Wednesday 15 March 2017

SÁCH VIỆT HẢI NGOẠI - HIỆN TẠI & TƯƠNG LAI (Trịnh Bình An)




Trịnh Bình An - Đàn Chim Việt 
15/03/2017

Sách Việt Nam tại hải ngoại, trong hiện tại thế nào, về tương lai ra sao?
Xin đọc ba chuyện dưới đây.

Chuyện thứ nhất: Tâm sự của một tác giả đã có trên ba tác phẩm biên khảo: Có hai người từ tiểu bang khác đặt mua sách, tôi gửi sách đi theo priority mail, nhưng họ nhận sách rồi…”quên” luôn, không trả tiền, dù cho tôi đã gửi thư nhắc nhở.

Chuyện thứ hai: Hai tiểu bang Maryland, Virginia, cộng thêm Thủ Đô Washington-DC – nơi có cộng đồng người Việt đông thứ năm tại Hoa Kỳ, vậy mà không có lấy một tiệm sách. Đúng ra, chỉ có một tiệm bán băng nhạc, ké thêm vài kệ sách. Vậy cũng là đáng mừng lắm rồi.

Chuyện thứ ba: Kinh nghiệm bản thân người viết. Có lần gởi sách cho một anh – một nhà báo từ trong nước ra tới hải ngoại. Anh viết thư cám ơn nhưng kèm thêm dòng chữ: “Nói thật, An đừng mất công nữa nhé”.

Ba câu chuyện trên – có thể nói là điển hình trong thế giới sách Việt tại hải ngoại, cho thấy càng ngày càng ít người đọc sách. Nói đúng hơn, ít người mua sách. Hoặc cả hai.
Tôi có cảm tưởng đó là một cuộc chiến.

Cuộc chiến có ba phe.

Phe người đọc, phát ngán lên được với những buổi giới thiệu sách không-đi-không-được của bạn bè. Thấy bạn hào hứng kể lể về đứa con tinh thần, hớn hở ký tặng sách, còn mình thì rầu thúi vì phải bỏ tiền ra mua và biết chắc sách lại chiếm thêm một chỗ trong nhà vốn đã đầy ắp đồ đạc. Tâm trạng héo hon ấy chẳng khác gì tâm trạng nàng Kiều, mặc người mưa Sở mây Tần, riêng mình nào biết có Xuân là gì!

Phe người viết, hì hục, vò võ, tốn cả ngàn tiếng đồng hồ ra viết, viết miệt mài, viết lầm lũi; rồi thì tốn cả ngàn đồng để in thành sách, lại tốn thì giờ, tốn tiền bạc tổ chức ra mắt sách, gởi chỗ này chỗ kia bán. Cuối cùng tâm trạng cũng in hệt Kiều nương, khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, giật mình, mình lại thương mình xót xa!

Và phe… những cuốn sách. Khi in ra – được nâng niu vô cùng từ bìa đến ruột. Đến lúc bán đi (nhiều khi là “cho đi”) – bị xếp ngay vào một góc, đóng bụi. Nếu sách có nói được hẳn sẽ than, như Kiều nhi từng than, khi sao phong gấm rũ là, giờ sao tan tác như hoa giữa đường!
Trong cuộc chiến, phe đọc sách và phe làm sách dường như nằm trong chiến hào của mỗi bên. Rình rình nhau, xem bên nào đổ trước. Đọc-Sách lâu lâu hỏi vói qua: Chết chưa? Làm-Sách đáp: Chưa chết! Đọc-Sách càng không thèm mua, rồi lại hỏi vói qua: Chết chưa? Vẫn đáp: Chưa chết! Và cuộc chiến cứ thế tiếp diễn, dai nhách.

Một số Đọc-Sách, cuối cùng “xông lên”, nhất định không thèm đọc nữa, dù có cho free cũng không thèm. Uyên Thao có lần chỉ vào gói sách bị trả về, nói với tôi: “Không sai địa chỉ, nhưng sách gửi đi thì bị trả về, chắc người ta không muốn nhận”. Sách của Tủ Sách Tiếng Quê Hương được gởi đi trước, bạn đọc ai muốn trả tiền thì trả, không thì thôi. Nhưng nhiều người đọc dứt khoát không “thỏa hiệp”. Họ thét to: “Các ông ơi, bọn tôi không đọc nữa đâu, xin làm ơn làm phước đừng viết nữa, đừng in nữa, đừng gởi nữa” – “Không, không, không. Tôi không còn, tôi không còn đọc sách (của các ông) nữa…” v.v. và v.v.

Vậy người viết có chùn bước không, có bỏ cuộc không?
Câu trả lời là KHÔNG!

Vào những số đầu tiên của bản Tin Sách, Trần Phong Vũ nhắc tôi: “Giới thiệu 10 cuốn sách trong một kỳ Tin Sách thì tốt đấy, nhưng lỡ đến lúc không còn sách hay thì chả nhẽ đi giới thiệu sách coi bói à?”

Tôi cười, thầm nghĩ, ông anh mình cũng thuộc loại không (thèm) đọc sách rồi. Vì nếu có theo dõi thị trường sách Việt hải ngoại mới thấy số lượng sách được xuất bản không hề giảm mà chỉ có tăng. Tin Sách chạy hụt hơi cũng không giới thiệu hết sách của các văn hữu của gia-đình-chúng-ta đâu.

Trong cái-gọi-là “cuộc chiến sách Việt hải ngoại”, phe làm sách quả rất ngoan cường. Chê gì chê, cười gì cười, họ vẫn lầm lũi tiến lên, như thể muốn nói: “Các ông không mua thì thôi. Chúng tôi cứ viết đấy, cứ in đấy. Đã sao nào”.

Cứ như nếu gặp câu hỏi: Why do you have to make books?
Thì câu trả lời sẽ là: Why not?

Những người viết không phải không có lý, nhất là khi sách thuộc thể loại hồi ký. Khi những người ông, bà, cha, mẹ, viết ra với mục đích để lại ký ức của mình. Nhờ đó, một ngày kia, con cháu sẽ biết được tại sao chúng có mặt trên xứ người chứ không là Việt Nam. Sách dành riêng cho người trong nhà đọc, người ngoài có đọc thì chỉ là đọc ké mà thôi.

Có điều cần viết, có người muốn viết, và có đối tượng để viết cho. Vậy là đã đạt yếu tố con người, tức Nhân Hòa. Thế thì phe làm sách đã chiếm lĩnh được một ưu thế rồi đó.

Về yếu tố Địa Lợi? Nếu nói theo kiểu chơi chữ, “địa” là “tiền”, thì không có gì khó khăn với phe “mần” sách cả. Nhiều vị có sẵn tiền… hưu, để dành một năm, vài năm, cộng thêm con cái giúp cho một ít là đủ “đắc địa” rồi.

Tôi biết một người dành dụm tiền hưu in hồi ký. Ông tự soạn sách, tự dàn trang, tự xuất bản. Sách ông trình bày chẳng theo bất cứ quy tắc nào hết. Hễ thấy cần nhấn mạnh, ông cho chữ đậm hay chữ hoa to tướng, trông rất tức cười. Nhưng ông viết thẳng, viết thật, viết tếu lâm, nên đọc thấy rất gần gũi, dễ thương. Sách bán được hơn 200 cuốn. Tác giả hỏi Uyên Thao nghĩ sao. Uyên Thao cười, vậy thì quá giỏi rồi còn gì.

Và yếu tố cuối cùng – Thiên Thời, thì sao?

Chưa bao giờ thời cơ lại thuận lợi với người viết hơn lúc này. Phương pháp Print-On-Demand (in sách theo yêu cầu) – với Amazon là trung tâm tiên phong – đang là một cơ hội Trời ban cho những ai muốn xuất bản sách mà không rủng rỉnh tiền vốn hay rộng rãi kho chứa.

Điển hình là cuốn Cưỡi Ngọn Sấm mà tôi được dịp phụ với các anh Lý Văn Quý, Nguyễn Hiền trong việc dịch thuật. Anh Quý lo phần xuất bản sách. Anh tạo trương mục (account) với Amazon, làm layout trên khuôn có sẵn của Amazon. Khi nào có người muốn mua sách, anh báo tin cho Amazon biết, thế là Amazon gởi thẳng về địa chỉ của người mua. Tiền thu được từ bán sách, sau khi trừ hoa hồng (không nhiều lắm) sẽ được Amazon gởi về cho tác giả. Thật gọn gàng, nhẹ nhàng. Người làm sách không phải ôm cả trăm cuốn sách, cũng không phải hì hục gói sách, gởi sách, rồi còn nơm nớp lo bị quỵt tiền hay bị thất lạc.

Và như thế, với cả ba yếu tố: thiên thời – địa lợi – nhân hòa, thị trường sách Việt hải ngoại hiện tại vốn đang dồi dào, thì trong tương lai gần, sẽ còn dồi dào hơn.

Nhưng, vẫn còn đó câu hỏi: Sách in ra nhiều thật, nhưng ai đọc cho đây?

Thưa đúng, sách in để đọc chứ chẳng để ngắm, và người đọc hải ngoại thì cứ như sao buổi sớm, như lá mùa thu…

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, mà có lẽ trong kho Nhà Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ vẫn còn một đống sách tồn đọng, trong một buổi họp mặt văn nghệ đã rất lạc quan tiên đoán rằng: “Chúng ta chả có gì phải lo ngại. Một ngày không xa, sách hải ngoại sẽ “vượt biển” xâm nhập Việt Nam. Tới lúc đó, chỉ e chúng ta không có đủ sách để bán nữa chứ”.

Nhà văn quân đội Trần Hoài Thư, ròng rã hàng chục năm với việc sưu tầm, tự in ấn và phát hành những tác phẩm của Miền Nam–Việt Nam Cộng Hòa qua Nhà Xuất Bản Thư Ấn Quán, vẫn đều đặn cho ra đời những tập sách nho nhỏ, xinh xắn. Loạt sách này dần được sự hưởng ứng của người trong nước, nhất là giới trẻ Việt Nam, khi họ ngày càng ý thức rằng trên đất nước ngột ngạt đang sống đã từng có một nền văn học tự do.

Còn Uyên Thao, người sáng lập Tủ Sách Tiếng Quê Hương, thì từng nói ông đang “làm ăn mày để in sách”. Với Uyên Thao, người tự cho mình “chưa bao giờ làm văn học” mà “chỉ chọn cây viết thay cây súng”. Với ông, mỗi cuốn sách là một “người cán bộ” . Người cán bộ nếu không giữ tư cách thì không thuyết phục được dân, cũng thế, nếu cuốn sách không chỉnh tề, từ nội dung đến hình thức, thì sẽ không được bạn đọc đón nhận. Và thế là “gã hành khất” Uyên Thao cứ lầm lũi ăn mày để đào tạo cán bộ. Cho tới nay, Tủ Sách Tiếng Quê Hương đã cho ra đời trên 70 tác phẩm.

Còn riêng tôi, trong việc làm Tin Sách, tôi không ngừng xúc động mỗi khi đọc được những cuốn sách thật hay nhưng ít người nhắc đến. Sách như trẻ nhỏ. Em nào may mắn vào gia đình khá giả, khi sinh ra được mọi người đón mừng, chúc tụng. Còn những em kém may mắn hơn lỡ sinh trong gia đình nghèo khó thì sự ra đời của các em sẽ thật lặng lẽ, âm thầm. Tôi chỉ hy vọng Tin Sách sẽ giúp bạn đọc biết đến những cuốn sách kém may mắn ấy dù chỉ qua vài hàng giới thiệu ngắn ngủi.

Xin có vài lời cuối…

Với người đọc: Xin đọc ít nhất một vài trang cho một cuốn sách. Có thể bạn sẽ bắt gặp một câu – và chỉ cần một câu thôi, sẽ giúp bạn rất nhiều. Và sau đó, nếu bạn muốn giục sách vào thùng rác thì cứ tự nhiên vì bạn đã được nhiều hơn là bỏ ra rồi đấy. Ngay cả khi không thu lượm được gì, bạn cũng sẽ học được cách đừng viết như thế, đừng nói như thế. Không phải khoa học gia lừng danh Thomas Edison đã bảo rằng: “Tôi biết tới một ngàn cách để không thành công”.

Với người viết: Xin cứ tiếp tục viết, dù khó khăn, dù nản lòng, dù biết mình viết dở ẹc. Nếu sách viết ra không bán được thì càng mừng nữa chứ, vì bạn đã hoàn toàn được tự do – tự do khỏi cái ràng buộc vật chất đời thường. Bạn tốn tiền, bạn nhọc công vì một cuộc chơi. Mà nghĩ thử coi, cuộc chơi nào mà chẳng tốn tiền, tốn công. Nghề chơi cũng lắm công phu huống hồ là… chơi chữ.

Tôi vẫn phục Nguyễn Liệu. Ông thực hiện một cuốn sách dày cui, đặt tên hết sức chảnh: “Đời Tôi”. Sách in ra, bán được bao nhiêu thì bán, còn lại đem cho hết. Bây giờ, sách thành tuyệt bản, không phải thích thú sao?

Tôi hên, mua được một “Đời Tôi”. Quý lắm. Mỗi lần cầm sách lên, tâm trạng không khác tâm trạng nàng Thúy Kiều thuở nao:

Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!

Trịnh Bình An





No comments:

Post a Comment

View My Stats