Monday 10 June 2024

AI SẼ CHIẾM HỮU MẶT TRĂNG? (Rebecca Morelle / BBC News)

 



Ai sẽ chiếm hữu Mặt Trăng?

Rebecca Morelle

Biên tập viên Khoa học

9 tháng 6 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/crggd777yxgo  

 

Thế giới đang ở trong một cuộc chạy đua lên Mặt Trăng. Ngày càng nhiều quốc gia và công ty nhắm đến bề mặt Mặt Trăng trong cuộc đua tranh giành tài nguyên và thống trị vũ trụ. Vậy chúng ta đã sẵn sàng cho kỷ nguyên thám hiểm Mặt Trăng mới này chưa?

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/80f0/live/afa2fe50-263d-11ef-80aa-699d54c46324.jpg.webp

Thế giới đang ở trong một cuộc chạy đua lên Mặt Trăng

 

Trong tuần rồi, hình ảnh lá cờ Trung Quốc tung bay trên Mặt Trăng đã được truyền về Trái Đất. Đây là lần đổ bộ thứ tư của quốc gia này lên đó - và là nhiệm vụ đầu tiên lấy mẫu từ nửa xa của Mặt Trăng.

 

Trong 12 tháng qua, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã hạ cánh tàu vũ trụ của mình lên bề mặt Mặt Trăng. Vào tháng 2/2024, công ty Mỹ Intuitive Machines trở thành công ty tư nhân đầu tiên phóng tàu đổ bộ lên Mặt Trăng. Và còn nhiều công ty khác nữa sẽ làm theo.

 

Cùng lúc, NASA mong muốn đưa con người trở lại Mặt Trăng với chương trình Artemis có mục tiêu đưa phi hành gia đáp xuống Mặt Trăng vào năm 2026.

 

Trung Quốc cho biết họ sẽ đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 2030. Thay vì những chuyến thăm chớp nhoáng, họ lên kế hoạch xây dựng các căn cứ thường trú.

 

Tuy nhiên, cuộc đua vũ trụ mới này có thể khiến những căng thẳng trên Trái Đất lan tới bề mặt Mặt Trăng.

 

“Mối quan hệ của chúng ta với Mặt Trăng về cơ bản sẽ sớm thay đổi,” Justin Holcomb, nhà địa chất học từ Đại học Kansas, cảnh báo.

 

Ông nhấn mạnh rằng tốc độ khám phá không gian hiện nay “vượt xa luật pháp của chúng ta”.

 

Một hiệp ước của Liên Hợp Quốc từ năm 1967 quy định không quốc gia nào được sở hữu Mặt Trăng. Hiệp ước Không gian Vũ trụ (Outer Space Treaty - OST) cho rằng Mặt Trăng thuộc về tất cả mọi người và bất kỳ hoạt động thám hiểm nào đều phải được thực hiện vì lợi ích của toàn nhân loại và vì lợi ích của mọi quốc gia.

 

Mặc dù nghe rất hòa bình và hợp tác - và nó thực sự là như vậy - nhưng động lực thúc đẩy hiệp ước này không phải là sự hợp tác mà là Chiến tranh Lạnh.

 

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Liên Xô sau Thế chiến II, người ta lo ngại rằng vũ trụ có thể trở thành chiến trường quân sự, vì vậy phần quan trọng của hiệp ước là không được đưa vũ khí hạt nhân vào không gian. Hơn 100 quốc gia đã ký kết.

 

Tuy nhiên, kỷ nguyên vũ trụ mới này trông khác xa so với thời kỳ đó.

 

·        Các nhà khoa học tiến gần đến giải mã bí mật của phản vật chất

1 tháng 10 năm 2023

 

·        Tàu vũ trụ Nasa có thể phát hiện nguồn gốc sự sống trên Trái Đất

24 tháng 9 năm 2023

 

·        Nasa gửi hai tàu Voyager ra ngoài Hệ Mặt trời để làm gì?

2 tháng 8 năm 2023

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/3866/live/fc116f00-2643-11ef-a13a-0b8c563da930.png.webp

Hình ảnh được truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy tàu thăm dò Mặt Trăng (Thường Nga 5) mang theo cờ nước này vào năm 2020

 

Một thay đổi lớn là các sứ mệnh Mặt Trăng ngày nay không chỉ là dự án của các quốc gia mà các công ty cũng đang tham gia cạnh tranh.

 

Vào tháng 1/2024, một sứ mệnh thương mại của Mỹ có tên Peregrine tuyên bố sẽ mang theo tro cốt người, mẫu DNA và một loại đồ uống thể thao, có cả thương hiệu, lên Mặt Trăng.

 

Việc rò rỉ nhiên liệu khiến cuộc hành trình không được hoàn thành. Tuy nhiên, nó đã châm ngòi cho cuộc tranh luận về việc vận chuyển các hàng hóa hỗn tạp như vậy thì phù hợp như thế nào với nguyên tắc của hiệp ước rằng hoạt động thám hiểm phải mang lại lợi ích cho toàn nhân loại.

 

“Chúng ta bắt đầu chuyển mọi thứ lên đó chỉ vì chúng ta có thể. Không còn bất kỳ lý do chính đáng nào khác nữa,” Michelle Hanlon, một luật sư chuyên về lĩnh vực không gian và là người sáng lập Tổ chức Vì Mọi Người Trên Mặt Trăng (For All Moonkind) - tổ chức nỗ lực bảo vệ các địa điểm đổ bộ Apollo, nhận xét.

 

"Mặt Trăng của chúng ta đã nằm trong tầm tay và giờ đây chúng ta đang bắt đầu lạm dụng điều đó," bà nói.

 

Nhưng ngay cả khi các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực Mặt Trăng đang tăng tốc, thì rốt cuộc các quốc gia mới là những người chơi chính trong cuộc đua này. Sa’id Mostehsar, giám đốc Viện Chính sách và Luật Không gian London, cho biết bất kỳ công ty nào cũng cần được nhà nước cho phép tham gia hoạt động vũ trụ - và đều phải tuân thủ các hiệp ước quốc tế.

Việc chinh phục Mặt Trăng sẽ đem lại cho các quốc gia danh tiếng. Sau các sứ mệnh thành công, Ấn Độ và Nhật Bản hoàn toàn có thể tự hào tuyên bố mình là những “dân chơi” toàn cầu trong lĩnh vực vũ trụ.

 

Và một quốc gia có ngành công nghiệp vũ trụ thành công có thể thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế bằng cách tạo ra việc làm, đổi mới sáng tạo.

 

Nhưng cuộc đua lên Mặt Trăng còn mang đến một giải thưởng thậm chí còn lớn hơn: tài nguyên.

 

Mặc dù bề mặt Mặt Trăng trông khá cằn cỗi, nhưng ở đó lại chứa các khoáng chất, bao gồm đất hiếm, kim loại như sắt và titan - và cả heli, được sử dụng cho mọi thứ, từ chất siêu dẫn đến thiết bị y tế.

 

Ước tính giá trị của tất cả những tài nguyên này rất khác nhau, từ hàng tỷ đến hàng triệu tỷ (USD). Vì vậy, không khó hiểu tại sao một số người coi Mặt Trăng là nơi để kiếm được rất nhiều tiền.

 

Tuy nhiên, đây sẽ là một khoản đầu tư dài hạn và công nghệ cần thiết để khai thác và mang tài nguyên từ Mặt Trăng trở về Trái Đất đang còn là điều xa vời.

 

Năm 1979, một hiệp ước quốc tế nhấn mạnh không quốc gia hay tổ chức nào được tuyên bố sở hữu tài nguyên trên đó. Tuy nhiên, hiệp ước này không được nhiều nước chấp thuận - chỉ có 17 quốc gia tham gia và con số này không bao gồm bất kỳ nước nào đã từng lên Mặt Trăng, kể cả Mỹ.

 

Trên thực tế, Mỹ đã thông qua một đạo luật vào năm 2015 cho phép các công dân và ngành công nghiệp của mình khai thác, sử dụng và bán bất kỳ tài nguyên ngoài không gian nào.

 

“Điều này đã gây ra sự phẫn nộ rất lớn trong cộng đồng quốc tế," bà Michelle Hanlon nói.

Nhưng bà nói thêm rằng dần dần, các quốc gia khác cũng noi theo với việc cho ra đời những luật tương tự, bao gồm Luxembourg, UAE, Nhật Bản và Ấn Độ.

 

Câu trả lời cho nguồn tài nguyên có thể được săn tìm nhiều nhất lại rất đáng ngạc nhiên: nước.

 

“Khi phân tích những viên đá Mặt Trăng đầu tiên do các nhà du hành vũ trụ Apollo mang về, người ta cho rằng trên đó hoàn toàn khô cằn,” Sara Russell, giáo sư khoa học hành tinh tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, giải thích.

 

“Nhưng rồi có thể nói là một cuộc cách mạng khoa học đã nổ ra cách đây khoảng 10 năm và chúng ta phát hiện ra rằng những viên đá này có chứa một ít dấu vết của nước bên trong các tinh thể phốt phát."

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/9632/live/b918bca0-2650-11ef-a13a-0b8c563da930.png.webp

Mỹ đã thông qua một đạo luật vào năm 2015 cho phép các công dân và ngành công nghiệp của mình khai thác, sử dụng và bán bất kỳ tài nguyên nào ngoài không gian

 

Vị giáo sư cho rằng thậm chí còn có nhiều nước hơn ở các cực của Mặt Trăng, nơi trữ lượng nước đá được đóng băng bên trong các hố bị che khuất vĩnh viễn.

 

Những vị khách tương lai có thể sử dụng nước để uống, để tạo ra ôxy và thậm chí các phi hành gia có thể dùng để chế tạo nhiên liệu tên lửa, bằng cách tách nước thành hydro và ôxy, cho phép họ di chuyển từ Mặt Trăng lên Sao Hỏa và xa hơn nữa.

 

Mỹ đang cố gắng thiết lập một bộ nguyên tắc hướng dẫn mới xoay quanh hoạt động thám hiểm và khai thác Mặt Trăng.

 

Hiệp định Artemis nêu rõ rằng việc khai thác và sử dụng tài nguyên trên Mặt Trăng phải được thực hiện bằng cách tuân thủ Hiệp ước Không gian Vũ trụ, mặc dù hiệp định cũng thừa nhận rằng có thể cần thêm các quy tắc mới.

 

Hiện tại đã có hơn 40 nước tham gia vào các thỏa thuận không ràng buộc này, nhưng đáng chú ý là Trung Quốc không có tên trong danh sách đó. Một số nước cho rằng các quy tắc mới về thám hiểm Mặt Trăng không nên do một quốc gia dẫn dắt.

 

“Điều này thật sự nên được thông qua Liên Hợp Quốc vì nó ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia,” Giáo sư Sa’id Moshetar chuyên về chính sách và luật vũ trụ nói.

 

Nhưng việc tiếp cận các nguồn tài nguyên cũng có thể gây ra một cuộc xung đột khác.

Mặc dù có rất nhiều không gian trên Mặt Trăng nhưng các khu vực gần các miệng núi lửa chứa đầy băng là những nơi quan trọng nhất.

 

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người đều muốn có cùng một vị trí cho căn cứ tương lai của mình? Và khi một quốc gia đã thành lập căn cứ đó, điều gì có thể ngăn cản các nước khác thiết lập căn cứ ở khoảng cách rất gần?

 

“Tôi nghĩ có một sự tương đồng thú vị với Nam Cực. Có thể chúng ta sẽ thấy các căn cứ nghiên cứu được thành lập trên Mặt Trăng giống như tại Nam Cực,” Jill Stuart, nhà nghiên cứu chính sách và luật vũ trụ tại Trường Kinh tế London, nhận định.

 

Tuy nhiên, các quyết định cụ thể về một căn cứ Mặt Trăng mới, ví dụ như quy mô của nó là vài cây số vuông hay vài trăm cây số vuông, có thể phụ thuộc vào việc ai đến đó trước.

 

“Chắc chắn sẽ có lợi thế cho người đi trước,” bà Jill Stuart nói.

 

“Vì vậy, nếu một người có thể đến đó trước và dựng căn cứ, thì người đó có thể thiết lập phạm vi hoạt động của mình. Điều đó không có nghĩa là người đó sở hữu khu vực đó, nhưng họ có thể chiếm giữ không gian đó,” bà nói tiếp.

 

Hiện nay, những người đầu tiên nhiều khả năng là Mỹ hoặc Trung Quốc, điều này sẽ tạo thêm một sự cạnh tranh mới vào mối quan hệ vốn đã căng thẳng. Họ có thể sẽ thiết lập tiêu chuẩn - các quy tắc do bên nào đến đó trước tiên tạo dựng và chúng có thể sẽ là các quy tắc tồn tại lâu dài.

 

Dù tất cả những điều này nghe hơi tạm bợ, một số chuyên gia về vũ trụ nói với BBC rằng khó có khả năng chúng ta sẽ thấy một hiệp ước không gian quốc tế lớn khác.

 

Các quy tắc về việc nên làm và không nên làm trong hoạt động thám hiểm Mặt Trăng nhiều khả năng sẽ được giải quyết thông qua các bản ghi nhớ hoặc quy tắc ứng xử mới.

 

Có nhiều điều bị đe dọa trong cuộc đua này. Mặt Trăng luôn là bạn đồng hành với nhân loại. Chúng ta ngắm Mặt Trăng khi tròn khi khuyết qua từng thời điểm.

 

Nhưng khi cuộc đua vũ trụ mới này đang diễn ra, chúng ta cần bắt đầu suy nghĩ về việc mình muốn Mặt Trăng trở thành nơi như thế nào - và liệu nó có nguy cơ trở thành đấu trường tái hiện các cuộc cạnh tranh khốc liệt của Trái Đất hay không.

 

-----------------

Tin liên quan

·         

Mặt Trăng chỉ là 'bước đệm' cho tham vọng vũ trụ của Trung Quốc

13 tháng 5 năm 2024

·         

Tàu Trung Quốc đáp xuống Mặt Trăng, ý nghĩa như thế nào?

2 tháng 6 năm 2024

·         

Cuộc đua tranh Mỹ-Trung thúc đẩy đầu tư vào công nghệ không gian

26 tháng 9 năm 2023






No comments:

Post a Comment

View My Stats