Tuesday 4 June 2024

SƯ THÍCH MINH TUỆ TỰ NGUYỆN HAY BỊ ÉP DỪNG BỘ HÀNH? (RFA)

 



Sư Thích Minh Tuệ tự nguyện hay bị ép dừng bộ hành?

RFA
2024.06.03

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/did-monk-thich-minh-tue-voluntarily-or-was-forced-to-stop-walking-06032024111459.html

 

Thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ trong ngày 3 tháng 6 năm 2024 xác nhận, ông Lê Anh Tú, tức sư Thích Minh Tuệ, đã tự nguyện dừng cuộc đi bộ để tránh gây mất trật tự an toàn xã hội. Dư luận không tin vào chữ “tự nguyện” từ Ban Tôn giáo Chính phủ được báo chí nhà nước loan tải, bởi ở Việt Nam có nhiều trường hợp gọi là bị “ép buộc tự nguyện”.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/did-monk-thich-minh-tue-voluntarily-or-was-forced-to-stop-walking-06032024111459.html/@@images/4e407591-37a9-4de5-b363-c2f3f2fec8ed.jpeg

Sư Thích Minh Tuệ tại tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Ảnh được chụp vào ngày 17 tháng 5 năm 2024  (AFP)

 

Tự nguyện hay bị hăm dọa?

 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định sư Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo; bản thân sư Thích Minh Tuệ cũng không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, chỉ là công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật.

 

Ni cô Diệu Hạnh nói với RFA suy nghĩ của mình khi hay tin sư Minh Tuệ tự nguyện dừng bộ hành, dừng khất thực:

 

“Làm gì có chuyện tự nguyện. Theo em, công an đã hăm dọa, yêu cầu thầy phải dừng bộ hành, mà dừng bộ hành với thầy Minh Tuệ nghĩa là bắt thầy dừng tu theo cách của thầy rồi. Như vậy là không có tự do tôn giáo, không có tự do tín ngưỡng. Sắp tới còn có chuyện quản lý tăng ni, phật tử bằng phần mềm càng chứng tỏ sư thầy không được tự do tu tập”.

 

Một người dân Sài Gòn cho rằng, khi Ban Tôn giáo Chính phủ phát đi thông tin sư Thích Minh Tuệ tự nguyện ngừng cuộc bộ hành của ông, các báo đều đưa tin răm rắp mà không hề có một chi tiết nào cho thấy ai có thể thuyết phục ông dừng. Người dân này nói tiếp:

 

“Điều được bàn tán nhiều, là chữ 'tự nguyện' với cả truyền thống cách mạng bí ẩn của nó, từ chuyện Trịnh Xuân Thanh 'tự nguyện' về đầu thú, đến chuyện Trương Duy Nhất 'tự nguyện' đi từ Thái Lan về. Đó là chưa nói, thời sau 1975, dân miền Nam 'tự nguyện' đi kinh tế mới, 'tự nguyện' nộp vàng đi bán chính thức... cứ lấy lịch sử của chữ 'tự nguyện' màu XHCN, ai cũng có thể cảm nhận sâu sắc về chuyện dừng bộ hành của sư Minh Tuệ đầy tính 'tự nguyện'.”

 

Chính quyền Việt Nam lâu nay được cho là sợ đám đông tụ tập nên dùng mọi cách để giải tán đám đông, cho dù đó chỉ là một chương trình lễ hội, âm nhạc không liên quan đến chính trị. Dư luận còn nhớ sự kiện xảy ra hôm 10 tháng 9 năm 2019, đám đông hâm mộ đi đón nam diễn viên Hàn Quốc Ji Chang Wook đã bị Cảnh sát cơ động hú còi báo động, sử dụng bình chữa cháy xịt thẳng vào đám đông. Cảnh sát còn dùng cả dùi cui chích điện để trấn áp, giải tán khiến người dân ngỡ ngàng.

 

Hay Luật biểu tình và Luật lập hội nhiều lần bị loại khỏi nghị trình Quốc hội với lý do “tạm hoãn vì cần chuẩn bị kỹ hơn”, cho dù quyền biểu tình và quyền lập hội là hai trong số các quyền cơ bản của công dân, được ghi trong Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam 2013. Hai quyền này cũng được quy định trong Điều 19 và Điều 21 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết tham gia.

 

Siết chặt quyền tự do tôn giáo

 

Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho rằng, sư Thích Minh Tuệ đã bị ép buộc phải “tự nguyện” dừng bộ hành. Đó là cách Nhà nước Việt Nam thực hiện từ nhiều năm qua, trong nhiều lĩnh vực. Ông nói:

 

“Ở Việt Nam, tất cả những hoạt động gây ảnh hưởng đến số đông đều bị theo dõi rồi bị cấm đoán. Không cần ảnh hưởng gì lớn lao trên toàn xã hội, mà chỉ cần ảnh hưởng trên một địa phương nào đó là sẽ bị cấm đoán. Để phục vụ cho việc gọi là bảo vệ an ninh trật tự, chính quyền luôn luôn đề nghị người dân tự nguyện. Mà một khi đề nghị như vậy chỉ là cách nói thôi, chứ mục đích là ép buộc. Ví dụ học sinh đi học thì phụ huynh phải tự nguyện đóng góp, hay trong vấn đề hình sự hay dân sự, khi công an mời người dân nào đó lên đồn làm việc thì sau đó người dân này lại có đơn xin tự nguyện ở lại để phục vụ điều tra. Nhưng thật ra cái đó là ép buộc.”

 

Ngoài việc đưa tin sư Thích Minh Tuệ tự nguyện ngừng bộ hành, truyền thông Nhà nước mới đây cho hay, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức đào tạo thí điểm hệ thống phần mềm quản lý tăng ni, Phật tử tại tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên, dự định sớm triển khai mở rộng cho cả nước nhằm quản lý hồ sơ người thụ giới, hồ sơ chuyển nội tỉnh, ngoại tỉnh, hồ sơ xuất gia…

 

Theo Bộ Công an, hệ thống quản lý tăng ni Phật tử gồm có ba phần mềm. Thứ nhất là phần mềm cho Phật tử. Phật tử phải đăng ký ghi danh Phật tử, đăng ký quy y tam bảo; xem thông tin hành chính giáo hội, tin tức, sự kiện, các ngày lễ Phật giáo, nghe giảng pháp thông qua tài khoản VneID. Thứ hai là phần mềm quản lý tăng ni, gồm các chức năng như quản lý Phật tử, tăng ni; quản lý hồ sơ thụ giới, hồ sơ thuyên chuyển nội tỉnh, hồ sơ thuyên chuyển ngoại tỉnh, hồ sơ xuất gia. Thứ ba là phần mềm quản lý hành chính của Giáo hội Phật giáo, gồm các chức năng như xem thông tin cá nhân dành cho tăng ni, hồ sơ điện tử, tra cứu hồ sơ.

 

Một Phật tử không muốn nêu danh tính, nói với RFA quan điểm của mình về động thái mới trên:

 

“Có thể thấy rõ, Giáo hội Phật giáo Nhà nước được chọn làm chuột bạch để thử nghiệm phương thức kiểm soát chặt giới tăng ni như kiểu Trung Quốc, mà vốn tăng ni từ tỉnh A qua tỉnh B, sẽ có xác nhận cho phép của các chùa nơi đi nơi đến. Sẽ có hệ thống chấm điểm 'vâng lời', bao gồm không giao du với chùa phản động, tăng ni phản động... nếu vi phạm nhiều lần có thể bị cấm di chuyển ra khỏi chùa, 'sám hối' trong một thời gian hoặc nặng, có thể bị trục xuất ra khỏi hệ thống Phật giáo.

Điều này cho thấy không bao lâu nữa, những việc lên tiếng tự do theo lương tâm của mình như thầy Thích Minh Đạo sẽ ngày càng mất dần, những sư của Nhà nước sẽ ngại tiếp xúc với các chùa và các sư của Giáo hội Phật giáo Thống nhất hơn. Câu hỏi được đặt ra là, tại sao Giáo hội Phật Giáo nhà nước lại phải bắt tay với công an để thực hiện những hàng rào kẽm gai cho tăng ni?”

 

Truyền thông Nhà nước dẫn phát biểu của đại tá Vũ Văn Tấn, phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội rằng: “Đề nghị các tăng, ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam được giao sử dụng hệ thống quản lý tăng ni Phật tử phải hết sức chú ý tuân thủ các quy định của Nhà nước về bảo vệ bí mật cá nhân”.

 

---------------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Đoàn theo Sư Minh Tuệ còn được tự do bao lâu?

 

Vì sao báo chí Nhà nước tránh nhắc về “hiện tượng” sư Thích Minh Tuệ?






No comments:

Post a Comment

View My Stats