12/12/2021
http://phamnguyentruong.blogspot.com/2021/12/oi-thay-oi-khi-ta-thay-oi.html
David Hawkins, tác phẩm Sức mạnh bên trong
đối đầu với lực lượng bên ngoài: Giải phẫu ý thức. Những yếu tố ẩn khuất quyết
định hành vi của con người. (trang 251-252)
David Hawkins giải thích rất thú vị
thành “Đời thay đổi khi ta thay đổi” như sau:
Muốn hiểu rõ hơn, xin xem xét ví dụ sau đây.
Hãy tưởng tượng một ngươi gọi là “hành khất” đang đứng ở một góc phố:
Trong một khu phố sang trọng dành cho giới thượng
lưu, ở một thành phố lớn, có một ông già quần áo tả tơi, đứng một mình, lưng dựa
vào phiến đá lát tường bóng loáng. Bây giờ, xin quan sát ông lão từ những tầng
ý thức khác nhau và lưu ý tới những khác biệt trong diện mạo của ông ta.
Từ tầng cuối cùng, tầng 20 (Nhục nhã),
ông lão ăn mày trông thật bẩn thỉu, kinh tởm và đáng xấu hổ. Từ tầng 30 (Dằn vặt),
ông ta bị chỉ trích vì để cho mình rơi vào tình trạng như thế. Ông ta đáng bị
như thế; có lẽ ông ta là một kẻ lười nhác, gian dối hòng hưởng phúc lợi xã hội.
Ở tầng 50 (Tuyệt vọng), hoàn cảnh khốn cùng của ông ta có thể toát lên vẻ tuyệt
vọng, là bằng chứng chứng tỏ rằng xã hội hoàn toàn bất lực trước vấn đề người
vô gia cư. Ở tầng 75 (Đau khổ), ông lão trông thật thảm hại, không bạn bè, hoàn
toàn cô độc và trơ trọi
Ở tầng ý thức 100 (Sợ hãi), chúng ta có thể
coi người hành khất này như một mối đe dọa, một kẻ gây phiền toái cho xã hội.
Có lẽ nên gọi cảnh sát trước khi ông ta phạm tội. Ở tầng 125 (Khát khao), ông
ta có thể là biểu tượng cho một vấn đề nhức nhối - vì sao không có người đứng ra giải quyết? Ở tầng
150 (Giận dữ), ông lão có thể trông giống như một kẻ thích gây hấn; hoặc, người
ta có thể tức giận khi thấy tình trạng như thế vẫn tồn tại trong xã hội. Ở tầng
175 (Kiêu hãnh), ông ta có thể bị coi như một nỗi xấu hổ hoặc một kẻ thiếu lòng
tự trọng, không biết tự cải thiện bản thân mình. Ở tầng 200 (Can đảm), chúng ta
có thể tự hỏi liệu ở gần đây có nhà cho người vô gia cư hay không; việc làm và
chỗ ở là những thứ ông ta cần ngay lúc này.
Ở tầng 250 (Trung dung), ông lão trông khá ổn,
thậm chí có thể là thú vị nữa. Ta có thể tự nhủ: “Dĩ hòa vi quí thôi”; nói cho
cùng, ông ấy chẳng làm hại ai. Ở tầng 310 (Sẵn sàng), chúng ta có thể quyết định
lại gần ông lão và xem có thể làm gì nhằm nâng đỡ ông ta, hoặc tham gia công
tác với tổ chức thiện nguyện ở địa phương trong một thời gian nào đó. Ở tầng
350 (Chấp nhận), ông lão khơi dậy trí tò mò. Có lẽ ông ta có một câu chuyện thú
vị, rất đáng quan tâm; ông ấy đang ở đó vì những lý do mà chúng ta có thể không
bao giờ hiểu được. Ở tầng 400 (Lý trí), ông ta là biểu hiện của tình trạng bất ổn
kinh tế và xã hội đang diễn ra trong thời điểm hiện nay, hoặc có lẽ là một chủ
đề tốt cho công trình nghiên cứu tâm lý chuyên sâu, xứng đáng được chính phủ
tài trợ.
Ở các tầng cao hơn, ta không chỉ thấy ông già
không chỉ toát lên vẻ thú vị, mà còn thân thiện và thậm chí là đáng yêu. Có lẽ
sau đó chúng ta sẽ có thể thấy rằng ông ta, trên thực tế, là một người đã siêu
việt lên các giời hạn của xã hội và để sống đời tự do tự tại, một ông lão vui vẻ
mang vẻ thông thái của tuổi tác và sự thanh thản của một người hoàn toàn bàng
quan trước vật chất. Ở tầng 600 (Hòa bình), ông là hình ảnh phản chiếu nội tâm
của ta theo sự biểu lộ tức thời của nó.
Khi có người tới gần, phản ứng của ông già với
những người ở các tầng ý thức khác nhau cũng sẽ khác nhau. Với một số người,
ông ta sẽ cảm thấy an toàn, với những người khác, ông cảm thấy sợ hãi hoặc chán
nản. Một số người sẽ làm ông ta tức giận, còn một số người khác thì làm cho ông
ta thích thú. Do đó, ông ta sẽ tránh một số người, và vui vẻ chào đón một số
người khác. (Vì thế mới nói, thực ra, cái chúng ta gặp chính là cái gương đang
phản chiếu hình bóng của chính mình).
Tầng ý thức của chúng ta quyết định những thứ
chúng ta nhìn thấy diễn ra theo cách như thế. Cũng đúng như thế nếu nói rằng
khi ta áp dụng hệ thống ý niệm này vào thực tại trước mắt, thì tầng ý thức tại
thời điểm quan sát sẽ là căn cứ để dự báo phản ứng của ta trước thực tại đó.
Các sự kiện bên ngoài có thể tạo ra các điều kiện, nhưng chúng không quyết định
tầng ý thức của phản ứng của con người. Để minh họa, xin lấy ví dụ phàm tục hơn
trong hệ thống hình phạt hiện nay của chúng ta.
Dù được đưa vào cùng một môi trường cực kỳ
căng thẳng, các tù nhân khác nhau - tùy thuộc vào tầng ý thức của họ - sẽ phản ứng
cực kì khác nhau. Những tù nhân có ý thức ở tầng thấp nhất đôi khi tìm cách tự
tử. Một số người khác bị rối loạn tâm thần, còn một số mắc chứng hoang tưởng.
Trong cùng một hoàn cảnh, nhưng có người trở thành chán nản, câm lặng và bỏ ăn.
Có những người lấy tay ôm đầu, cố giấu những giọt nước mắt tủi hổ. Người ta thường
cảm thấy sợ hãi, trong đó có cả thái độ phòng thủ đầy hoang tưởng. Trong cùng một
phòng giam ấy, chúng ta thấy những tù nhân có mức năng lượng cao hơn tỏ ra tức
giận, bạo lực và dễ gây gổ và giết người. Thái độ kiêu ngạo được thể hiện ở khắp
mọi nơi, dưới dạng một tay bặm trợn dương dương tự đắc và chiến đầu để ngoi lên
vị trí thống trị.
Ngược lại, một số tù nhân tìm được dũng khí, để
đối mặt với nguyên nhân vì sao họ lâm vào cảnh tù đày, và bắt đầu suy ngẫm về đời
sống nội tâm của mình một cách trung thực. Và bao giờ cũng có những người có khả
năng vượt qua nghịch cảnh và đọc sách báo. Các tù nhân có ý thức ở tầng Chấp nhận
tìm kiếm người giúp đỡ và tham gia các nhóm hỗ trợ. Thỉnh thoảng cũng có tù
nhân tìm kiếm niềm vui trong học tập, bắt đầu học trong thư viện nhà tù hoặc trở
thành cố vấn pháp lý cho các bạn tù (một vài cuốn sách chính trị có ảnh hưởng
nhất trong lịch sử được chấp bút sau song sắt nhà tù). Một ít tù nhân chuyển
hóa được ý thức và họ chăm sóc các bạn tù với tấm lòng nhân ái và hào hiệp. Đã
từng có tù nhân nhất quán với các trường năng lượng cao hơn và dấn sâu vào con
đường tâm linh, thậm chí chủ động hướng tới chứng ngộ.
Cách chúng ta phản ứng phụ thuộc vào thế giới
mà chúng ta dường như đang phản ứng lại. Chúng ta trở thành người như thế nào,
cũng như chúng ta nhìn thấy điều gì, đều là là do nhận thức quyết định. Có thể
nói, nhận thức tạo ra thế giới tri giác, trải nghiệm. Có một điều thú vị đáng
lưu ý là người ở tầng nhận thức càng thấp thì càng khó duy trì giao tiếp bằng mắt.
Những người ở tầng thấp nhất còn hoàn toàn tránh tiếp xúc bằng mắt. Ngược lại,
người ở tầng ý thức càng cao thì khả năng duy trì giao tiếp bằng mắt càng kéo
dài, và cuối cùng, là một cái nhìn gần như vô tận, sâu thẳm trở thành đặc điểm
của họ. Tất cả chúng ta đều biết những ánh mắt dè dặt ân hận, ánh mắt trừng trừng
thù địch, và ngược lại, là những đôi mắt ngây thơ, mở to, không chớp mắt. Nội
lực và nhận thức luôn luôn song hành với nhau.
No comments:
Post a Comment