Sunday, 26 December 2021

TÂM LÝ CHÍNH TRỊ BỊ TÁC ĐỘNG LỚN BỞI BA YẾU TỐ CỦA CHÍNH SÁCH NHÂN SỰ (Ngô Huy Cương)

 


TÂM LÝ CHÍNH TRỊ BỊ TÁC ĐỘNG LỚN BỞI BA YẾU TỐ CỦA CHÍNH SÁCH NHÂN SỰ

Ngô Huy Cương

25/12/2021  04:12  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1557122851323724&id=100010780718014

 

Cuộc chiến chống tham nhũng có lẽ luôn gắn liền với sự tồn tại của nhà nước dù ở bất cứ nơi đâu và tại bất cứ thời điểm nào.

 

Nhưng việc giải quyết một “làn sóng tham nhũng”, một “trào lưu tham nhũng” hay, tệ hơn nữa, một “chính trường tham nhũng” hay một “cuộc khủng hoảng tham nhũng” thì không thể để kéo dài vì nó quá gần gũi với sự sụp đổ.

 

Vụ ăn “kít” rõ ràng là có khởi đầu và phát triển mạnh vào đúng khoảng thời gian mà Đảng và Nhà nước đang quyết chiến chống tham nhũng, tiêu cực mạnh nhất từ trước tới nay.

 

Vậy có câu hỏi đặt ra là:

 

Tại sao họ không biết sợ, trong khi ai cũng muốn làm để sống chứ không ai muốn làm để chết? Không biết sợ, (1) phải chăng bởi họ hy vọng được che chở; hay (2) phải chăng bởi họ hy vọng cuộc chiến chống tham nhũng này sẽ “đầu voi, đuôi chuột” như bao cuộc chiến chống tham nhũng trước; hay (3) phải chăng bởi họ hy vọng người phát động cuộc chiến sẽ thôi quyền khi hết nhiệm kỳ vừa qua?

 

Dù sao thì tâm lý chính trị ở những nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa hậu Xô Viết bị ảnh hưởng khá nhiều bởi chính sách nhân sự.

 

Có ba yếu tố lớn của chính sách nhân sự gây ảnh hưởng mạnh tới tâm lý chính trị ở những nước này.

 

+ Yếu tố thứ nhất: Xây dựng vai trò siêu lớn của người lãnh đạo đứng đầu.

Vai trò này sẽ làm thứ yếu hóa (có thể xuất hiện trong tâm lý chính trị của cấp dưới) các nguyên tắc và qui tắc khác trong sinh hoạt chính trị, thậm chí làm thứ yếu hóa ngay cả các nguyên tắc nền tảng xây dựng nên chế độ chính trị (ông Tập ở TQ hiện nay là một ví dụ). Theo tôi, đây chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô (hiện tượng Gorbachyov).

 

+ Yếu tố thứ hai: Xây dựng trước người kế cận lãnh đạo cao nhất.

Lên làm người lãnh đạo cao nhất theo kiểu leo thang có nhảy cóc bởi được sự chú ý trước có thể phần nào đó giữ được truyền thống, có chút kinh nghiệm lãnh đạo, nhưng lại để mất cơ hội tìm được người tài đức phù hợp với giai đoạn mới trong khi càng ngày thế giới càng biến đổi nhanh chóng làm cho kinh nghiệm ít giá trị hơn nhiều so với sự bứt phá.

 

Yếu tố này làm cho các chính trị gia đàn em đầu tư nhiều cho tương lai hơn là phục vụ cho hiện tại. Hậu quả là người lãnh đạo cao nhất hiện tại chỉ có thể có được sự tôn kính danh nghĩa nhiều hơn sự tận tụy tuân thủ. Xa hơn là phe cánh xuất hiện, sự ủ mưu lên ngôi…

 

+ Yếu tố thứ ba: Xây dựng chế độ giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất tối đa hai nhiệm kỳ.

Nhiều kẻ nín thở, nằm im chờ cho nhiệm kỳ thứ hai của lãnh đạo đương nhiệm kết thúc để ra tay hành động. Nhưng có thể có những kẻ bắt đầu dự mưu và khởi sự ngay khi nhiệm kỳ thứ hai của lãnh đạo đương nhiệm sắp kết thúc để hy vọng có sự “rực rỡ” nào đó ở thời kỳ người khác kế nhiệm sắp tới.

 

Nếu ba yếu tố nói trên được xem xét bởi nguyên tắc dân chủ, Nhà nước pháp quyền ngay trong công tác nhân sự của tổ chức chính trị thì chắc chắn sự liều mạng của bọn ăn “kít” sẽ giảm đi rõ rệt?

 

35 BÌNH LUẬN   

.

LS Quyen Le

Ở ta, bây giờ có thể chế gì thì cũng vậy. Chưa dẹp được trò chạy chức, chạy quyền thì chống tham nhũng chỉ là chống cho có chống thôi. Không tham nhũng thì thu hồi vốn thế nào? Rồi thì lấy tiền đâu để giữ ghế, hay chạy tiếp?




No comments:

Post a Comment

View My Stats