Friday 7 June 2024

CÁC DOANH NGHIỆP TRUNG QUỐC ĐANG MỞ RỘNG XUỐNG ĐÔNG NAM Á (The Economist)

 



Các doanh nghiệp Trung Quốc đang mở rộng xuống Đông Nam Á

The Economist

06/06/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/06/06/cac-doanh-nghiep-trung-quoc-dang-mo-rong-xuong-dong-nam-a/

 

 

Vào năm 2021, những người sáng lập PalFish, một công ty công nghệ Trung Quốc chuyên kết nối giáo viên và học sinh tiếng Anh, đã nhận ra rằng tương lai của công ty sẽ nằm ở nước ngoài. Khi ấy chính phủ Trung Quốc vừa phát động một cuộc trấn áp đối với hoạt động dạy thêm, sau khi chủ tịch Tập Cận Bình cáo buộc ngành này đang lợi dụng những lo lắng về giáo dục của các bậc phụ huynh Trung Quốc. Công ty đã cân nhắc việc mở rộng sang Mỹ Latin, Trung Đông, hoặc Nga, nhưng rồi quyết định đổ bộ vào Đông Nam Á. Chỉ ba năm sau, giờ đây có 10 triệu học sinh Đông Nam Á sử dụng PalFish.

 

PalFish đại diện cho một xu hướng rộng hơn. Khó có con số chính xác về các công ty Trung Quốc ở Đông Nam Á, nhưng người ta cho rằng có tới hàng nghìn công ty, vì tình hình chính trị khó lường ở Trung Quốc, cộng với nền kinh tế đang chậm lại, đang buộc các doanh nghiệp phải tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài. Cộng đồng doanh nhân Trung Quốc mới này khác với những thế hệ doanh nhân trước đây: họ giàu hơn, có trình độ học vấn cao, và có tham vọng vượt ra ngoài Đông Nam Á.

 

Một lý do khiến các công ty Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài là vì chính trị. Chính quyền Biden đã bổ sung thêm nhiều biện pháp kiểm soát do Donald Trump đặt ra đối với các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đôi khi tránh những hạn chế này bằng cách chuyển nhà máy sang các nước trong khu vực. Một doanh nhân Trung Quốc chuyển đến Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, gần hai thập niên trước ước tính có tới 40% nhà máy ở miền bắc Việt Nam hiện thuộc sở hữu của người Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm từ Trung Quốc vào Indonesia, Malaysia, và Việt Nam đạt 8 tỷ USD vào năm 2022, tăng gấp bốn lần so với một thập niên trước.

 

Các doanh nhân Trung Quốc trên khắp Đông Nam Á tóm tắt mong muốn ra nước ngoài của họ bằng một từ: juan (quyến). Chữ này xuất phát từ nội quyến (neijuan – 内卷), một thuật ngữ dùng để mô tả việc tăng đầu vào không còn làm tăng đầu ra nữa. Các doanh nhân sinh vào những năm 1980 và 1990 cho biết dù có làm việc chăm chỉ đến đâu, họ cũng sẽ không được đền đáp bằng chất lượng cuộc sống tốt hơn ở Trung Quốc. Một hệ quả của dân số khổng lồ là mức độ cạnh tranh khắc nghiệt khiến cho việc đứng đầu ngành là gần như không thể, đặc biệt khi người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng khắt khe hơn.

 

Và đối với một số loại hình kinh doanh, đại dịch là một bước ngoặt. “Chúng tôi đã chán ngấy việc bị nhốt,” một doanh nhân Trung Quốc nói. Ông cùng với nhiều người bạn của mình đã bỏ ra nước ngoài sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới. Nhưng trong vài năm qua, họ nhận thấy rằng hoạt động của họ trong khu vực đang tiến triển tốt hơn ở Trung Quốc. “Bây giờ, đó là một quyết định kinh doanh thực tế giúp chúng tôi mở rộng sang Đông Nam Á… chứ không phải là sự căm ghét Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

 

Indonesia là thị trường quan trọng nhất đối với các công ty Trung Quốc. Một số công ty lớn có liên kết với Trung Quốc đã đặt trụ sở ở nước này. J&T Express, một công ty chuyển phát nhanh có trụ sở tại Jakarta, là đợt IPO lớn thứ hai năm 2023 tại Hồng Kông. Công ty này được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư Trung Quốc như Tencent. Trong khi đó, Tsingshan, nhà sản xuất thép không gỉ và niken lớn nhất thế giới, thống trị hoạt động sản xuất niken ở nước này. Ngoài những gã khổng lồ, vô số các công ty nhỏ hơn cũng đã xuất hiện trên khắp khu vực. Năm 2022, tổng đầu tư hàng năm của Trung Quốc vào lĩnh vực y tế ở Đông Nam Á đạt tới 1,6 tỷ USD, gấp ba lần so với năm 2015.

 

Liu Yuan, nhà tư vấn kinh doanh chuyên giúp các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng sang Việt Nam, cho biết hầu hết khách hàng của bà không có kế hoạch định cư lâu dài trong khu vực. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều thế hệ người Hoa trước đây, những người đã coi Đông Nam Á là quê hương của mình khi chạy trốn nghèo đói và nội chiến, thường là trên những con thuyền ọp ẹp. Thế hệ mới này được thúc đẩy bởi một niềm tin khác: rằng tương lai của Đông Nam Á gắn bó chặt chẽ với cường quốc kinh tế ở phương bắc. Nhưng dĩ nhiên họ cũng hy vọng mở rộng xa hơn về phương Tây./.

 

 

Nguồn: “Chinese firms are expanding in South-East Asia” The Economist, 25/04/2024.

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats