Thursday, 9 December 2021

NHÀ BÁO PHẠM ĐOAN TRANG - NGUỒN CẢM HỨNG CHO NHIỀU NGƯỜI KHÁC (RFA)

 


Nhà báo Phạm Đoan Trang – nguồn cảm hứng cho nhiều người khác  

RFA

09/12/2021

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pham-doan-trang-inspiration-for-others-12092021085505.html

 

Nhà báo, nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang theo dự kiến sẽ bị Toà án Hà Nội xét xử sơ thẩm vào ngày 14/12 sắp tới, với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 của Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 1999.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pham-doan-trang-inspiration-for-others-12092021085505.html/@@images/e12e8682-1f60-4a70-bee5-365aaa64e48f.jpeg

Nhà báo Phạm Đoan Trang với những cuốn sách do mình viết.  FB Phạm Đoan Trang

 

Phạm Đoan Trang là một trong những nhà hoạt động, bất đồng chính kiến được nhiều người cả trong nước và quốc tế biết đến. Các hoạt động đấu tranh cho dân chủ của bà như làm báo độc lập, dịch thuật, viết các báo cáo về tình hình chính trị, xã hội, nhân quyền và tham gia các cuộc vận động cho nhân quyền của Việt Nam…

 

Năm 2013 - 2014, Phạm Đoan Trang đã tham gia nhiều chuyến vận động cho nhân quyền Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, cùng các nước như Mỹ, Canada, Châu Âu…

 

Năm 2014, bà Trang là đồng sáng lập trang Luật Khoa tạp chí, chuyên viết về luật, chính trị và nhân quyền.

 

Năm 2015, bà Trang về nước và từ đó bắt đầu viết nhiều cuốn sách, ấn phẩm như Chính trị bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Toàn cảnh thảm hoạ môi trường biển Miền Trung, Báo cáo Đồng Tâm…

 

 

Tác động ra sao đến xã hội dân sự, nhân quyền Việt Nam?

 

Một số nhà hoạt động tại Việt Nam cho rằng, những cuốn sách, ấn phẩm của Đoan Trang giúp nâng cao hiểu biết cho nhiều người quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội trong nước, đồng thời góp phần mang câu chuyện nhân quyền Việt Nam ra Quốc tế.

 

Anh Nguyễn Đình Hà, từ Hà Nội, cho biết rất khó để đo lường mức ảnh hưởng do các công việc của bà Đoan Trang đến tình hình xã hội dân sự và nhân quyền Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận được rằng:

 

Những việc làm đó có tác động đến những người quan tâm đến tình hình chính trị - xã hội - nhân quyền tại Việt Nam, không phân biệt người Việt hay các tổ chức, cá nhân, chính giới nước ngoài. Chính điều này khiến ngành an ninh xác định chị Trang là một mối nguy hại với chính quyền.

 

Đối với người trong nước thì đó là kiến thức bình dân về chính trị, chính sách công, quyền công dân cơ bản,… và ẩn sâu trong đó là truyền cảm hứng: "Tôi làm được, bạn cũng có thể làm được”.

 

Đối với cá nhân, tổ chức, chính giới nước ngoài, chị Trang góp phần cung cấp thông tin về tình hình nhân quyền, các sự vụ nổi bật về dân chủ, nhân quyền ra bên ngoài, để họ có được cái nhìn tổng quan và chi tiết về những gì đã và đang diễn ra tại Việt Nam. Từ đó có các hành động thiết thực giúp Việt Nam ngày một tiến bộ về dân chủ, nhân quyền.”

 

Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ Đức, đánh giá rằng những cuốn sách do Đoan Trang viết và xuất bản có nội dung dễ hiểu, dễ tiếp cận đối với tầng lớp bình dân Việt Nam. Và đó chính là thách thức đối với nhà cầm quyền Việt Nam:

 

“Trong suốt mười năm gần đây thì cô Phạm Đoan Trang là một nhà hoạt động nổi trội và gần như là mang tính chất thách thức đối với chính quyền. Cô viết sách và cùng với các thành viên khác trong Nhà xuất bản Tự do in rất nhiều cuốn sách trên khắp đất nước. Nó gần như là một sự thách thức đối với Chính quyền Việt Nam.

 

Những chuyến vận động nhân quyền thì tương đối đem lại những hiệu quả trong việc vận động Quốc tế, làm cho các tổ chức Quốc tế cũng như chính phủ các nước hiểu rõ hơn về thực trạng nhân quyền Việt Nam.”

 

VIDEO :

Nhà báo Phạm Đoan Trang nói gì tại lễ trao giải Tự do báo chí thế giới?

https://www.youtube.com/watch?v=jmram17_gDo

 

Hướng dẫn, truyền cảm hứng cho nhiều nhà hoạt động khác

 

Bên cạnh việc viết lách, Đoan Trang còn là người thầy, người hướng dẫn và là truyền cảm hứng, tiếp động lực để cho nhiều nhà hoạt động tiếp tục con đường đấu tranh cho dân chủ, dân quyền ở Việt Nam.

 

Anh Nguyễn Đình Hà cho biết anh và Trang đã có khoảng thời gian tiếp xúc dài, cùng nhau trải qua nhiều sự kiện chính trị, xã hội ở Việt Nam:

 

 “Từ đó, tôi học hỏi được rất nhiều điều từ chị. Thứ nhất là trong nghề báo, tôi học được kỹ năng nghề.

 

Thứ hai, tôi và nhiều người khác được truyền cảm hứng bởi tinh thần dấn thân, khát vọng thay đổi và sự quyết liệt chống lại điều sai trái của chị Trang, thông qua các việc làm của chị.”

 

Cô Giang, một nhà hoạt động chuyên nghiên cứu về các chính sách công của Việt Nam chia sẻ với RFA rằng, lúc cô mới tốt nghiệp đại học ở Hà Nội thì có cơ hội gặp Đoan Trang. Nhờ vậy, cô Giang quyết định sẽ trở thành một nhà hoạt động, thay vì tìm cho mình một công việc hay cuộc sống ổn định:

 

“Chị Trang vừa là người thầy đầu tiên, vừa là người truyền cảm hứng để mình dấn thân hoạt động. Cũng nhờ chị Trang mà mình biết đến nhiều người khác mà trong số đó có cả những người đã ảnh hưởng đến tầm nhìn về con đường hoạt động của mình.

Nên có thể nói rằng nếu không có chị Trang thì mình đã không dấn thân hoạt động như hiện nay.”

 

Vừa viết, vừa trốn chạy

 

Theo trang Luật Khoa Tạp chí, bà Trang đã nhiều lần bị Chính quyền bắt giữ và đánh đập, thậm chí còn lấy hết giấy tờ tuỳ thân.

 

Bà Trang vừa viết sách, vừa cố gắng lẩn trốn sự truy lùng của công an trong tình trạng sức khoẻ suy yếu, không giấy tờ. Từ năm 2017, bà Đoan Trang đã sống ở ít nhất 60 chỗ ở khác nhau khắp Việt Nam.

 

Ông Hưng, người đã từng làm việc với Đoan Trang trong Nhà xuất bản Tự do nói rằng ông coi Trang vừa là thầy, vừa là đứa em trong nhà. Nhờ Trang mà ông hiểu được tầm quan trọng của truyền thông độc lập đối với một xã hội, đất nước:

 

Trang là một người thầy của tôi về lĩnh vực truyền thông, báo chí. Bên cạnh đó, tôi vẫn luôn coi Trang là một đứa em, bởi vì nó rất hồn nhiên, vô tư. Cách nhìn về cuộc sống, xã hội rất là vô tư, hồn nhiên.

 

Trang có rất nhiều ảnh hưởng tới tôi trong con đường đấu tranh. Trong thời gian anh em làm việc với nhau, thực ra tất cả sự khó khăn của Trang trong khi viết sách tôi là người chứng kiến.

 

Tôi nghĩ Trang là nngười sinh ra để làm truyền thông. Trang dành cả tuổi trẻ, tuổi thanh xuân của mình để làm truyền thông, hy sinh tất cả mọi thứ, từ tình cảm gia đình bạn bè.

Khi Trang ngồi trước những trang viết, tôi cảm nhận được là Trang viết với tâm trạng như là ngày mai mình không thể viết được nữa.

 

Rất nhiều lần tôi chứng kiến, đã từng có những lúc nửa đêm, hoặc là có những thời điểm mà đối với một người bình thường, đó là thời gian dành cho gia đình, cho người thân của mình, nhưng Trang thì phải trốn chạy.

 

Rất nhiều lần như thế, tôi phải hỗ trợ Trang trốn tránh. Trốn đi trong đêm nhiều lắm, và Trang luôn trong tư thế phải trốn đi bất kỳ lúc nào. Có những lần phải đi trong vòng tích tắc, có mỗi một bộ quần áo trong người. Vật quý nhất của Trang là cây đàn nhưng có những lần tôi hỗ trợ Trang trốn đi thậm chí còn không kịp mang theo cây đàn.”

 

Đêm ngày 6/10/2020, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt tại nơi bà đang ẩn náu ở quận Ba, TPHCM. Bà Trang bị chuyển ra Hà Nội và bị giam giữ trong tình trạng hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, không được thăm nuôi và cũng không được gặp luật sư.

 

Hơn một năm sau ngày bị bắt, bà Trang lần đầu được tiếp xúc với luật sư bào chữa hôm 19/10/2021. Luật sư thông báo rằng sức khoẻ của bà bị sa sút nhiều trong thời gian bị giam giữ.

 

--------------------

* Tên một số nhân vật được phỏng vấn trong bài viết được sửa đổi vì lý do an toàn




No comments:

Post a Comment

View My Stats