảnh báo.
Afghanistan, vùng
trắng ngoại giao
Quay lại với châu Á, La Croix nhận
định « Afghanistan trong vùng trắng ngoại giao ». Liên
Hiệp Quốc từ chối chấp nhận đại diện của Taliban, và trên thế giới các sứ quán
Afghanistan vẫn do các nhà ngoại giao của chính quyền cũ nắm giữ.
Hôm 06/12, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đồng
ý hoãn lại việc bổ nhiệm đại diện của Miến Điện và Afghanistan, có nghĩa là ông
Ghulam M.Isaczai, được chính quyền cũ bổ nhiệm chưa đầy ba tháng trước khi
Taliban chiếm được Afghanistan, vẫn tiếp tục giữ ghế. Tổ chức Hồi giáo cực đoan
tuy lại nắm quyền kiểm soát Afghanistan sau 20 năm chiến tranh, vẫn bị cộng đồng
quốc tế từ chối công nhận. Quyết định của Liên Hiệp Quốc giúp phương Tây có
thêm thì giờ để tìm cách buộc Taliban nhượng bộ thêm về nhân quyền.
Trên khắp thế giới, các cơ quan ngoại giao
Afghanistan từ tháng Tám trở thành những ốc đảo đối lập, các đại sứ bỗng chốc
không còn lương bổng, một số nhân viên phải từ chức. Taliban cố gắng thu phục họ
qua hội nghị video nhưng không có ai tham gia. Các hoạt động ngoại giao nay chủ
yếu diễn ra tại Doha, nơi Taliban có văn phòng và đa số nước phương Tây đã dời
đại sứ quán từ Kabul sang. Tình hình này có thể còn kéo dài : Trung Quốc cộng
sản phải mất hơn 20 năm mới giành được chiếc ghế tại Liên Hiệp Quốc vào năm
1971.
No comments:
Post a Comment