Sunday, 12 December 2021

NGOẠI TRƯỞNG MỸ THĂM ĐÔNG NAM Á THÚC ĐẨY QUAN HỆ KINH TẾ và AN NINH (Bình Phương - Saigon Nhỏ)

 


Ngoại trưởng Mỹ thăm Đông Nam Á thúc đẩy quan hệ kinh tế và an ninh 

Bình Phương
12 tháng 12, 2021

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/ngoai-truong-my-tham-dong-nam-a-thuc-day-quan-he-kinh-te-va-an-ninh/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/03/26823542612_fc69efdfab_k-1024x683.jpg

Ngoại trưởng Antony Blinken sắp có chuyến công du đầu tiên tới Đông Nam Á. Ảnh Flickr

 

Chính quyền Biden sẽ tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh với Đông Nam Á thông qua chuyến thăm khu vực này vào tuần tới của nhà ngoại giao hàng đầu của nước này, khi họ nỗ lực xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. 

 

Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác về an ninh và kinh tế với Đông Nam Á, xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương thông qua chuyến công du tới khu vực của Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken.

 

Theo thông tin của Tòa Bạch Ốc được hãng Reuters trích dẫn, Ngoại trưởng Blinken, hiện đang tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh, sẽ đến thủ đô Jakarta của Indonesia vào Thứ Hai và cũng sẽ thăm Malaysia và Thái Lan sau đó. Đây là chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của ông Blinken kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào Tháng Giêng.

 

Đông Nam Á đã trở thành chiến trường chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, tuyến đường thương mại quan trọng của thế giới, đã bồi đắp và quân sự hóa một số hòn đảo nhân tạo ở vùng biển này, liên tục quấy nhiễu, cản trở và đe dọa các hoạt động đánh cá, thăm dò dầu khí của các nước Đông Nam Á.

 

Trước chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phụ trách chính sách châu Á, ông Daniel Kritenbrink, cựu Đại sứ vừa mãn nhiệm ở Việt Nam, nói rằng ông Blinken sẽ theo đuổi mục tiêu của chính quyền Biden là nâng cam kết với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lên mức “chưa từng có”. Nội dung của chuyến đi là tăng cường cơ sở hạ tầng an ninh khu vực trước sự bắt nạt của Trung Quốc và thảo luận về tầm nhìn của tổng thống về một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/01/13041003_1270756369619889_891188953004925797_o.jpg

Ông Antony Blinken (giữa) đến nói chuyện với sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Hà Nội khi ông còn là Thứ trưởng BNG Hoa Kỳ, ngày 21-04-2016. Ảnh FB Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội

 

Chính quyền Biden coi Đông Nam Á là hết sức quan trọng trong nỗ lực đẩy lùi sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng việc Hoa Kỳ thiếu một cấu trúc chính thức để can dự vào kinh tế khu vực kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump rút ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương năm 2017 đã hạn chế khả năng gây ảnh hưởng của nước này, trong khi Bắc Kinh ra sức phát triển quan hệ kinh tế với các nước ASEAN và các nước Đông Á.

 

Chính quyền Biden vẫn chưa xác định chính xác khung hợp tác kinh tế ​​của Mỹ gồm những gì, mặc dù ông Kritenbrink cho biết họ sẽ tập trung vào tạo thuận lợi thương mại, hợp tác về kinh tế kỹ thuật số, phục hồi của chuỗi cung ứng, đầu tư cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và nâng cao các tiêu chuẩn về lao động.

 

Các nhà phân tích và ngoại giao cho biết ông Blinken có thể sẽ tìm cách thu hút các quốc gia Đông Nam Á bằng triển vọng đưa các công ty Mỹ chuyển địa điểm sản xuất khỏi Trung Quốc và tới Đông Nam Á như một phần trong nỗ lực đảm bảo chuỗi cung ứng các mặt hàng nhạy cảm. Nhưng không có dấu hiệu Mỹ sẵn sàng mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Hoa Kỳ mà các nước khu vực đang mong muốn.

 

Ông Matthew Goodman, chuyên gia kinh tế khu vực tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) nhận định: “Có rất nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền Biden sẽ đưa ra một chiến lược kinh tế chứng tỏ cho các đồng minh và đối tác rằng Hoa Kỳ cam kết có sự gắn bó dài hạn về kinh tế với khu vực. Những gì đã được triển khai cho đến nay có nhiều hứa hẹn về mặt đó, nhưng cần phải được bổ sung.”

 

Chính quyền Biden đã thể hiện sự nghiêm túc trong mong muốn tăng cường gắn kết với Đông Nam Á thông qua một loạt các chuyến thăm cấp cao trong năm nay, chẳng hạn như ông Biden đã tham gia các hội nghị thượng đỉnh khu vực và hợp tác an ninh lâu dài, Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đều đã viếng thăm các nước trong khu vực.

 

Nhưng về mặt quan hệ kinh tế, “Người Trung Quốc đang đi trước cuộc chơi 20 năm. Mỹ cần phải làm gì đó để giúp các nước Đông Nam Á kém phát triển hơn. Chỉ có tàu sân bay thôi là chưa đủ,” ông Goodman nói thêm.

 

Đã có nhiều ý kiến, cả ở Hoa Kỳ và ở các nước đồng minh như Nhật Bản, Úc kêu gọi Mỹ quay trở lại Hiệp định TPP – mà nay gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CT-TPP) gồm 11 nước thành viên do Nhật Bản dẫn dắt – nhưng chính quyền Biden chưa bày tỏ thái độ. Nhiều quan sát viên cho rằng, việc Mỹ quay lại là rất khó, do dư luận trong nước Mỹ có quan điểm tiêu cực đối với các khuôn khổ kinh tế đa phương, và toàn cầu hóa kinh tế nói chung, vì cho rằng các nước lợi dụng hiệp định để xâm nhập thị trường Mỹ, bòn rút công việc làm và công nghệ của Mỹ.

 

Cùng với Vương quốc Anh, gần đây cả Trung Quốc và Đài Loan đều nộp đơn xin gia nhập CT-TPP và vận động các nước thành viên bỏ phiếu cho họ. Nếu Trung Quốc trở thành thành viên CT-TPP thì cơ hội để Hoa Kỳ tái tham gia khối thương mại tự do nối hai bờ Thái Bình Dương này coi như bị đóng lại vĩnh viễn và nước Mỹ sẽ bị gạt ra bên lề cuộc chơi kinh tế của khu vực.

 

---------------

Đọc thêm:

·         Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác với Đông Nam Á về Biển Đông

·         Đông Nam Á trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc

·         Đông Nam Á chọn Mỹ hay Trung Quốc?




No comments:

Post a Comment

View My Stats