Friday 10 May 2024

HỌ BẮT TREO CỜ TỔ QUỐC KHÔNG PHẢI VÌ YÊU NƯỚC, THƯƠNG DÂN    (Quốc Anh / Facebook)

 



HỌ BẮT TREO CỜ TỔ QUỐC KHÔNG PHẢI VÌ YÊU NƯỚC, THƯƠNG DÂN   

Quốc Anh

10-5-2024  14:28    

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02odccEbMkJpzUm7AHE8KUhgMeqvbjTfTnu6AuQ1GwqY8V7XEFb5xtv9FUmUmh83r1l&id=100011269695886 

 

Năm đó tôi mới lấy vợ, nhà đông anh em nên hai vợ chồng chỉ ở với ông, bà một tháng rồi ra ở riêng.

 

Căn nhà chúng tôi thuê nằm ngay mặt ngõ, trước cửa nhà có một cái máy nước công cộng, suốt ngày nước chảy vì cái vòi nước là của công chẳng ai chịu sửa, chịu thay và tạo ra một vũng nước tù hôi thối, nhớp nháp.

 

Hồi đầu thấy vậy, tôi mua vòi mới về thay, nhưng chỉ được một hai ngày nó lại hỏng, lại gãy. Thay vài ba lần cũng nản, nhà mình thuê không sống được đi thuê chỗ khác.

 

Ở hơn một tháng, anh công an Phường là người đầu tiên trong chính quyền đến thăm hỏi.

Anh xem giấy tờ tuỳ thân, hộ khẩu, hợp đồng thuê nhà, sau cùng anh nói về tình hình an ninh trật tự xã hội của Phường, anh ấy bảo:

 

- Phường mình toàn dân lao động, tứ xứ về đây trú ngụ rất phức tạp, nhiều thành phần tệ nạn. Công an phường vất vả, phải làm đêm ngày nên UB phường có kêu gọi đóng góp bồi dưỡng cho công an phường, mỗi tháng một hộ 30 nghìn, cả năm 360 nghìn.

 

Tôi chỉ nhớ rằng, lúc đó mừng đám cưới chỉ có một trăm nghìn, đám ma 20 nghìn, so với bây giờ cũng là đáng kể.

 

Mùa Xuân đi qua, mùa hạ lại đến.

 

Vợ tôi đem tất cả quần áo mùa đông ra phơi, để cất. Lúc ấy gia sản chỉ có một bộ comple may hồi cưới, mỗi người có cái áo da cũ, vài cái áo len, vợ có thêm cái áo lông. Chỉ sơ suất một tý lúc ăn trưa, tất cả chúng đều biến mất.

 

Tôi lên công an Phường trình báo. Anh công an Phường ngồi nghe, chẳng ghi biên bản gì cả, nói:

 

- Ông về đi, chiều tôi sẽ cử người xuống, tài sản của mình thì phải giữ, Phường này trộm cắp đông như quân Nguyên.

 

Tôi bỏ cả làm, đợi công an phường, đợi mãi đến hết cả đêm, rồi đến mấy ngày sau chẳng thấy gì. Vợ tôi xót xa, và ấm ức:

 

- Mình đóng tiền đủ thứ cho phường, đi báo mất cắp lại bảo phải tự mà trông giữ, thế mà lúc nào cũng lải nhải lo cho dân được bình yên.

 

Người thứ hai của chính quyền đến thăm là ông bí thư đảng ủy phường, và bà tổ trưởng dân phố.

 

Ông Bí thư hỏi han cặn kẽ, thân tình về gia cảnh nhà tôi. Thấy ông niềm nở tôi hỏi:

 

- Ông ơi, nhà nước có chủ trương bỏ máy nước công cộng sao Phường không bỏ đi, vừa lãng phí nước, mất vệ sinh, mất trật tự. Cháu thấy cả thành phố chỉ còn mỗi cái máy nước này.

 

Ông Bí thư bảo:

 

- Chủ trương như thế, nhưng dân ở đây nghèo, còn mấy chục hộ không có tiền để đưa nước vào tận nhà, bỏ đi họ sống sao được. Ngân sách thành phố có cho đồng nào đâu.

 

Tôi nói liều:

 

- Xây trụ sở to như thế làm gì? Bỏ bớt các khoản chi cho đoàn thanh niên, phụ nữ, Mặt Trận Tổ Quốc.. là làm được.

 

Bà Tổ trưởng giờ mới lên tiếng:

 

- Anh mới về đừng nói linh tinh, việc nào phải ra việc đó, chính quyền ta là một hệ thống chính trị, bỏ bớt là thế nào. Nhân tiện đây, tôi đưa cho anh xem các khoản đóng góp của mỗi hộ, lúc nào dỗi sang nhà tôi nộp. Còn điều nữa tôi nhắc, ngày lễ anh nhớ phải treo cờ. Phường, quận đi kiểm tra mà không treo, tổ ta mất điểm thi đua là không được đâu.

 

Ngày 2/9 sắp đến, vợ tôi bảo ra mua cờ treo lên, tôi ấm ức không muốn làm và bảo vợ: Cứ để đấy anh lo.

 

Chiều 30/8 bà tổ trưởng đi qua nhắc:

 

- Nhà anh treo cờ lên nhé.

 

Tôi vâng, dạ cho xong.

 

Chiều 31/8 một đoàn đông lắm, tôi chỉ biết mấy người.

 

Họ đứng trước cửa nhà tôi chỉ trỏ, bà tổ trưởng chạy vào gọi tôi ra ngoài cửa.

 

Đứng trước đám đông, một ông nhìn rất oai vệ chỉ mặt tôi nói:

 

- Nhà anh sao không treo cờ? Anh ở nơi khác đến đây thuê nhà càng phải chấp hành chủ trương, chính sách của chính quyền chứ.

 

Tôi lại vâng, dạ cho xong.

 

Vợ tôi đêm hôm ấy buồn bực, nói:

 

- Anh ra mua cờ, treo lên cho nó xong, dỗi hơi mà chống họ cho mệt, mua rắc rối vào người.

 

Tôi bảo:

 

- Phải vỗ cho họ một cái vào mặt, chỗ này không ổn mình thuê chỗ khác, tức không thể chịu được. Dân đóng góp không thiếu một xu, mà việc gì họ cũng như là bố người ta.

 

Vợ tôi thở dài: Ở đâu cũng bầu trời này thôi.

 

Đúng như tôi phán đoán, mấy tuần sau một đoàn chính quyền đông lắm, đến nhà tôi. Theo như giới thiệu thì Đảng, Chính, Công, Thanh đủ cả.

 

Bà tổ trưởng “nổ” trước:

 

- Tại sao ý thức công dân, lòng tin vào Đảng, chính quyền của anh kém thế, có cái chuyện treo cờ Tổ Quốc mà anh cũng không làm. Hôm nay, anh trả lời trước chính quyền cho mọi người được biết về thái độ chính trị của gia đình anh.

 

Một ông thêm vào:

 

- Ý thức kém, sống không có tổ chức, cộng đồng.

 

Hai vợ chồng tôi như bị đấu tố.

 

Tôi bình tĩnh, bắt đầu tấn công:

 

- Trước tiên cháu mời các ông, các bà, các anh, các chị uống nước. Sau cháu xin thưa chuyện như thế này.

 

Các ông, các bà, anh chị nhìn ra trước cửa nhà cháu thấy nó thế nào?

 

Một Vũng nước tù hôi thối, cái máy nước chảy suốt ngày đêm chắc chục năm rồi, nếu tính lượng nước lãng phí có thể làm được đường ống nước sạch cung cấp cho tất cả các hộ trong phường.

 

Cái máy nước này là nơi ô uế vô cùng, mất vệ sinh, mất trật tự của những loại người cặn bạ, cùng cực dừng chân lấy nước .

 

Đêm đến anh xích lô ghé qua, cô bán hoa ghé lại.

 

Mùa hè, hàng chục hộ chầu trực lấy nước, tranh dành cãi vã, đánh chửi nhau chỉ vài xô nước, bao nhiêu thứ bẩn thỉu, thối nát đê tiện đều đổ ra ở đây.

 

Cháu xin hỏi:

 

- Cờ tổ quốc có thể treo ở nơi như thế này không ạ. Cháu biết bị nhắc nhiều lần là không tốt, nhưng để các cấp chính quyền tự suy nghĩ, tìm hiểu, tại sao cháu chống? Chẳng ai muốn nghe dân, thấy nỗi khổ của dân, lo cho dân, chỉ bắt dân tuân lệnh.

 

Hôm nay trước đông đảo ban, ngành đoàn thể, chính quyền cháu tuyên bố, không bao giờ cháu treo cờ Tổ Quốc ở nơi ô tạp, bẩn thỉu như thế này. Cháu đề nghị chính quyền Phường chấp hành chủ trương bỏ máy nước công cộng của thành phố.

 

Mấy tháng sau, chiếc máy nước công cộng được bỏ đi.

 

Vợ tôi cười :

- Bố mày thế mà cũng gớm nhỉ, thôi đi mua cờ mà treo lên. Bỏ cái máy nước không khéo chủ nhà lại đòi tăng giá thuê, đừng vội vui nhé.

 

Sáng hôm sau, đang dắt xe đi làm, ông Bí thư đã đợi sẵn ở cửa tươi cười:

 

- Tôi tặng chú lá cờ, treo lên nhé.

 

Buổi chiều đi làm về lại gặp ông, ông đưa tôi chiếc cán và nói:

 

- Tôi quên mất, cho chú cái cờ mà không cho cái cán, thì treo bằng “ mắt”. Chú mà không treo họ gông cổ lại đấy.

 

HÌNH :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=2090492818003021&set=a.790360004682982

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats