Wednesday, 8 December 2021

ĐÃ ĐẾN LÚC KẾT THÚC SỨ MỆNH CỦA CÁC CHUYẾN BAY HỒI HƯƠNG (Đào Loan - Kinh Tế Sài Gòn)



 


Đã đến lúc kết thúc sứ mệnh của các chuyến bay hồi hương 

Đào Loan

Thứ Năm, 9/12/2021, 10:57

https://thesaigontimes.vn/da-den-luc-ket-thuc-su-menh-cua-cac-chuyen-bay-hoi-huong/

 

(KTSG) – Từ giữa cuối tháng 3-2020, Việt Nam đã tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế để ngăn dịch Covid-19. Kể từ đó, người lao động có tay nghề, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc và người Việt ở nước ngoài muốn về nước phải đi bằng các chuyến bay giải cứu, nay được gọi là chuyến bay hồi hương. Nay những chuyến bay này nên kết thúc.

 

https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2021/12/Dadenlucketthucsumenhcuacacchuyenbayhoihuong.jpg

Nhu cầu đi lại, làm ăn và trở về nhà của người Việt ở nước ngoài, trong đó có du học sinh tăng cao nhưng các chuyến bay hồi hương không thể đáp ứng được nhu cầu này.Ảnh: Đào Loan

 

Trong hai năm 2020-2021, Việt Nam cũng như các nước hạn chế việc đi lại bằng đường hàng không quốc tế, mở cửa rất hẹp để ngăn dịch, các chuyến bay hồi hương đã thực hiện sứ mệnh là chiếc cầu nối đưa nhiều người trở về nhà và kết nối Việt Nam với thế giới bên ngoài. Đến nay, tình hình đã khác, nhờ độ phủ ngày càng rộng của vaccine, nhiều nước đã mở cửa, kết nối lại hàng không quốc tế để thúc đẩy giao thương và phục hồi kinh tế. Nhu cầu đi lại, làm ăn và trở về nhà của người Việt ở nước ngoài, trong đó rất nhiều du học sinh tăng cao nhưng các chuyến bay hồi hương không thể đáp ứng được nhu cầu này.

 

Cho đến nay, số lượng chuyến bay vẫn ít, quy trình xét duyệt nhân sự để chọn người đủ yêu cầu về nước cũng vẫn rất nghiêm ngặt và giá vé rất cao. Theo cách giải thích của phía hàng không, do các hãng phải bay không tải ra nước ngoài để chở khách về nước và phải tốn thêm chi phí để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nên khó có thể giảm giá vé.

 

Hiện nay, để mua một “gói hồi hương”, gồm vé máy bay và chi phí cách ly y tế bảy ngày tại khách sạn cỡ ba sao, hành khách từ Mỹ, châu Âu phải trả khoảng 90 triệu đồng, cao hơn bốn lần so với dịp bình thường. Trong đó, phần lớn chi phí là vé máy bay. Chi phí này vượt quá khả năng chi trả của nhiều gia đình, chưa kể việc đăng ký để có thể lên máy bay cũng không dễ dàng. Nhiều người đã phải chờ rất lâu để mua vé, thậm chí chấp nhận mua qua trung gian với giá cao hơn nhưng vẫn chưa đến lượt để về nhà.

 

Trước nhu cầu này, trên thị trường đã xuất hiện dịch vụ đưa khách về qua ngả Campuchia. Vì nước láng giềng đã mở cửa nên hành khách có thể bay đến Phnôm Pênh. Từ đây, công ty tổ chức dịch vụ sẽ đưa khách về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài, sau bảy ngày cách ly y tế ở tỉnh biên giới này là có thể về nhà. Tổng chi phí cho gói hồi hương này chỉ chừng 30 triệu đồng, bằng một phần ba so với việc đi đường chính thức nên hiện nhiều Việt kiều, du học sinh từ Mỹ, Canada và châu Âu đang về nước bằng cách này. Trước nhu cầu cao của khách hàng, một vài công ty còn tính là sẽ mở rộng dịch vụ, đưa khách về qua ngả Thái Lan.

 

Vào tháng trước, khi một số địa phương thí điểm đón khách quốc tế đến bằng hộ chiếu vaccine, người Việt ở nước ngoài có thêm một đường nữa để về quê. Đó là mua tour trọn gói của những công ty du lịch được phép tham gia chương trình thí điểm.

 

Với cách này, người về không phải căng thẳng chờ duyệt nhân sự, không phải cách ly y tế bó buộc trong khách sạn mà có thể đi tour khép kín trước khi về nhà. Thế nhưng, họ lại gặp một khó khăn khác đó là phải có thân nhân ở Việt Nam bảo lãnh.

 

Theo quy định, sau bảy ngày đi tour, nếu có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, khách du lịch có thể đi thăm thân nhân. Công ty du lịch sẽ hỗ trợ cho khách làm thủ tục, trong đó có việc đổi thị thực từ loại du lịch ngắn ngày sang dài hạn nhưng để đổi được loại thị thực này thì phải có thân nhân tại Việt Nam bảo lãnh. Đây là yêu cầu khó vì nhiều người không còn người thân, về nước chỉ để thăm quê hương, đi du lịch và cũng không ít người không muốn làm phiền đến họ hàng, gia đình cho nên số lượng Việt kiều có thể về nước qua cách này rất ít dù nhu cầu là cao.

 

Trao đổi với KTSG, nhiều doanh nhân kinh doanh du lịch và cả hàng không, những nơi đang thực hiện các chuyến bay hồi hương cho rằng, nên tạo điều kiện để người Việt về quê dễ dàng hơn. Trong đó, cần nhanh chóng nối lại các đường bay thương mại để giảm chi phí và tháo dỡ các quy định khó khăn như quy định về thị thực, xét duyệt nhân sự. Thậm chí, nếu quá khó khăn để nối các đường bay thương mại, cơ quan chức năng cũng nên tìm cách khác để tăng số lượng chuyến bay, mạng bay và giảm chi phí đi lại.

 

Theo nhiều doanh nhân, hiện mỗi tháng vẫn có nhiều chuyến bay của các hãng hàng không đến Việt Nam để đưa khách đi nên trống chỗ từ đầu bên kia. Để giảm chi phí, cơ quan chức năng nên thương thảo mua lại số chỗ này để bán lại cho người Việt có nhu cầu về nước hoặc người nước ngoài muốn đến để làm việc. Trong dịch bệnh, một số nước đã làm cách này để đưa công dân từ nước ngoài về.

 

Việc mở cửa rộng hơn những hành khách này sẽ không chỉ giúp dân mà còn mở ra một thị trường lớn hơn cho du lịch, hàng không và những ngành dịch vụ liên quan khác. Nhiều năm qua, đây là phân khúc khách hàng mang lại nguồn thu khá lớn cho doanh nghiệp vào dịp cuối năm. Hiện nhiều khách hàng đã liên hệ để đặt dịch vụ nhưng doanh nghiệp chưa thể trả lời vì khó tìm được đường bay với chi phí thích hợp.

 

Đại dịch đã hoành hành gần hai năm, tình hình dịch bệnh và thị trường nay đã khác. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên để các “chuyến bay hồi hương” được kết thúc sứ mệnh, mở ra một hành trình mới, rộng lớn để góp phần mạnh mẽ hơn vào quá trình hồi phục kinh tế – xã hội của đất nước.

 

===========================

 

XEM THÊM

 

Gian truân về quê mẹ: Lận đô la bay qua Campuchia rồi vật vã xe đò tới Việt Nam 

VietNamNet  08/12/2021

.

Cánh cửa về nhà 

VietNamNet  08/12/2021

.

Nhiều hãng lữ hành nước ngoài đã hủy tour Việt Nam đến tháng 5-2022 

Kinh Tế Sài Gòn  08/12/2021




No comments:

Post a Comment

View My Stats